Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
CHIA XẺ VÀ TRAO TẶNG
Nguyễn Xuân Chiến
09/11/2017 17:46 (GMT+7)


CHIA XẺ LÀ Sự SỐNG

Ảnh minh họa

Chuyện xảy ra trong vùng rừng núi giữa biên giới Campuchia và Thái Lan đã mấy chục năm rồi.

Hai người đàn ông đang lội bộ vượt qua đoạn đường dài xa và nguy hiểm để mong đến miền đất tự do. Họ vừa thoát khỏi một cuộc trấn lột của bọn cướp, người Campuchia. Chúng phục kích sẵn trong thung lũng và bắt được một toán người Việt Nam trong đó có Tuấn và Dũng. Sau khi lột sạch tất cả tiền bạc, nữ trang các thứ, chúng mới thả từng người một.

Tuấn và Dũng đành lê lết cho hết đoạn đường đã định, làm sao tới được đất Thái rồi sẽ tính. Trên vai hai người chỉ còn một cái ba-lô đựng lương khô, vì bọn cướp không cần những thứ ấy. Anh Tuấn lục lọi tất cả đống lương khô của mình và sau một phút suy nghĩ, Tuấn mới trao cho Dũng một nửa khẩu phần của mình.

Anh Dũng ngạc nhiên quá, nói:

- Đường thì xa, giữa núi rừng mênh mông như thế này làm sao tìm ra cái ăn? Anh cứ cất giữ lương khô để cầm cự cái đói, chứ sao lại cho tôi như vậy?

Tuấn nghiêm túc nói:

- Tôi không cho anh gì cả. Đó là tôi chia xẻ khẩu phần của mình, bởi vì tôi không thể đi một mình qua một quãng đường dài và xa như vậy. Đúng ra, vào giờ phút sanh tử này, anh chính là Sự Sống của tôi. Quan tâm đến kẻ khác, chính là quan tâm đến mình.

* * *

          Mấy mươi năm sau, tình cờ tác giả bài viết này gặp được cả hai người tại Saigon, Tuấn và Dũng đã trở thành bạn thân sau những tháng năm sống chết bên nhau. Qua thấu Mỹ, họ may mắn gặp lại nhau trong hoàn cảnh hết sức bất ngờ. Và họ đã kể lại cho tôi nghe mọi chuyện về cái buổi kề cận hiểm nguy và sợ hãi. Ai đã từng lạc bước giữa rừng rậm châu Á, rồi bị bọn cướp lấy đi tất cả tài sản của mình, rồi tánh mạng bị đe dọa từng mỗi phút mỗi giây, - mới thấu hiểu mọi sự - chưa kể nỗi thất vọng chán chường khi thấy càng đi hình như quãng đường càng thăm thẳm, ngút ngàn. Nghe tiếng con vật gì kêu vang khắp thung lũng cũng sợ hãi cuống cuồng. Một chút nước bẩn còn sót lại dưới đáy lon cũng chia sớt cho nhau…

          Anh Tuấn cười và nói:

          - Nếu trong cuộc đời này, mà lúc nào mình cũng sẵn sàng chia xẻ bất cứ điều gì cho bất cứ ai, thì mình sẽ là một người luôn luôn hạnh phúc!

Anh Dũng tán đồng:

- Bởi vì chia xẻ là sự sống còn. Là niềm hân hoan bất tuyệt! Các anh có đồng ý không?

          TRAO TẶNG LÀ NIỀM VUI SÂU THẲM NHẤT

          Tôi dọn nhà đến chỗ ở mới chưa được năm năm, vả lại bản tính ít giao du với ai, nên mãi đến giờ phút này tôi mới làm quen được với một người bạn tên Thuận. Gặp bác Thuận trong một hoàn cảnh rất bình thường, nhưng chúng tôi rất “tâm đầu ý hợp” và thầm tiếc rằng, hai ta gặp nhau muộn quá!

Thỉnh thoảng buổi sáng sớm, sau khi đi bộ “chống stress và lão hóa”, tôi hay ghé quán cà phê cóc nào đó không phải để nghỉ ngơi mà là để nhìn ngắm cuộc sống đang diễn ra quanh mình. Cho vui, rứa thôi!

Bỗng tôi thấy một người bán vé số đang đi tới. Những người bán vé số rất đông trong thành phố lúc nào cũng thiếu công ăn việc làm này, một lực lượng hùng hậu để phô trương sự nghèo khó và tả tơi trong xã hội luôn luôn bế tắc. Tôi định moi túi lấy vài tờ tiền lẻ thì bên cạnh tôi, có một người đàn ông lớn tuổi, rút ra một xấp phong bì mỏng, ông ta đợi người bán vé số tới gần và cung kính cúi đầu, cầm hai tay, trao tặng một phong bì vừa nói: Cảm ơn! Cảm ơn!

Kẻ nhận phong bì tức là người bán vé số đương nhiên vui mừng rỡ đón nhận và cũng lí nhí thốt tiếng cảm ơn.

Lần đầu tiên trông thấy chuyện “ngàn năm một thuở” này, tôi vô cùng ngạc nhiên. Bán vé số kiếm sống qua ngày mà cũng được tặng phong bì!

Ờ hén! Lại có cái “chuyện khó tin nhưng có thật” này, giữa cuộc đời mà ai cũng chỉ lo kiếm ăn nuôi thân cùng giúp đỡ gia đình, tại sao lại có kẻ làm việc thiện với tiếng cảm ơn luôn luôn sắp sẵn trên đầu môi!

Phải hỏi cho ra cái chuyện này. Ông ta có vẻ không phải là người điên hay ít ra cũng gàn gàn dở dở mới hành động kỳ quái như rứa!

Cũng dễ làm quen thôi, nhất là làm quen với một ông già khoảng sáu bảy mươi tuổi. Tôi xích chiếc ghế lại gần hơn và cố ý tỏ ra vui vẻ:

- Chào bác! Bác khỏe chứ?

Ông cười hiền:

- Vâng, cũng khỏe. Chào bác!

Như vậy là chúng tôi đã quen nhau. Vì không biết trình độ văn hóa của ông ta ra sao, tôi không biết phải ăn nói như thế nào để ông vừa lòng và mình có thể thâm nhập chiều sâu ở trong con người ông ta. Tôi không phải là nhân viên khai thác chuyên nghiệp, đành trở nên tịt ngòi, và ráng ngồi yên một chốc. Xong, đem tất cả can đảm của một người cao tuổi đi phỏng vấn… một người cao tuổi khác. Tôi đánh bạo nói:

- Ờ, ờ… ờ, mà bác làm từ thiện như ri đã bao lâu rồi?

