Các bậc Tổ sư
trong Thiền tông Phật giáo thường rất chú trọng vấn đề “sinh tử” và nhấn mạnh
quan điểm “sinh tử sự đại”, xem việc giải quyết vấn đề sinh tử là trọng đại nhất
trong cuộc đời. Vì thế “sinh tử” trở thành một đối tượng, một nguồn cảm hứng cho
không ít thi nhân, nhất là những thi nhân Phật giáo. Ni sư Diệu Nhân chỉ rõ sinh
tử chính là quy luật tự nhiên, người nào muốn cầu mong thoát ra khỏi quy luật
sinh, già, bịnh chết thì không khác gì tự lấy dây buộc mình. Đó là việc làm của
người còn mê muội:
Nguyên văn:
“生老病死,
自古常然。
欲求出離,
解縛添纏。
迷之求佛,
惑之求禪。
禪佛不求,
杜口無言。”
Phiên âm:
“Sinh lão bệnh tử,
Tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất ly,
Giải phược thiêm triền.
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu Thiền.
Thiền Phật bất cầu,
Đỗ khẩu vô ngôn.” (theo Thơ văn Lý Trần)
Tạm dịch nghĩa:
Sinh, già, bệnh, chết,
Vốn là lẽ thường từ xưa đến nay
Muốn cầu thoát ra khỏi,
Càng muốn cởi trói thì càng buộc thêm.
Vì mê nên cầu Phật,
Vì lầm nên cầu thiền.
Thiền Phật chẳng cầu,
Ngồi lặng im không nói chi cho phí lời.
Tạm dịch thơ:
Sinh, lão, bệnh, tử,
Vốn lẽ tự nhiên.
Muốn cầu thoát ra,
Càng trói buộc thêm.
Mê, mới cầu Phật,
Lầm, phải cầu Thiền.
Thiền, Phật chẳng cầu
Phí lời, không nói.
Trần Thánh Tông dùng hình ảnh “mây trên trời xanh” và “nước ở trong bình” để trả
lời câu hỏi về sinh diệt:
Nguyên văn
有人問我何消息
雲在青天水在瓶
Phiên âm
“Hữu nhân vấn ngã hà tiêu tức,
Vân tại thanh thiên, thủy tại bình.”
Dịch nghĩa:
Có nguời hỏi ta sinh, diệt là thế nào.
Như mây trên trời xanh và nước ở trong bình.
Dịch thơ:
Ai kẻ hỏi ta sinh với diệt.
Mây trên trời biếc, nước trong bình (theo Thơ văn Lý Trần)
Cách dùng hình tượng “mây trên trời” và “nước trong bình” để trả lời câu hỏi về
vấn đề sinh diệt, về sự sống và cái chết thật là tuyệt diệu. Theo quan niệm của
tác giả, xét ở khía cạnh hình tướng, nhìn ở mặt hiện tượng, thì sống và chết,
sinh và diệt là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau. Nhưng nhìn sâu vào thực
tính, bản thể, quan sát ở bình diện bản chất thì vốn không khác nhau. Giống như
nước, khi bốc hơi lên tạo thành mây bay lơ lửng trên bầu trời, khi mây tụ lại
thành mưa, mưa xuống, chứa đựng trong bình. Khi là mây, khi là mưa, vốn cũng chỉ
là nước mà thôi. Dưới con mắt của người trí, người đạt đạo thì sống chết, sinh
diệt chỉ là những trạng thái, hình thức biểu hiện khác nhau, nhưng bản chất
không khác.
Trong bài “Sinh tử nhàn nhi dĩ”, Tuệ Trung thượng sĩ vì thông đạt thực tướng của
sinh tử, sống chết, nên ông ung dung tự tại, xem đó chỉ là việc nhàn, việc
thường tình:
Nguyên văn chữ hán:
“心之生兮生死生,
心之滅兮生死滅。
生死元來自性空,
此幻化身亦當滅。
煩惱菩提暗消磨,
地獄天堂自枯竭。
鑊湯爐炭頓清涼,
劍樹刀山立摧折。
聲聞坐禪我無坐,
菩薩說法我實說。
生自妄生死妄死,
四大本空從何起。
莫為渴鹿趁陽燄,
東走西馳無暫已。
法身無去亦無來,
真性無非亦無是。
到家須知罷問程,
見月安能苦尋指。
愚人顛倒怖生死,
智者達官閑而已。
愚人顛倒怖生死,
智者達官閑而已。”
Phiên âm:
“Tâm chi sinh hề sinh tử sinh,
Tâm chi diệt hề sinh tử diệt.
Sinh tử nguyên lai tự tính không,
Thử huyễn hoá thân diệc đương diệt.
Phiền não Bồ-đề ám tiêu ma,
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt.
Hoạch thang lô thán đốn thanh lương,
Kiếm thu đao sơn lập tồi chiết.
Thanh văn tọa thiền ngã vô toạ,
Bồ-tát thuyết pháp ngã thực thuyết.
Sinh tự vọng sinh tử vọng tử,
Tứ đại bản không tòng hà khỉ (khởi)?
