Thi ca trong Thiền học và Thiền học trong Thi
ca, Thơ và Thiền đã hòa quyện vào nhau để trở thành những bản nhạc còn
vang muôn thuở. Khác hẳn với khúc Tiêu tương dạ vũ, Tuệ Trung Thượng Sĩ
“xăm xăm một mạch đi vào đời mà không ngại ngùng e sợ”. Thơ Thiền phóng
khoáng bởi vì Thiền sư sống đời sống vô ngại.
Thời đại Lý - Trần
là thời cực thịnh của Thiền học Việt Nam, thời đại này xuất hiện nhiều
vị Thiền sư nổi tiếng như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân
Tông, Mãn Giác Thiền Sư, Không Lộ Thiền Sư, Huyền Quang, Pháp Loa...
các Thiền sư đồng thời là những nhà thơ. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một
giai đoạn nào văn học được nổi bật hơn thời Lý- Trần.
Thơ và Thiền đã hòa nhập vào nhau tạo nên sự tự tại trong cách sống
và phóng khoáng trong lối sáng tác. Mọi danh lợi quyền tước đều đã bỏ
lại sau lưng, những bước đi thênh thang giữa đất trời lồng lộng đã tạo
nên khúc Phóng Cuồng Ngâm.
Thiên địa diêu vọng hề hà mang mang
Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương,
Hoặc cao cao hề vân chi sơn
Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương.
Cơ tắc xan hề hòa la phạn,
Khốn tắc miên hề hà hữu hương
Hứng thời suy hề vô khổng địch,
Tĩnh xứ phần hề giải thoát hương...
Đất
trời không giới hạn bước tiêu dao của Thiền sư, vui với non xanh nước
biếc khi tâm đã hoàn toàn tĩnh lặng đối với trần cảnh. Khác với những
khúc thống ẩm cuồng ca của lữ khách đày đọa kiếp phong trần, Tuệ Trung
Thượng Sĩ đã thể hiện cuộc sống giải thoát trong hiện tại, khi đến non
cao để hưởng cảnh thanh u tịch mặc, khi về biển rộng để cùng hòa nhịp
với sóng cồn hùng tráng, đói thì ăn, mệt thì ngủ. Lúc hứng thì thổi sáo
vô âm, khúc nhạc của chính tâm hồn, lúc tĩnh tọa thắp lên nén hương giải
thoát.
Quyện tiểu phại hề hoan hỷ địa
Khát bão xuyết hề tiêu dao thang,
Quy sơn tác lân hề mục thủy cổ
Tạ Tam đồng chu hề ca Thương Lang.
“Nhọc
chút chừ nghỉ đất hoan hỷ. Khát uống no chừ thang tiêu dao.” Sự hoan hỷ
mới đúng là thật địa cho mỗi chúng ta nghỉ khi những gánh nặng của cuộc
đời đè nén lên tâm thức. Những bước tiêu dao, hóa giải những nỗi khổ
nhọc của tâm hồn, sự thực tập Thiền quán nuôi dưỡng con người trong
những tháng ngày mệt lử trên đường vạn lý cõi Ta Bà. Ngài Quy Sơn Linh
Hựu thường lấy hình ảnh con trâu để hướng dẫn Thiền cho chúng đệ tử, mỗi
hành giả là mỗi mục đồng, tâm là con trâu cần được điều phục.
Khi
Ngài Quy Sơn Linh Hựu tịch rồi,học trò của Ngài là Đại An nói: “Đại An ở
núi Quy ba mươi năm, ăn cơm núi Quy, đại tiện núi Quy, mà không học
Thiền núi Quy, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ
liền lôi nó lại. Nếu ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó.
Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con trâu
trắng đứng hiện trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi”. Tuệ
Trung Thượng Sĩ nói cùng với Quy Sơn chăn châu, nghĩa là cùng đi trên
Thiền lộ, tuy kẻ trước người sau cách nhau vài thế kỷ vẫn có thể gặp
nhau. Cho nên Tuệ Trung Thương Sĩ cũng có thể ngồi chung thuyền với Tạ
Tam Lang. Tạ Tam Lang tức là Tông nhất Thiền sư Pháp danh là Sư Bị ở
Huyền Sa, thường gọi là Huyền Sa Sư Bị, lúc Ngài tuổi trẻ thường có thú
vui câu cá, đến khi phát tâm xuất gia cầu giải thoát, liền bỏ thuyền
câu, lên núi tu hành. Về sau ngộ đạo, nổi tiếng là đức hạnh và trí tuệ.
Trong những tháng năm du hóa, Ngài thường dạo trên sông Hán Thủy. Nên,
Tuệ Trung Thượng Sĩ nói về khúc hát Thương Lang, tức là một khúc hát của
ông chài, nhưng lại nói lên thú tiêu dao của những người xuất trần
thượng sĩ.
Ngoài ra, Thương lang còn là tên của một đoạn sông Hán
Thủy. Những vị Thiền sư đã tiêu dao trên dòng sông sinh tử, và đã cùng
nhau hát khúc thương lang, sống thanh thản trên những đợt sóng ngầm của
cuộc đời.
Đốt đốt phù vân hề phú quý,
Hô hô quá khích hề niên quang
Hồ vi hề quan đồ hiểm trở
Phả nại hề thế thái viên lương.
Thâm tắc lệ hề thiển tắc yết,
Dụng tắc hành hề, xả tắc tàng.
Phóng tứ đại hề mạc bả tróc,
Liễu nhất sinh hề hưu bôn mang
Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở,
Sinh tử tương bức hề ư ngã hà phương.
Phú
quý chỉ là đám phù vân, tháng năm như bóng ngựa qua cửa sổ. Tất cả đều
theo một quy luật ngàn đời không hề thay đổi, đó là sinh thành dị diệt,
tất cả có tụ rồi sẽ tán, có thành rồi sẽ hoại.
Biết rõ điều đó,
Thiền sư không còn bận tâm đối với thế sự. Con người cứ mãi mê lặn hụp
trong sự tranh giành hơn thua danh lợi, không biết rằng cuộc đời vô
thường, ba vạn sáu ngàn ngày là mấy mà phải đồ vương định bá để gây đau
khổ cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Đường danh lợi là
con đường tủi nhục.
“Đi càn chừ, đường quan hiểm trở
Chịu sao chừ ấm lạnh tình đời”
Thật gian truân cho những người còn vướng vòng danh lợi, càng đi càng nguy hiểm, càng đi càng đau khổ.
Trong
sự tranh danh đoạt lợi, con người không từ chối một thủ đoạn nào, không
bỏ qua một tội ác nào, và quên đi tất cả những đạo lý mà Thánh Hiền đã
nói. Bởi vậy, mà Vương Duy, một vị quan thời thịnh Đường, đỗ tiến sĩ và
làm quan đến chức Thượng Thư Hữu Thừa cũng than rằng:
“Chước tửu dữ quân, quân tự khoan,
Nhân tình phiên phúc tợ ba lan,
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan”...
Vương
Duy rót rượu cho bạn và khuyên bạn đừng buồn, lòng người như sóng nước
mà thôi. Nhân tình thế thái là vậy, lòng người thay trắng đổi đen là
chuyện thường tình, người bạn tâm giao đã bổ kiếm vào đầu nhau chỉ vì
một chút danh lợi. Tương tự như vậy, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng đã cảm
thấy ngao ngán tình đời, nên đã sớm từ bỏ con đường hoa gấm để tiêu dao
ngày tháng với sông nước hải hồ. Nhưng không phải bi quan, Tuệ Trung
Thượng Sĩ vẫn có một lối nhập thế, đó là tùy duyên hóa độ. “Sâu thì xắn,
cạn thì vén. Cần thì làm, không thì ẩn”. Tư tưởng thật khoan dung phóng
khoáng, cứ mặc cho lòng người đen bạc, cứ tùy thời mà xử thế, không nên
có thành kiến hoặc câu chấp.
Buông bốn đại, không cần nắm bắt,
Tỉnh một đời, dừng bước bôn ba.