Ông ta lại cười, ôi nụ cười dễ thương biết mấy – một nụ cười rất trẻ con, chẳng hề vướng víu chi hết giữa cuộc đời tang thương và khổ lụy này:

- Có chi mô. Ai noái rằng, tui làm từ thiện? Tui chỉ làm cho vui mà thôi! Nếu có ai lỡ gọi là từ thiện cũng đặng. Kệ họ chứ!

Hay quá. Sung sướng quá. Ông ta gọi tôi là “ông bạn”. Vậy thì mình càng dễ nói chuyện chứ làm răng?

- Hừm, bác gọi tui là ông bạn. Rứa thì bắt đầu từ bây giờ bác phải coi tui là bạn bè thân thiết đó nghen!

- Ừ, ủa quên, vâng thưa bác. Chúng ta là bạn, cứ nói chuyện thoải mái. Đừng ngại chi cả! Tui tên Thuận. Sáu mươi bảy tuổi. Nhà gần đây. Vợ mất sớm. Năm đứa con, ba trai hai gái. Tụi nó lớn rồi, làm ăn ở Saigon, Cai Lậy, Bình Dương. Vài đôi ba năm tụi nó mới có tiền để ra thăm. Tui ở một chắc (một mình). Mỗi tháng con cái tụi nó tom góp với nhau gởi về cho tui khoảng ba bốn triệu chi đó. Cũng vừa tạm đủ, nhưng thỉnh thoảng các bạn bè cũ ghé thăm, tụi nó có con cái giàu nên tiền bạc rủng rỉnh, thấy tui hơi khó khăn bèn biếu tặng một số tiền nhỏ. Tui mần chi ăn xài lớn mà tiêu pha, nên để dành. Bèn đem đổi ra tờ bạc giấy hai chục ngàn và bỏ vào phong bì, rồi cất vô bọc. Gặp mấy người bán vé số, tui tặng mỗi người một phong bì. Họ cảm động và vui sướng lắm. Họ vui và tui cũng vui. Không có vấn đề. Chẳng có chi quan trọng.

Tôi tò mò:

- Vậy là mỗi lần trao tặng, bác chỉ bỏ trong phong bì hai chục ngàn thôi?

- Vâng. Hai chục ngàn mà thôi. Vì tui đâu phải đại gia, vả lại tui đâu có nhiều để biếu tặng người ta số tiền kha khá đủ để họ giải quyết mọi khó khăn trong cuộc sống. Hai chục ngàn chỉ là một món quà rất mọn để cho họ vui thôi! Và mình đương nhiên là vui rồi!

- Hình như tui có nghe bác nói: “Cảm ơn…”, phải không?

- Ờ, thì mình phải nói cảm ơn tức là tri ân, chứ biết nói cái chi chừ? Nhưng phải biết ơn, vì có những người bán vé số nghèo ở đó, để chúng ta có thể giúp lấy bản thân bằng cách hiến dâng họ một ít tặng phẩm khiêm tốn, nhỏ nhoi này.

Cảm ơn ai ư? Cảm ơn những người đã nhận món quà nhỏ ấy, tức là đã trao tặng mình niềm vui được chia xẻ. Cảm ơn Ông Trời mà trong sách kêu là Thượng đế ấy mà, đã ban cho mình sự sống để mình hạnh phúc vì được trao tặng. Cảm ơn những người đã tặng tui số tiền để tui làm công việc bà lơn bà láo ni. Nói chung là cảm ơn  cuộc sống và tất cả mọi người đã nuôi tui sáu mươi bảy năm ni êm êm cùng cây cỏ, bầu trời và mặt đất…

Tôi rặn óc tìm cho ra một câu nói vừa nhẹ nhàng vừa có ý nghĩa để có thể khen ngợi việc làm của bác Thuận:

- Ồ, bác Thuận ơi! Bất cứ việc thiện nào cũng mang lại những phước đức, phải rứa chăng?

Bác Thuận bỗng nói năng như học trò đang đọc bài học thuộc lòng. Đều đặn. Tha thiết. Như chú điệu học thuộc hai thời công phu và đang trả bài cho bậc trưởng thượng:

- Không phải người nhận sẽ được phước lành, mà là Người Cho. Hãy cảm ơn họ vì bạn đã được phép thực hành năng lực nhân đức và từ bi của bạn cho thế giới và nhờ đó mà bạn trở nên thanh khiết và hoàn hảo. Mọi hành vi từ thiện đều có khuynh hướng làm cho chúng ta trở thành thanh khiết và tốt đẹp hơn rất nhiều!    

CUỐN SÁCH CỦA NGÀY XưA

Vừa yên lặng nghe bác kể lể nỗi niềm riêng tư, tôi chợt cảm nhận ra một cái gì có vẻ quen thuộc trong ngôn ngữ. Mặc dù cái giọng nói trầm ấm không thể khuất lấp nguồn tư tưởng quen thuộc mà mình đã đọc đâu đó. Những câu nói của bác Thuận hiện nằm trong tài liệu mô hè? Cuốn sách nào?     

Bác Thuận, bạn mới quen của tôi, nói chậm rãi, vừa đủ nghe, nhưng trong giọng nói bình thường của bác vẫn toát lên sự  tự tin và dí dỏm. Người viết thật không đủ văn tài để chuyển tải niềm tin yêu cuộc sống của bác Thuận qua giọng nói ấy. Khiến tôi vô cùng sung sướng như vừa phát hiện ra kho báu cất kỹ trong ngạch cửa nhà mình mà nay ngẫu nhiên moi móc tìm ra được.

Tôi hỏi:

- Nhà bác ở gần đây, nghĩa là thuộc xóm trên hay xóm dưới?

Bác Thuận nhẹ nhàng xô ghế đứng dậy trả tiền hai ly cà phê đen, rồi nói:

- Thôi! Tụi mình về. Mời anh ghé nhà tui cho biết.

Hai chúng tôi cùng đi với nhau, té ra nhà bác Thuận cách quán cà phê có vài chục bước. Nhà ở cuối cùng một cái hẻm sâu, kiểu bình dân cấp bốn nhưng xây dựng kiên cố để tránh mưa bão. Bác rút chìa khóa và mở cửa.

Một không gian sạch sẽ, thoáng mát và ngăn nắp hiển hiện ngay trước mắt, khiến tôi nghĩ rằng, bác Thuận đã chịu khó chăm sóc hàng ngày. Phòng khách rất rộng và đồ đạc an trí quy củ.

Bác nói:

- Tui ở một chắc, nên phải sắp xếp nhà cửa đàng hoàng đỡ công thu dọn. Rứa thôi!

