Cụ Nguyễn Du đã bắc một nhịp cầu hoằng dương lãng đãng khắp
cõi nhân sinh. Những sợi tơ vương trên chiếc cầu treo lơ lửng
giữa dòng trường lưu đầu nguồn quê cũ, mà Tường Linh xót buổi
vời trông, “Tôi muốn về Trung Phước giữa mùa ngô – Thăm quê ngoại Đại Bườm cam đỏ ối”.
Cái chất thi sĩ đồng quê chơn thật đến tận cùng, tuyệt cú,
ngọt lịm phù sa. Chẳng cần níu áo kéo chân cho trăm mùa đất
dậy ngô khoai, vàng cam ngây ngất. Từ buổi ra đi, rồi rong ruổi
đường về, trời đất cũng mang mang triều Minh Gia Tĩnh mà các
anh, để “Đoạn trường là số thế nào- bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia”.
Trong cuộc tương giao sinh tồn ấy bày ra cái trận ngũ hành
phân liệt, vịnh vào, biến dịch, trùng lai, xót xa đến thế! Tôi
cũng đã quay về từ cõi lang thang, đêm tịch nhiên, mơ hồ giữa
căn nhà hoang lạnh nhấp nháy ngàn sao, tưởng chừng như dâu bể
mấy bận tương phùng. Dù mai kia có đi hết cõi phù sinh cùng
trời cuối đất, rồi cũng quay về gọi gió Linh Sơn giữa dòng
Pháp giới, như Bùi Giáng hẹn Ta về ngóng lại dư vang- Rồi mai
ly biệt lên đàng nhớ nhung. Không có hữu thể nào mà không ly
biệt, vui đùa trên cái thành trì phù du hoa cỏ! Ngôi nhà mẹ tôi
để lại từ vạn đại rêu phong, từ nguyên sơ đến giá lạnh muôn
trùng. Phải rồi- nơi này, chốn nọ, cố quận, đường xưa, buổi
ấy, hôm nay và những bước mai kia. Ôi tiếng chim gù ngoài bờ tre
se gió. Có ai lắng nghe những tiếng âm thầm vọng về từ cát
bụi, từ hương bưởi, hương cau, hương bẽ bàng sầu riêng của thời
mật ngọt. Rồi cũng như Tạ Ký ra đi để gửi Sầu ở lại bên bờ
phù dung héo hắt, để giọt nắng chiều phai úa trên bờ lau lách
chốn “Đèo le chia nửa chiều tà – Khói sương Đông Phú, nhạt nhòa Tây Viên”.
Ai ở bên này, ai đứng bên kia. Đông đèo le, Tây đèo le mơ về
chốn xưa mà “các anh đi ngày ấy đã lâu rồi” để cho “lưng đèo quán gió chiều không quán chiều”.
Ra đi rồi lại quay về, lẩn quẩn loanh quanh trong cái vòng tồn
vong của một đời gõ nhịp vô ngôn. Một thời như hạt cát đã lăn
trôi để đo lòng hoang mạc. Sự khởi nguyên là sự khởi nguyên, nó
chẳng ảnh hưởng gì đến con đường đang sống trong khoảng thời
gian quy định, mà “Đèo Le, Trung Phước,Cà Tang-Đại Bường, Phường
Rạnh, Hòn Ngang…đợi người”. Những nơi này chốn nọ còn in dấu
chân phiêu bồng của những Bùi Giáng, Tạ Ký,Tường Linh, không lẽ
“Chợt có những lúc hai chân dừng một lượt- người ở đâu?
Xưa chính chỗ này…Chợt có lúc lên đường, tôi dừng lại- ngó ngu
ngơ…Xưa chính chỗ này”. Bùi Giáng bảo chính là chỗ ấy.
Chính chỗ này, chỗ đầu nguồn nguyên sơ. Nơi ra đi rồi chở về
trăm năm lãnh hội, còn sót lại những đầu khe, ngọn suối, lãng
đãng những chiếc lá vàng xao xác dấu chân xưa khiến một Lâm
Anh đành “Lội qua con suối đầu ngày- Thấy bàn chân nhảy ra
ngoài bìa sông- Thấy em như trốn lén lòng -Níu chân tôi lại đầu
dòng nguyên sơ”.
Cố quận. Phải chăng là chỗ đầu dòng trường lưu miên viễn,
nơi nọ chốn kia trong cõi mang mang thiên địa cùng khắp thức tâm
diệu ảo này. Cố quận. Còn nguyên một màu cổ sơ thê thiết “Em về thưa với Đại Bường- Rằng tôi sinh ở Đại Bường khi xưa”.
Chấm nhân sinh ấy đã nhuộm vàng trên cánh thời gian hữu hạn,
đã trở mình xao xác như hạt cát vô tình lang thang trên giang hà
cố quận. Về Đại Bường là trở về trong vong than trước ảo
hóa của vũ trụ, trở về với ta ngậm ngùi, với em sương phụ,
với giấc mơ ngun ngút khói mây, với giọt mưa nghìn thu ở lại.