Người
đời đau khổ vì sự lụi tàn của tứ đại, cũng như sự mất mát của những gì
họ cho là ngã sở. Bởi chấp vào thân nên mới khổ vì thân, chấp vào ngã
nên phiền não không cùng. Nên khi buông bỏ sự chấp trước vào tứ đại, thì
tâm không còn lưu luyến với sự còn, mất, vui, buồn... Dù sống trong
cuộc đời xuôi ngược nhưng vẫn tỉnh táo vì Thiền sư đã đứng lên trên cuộc
đời.
Thỏa nguyện ta chừ vui sở thích
Sống chết bây giờ có ngại chi
Sống
giữa cõi Ta Bà mấy ai được sở nguyện, chỉ có những vị Thiền sư, đến vì
bản nguyện và đi trong bản nguyện, cho nên trong lúc hành hóa cũng là
vui thú dạo chơi trong cõi đời ô trược nhưng không vướng bụi hồng. Sống
an vui giữa trời cao biển rộng, ra vào ba cõi nhẹ nhàng tợ mây trôi.
Thượng Sĩ đã làm chủ được sự sống và chết, nẻo đi về đã mở rộng thênh
thang.
Bên bước tiêu dao ngạo nghễ giữa cuộc thăng trầm của Tuệ
Trung Thượng Sĩ, còn có Trần Nhân Tông trầm tĩnh thanh cao. Ngài là vị
Tổ Sư khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, hiệu là Giác Hoàng Điều Ngự.
Ngài là con đầu của Trần Thánh Tông, lên ngôi năm 1279, niên hiệu là
Thiệu Bảo.
Đối với thế gian, Ngài là một vị vua tài ba, đã cùng
cha (Hoàng Thượng Trần Thánh Tông) lãnh đạo triều đình đề giữ gìn đất
nước trong những cuộc xâm lăng của quân Nguyên và đã giành những chiến
công lừng lẫy làm rạng rỡ đất Đại Việt.
Là người nổi tiếng khoan
hòa nhân ái nên được mọi người kính phục và mến mộ. Đối với sự nghiệp
văn hóa, Trần Nhân Tông là một nhà thơ xuất sắc có phong cách riêng, là
vị Tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm.
Từ sự hành Thiền sâu sắc
đi đến sự phóng khoáng trong đời sống tâm linh, và tiếp xúc với thế sự
bằng tinh thần lạc quan, điều này đã giúp Trần Nhân Tông trở thành một
nhà nghệ sĩ đồng thời là một Thiền sư sống tự tại thảnh thơi. Thơ của
Trần Nhân Tông vừa mang tính cách của một học giả uyên bác, vừa mang
tính dân dã. Cho nên, thơ của Trần Nhân Tông dễ đi vào cảm xúc của lòng
người. Bài “Nguyệt” của Trần Nhân Tông nói lên tính lãng mạn trong thơ.
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình dạ khí hư,
Thụy khởi châm thanh vô mích xứ,
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.
Dịch:
Đèn song chếch bóng, sách đầy giường,
Đêm vắng, sân thu lác đác sương,
Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết,
Trên cành hoa quế, nguyệt lồng sương.
Đêm
đã về khuya, người nghệ sĩ thường có những cảm hứng thi ca, ngồi bên
ngọn đèn chếch bóng, thả hồn theo ánh trăng trong sân thu lác đác sương.
Phải có một tâm hồn hết sức thư thái mới có thể có được trạng thái này.
Mặc dù ở trong thế gian, hằng ngày lo việc quốc gia, nhưng bây giờ hãy
gác thế sự lại một bên để thưởng thức cảnh thái bình trong đêm thu thanh
vắng. Vẳng nghe tiếng chày đồng vọng quê hương, không phải là tiếng
chày như tất cả những tiếng chày bình thường mà là tiếng chày tự trong
tâm thức. Trong đêm khuya mới có dịp tiếp xúc thực sự với quê hương,
thấy quê hương sao mà gần gũi quá, và chính quê hương mới là nhịp sống
của mỗi con người. Làm sao quên được chùm hoa quế thơm ngát đầu vườn với
mảnh trăng non mới mọc, một hình ảnh thật nên thơ.