Tôi ngó vào căn giữa, muốn biết bác thờ Phật hay không, té ra căn giữa nơi thờ tự của gia đình chỉ là căn trống trơn, dĩ nhiên là người ta đặt một cái TV đời cũ. Bác phân trần:

- Tui và cả nhà đều chẳng theo đạo nào, chỉ vì… không quan tâm đến tôn giáo mần chi. Sống như ri là được rồi!

- Bác có đọc sách chứ, bởi vì tui thấy bác ăn nói ra vẻ người có chữ nghĩa, chắc hẳn đọc sách và tìm hiểu khá nhiều.

- Vâng. Hai mươi lăm năm ni, tui chỉ đọc duy nhất một cuốn sách mà thôi. Còn mấy loại nhật báo thì không đáng kể.

Chuyện như thế này này… Tui có anh bạn thân thuộc diện H.O, trước khi qua Mỹ năm 1992, anh ta tặng tui cuốn sách mà anh ta yêu quý nhất đời. Anh ta bảo: Một cuốn sách chứa đựng tất cả yếu quyết của cuộc sống mà anh đọc hàng ngày, dường như là gối đầu giường. Xem như gia bảo thiêng liêng. Sách loại ni rất khó đọc, nhưng ở nhà một chắc, lại không có bạn bè chi, nên ban đầu tui ráng cày cục đem hết gân sức, gồng mình đọc cho đỡ buồn. Mưa dầm lâu ngày thấm đất, cho nên tui trở nên ghiền hồi mô cũng không hay. Nhiều đoạn tui thuộc lòng có thể đọc vanh vách. Tui mới thấy tại vì răng mà người bạn lại xem như là gia bảo, quý giá nhất đời! Này bác, thấy bác có vẻ ham đọc sách, để tui cho bác xem qua…

Hồi hộp và nôn nóng, tôi nín thở như kẻ tội đồ chờ xem Quý Tòa buông lời phán quyết cuối cùng:

- Tên sách là chi? Bác có thể cho tui biết đặng chăng?

Bác Thuận không có nói năng chi, lề mề đi chậm rãi vào phòng trong, lấy ra một cuốn sách cũ, nhưng vẫn còn bìa, các trang sách vẫn còn nguyên vẹn và chưa bị rách. Giấy sách đã ngả màu vàng ố, các dòng chữ in vẫn còn rõ ràng, chứng tỏ chủ nhân giữ gìn cuốn sách rất cẩn thận.

Bác đưa tôi xem. Bèn lật qua mấy trang.

A di đà Phật! Ui chao! Té ra đây là cuốn “TÔN GIÁO LÀ GÌ? Theo lời nói của Đại sư VIVEKANANDA”, Tác giả là John Yale. Dịch giả: Vương Gia Hớn. Nhà xuất bản An Tiêm, in lần thứ nhất, Saigon 1970.

Tôi mừng quá. Đúng rồi. Sách ni đây. Hèn chi bác Thuận này nói năng và hành động y như trong sách!

Đây là cuốn sách mà tôi đã đọc nhiều lần, dạo còn là chàng  thanh niên lớ ngớ giữa thế giới trăm ngàn bất trắc, và là cuốn sách đã gây ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống của một con người mới lớn, tràn đầy sức sống và thao thức. Ngoài kinh sách Phật giáo, trong rừng sách của Lá Bối, An Tiêm… tôi chỉ mến mộ cuốn này là đáng cho mình xếp vào loại cầm tay đêm ngày, chẳng dám rời xa, mặc dù chữ nghĩa và lời văn có vẻ kinh viện nên kể ra cũng hơi khó đọc.

Qua mấy lần chạy loạn, mấy lần thay đổi chỗ ở, không hiểu tại sao lại bị thất lạc đâu mất, hoặc cho mượn nhưng người ta quên trả. Sau này, tôi đã đi săn lùng ráo riết nơi những cửa hiệu sách cũ nhưng vẫn chẳng tìm ra. Bây giờ, cầm cuốn sách của bác Thuận, tôi xúc cảm như đang đi trên mây. Như gặp lại người yêu cũ sau mấy mươi năm cách biệt!

Người chủ ngày xưa của cuốn sách này có lẽ rất cẩn thận khi đọc - vì dùng ba màu xanh, đỏ và tím để gạch những đoạn hay trong sách. Đây, tôi xem một đoạn có gạch bên dưới bằng màu đỏ:

“Thế giới này không  tốt đẹp cũng không xấu xa, mỗi người có quyền tạo ra một thế giới cho riêng mình.

Nhưng chúng ta phải làm việc thiện, luôn luôn làm việc thiện bởi vì ý muốn hành thiện là nguyên động lực cao cả nhất mà chúng ta có, nếu chúng ta luôn luôn hiểu biết rằng: được giúp đỡ người khác chính là một đặc ân.

Đừng có đứng trên một bục cao và cầm năm xu trong tay và nói: “Đây này, anh bạn nghèo!”

Nhưng phải biết ơn, vì có những người nghèo đó ở để chúng ta có thể giúp lấy bản thân bằng cách hiến dâng họ một ít tặng phẩm.

Và đoạn này được gạch màu xanh, có ghi bên lề một hàng chữ nhỏ: Quá ý nghĩa!

Không phải người nhận sẽ được phước lành, mà là Người Cho. Hãy cảm ơn họ vì bạn đã được phép thực hành năng lực nhân đức và từ bi của bạn cho thế giới và nhờ đó mà bạn trở nên thanh khiết và hoàn hảo. Mọi hành vi từ thiện đều có khuynh hướng làm cho chúng ta trở thành thuần khiết và hoàn hảo.     

Giỏi nhất là chúng ta có thể làm được gì? 

Xây cất một bịnh viện, làm đường sá hoặc xây dựng cơ sở y tế. Chúng ta có thể tổ chức một cuộc lạc quyên từ thiện, và thâu góp hai ba triệu đô-la, dùng một triệu đô-la để xây cất một bệnh viện khang trang, một triệu đô-la để làm chi phí cho cuộc khánh thành: uống sâm-banh và khiêu vũ tóa lọa lọa, một triệu đô-la để cho các viên kế toán và tài vụ đánh cắp một nửa, và một nửa triệu còn lại thì phân phát cho những người neo đơn, tàn phế vân vân... Nhưng tất cả những công việc ấy sẽ nói lên điều gì?

Một trận cuồng phong trong vòng 5 phút có thể làm sụp đổ tất cả dinh thự ấy. Vậy thì chúng ta sẽ làm sao? Một ngọn núi lửa bùng nổ có thể quét tan tất cả đường sá, bịnh viện và dinh thự của chúng ta!

