VỀ
CÕI SƯƠNG MÙ
Tôi về đây với trăng sao
Chư Đăng Ya núi cao cao sương mù [1]
Về nghe gió hú thiên thu
Biển Hồ sóng vỗ mịt mờ khói sương [2]
Ngôi chùa cổ chốn vô thường
Bửu Minh thiền tự con đường thông reo [3]
Tôi là ai cứ eo sèo
Ngọc đeo chéo áo vượt đèo gian nan [4]
Tôi là ai cứ thở than
Trong nhà của báu mơ màng tìm đâu [5]
Bao năm luôn cứ u sầu
Một ngày bỗng
vượt qua cầu thênh thang
Sáng nay trời đất mênh mang
Tìm về cố quận ngỡ ngàng xiết bao
Hóa ra ngày tháng chiêm bao
Hết đời cùng tử dạt dào cõi tâm [6]
-------------------------------
Ngày 3.7.2018
Thích
Giác Tâm
Ảnh :Quoc Nguyen (núi lửa Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh - Gia Lai)
Chú thích:
[1] Núi lửa Chư Đăng Ya cách thành phố
Pleiku (Gia Lai) chừng 30km về hướng bắc, thuộc làng Plơi Iagri, xã Chư Đăng
Ya, huyện Chư Păh, cách chùa Bửu Minh khoảng 6 -7 km.
[2] Hồ T’nưng (cách viết khác là Hồ Tơ
Nuêng, hồ Tơ Nưng) hay Biển Hồ hoặc hồ Ea Nueng là một hồ nước ngọt nằm ở phía
tây bắc thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km
theo quốc lộ 14, nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng cao khoảng 800 mét so
với mực nước biển. Hồ T'nưng giáp ranh giới thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư
Păh, cách chùa Bửu Minh khoảng 2 km.
[3] Chùa Bửu Minh, thôn 1, xã Nghĩa Hưng,
huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
[4] - [5] - [6] Kinh Pháp Hoa có nói tới những viên ngọc dấu
trong áo và đứa con nghèo khổ. Có một cậu con trai con nhà giàu ham ăn chơi
phung phí tiền của mà không ý thức được cái may mắn và hạnh phúc của mình.
Người cha rất thương con nhưng không có cách gì giúp được. Ông biết trước là nó
sẽ khổ, sẽ đi tha phương cầu thực, sẽ phải đi xin ăn. Biết rằng: “đoạn trường
ai có qua cầu mới hay” nên ông ta không la mắng nó và nghĩ rằng chỉ có kinh
nghiệm khổ đau trong tương lai mới giúp nó được thôi. Ông lặng lẽ may cho nó
một cái áo. Sau khi mặc một thời gian, ông cởi áo ra đưa cho nó và nói: “Nầy
con, sau này gia tài sự sản của ba, con có thể xài hết, riêng cái aó nầy thì ba
xin con giữ lại.” Ông đã bí mật may dấu vào gấu áo một viên ngọc thật quý. Ðứa
con cũng không thích gì cái áo đó, nhưng cha đã dặn đừng bán thì nó cũng nhớ
lời và không bán làm chi cái áo không qúy giá gì lắm đó.
Sau khi người cha chết, dĩ nhiên là người
con xài phí rất nhanh cái gia tài đồ sộ của ông và đã trở nên nghèo đói, phải
đi xa tìm việc làm và nhiều lúc cơ cực không có gì để ăn. Kinh gọi đó là người
cùng tử (đứa con khốn cùng), đi cùng khắp mà vẫn không gây được sự nghiệp, cũng
không tìm được hạnh phúc. Tất cả sự nghiệp của người cha, anh ta chỉ còn giữ
chiếc áo cũ kỹ mà người cha đã căn dặn đừng bán. Có một bữa đó trời xui đất
khiến sao đó mà anh ta bỗng nhiên táy máy mân mê và khám ra viên ngọc thật quý
nằm dấu trong khâu áo rách của cha mình. Khi khám ra viên ngọc quý rồi thì đứa
con nghèo đói trở nên hết nghèo đói.