Như tất cả
các nhà thơ, Trần Nhân Tông cũng có những hoài niệm xa xôi qua Thiên
Trường Vãn Vọng. Ngay từ đề thơ đã tạo cho chúng ta một cảm giác thật là
thơ. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, phủ Thiên Trường đời nhà Lý là phủ
Hải Thanh, đến đời Trần Thánh Tông mới đổi là Thiên Trường, đây là nơi
phát tích họ Trần, Nhà Trần khi lập được ngôi vua, có xây hành cung ở đó
và hàng năm về thăm để tỏ ý không quên nguồn gốc. Cũng trong một dịp về
quê, Trần Nhân Tông đã đứng ngắm nhìn quê hương trong khói lam chiều.
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên,
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.
Dịch:
Xóm trước thôn sau tựa khói lồng
Bóng chiều như có lại như không,
Mục đồng thổi sáo, trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
Quang
cảnh quê hương mờ ảo trong sương tạo cho lòng người biết bao cảm xúc,
vãn vọng những nỗi hoài cổ của thời cha ông gây dựng cơ đồ. Cảnh vật như
bức tranh thủy mặc đã khơi cho tác giả những cảm hứng vô cùng sâu đậm
đối với tình cảm quê hương. Tất cả nửa như có, nửa như không, ẩn hiện
trong không gian chìm lắng. Điều đó đã diễn tả một tâm hồn tĩnh lặng đối
với không gian và thời gian, nếu một tâm hồn xao động theo thế sự thì
không bao giờ có những cảm hứng đối với cảnh vật xung quanh, dù đó là
một cảnh thật thơ mộng. Ở đây, tác giả đã gạt bỏ những nỗi buồn vui nhân
thế để hòa mình vào sự cô tịch thanh u của hiện tại. Hoàng hôn buông
xuống theo tiếng sáo mục đồng, từng đôi cò trắng xuống đồng tìm nơi ẩn
trú, vạn vật như trở về chốn cũ để lại sự yên tĩnh cho ánh tà dương còn
đọng lại trên miền hoang dã. Thơ và Thiền đã gặp nhau trên tâm hồn thanh
thoát và tĩnh lặng.
Thơ của Trần Nhân Tông thể hiện tính cách
của một Thiền sư hơn là một vị vua hay là một nhà chính trị. Từ khi còn ở
ngôi vua, Trần Nhân Tông đã có những bài thơ nói lên đời sống hướng đến
tâm linh nhiều hơn nói về thế sự.
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi,
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Chỉ bạng lan can khán thúy vi.
Dịch:
Chim nhởn nhơ kêu liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay,
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.
Xuân
trong thơ của Trần Nhân Tông không khác gì xuân trong cửa Thiền. Tinh
thần nhập thế của Trần Nhân Tông được thể hiện qua bài Cư Trần Lạc Đạo
Phú bằng chữ Nôm, tuy ở giữa chốn hồng trần nhưng tâm không dính bụi,
ngồi trong phồn hoa phố thị mà vẫn bình thản như nhiên:
“Mình ở thành thị,
Nết dụng sơn lâm,
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính,
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý,
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm,
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý,
Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vừng xanh, soi một chỗ Thiền hà lai láng,
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.”...
Tâm
an nhiên không còn bị vướng mắc trong xa hoa phú quý, ngồi tự tại nghe
yến hót oanh ngâm. Tiêu dao với nước biếc non xanh, thấy sự hiện hữu
nhiệm mầu, sáng bừng tuệ nhật.
Thơ của Trần Nhân Tông mang đậm
hương vị của Thiền, những năm chưa xuất gia, Ngài đã là một người am
tường về Thiền học, nên những khi hành quân gìn giữ non sông, Ngài vẫn
thể hiện tính trầm tĩnh của một Thiền giả. Khi xuất gia hành đạo, Trần
Nhân Tông đã du hóa khắp nơi để giảng dạy về Giáo lý cũng như hướng dẫn
mọi người thực tập Thiền quán, cuối cùng Ngài dừng chân ở Trúc Lâm Yên
Tử và trở thành vị Tổ thứ nhất của dòng Thiền Trúc Lâm. Sau khi Trần
Nhân Tông thị tịch, Thiền sư Pháp Loa đã kế nghiệp Ngài, làm vị Tổ thứ
hai của dòng Thiền Trúc Lâm.