Còn đây, người chủ cũ đã dùng mực tím để tô đậm các dòng này: (bên lề sách, có ghi chú những dòng chữ thẳng thớm rõ ràng: Hay quá! Không thể tả được! Phải học thuộc lòng cả đoạn ni):

Chúng ta hãy từ bỏ câu chuyện điên rồ về việc hành thiện cho thế giới này. Thế giới này không bao giờ chờ đợi sự giúp đỡ của bạn hay của tôi. Nhưng chúng ta phải làm việc và luôn luôn làm điều thiện bởi vì đó là một phước lành cho chính chúng ta.  

Đây là con đường duy nhất mà nhờ đó chúng ta có thể trở nên hoàn hảo.

Không có một kẻ ăn xin nào thiếu nợ chúng ta một xu nhỏ, mà trái lại, chúng ta thiếu nợ họ tất cả mọi sự, bởi vì những người này đã cho phép chúng ta thực hành lòng từ thiện đối với họ.     

Sẽ là một sai lầm hoàn toàn nếu chúng ta tưởng rằng chúng ta đã làm việc thiện cho tất cả thế giới và chúng ta tưởng rằng chúng ta giúp đỡ thế giới! Đây là một tư tưởng điên rồ và mọi tư tưởng điên rồ đều mang lại khốn khổ. Chúng ta tưởng rằng chúng ta đã trợ giúp một người nào đó và trông mong y cảm ơn chúng ta, và nếu y không  nói cảm ơn thì chúng ta cảm thấy buồn tủi làm sao ấy!

Tại sao chúng ta lại phải trông mong sự báo đáp cho những công việc chúng ta đã làm? Hãy biết ơn những người mà bạn trợ giúp, hãy nghĩ đến họ như là đức Phật, như là Thượng đế vậy. Được phép sùng bái đức Phật bằng cách giúp đỡ những người xung quanh: đây không phải là một đặc ân thiêng liêng hay sao? Được phép sùng bái Thượng đế bằng cách mang lòng từ bi đến cho người khác: đây không phải là một đặc ân thiêng liêng hay sao?

Hãy làm việc bằng tình thương, bằng niềm tin vào đấng Thiêng liêng chứ không phải làm vì kết quả.

***

Tôi yêu thích tư tưởng này: “Hãy làm việc bằng tình thương, bằng niềm tin vào đấng Thiêng liêng chứ không phải làm vì kết quả”. Đây là minh triết cao cả nhất mà chúng ta phải học thuộc và đem ra áp dụng trong cuộc sống – mới xứng đáng Con người Minh triết!

Thấy bác Thuận ra vẻ cưng quý cuốn sách, cho nên tôi chẳng dám mượn để photocopy cho mình và cho bạn bè cùng đọc. Thôi, thời buổi như ri, ai mà thèm đọc mấy loại sách như thế này! Để đó rồi hẵng hay!

          Chuyện đời thật lắm ngẫu nhiên. Vào độ tuổi bọn tôi mà kiếm ra được một người bạn “chơi được” quả là hi hữu!

Từ ấy, chúng tôi trở thành bạn chí thiết. Ngày nào cũng gặp nhau, khi cà phê cóc, khi ghé tiệm trà, đôi lúc ra bờ sông chuyện trò, hoặc vào Cửa Chánh Tây ăn cơm chay, ăn bún chay. Rứa mà vui! Trong túi áo của bác Thuận lúc nào cũng sẵn sàng một xấp phong bì, đựng hai chục ngàn bạc thôi, cũng đủ có được niềm vui khi trao tặng.

Có lẽ tôi phải bắt chước người bạn già này, sắm sửa một mớ phong bì để có niềm vui chia xẻ và trao tặng. Đọc kinh sách cho nhiều, nhưng phải sống theo kinh sách dù chỉ vài phần thôi -  mới thật là con người đúng nghĩa minh triết!

MINH TRIẾT CỦA Sự CHIA XẺ, TRAO TẶNG

Có thể Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới có một nền minh triết sâu xa về sự chia xẻ, trao tặng, bố thí.

Nhưng, phải nói rằng, Phật giáo là tôn giáo đầu tiên và duy nhất đã dạy và giảng giải về minh triết của sự chia xẻ, trao tặng. Hơn nữa, Phật giáo đã biến minh triết ấy thành một pháp tu quan trọng nhất và cần thiết nhất trên con đường trở thành một vị Phật.

Là một đất nước vốn có rất nhiều bất công, áp bức và tàn hại lẫn nhau, nên người Ấn vô cùng đề cao sự chia xẻ, sự trao tặng và sự bố thí (cho khắp).

Giữa hiện trạng bi thảm như vậy, người tu đạo Bồ-tát phải sử dụng pháp “chia xẻ, trao tặng, bố thí ” như là rải tâm từ bi đến với cuộc đời khiến cho mọi khốn khổ, đau thương sẽ được giảm thiểu. Nơi nào ma quỷ, tối tăm, si ám tràn đầy, thì nơi đó các bậc thánh nhân, Bồ-tát xuất hiện với đủ mọi phương tiện cứu bạt khổ não.

Trong mười ba-la-mật (con đường thực hiện đạo Bồ-tát), thì chia xẻ, dâng hiến, trao tặng là ba-la-mật đầu tiên.

Chúng ta hãy đọc bài Phật Pháp Giảng Giải của Tỳ kheo Pháp Thông dịch, như sau:

“Bồ Tát là một vị Phật đang thành, và như vậy Bồ Tát là một chúng sanh đang thực hành, trải qua một giai đoạn không thể tính kể được của chu kỳ thế gian, để đạt đến mức độ cao tột của sự thành tựu về đạo đức, tri thức và tâm linh. Là một vị Bồ Tát, trong mỗi kiếp tái sanh, vị ấy thực hành 10 pháp ba la mật (Pàramì), đây là điều kiện tiên khởi dành cho một vị Bồ Tát.

“Chúng ta không nên nghĩ rằng lý tưởng Bồ Tát này chỉ dành cho những con người phi thường. Điều gì người khác làm được, chúng ta cũng có thể làm được nếu chúng ta nỗ lực và nhiệt tâm cần thiết. Chúng ta cần cố gắng làm việc một cách vô tư vì lợi ích của bản thân cũng như lợi ích của tha nhân. Như vậy, chúng ta đã có mục đích trong cuộc đời này - có lý tưởng cao quý để phục vụ và hoàn thiện mình”.

Kinh điển có ghi:

"Các vị vua Chuyển Luân thường trị nước bằng vương pháp, trong đó chia xẻ, trao tặng, bố thí được nêu trước tiên nên đời sống dân chúng an lành, những hình phạt không cần dùng đến"...