Mạc vi khát lộc sấn dương diễm,
Đông tẩu Tây trì vô tạm dĩ.
Pháp thân vô khứ diệc vô lai,
Chân tính vô phi diệc vô thị.
Đáo gia tu tri bãi vấn trình,
Kiến nguyệt an năng khổ tầm chỉ.
Ngu nhân điên đảo bố sinh tử,
Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ.
Ngu nhân điên đảo bố sinh tử,
Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ.” (theo Thơ văn Lý Trần)
Tạm dịch nghĩa:
Tâm sinh thì sống chết sinh,
Tâm diệt thì sống chết diệt.
Sống chết vốn không có tự tính,
Cái thân do huyễn ảo hóa thành này rồi cũng phải diệt.
Phiền não, Bồ-đề đều ngầm tiêu ma hết,
Địa ngục, thiên đường cũng tự khô kiệt.
Vạc dầu, lò lửa bỗng trở nên mát mẻ,
Rừng gươm, núi đao lập tức đổ gãy.
Thanh văn ngồi thiền, ta không ngồi.
Bồ-tát thuyết pháp, ta nói thực.
Sinh từ cái càn rỡ mà sinh ra, chết từ cái càn rỡ mà chết đi,
Tứ đại vốn là không thì còn từ đâu mà dấy lên được.
Đừng như con hươu khát chạy vào giữa ảo ảnh.
Chạy Đông chạy Tây không lúc nào dừng.
Pháp thân không đi cũng không lại,
Chân tính không trái cũng không phải.
Đến nhà thì nên thôi đừng hỏi đường nữa,
Thấy mặt trăng rồi sao còn vất vả đi tìm ngón tay?
Người ngu ngả nghiêng, sợ sống chết,
Bậc trí có cái nhìn thông đạt, xem sống chết là lẽ thường mà thôi.
Người ngu ngả nghiêng, sợ sống chết,
Bậc trí có cái nhìn thông đạt, xem sống chết là lẽ thường mà thôi.
Dịch thơ:
Khi tâm sinh chừ sinh tử sinh,
Khi tâm diệt chừ sinh tử diệt.
Sinh tử xưa nay tính vốn không,
Hư huyễn thân này rồi cũng hết.
Phiền não, Bồ-đề dần tiêu mòn,
Địa ngục, thiên đường tự khô kiệt.
Lò lửa, vạc dầu, chợt êm ru,
Núi kiếm, rừng dao bỗng gãy tiệt.
Thanh văn ngồi thiền ta không ngồi,
Bồ-tát nói pháp ta nói thiệt.
Sống là sống dối, chết: chết dối,
Tứ đại vốn không, từ đâu nổi?
Đừng như hươu khát rượt "bóng sông",
Chạy quàng không nghỉ, khắp Tây Đông.
Pháp thân không qua cũng không lại,
Chân tính không trái cũng không phải.
Đến nhà, thôi chớ hỏi con đường,
Thấy trăng, tìm gì ngón tay chỉ.
Người ngu, điên đảo tử và sinh,
Bậc trí, tử sinh thường thôi vậy.
Người ngu, điên đảo tử và sinh,
Bậc trí, tử sinh thường thôi vậy. (Huệ Chi dịch)
Nếu nghe ai bàn đến chuyện sinh diệt, Thiền sư Quảng Nghiêm phủ định một cách
dứt khoát. Ông cho rằng, chỉ khi nào mình đạt đến cảnh giới “vô sinh” vượt ra
ngoài sự trói buộc trong vòng sinh tử, tức là thật sự thấu suốt, biết rõ và đích
thân trải nghiệm được cảnh giới ấy, thì mới có thẩm quyền nói đến, bàn đến. Nếu
chỉ nói suông, bàn suông thì thật là vô ích, chi bằng lập chí trượng phu, hướng
thượng chân thật, tự mở ra một con đường giác ngộ đích thực.
“離寂方言寂滅去,
生無生后說無生。
男兒自有衝天志,
休向如來行處行.”
Phiên âm:
“Hưu hướng Như Lai
Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hương Như Lai hành xứ hành.”
Dịch nghĩa:
Lìa được sự ham muốn đi vào Niết-bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào Niết-bàn
Sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể bàn chuyện vô sinh
Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm
Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân của Như Lai.
Dịch thơ:
Thoát tịch diệt xong, bàn tịch diệt,
Sau vô sinh, hãy nói vô sinh.
Làm trai lập chí xông trời thẳm,
Theo gót Như Lai luống nhọc mình. (theo Thơ văn Lý Trần)
Có thể nói với những ai chưa thành tựu giác ngộ chứng quả giải thoát, thì sống
chết vẫn là một vấn đề muôn thuở của con người. Để kết thúc bài viết này, chúng
ta cùng nghe lời của Thiền sư Pháp Loa dạy bảo khi có người hỏi về lẽ sống chết:
“Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Na biên phong nguyệt cánh hoàn khoan.”
Dịch thơ:
Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,
Hơn bốn mươi năm mộng hão huyền.
Nhắn bảo các người đừng hỏi nữa,
Bên kia trăng gió thoáng vô biên.