Thiền sư Pháp Loa là người uyên thâm
Thiền học, đồng thời có tài tổ chức các hoạt động Phật giáo thời bấy
giờ, Ngài đã có công khai sáng viện Quỳnh Lâm và tu sửa nhiều tu viện
khác. Ngài thường được vua Trần Anh Tông mời giảng kinh Pháp Hoa, kinh
Viên Giác, Tuyết Đậu Ngữ Lục, Đại Tuệ Ngữ Lục và Thượng Sĩ Ngữ Lục của
Tuệ Trung Thượng Sĩ và Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục của Trần Nhân Tông.
Ngài ít sáng tác thơ, nhưng hiện giờ vẫn còn ba bài: Nhập tục luyến
thanh sơn, Thị tịch và bài Tán Tuệ Trung Thượng Sĩ, tất cả các thơ và
văn của Ngài chủ yếu nói về Thiền học. Khi Ngài thị tịch đã để lại bài
kệ:
Vạn duyên tuyệt đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập niên dư vọng ảo gian,
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Ná biên phong nguyệt cánh hoàn khoan.
Dịch:
Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,
Hơn bốn mươi năm những hão huyền,
Nhắn bảo các người đừng gạn gỏi,
Bên kia trăng gió rộng vô biên.
Sợi
tơ vương vấn trong lao tù chấp ngã giờ đây đã cắt đứt, đi-về trong ba
cõi đâu còn ngăn ngại. Thiền sư đã thể nhập đạo lý mầu nhiệm của sự
sống, Ngài đã dạy các đệ tử của mình rằng hãy sống và tiếp xúc với thực
tại chứ đừng bao giờ đặt những nghi vấn về sự mất còn, suy thịnh... Vũ
trụ sẵn sàng đón nhận chúng ta, và chúng ta sẽ có những bước thảnh thơi
nếu tất cả những mối nghi ngờ đều lắng xuống. Đất trời lồng lộng là nhà,
ba cõi là quê hương và tất cả chúng sanh là bằng hữu, tất cả các pháp
là trò ảo hóa, có gì để vướng mắc và khổ lụy.
Thời đại Lý Trần là
thời hoàng kim của văn học Việt Nam và xuất hiện nhiều cao nhân trong
Thiền uyển. Bởi vậy, văn học Lý Trần khác xa văn thơ đời Nhà Đường. Văn
đời Lý Trần là lối văn biền ngẫu, lãng mạn nhưng rất oai hùng và mang
đậm màu sắc của Thiền học. Nền văn học Lý Trần là nền văn học mới vùng
lên từ ách nô lệ, cho nên mang đủ khí phách của những tâm hồn hùng
tráng, đồng thời Thiền học là yếu tố quan trọng để nền văn học đó cất
cánh bay cao, vượt lên trên những lối lãng mạn của khách phong trần thế
tục đời Đường. Lý Bạch tài ba, sống lãng mạn bất cần thế sự, lãng mạn
đến độ ngông cuồng, cái lãng mạn đó chỉ đủ can đảm để lao mình ôm trăng
và quên đi những nỗi buồn thống khổ. Trăng trong thơ của Lý Bạch nói
riêng và Trăng trong thơ Đường nói chung là một màu trăng ảm đạm, là ánh
trăng phủ kín sương mờ, Trăng đẹp, nhưng Trăng đắm chìm trong hoài cổ,
Trăng khát vọng mơ hồ. Ngược lại, Trăng trong thơ của Trần Nhân Tông là
Trăng vô sự chiếu người vô sự. Trăng trong thơ Lý-Trần là ánh trăng Lăng
Già chiếu thuyền Bát Nhã.
Tất cả đều gác lại sau lưng để mở ra một bầu trời tự tại. 1
Thích Thái Không - Phật Giáo Việt Nam