"Về sau các hậu duệ của vua Chuyển Luân Vương không còn thực hành pháp chia xẻ, trao tặng, bố thí, thế là trộm cắp khởi lên, rồi hình phạt được thiết lập, sát sanh hình thành, nói dối hiện khởi..."

Việc thực hành chia xẻ, trao tặng, bố thí (dana) hay cho, tặng được cho là một trong những đức hạnh căn bản nhất. Mặc dù đức hạnh này không phải là một phần của Bát Chánh Đạo hay một điều kiện tiên quyết để đưa đến giác ngộ, nhưng đức hạnh này chiếm một vị trí rất quan trọng và cao đẹp trong giáo lý của Đức Phật, là nơi xuất phát của con đường giải thoát. Đối với những người mới đến học đạo, Đức Phật thường giảng giải về những đức hạnh trong đó có đức hạnhchia xẻ, trao tặng, bố thí (danakatha). Chỉ sau khi người đó đánh giá cao, cảm phục sự cao đẹp của đức hạnh này, thì Phật mới thuyết giảng về những đề tài khác của giáo lý. “Cho đi” hay “chia xẻ, trao tặng, bố thí” là đức hạnh đầu tiên trong 10 hạnh Ba-la-mật mà Đức Phật đã phải hoàn thiện. Trong 10 căn bản hay nền tảng của hành động công đức, “chia xẻ, trao tặng, bố thí” cũng là nền tảng đầu tiên mà những người  làm công đức phải nên thực hành trước.

Vì vậy, nếu đường đi đến giác ngộ là vô cùng công phu, thì việc đầu tiên một người cần phải làm là thực hành hạnh chia xẻ, dâng hiến, ban tặng. Vì sao? Đơn giản vì đây là vũ khí sắc bén để chiến đấu với lòng “Tham lam”, một trong những phẩm chất bất thiện tạo ra đau khổ trùng trùng cho chúng ta!.

Đức Phật đã luôn luôn dạy rằng:

"Này các tỳ-kheo, trong cuộc sống này, một người biết chia xẻ, dâng hiến, ban tặng, sẽ có ba hạnh phúc. Ba hạnh phúc ấy là gì? Trước khi chia xẻ, dâng hiến, ban tặng, tâm người ấy cảm thấy hạnh phúc. Trong khi chia xẻ, dâng hiến, ban tặng, tâm người ấy cảm thấy an lạc. Và sau khi chia xẻ, dâng hiến, ban tặng, tâm người ấy cảm thấy rất hân hoan." (Anguttara, 6.37)

Trong các thứ chia xẻ, trao tặng – chia xẻ và trao tặng Chánh Pháp là cao quý nhất. Vì vậy,Đức Phật đã dạy về Pháp Cúng Dường, phẩm Phổ Hiền Bồ-tát hạnh nguyện, như sau:

Thiện nam tử! Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sanh để cúng dường, chịu khổ thế cho chúng sanh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường, siêng năng tu tập căn lành để cúng dường, không bỏ hạnh Bồ Tát để cúng dường, chẳng rời tâm Bồ Đề để cúng dường.

Thiện nam tử! Như vô lượng công đức của sự cúng dường trước kia sánh với một niệm công đức của pháp cúng dường, thời không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn, cu chi na do tha, một phần ca la, một phần toán, một phần số, một phần dụ, cũng chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà. Vì sao? Vì các đức Như Lai tôn trọng chánh pháp. Vì theo đúng như lời Phật dạy mà tu hành thì hay sanh ra các đức Phật. Nếu các Bồ Tát thật hành pháp cúng dường thì trọn nên sự cúng dường Phật. Tu hành như vậy mới thật là cúng dường. Nên pháp cúng dường là sự cúng dường rất rộng lớn hơn tất cả. Cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự cúng dường của tôi mới cùng tận, nhưng cõi hư không cho đến phiền não chẳng cùng tận, nên sự cúng dường của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân, khẩu, ý nghiệp không hề nhàm mỏi.

          CHIA XẺ CÁI GÌ? TRAO TẶNG CÁI GÌ?

          Một hôm trưởng lão Ca Diếp hành hóa trong thành Vương Xá, thấy một bà già ăn mày ốm yếu nằm rên rỉ bên vệ đuờng. Ngài đến gần hỏi rằng:

- Này lão bà! Nhìn tình cảnh lão bà, tôi rất lấy làm đau xót. Theo tôi nghĩ, sở dĩ có tình cảnh như thế này là vì kiếp trước lão bà quá keo lẫn không chịu bỏ đồng xu nào bố thí cho ai. Tôi đây là đệ tử của Phật, là ruộng phước của nhân gian. Rất mong lão bà bố thí cho tôi chút đỉnh thức ăn, tôi xin nhường lại lão bà tất cả các món phước điền của tôi để kiếp sau lão bà thoát khỏi cảnh khốn cùng này.

- Bạch tôn giả, bà già khóc đáp. Tôi rất cảm thông tấm lòng ưu ái của tôn giả vì muốn cứu tôi nên mới xin tôi thức ăn. Nhưng xin thú thật với tôn giả rằng từ ba hôm nay, tôi vẫn chưa hề có hột cơm nào trong bụng. Hiện tôi chỉ có chút ít nước mả đã nặng mùi của người ta đem đổ mà tôi dành lại được. Chả lẽ đem nước mả heo chê ấy cúng dường tôn giả?

- Có quan hệ gì đâu! Ca Diếp đáp. Tôi đây chính là Đại Ca Diếp bán giàu mua nghèo này. Vì mục đích mua nghèo, tôi rất sung sướng được tiếp thọ sự cúng dường của lão bà.

Bà già cảm động, hai tay run run dâng lên bình nước mả. Ca Diếp đón lấy và uống ngay trước mặt bà lão.

Ca Diếp chuyên lo việc khuyến thiện và nhiếp phục người bằng những hành vi ưu ái thực tế. Không một hành vi nhỏ nhặt nào của ngài mà không thể hiện lòng từ bi rộng lớn và không nhằm xoa dịu đau khổ cho thế gian. Vì vậy ngài đến đâu là được quần chúng ở đấy kính mến tôn trọng. Xung quanh thân ngài như có hào quang rực chiếu, thu hút hết mọi ánh sáng khác, cho nên tên ngài còn được gọi là Ẩm Quang (uống ánh sáng). (trích cuốn Đức Phật và Thánh Chúng, tác giả Cao Hữu Đính)

          Đọc câu chuyện này, ta mới hiểu rõ rằng: Mọi người dù nghèo nàn, cùng khốn đến đâu, cũng có thể chia xẻ cho người khác bằng những tài sản gần gũi và tầm thường nhất của mình.

