ĐỌC THƠ: BÀI HỌC LỊCH SỬ
Khuya rằm Trung Thu năm Mậu Tuất, Nha Trang có một trận mưa tầm tả. Sau cơn mưa, ngồi bên chén trà tôi được thưởng thức một bài thơ thích thú.
Trước tiên thích thú vì nội dung:
Đưa chuyện đời vào thơ một cách nhẹ nhàng mà duyên dáng.
Khổ thơ đầu:
Lịch sử không bao giờ ngủ quên
Được nhắc lại hằng ngày trong từng khu phố
Được gợi lên trong những di sản cổ
Và cả trên bảng hiệu con đường....
Là hiện tượng trước mắt gồm cả xưa và nay, để rồi đi vào
Khổ thơ thứ hai:
Chiến tranh đã đi qua còn lại đây những vết thương
Ông dắt cháu đi xem ảnh hình chiến tích
Coi lại những dĩ vãng một thời hiềm khích
Độc lập tự do được đổi lấy từ máu xương.
Với một nhận xét riêng tư mà khái quát. Câu chuyện ông cháu ẩn hiện trong:
Hai khổ thơ sau:
Cháu hiểu lịch sử qua câu chuyện văn chương
Còn ông học lịch sử bằng tuổi đời, nhiều cách.....
Với tình yêu tổ quốc ông chưa bao giờ làm khách
Biết nhận ra chân ngụy giữa cuộc đời.
Trong bảo tàng cháu đùa vui như một cuộc chơi
Ông trầm ngâm với ảnh hình kẻ còn người mất
Quyền lực vinh hoa hưng suy chỉ trong gang tất
Rốt cuộc rồi chỉ còn lại sự mất mát xót thương.
Là nhân sinh quan của cuộc đời.
Và khổ thơ cuối:
Trong cổ viện, bảo tàng ông hiểu sâu hai chữ vô thường
Ứng dụng lời Phật dạy đừng bao giờ đem cất
Ông rồi sẽ từ giã cuộc chơi, và không bao giờ làm người hành khất
Sẽ là người giàu có trong di sản tâm linh.
Cô đọng tư tưởng Phật gia. Đây thật là tấm lòng của một nhà sư nhập thế.
Bài thơ gởi gắm nhiều tâm sự. Người đọc nhận nhiều gợi cảm hơn lý luận.
Thứ đến là thể thơ.
Là một thành công về thi pháp. Từ các thể lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, trong tác phẩm: "Tuyển tập thơ Thích Giác Tâm" tác giả đã dùng thể thơ tự do (số từ trong câu không hạn định) để diễn tả một suy tưởng có tính thời sự nhưng quan trọng.
Ngay từ khổ thơ đầu:
Lịch sử không bao giờ ngủ quên
Được nhắc lại hằng ngày trong từng khu phố
Hai câu khởi đầu này bình dị mà êm đềm như một lời chuyện trò giữa hai ông cháu, để chuyển đến hai câu sau như một kết luận triết lý:
Được gợi lên trong những di sản cổ
Và cả trên bản hiệu con đường…
Lời thơ mà như một lời trò chuyện. Nó nối tiếp suốt ba khổ thơ sau để nghe ông dạy cháu. Nhưng không dám dạy cuộc đời. Rồi đến khổ cuối với những dòng thơ:
Trong cổ viện, bảo tàng ông hiểu sâu hai chữ vô thường.
Ứng dụng lời Phật dạy đừng bao giờ đem cất
Lời nói của một sư ông khuyên dạy cháu về giáo lý nhà chùa.
Ông sẽ từ giả cuộc chơi và không bao giờ làm người hành khất
Sẽ là người giàu có trong di sản tâm linh
Và lời nguyện của một nhà thơ mang trọn vẹn tâm hồn Phật giáo.
Đây là một suy ngẫm về lịch sử
Một suy tưởng mang tính chất tôn giáo
Một suy tư vào đời
Và một tự biết về vô thường.
Nha Trang, trung thu 2018
QUÁCH GIAO [1]
----------------------------------------
Nguyên văn bài thơ trong "Tuyển tập thơ Thích Giác Tâm"
BÀI HỌC LỊCH SỬ [2]
Lịch sử không bao giờ ngủ quên
Được nhắc lại hằng ngày trong từng khu phố
Được gợi lên trong những di sản cổ
Và cả trên bảng hiệu con đường....
Chiến tranh đã đi qua còn lại đây những vết thương
Ông dắt cháu đi xem ảnh hình chiến tích
Coi lại những dĩ vãng một thời hiềm khích
Độc lập tự do được đổi lấy từ máu xương.
Cháu hiểu lịch sử qua câu chuyện văn chương
Còn ông học lịch sử bằng tuổi đời, nhiều cách.....
Với tình yêu tổ quốc ông chưa bao giờ làm khách
Biết nhận ra chân ngụy giữa cuộc đời.
Trong bảo tàng cháu đùa vui như một cuộc chơi
Ông trầm ngâm với ảnh hình kẻ còn người mất
Quyền lực vinh hoa hưng suy chỉ trong gang tất
Rốt cuộc rồi chỉ còn lại sự mất mát xót thương.
Trong cổ viện, bảo tàng ông hiểu sâu hai chữ vô thường
Ứng dụng lời Phật dạy đừng bao giờ đem cất
Ông rồi sẽ từ giã cuộc chơi, và không bao giờ làm người hành khất
Sẽ là người giàu có trong di sản tâm linh .
Gia Lai, ngày 22.10.2017
Thích Giác Tâm.
Chú thích:
[1] Nhà văn Quách Giao là trưởng tử của nhà thơ Quách Tấn.
Trong nhóm thơ "bàn thành tứ hữu" 1936 -1945, nổi tiếng ở Quy Nhơn-Bình Định gồm có: Nhà thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn. Nhà văn Quách Giao hiện sống và sáng tác tại Nha Trang, ông sinh năm 1934, tính tuổi âm lịch hiện nay ông 85 tuổi.
[2] Có lần tác giả tham quan Tháp chàm, bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, có lần thăm Dinh Độc Lập (Dinh Thống Nhất) ở TP. Hồ Chí Minh, Lăng tẩm đền đài cố đô Huế.... có thấy những người cha, những người ông, dắt con, dắt cháu giới thiệu về lịch sử. Tác giả có chút suy ngẫm về lịch sử và bài thơ có mặt.