Vấn đề là ta dám thành tâm chia xẻ, dâng hiến, trao tặng cho kẻ khác không?

CHIA XẺ Nụ CƯỜI, BAN TẶNG Nụ CƯỜI

“Một ngày không có tiếng cười là một ngày lãng phí”   (Charlie Chaplin)

 Hãy đếm cuộc đời bạn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt. ( John Lennon)

          Đối với nhiều người, cuộc sống là u buồn, căng thẳng, cho nên họ rất ít khi mỉm cười, hoặc họ không bao giờ cười. Chúng ta có thể nói: những người ấy là những kẻ tội nghiệp nhất trầm gian vì nghèo khó đến nỗi không thể ban tặng một nụ cười!

            Điều đầu tiên để chia xẻ - đó là chia xẻ nụ cười, ban tặng nụ cười, vừa thiết thực vừa chẳng tốn kém đồng bạc cắc nào!

Ai mà chẳng muốn cười, ai mà chẳng muốn sống vui - nhưng cười làm sao được khi lòng ta còn chập choạng, tù mù giữa sợ hãi, tham lam - khiến chúng ta chỉ nhìn thấy cuộc sống quá vật vã, căng thẳng. Bất cứ khi nào, chúng ta cũng sẵn sàng trên đầu môi mấy câu: Tôi đang bận quá! Tôi đang lo lắng ghê! Tôi không có thì giờ! Tôi bận giải quyết mấy việc này. Tôi mần răng mà rảnh cho đặng!.

Chính những câu nói ấy đã vô tình giết chết chúng ta dần mòn, và nhất là chúng ta đánh mất nụ cười hồi nào chẳng hay! Và hãy cười với hết cả tâm hồn mình để trao tặng cho cuộc sống những nụ cười. Bởi lẽ, chẳng ai giàu đến mức không cần một nụ cười, cũng chẳng ai nghèo đến độ không có được một nụ cười để tặng trao. Và hãy cười nụ cười của trẻ thơ: không tính toán, không mưu mô thủ đoạn, nhưng yêu đời yêu người, thảnh thơi, tươi vui và bình yên.

Dường như ít ai nhận ra rằng, trong cuộc sống “nụ cười” cũng cần thiết như là thực phẩm, tiện nghi vậy. Thiếu cơm gạo, tiện nghi, thì con người sẽ ốm yếu, xanh xao, còi cọc. Chắc chắn rồi. Nhưng, thiếu nụ cười thì con người không những không thể lớn lên nổi mà còn chết dần mòn trong ao tù cuộc sống và trong lao ngục tiện nghi vật chất mà thôi. Cho nên chúng ta phải sẵn sàng chia xẻ, dâng hiến, trao tặng một thứ rất dễ kiếm, đó là nụ cười!

CHIA XẺ VÀ TRAO TẶNG TÌNH THưƠNG

Mẹ tôi thường đố: “Phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể?”

Ngày nhỏ, tôi cho rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên tai là bộ phận quan trọng nhất. Mẹ lắc đầu:

“Không phải thế. Có rất nhiều người bị điếc trên thế giới này, mà vẫn tham gia mọi sinh hoạt xã hội rất tốt, con ạ. Nhưng con cứ tiếp tục suy nghĩ về câu đố, sau này mẹ sẽ hỏi lại con.”

Vài năm sau, tôi cho rằng hình ảnh là quan trọng nhất, vì thế, vì thế mắt  chính là bộ phận mà mẹ muốn đố tôi. Mẹ lại nhìn tôi âu yếm và nói:

- “Con đã học được nhiều đấy, nhưng câu trả lời của con chưa đúng bởi vì vẫn còn rất nhiều người bị mù mà vẫn sống vui vẻ.”

Đã bao lần và lần nào cũng vậy, mẹ đều trả lời tôi: “Không đúng. Nhưng con đang tiến bộ rất nhanh, con yêu của mẹ.”

Rồi năm ngoái, ông nội tôi mất. Mọi người đều khóc vì thương tiếc ông. Ba tôi cũng khóc. Đây là lần thứ hai tôi thấy ba khóc. Khi đến lượt tôi và mẹ đến cạnh ông để nói lời vĩnh biệt, mẹ nhìn tôi thì thầm: ”Con đã tìm ra câu trả lời chưa?”

Tôi như bị sốc khi mẹ đem chuyện đó ra hỏi tôi lúc này. Tôi luôn nghĩ đó chỉ đơn giản là một trò chơi giữa hai mẹ con. Nhìn vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, mẹ liền bảo:

- “Con trai ạ, phần quan trọng nhất trên cơ thể con, chính là cái vai!

Tôi hỏi:

- Có phải vì cái vai nâng đỡ được cái đầu không, hở mẹ?

Mẹ lắc đầu:

- Không phải thế, bởi vì đó là nơi người thân của con có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một cái vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một cái vai để con có thể ngả đầu vào”.

Từ đó, tôi hiểu rằng, phần quan trọng nhất của con người không phải là phần “ích kỷ”, mà là một phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác.

Cảm thông tức là chia xẻ, dâng hiến, trao tặng tình yêu thương! Khi các bạn chìa bờ vai ra cho một người nào đó nương tựa giữa cơn đau khổ ngất trời – tức là bạn đang chia xẻ, dâng hiến và trao tặng tình yêu thương! Có lẽ không cần nói chi cả. Hãy chìa bờ vai ra và chia xẻ yêu thương!

(bài viết của HƯƠNG GIANG trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật)

NHữNG THứ ĐỂ CHIA XẺ, TRAO TẶNG

Bất cứ vật nào ở trong thân và ngoài thân, đều có thể chia xẻ, dâng hiến, trao tặng cho người khác.

Từ một lời nói đúng lúc, từ một nụ cười, một lời khen vô tư, từ vài đồng tiền lẻ, có thể chia xẻ và dâng hiến, trao tặng người khác. Hoặc chỗ ở qua đêm, xe cộ, áo quần… cho đến kiến thức, an ủi, săn sóc, lắng nghe, thời gian, công việc… đều có thể chia xẻ, dâng hiến, trao tặng cho những người cần đến.

* * *

Ngài Vivekananda, một đạo sư Ấn Độ nói:

Chia xẻ, trao tặng và giúp đỡ kẻ khác về phương diện vật chất, bằng cách làm cho họ không còn thiếu thốn về vật chất nữa, đó là một việc làm cao cả. Nhưng sự chia xẻ, trao tặng càng cao cả hơn tùy theo sự thiếu thốn càng to tát hơn và tùy theo sự chia xẻ có ảnh hưởng sâu xa hơn. Nếu sự thiếu thốn của y được trừ khử trong một năm, thì đó là một sự giúp đỡ lớn lao hơn; nhưng nếu thiếu thốn của y được trừ khử vĩnh viễn, thì chắc chắn đó là sự giúp đỡ to tát nhứt mà y có thể nhận được.

        Tri thức tâm linh là điều duy nhứt có thể hủy diệt tận gốc những khốn khổ của chúng ta, bất cứ tri thức nào khác chỉ thỏa mãn thiếu thốn trong một thời gian thôi. Chỉ có nhờ tri thức của tâm linh mà căn nguyên của thiếu thốn mới bị tiêu diệt vĩnh viễn, vì thế giúp đỡ con người về phương diện tâm linh là sự giúp đỡ to tát nhứt có thể ban cho hắn. Kẻ nào cho con người tri thức tâm linh là ân nhân vĩ đại nhứt của nhân loại, và vì thế chúng ta luôn luôn nhận thấy những kẻ nào giúp con người về thiếu thốn tâm linh là những kẻ có nhiều quyền năng nhứt, vởi vì chất liệu tâm linh là nền tảng chân chính của mọi sinh hoạt. Một người dũng mãnh và kiện toàn về tâm linh sẽ dũng mãnh về mọi phương diện khác, nếu y muốn thế. Nếu chưa có mãnh lực tâm linh trong con người thì dầu là những phong phú vật chất cũng chưa có thể được thỏa mãn đầy đủ.

Kế tiếp theo sự giúp đỡ về tâm linh là sự giúp đỡ về tinh thần. Tặng phẩm về tri thức tâm linh là một tặng phẩm cao cả hơn tặng phẩm về thực phẩm và y phục nhiều, nó còn cao cả hơn là ban sự sống cho một người, bởi vì sự sống chân thật của con người cốt tại tri thức. Ngu muội là chết, tri thức tâm linh là sống. Đời sống có một giá trị rất nhỏ nhen nếu là một đời sống trong bóng tối, sờ sẫm trong ngu muội và khốn khổ.

        Vì thế khi xem xét vấn đề chia xẻ và trợ giúp kẻ khác, chúng ta phải luôn luôn cố gắng đừng lầm lẫn tưởng rằng giúp đỡ vật chất là sự giúp đỡ duy nhứt mà chúng ta có thể cho được. Nó chẳng những là thứ sau chót mà còn là thứ thấp kém nhứt, vì nó không đem lại thỏa mãn trường cửu. 

Thế thì sự giúp đỡ nào có khuynh hướng làm cho chúng ta cường kiện về tâm linh là sự giúp đỡ cao cả nhứt; kế đó là sự giúp đỡ tinh thần và sau cùng là sự giúp đỡ về vật chất.

        Những khốn khổ của thế gian không thể trị liệu được chỉ bằng sự trợ giúp vật chất thôi. Trừ phi bản chất con người thay đổi, những thiếu thốn vật chất đó bao giờ cũng còn xảy ra và con ngừơi sẽ còn luôn luôn cảm giác khốn khổ, và không có số lượng trợ giúp vật chất nào có thể trị liệu chúng nó hoàn toàn được. Giải pháp duy nhứt cho vấn đề nầy là làm cho nhân loại trở nên thanh khiết. Ngu muội là mẹ đẻ của mọi hung ác và mọi khốn khổ mà chúng ta thấy.

Hãy để cho con người được ánh sáng, hãy để cho mọi người trở nên thanh khiết, mạnh mẽ về tâm linh và có học thức; chỉ lúc đó thôi, chớ không thể trước được, khốn khổ sẽ chấm dứt ở thế gian nầy. Chúng ta có thể biến đổi mỗi gian nhà trong xứ thành trại phước thiện; chúng ta có thể xây cất bịnh viện đầy khắp nơi; nhưng khốn khổ của con người sẽ còn tiếp tục tồn tại cho đến lúc nào phẩm tính con người thay đổi.

CHIA XẺ CHO AI? TRAO TẶNG CHO AI?

          Vấn đề bây giờ là: Chúng tôi đồng ý là, sống thì phải biết chia xẻ hoặc trao tặng. Nhưng, chia xẻ cho ai? Trao tặng cho ai?

          Ai là người “ưu tiên số 1”, và ai là kẻ “ưu tiên chót bẹt”?

          Ai?

Câu trả lời của Kahlil Gibran là:

Các ngươi thường nói: “Tôi sẽ cho, nhưng chỉ cho những kẻ xứng đáng thôi.”

Cây cối trong vườn các ngươi không nói thế.

Gia súc trong đồng các ngươi cũng không nói thế.

Chúng cho để được sống, vì giữ lại là hư mất. 

Thường thường tất cả ai ai cũng đều nói như vậy. Tôi sẽ trao tặng hay chia xẻ nhưng chỉ dành cho kẻ xứng đáng, những người có tu hành nghiêm chỉnh, những người đạo đức đầy mình và những người tài hoa, đóng góp cho đất nước, anh hùng liệt sĩ… vân vân.

Nhưng, Kahlil Gibran nói thật rằng, cây cối khi quả chín thì phải dâng hiến cho người ta ngắt hái, gia súc khi bình sữa đã căng phồng thì cũng phải trao tặng cho người ta vắt lấy sữa. Vì sao?Chúng cho để được sống, vì giữ lại là hư mất.

Kahlil Gibran là ai?

Là thi sĩ tâm linh của xứ Liban nằm giữa Á và Âu, Kahlil Gibran mang một thông điệp đến cho mọi người khắp nơi: đại đồng, hòa đồng tôn giáo, hạnh phúc tự nhiên, huynh đệ giữa con người, và tình yêu vượt cái chết.

Thông điệp đã truyền tự ngàn xưa nhưng chữ nghĩa nhiều khi đã cũ mòn vì ngoài sự lãng quên còn có sự đàn áp của chính trị và lừa dối của tôn giáo.

Khi cất lên tiếng hát mới, Kahlil Gibran bị giáo hội trục xuất và chính quyền lưu đày, lang thang suốt nửa địa cầu từ Anh sang Mỹ, con người bị quê hương hắt hủi đó tồn hợp thơ và đạo của cả Đông và Tây để thành một Tagore của văn chương Ả Rập, một Dante của Thế kỷ Hai Mươi và một bậc thầy bất tử của nhân loại.

Gần ba mươi năm trời Kahlil Gibran âm thầm ghi lại những suy tư dạt dào mà sau này người ta gom lại in thành cả chục pho. Được dịch ra Anh ngữ, sách của ông thành Thánh kinh và tác giả thành đấng Tiên tri, bậc tôn sư và người bạn thân thiết của hàng triệu người thuộc mọi quốc gia, mọi tín ngưỡng.

Cuốn Mật khải (THE PROPHET) là danh tác của Kahlil Gibran từ năm 1923 tới nay đã được ấn hành cả trăm lần, MẬT KHẢI là ngọn đuốc được thắp bằng Sự thật và Tình yêu để soi sáng những vấn đề muôn thuở, của cuộc đời mà mỗi người phải sống và nghĩ, phải hỏi và đáp cho chính mình và cho tất cả. (Phạm Bích Thuỷ)

Vì đề tài của bút ký này là: sự chia xẻ, trao tặng – nên chúng tôi chỉ giới thiệu bài SỰ CHO trích trongcuốn Mật khải (THE PROPHET) danh tác của Kahlil Gibran. Việt dịch: Phạm Bích Thuỷ, Saigon 1970. Mời các bạn đọc và thưởng thức toàn bài:

SỰ CHO

Có một ông nhà giàu thưa: Xin Ngài hãy nói về Sự Cho.

Người đáp:

Các ngươi cho rất ít khi đem cho những vật mà các ngươi sở hữu.

Đem cho bản thân, ấy mới thật là cho.

Vì vật các ngươi sở hữu là chi, ngoài những thứ các ngươi cất giữ và canh gác kỹ lưỡng sợ ngày mai sẽ cần đến chúng ?

Và ngày mai, ngày mai sẽ đem gì đến cho con chó quá thận trọng chôn những khúc xương trong bãi cát không dấu vết, khi theo  bước chân những người hành hương đến đất thánh?

Và sợ thiếu thốn là chi, hay đó chính là sự thiếu thốn?

Há chẳng phải sợ khát khi giếng các ngươi đầy là cơn khát không sao dập tắt được?        

Có những kẻ cho rất ít trong số lượng nhiều mà họ có, họ cho để được chú ý, và lòng tham muốn thầm kín ấy đã biến tặng phẩm họ thành bất toàn hảo.

Lại có những kẻ sở hữu rất ít và đem cho tất cả. Đấy là những kẻ tin tưởng vào đời sống cùng sự sung mãn của đời sống, thế nhưng rương họ chẳng bao giờ rỗng.

Có những kẻ cho với niềm vui,

và niềm vui ấy là phần thưởng của họ.

Có những kẻ cho với đớn đau,

và nỗi đớn đau ấy là lễ rửa tội của họ.

Lại có những kẻ cho mà không biết đến đớn đau khi cho, họ cũng chẳng tìm kiếm niềm vui, cũng không cho với chủ tâm làm điều tốt.

Họ cho như dưới thung lũng kia, cây mộc dược tỏa hương trong không gian. Qua bàn tay những kẻ ấy, đấng Chí Tôn lên tiếng, và từ sau mắt họ, Ngài mỉm cười trên trái đất.

Cho khi được hỏi xin thì rất quý, nhưng tốt hơn nên cho chẳng đợi xin, cho qua cảm thông.

Và với bàn tay mở rộng, sự tìm kiếm người sẽ nhận chính là một niềm vui lớn hơn cả sự cho.

Có vật chi các ngươi nên giữ lại chăng ?

Tất cả những gì các ngươi có, một ngày kia sẽ được cho đi.

Vậy hãy đem cho ngay từ bây giờ, để mùa cho là của các ngươi, chứ chẳng phải là của những kẻ thừa kế các ngươi.

Các ngươi thường nói :”Tôi sẽ cho,  nhưng chỉ cho những kẻ xứng đáng thôi.”

Cây cối trong vườn các ngươi không nói thế.

Gia súc trong đồng các ngươi cũng không nói thế.

Chúng cho để được sống, vì giữ lại là hư mất.

Chắc chắn những kẻ đã xứng đáng sống trên đời, hẳn cũng  xứng đáng nhận mọi thứ khác nơi các ngươi.

Và kẻ đã xứng đáng uống từ biển đời, hẳn xứng đáng múc đầy chén hắn trong suối nhỏ các ngươi.

Còn sa mạc nào lớn hơn sa mạc nằm trong lòng can đảm và tin cậy, trong chính cả lòng từ thiện của sự nhận?

Và các ngươi là ai để người ta phải xé lòng lột bỏ kiêu hãnh cho các ngươi thấy giá trị họ trần truồng và kiêu hãnh họ không bối rối?

Trước hết, hãy gắng tự xứng làm một kẻ cho, và một dụng cụ của sự cho.

Vì thật ra, đó chỉ là đời sống trả lại cho đời sống, trong khi các ngươi cứ ngỡ mình là người cho,  té ra chỉ là nhân chứng!

Và hỡi những kẻ nhận vì tất cả các ngươi đều là những kẻ nhận!

Chớ gánh lấy sự ghi ơn nào kẻo các ngươi đặt ách lên chính bản thân và trên kẻ cho.

Tốt hơn, hãy đứng cùng kẻ cho trên tặng phẩm hắn như trên đôi cánh.

Vì quá băn khoăn về món nợ các ngươi, tức là nghi ngờ lượng rộng mà Mẹ là lòng đất bao dung và Cha là đấng vô lượng quyền năng của kẻ cho.

          * * *

Khi cuốn Mật Khải được xuất bản lần đầu tiên tại Saigon tháng Giêng năm 1969. Sau đó vài tuần lễ, chúng tôi rảo khắp thủ đô Saigon đi đâu cũng gặp các thanh niên, thiếu nữ tay cầm cuốn sách này. Lên xe buýt, lên xe lam, đi qua bến đò Thủ Thiêm hoặc lai rai về Chợ Lớn, Gò Vấp… tôi gặp rất nhiều kẻ lạ đang cầm trong tay, hoặc bàn tán huyên thiên về những đề tài trong cuốn Mật Khải (THE PROPHET) danh tác của Kahlil Gibran. Để biết sức cuốn hút của thi ca, nghệ thuật và nhất là minh triết tâm linh, đã có ảnh hưởng lớn rộng như thế nào. Sách mỏng, chỉ chừng hơn một trăm trang, nhưng những ai muốn đọc và hiểu hết thì phải để dành ra trọn cả cuộc đời.

Bài viết này dài quá, xin các bạn cho phép ngừng lại. Cảm ơn quý bạn đã đọc tới ngang đây!

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật

Nam mô A di đà Phật…

Nguyễn Xuân Chiến
(Thư Viện Hoa Sen)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang