Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Về xứ hoa đào…
21/03/2011 21:56 (GMT+7)

Tôi còn dõi theo cao độ, vận tốc, nhiệt độ bên ngoài bên trong … các thứ. Làm như tôi chỉ cần sơ sẩy chút xíu, lơ đễnh chút xíu là có chuyện không hay! Tôi đã từng coi nhiều bộ phim mô tả chuyện máy bay rớt giữa vùng tuyết giá, giữa biển  khơi . Cho nên phải nghe kỹ người ta hướng dẫn cách thở oxy qua mặt nạ, cách mặc áo phao, thổi còi…  Người bạn ngồi bên còn hỏi nếu lỡ máy bay rớt ngoài biển thì phải làm sao hả anh, càng làm cho tôi yên chí máy bay sắp rớt. Ấy vậy mà  trong chuyến bay đi Nhật tháng tư lần này tôi hoàn toàn sống trong một trạng thái “vô sở trụ”.  Tôi thấy ra hinh như chuyện máy bay có rơi hay không không phải là nhờ tôi… lo lắng cho nó, căng thẳng vì nó. Tự dưng tôi thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Tôi nhìn qua cửa sổ.  Ánh trăng thượng tuần nửa vành lơ lửng, sáng hơn thường lệ vì không bị che khuất bởi những đám mây.

Máy bay êm như ru, hay tôi êm như ru, không biết. Kệ nó. Nhìn đồng hồ. Sắp đến rồi ư? Trăng đã nhạt tự bao giờ . Chân trời bỗng hiện ra một vừng sáng tăm tắp, mênh mông, lúc đầu còn phơn phớt rồi ửng hồng lên. Mới gần 4 giờ sáng. Hãy còn quá sớm mà sao ánh hồng đã rực rỡ? Thì ra tôi đang bay về phía mặt trời. Thời gian ngắn lại.  Tôi vặn đồng hồ thêm hai tiếng theo thông báo. Không cảm thấy mình mất đi hay được thêm. Bởi , làm gì có thời gian? Thời gian chỉ đựơc làm bởi không gian đó thôi. Tôi xuống phi trường Kansai, Osaka lúc 6g30, giờ địa phương. Nhiệt độ bên ngoài hơi lạnh. Sàigon lúc tôi đi nóng hầm hập, còn ở đây11 độ C! Trong túi tôi có mấy lá bùa:  mấy dòng chữ Nhật hỏi đường ra bến xe bus về Sannomiya, Kobe, và ít tiền Yen để mua vé, gọi điện thọai khi cần. Mọi thứ lạ hoắc, đặc biệt khi mà ở một nơi ta như…mù, câm và điếc. Ta không đọc đựơc chữ, không nghe đựơc tiếng và nói thì chả ai hiểu cái gì cả! Cái cảm giác trong phút chốc mình thành một người vừa mù, vừa câm vừa điếc ở một xứ sở văn minh nhất Châu Á cũng hết sức thú vị! Lại một lần nữa mình đựơc sống “vô sở trụ”! Người làm thủ tục nhập cảnh hỏi cái gì đó, tôi đoán họ hỏi giấy mời  mà tôi đã quên không mang theo, tôi đành lục trong túi lấy cái name card của ông Katsuno ( mà tôi quen gọi là ông Ca-si-nô), hiệu phó trường Đại học sư phạm Hyogo đưa ra. Cho qua. Ra đến sân ga xe bus, tôi đến dãy số 6 theo lời dặn. Tôi đọc thần chú: Sannomiya, Sannomiya. Mọi thứ rầm rập, người ném hành lý của tôi vào thùng xe, phát thẻ,  người giúp tôi mua vé ở một máy tự động rồi đẩy tôi lên xe! Tôi chập chờn nhìn một nước Nhật văn minh, hiện đại, vừa ngủ gà ngủ gật, thấy mình đi trong những cái hộp, cái thùng, cái hang, cái cầu. Thì ra đường cao tốc ở đây đều có vách ngăn với  dân cư chung quanh cho đỡ tiếng ồn. Nhà cửa, đường sá tầng tầng lớp lớp, trên dưới, phải trái, chen chúc, ngột ngạt. Ô kìa, biển! Biển vậy mà biển sao? Có thấy bãi bờ, thùy dương cát trắng gì đâu! Mỗi lần ra Nha Trang, đường xa mệt nhoài mà đến Cà Ná đã nghe thênh thang cái mùi biển mặn, đã thấy tít tắp bao la về phía chân trời một màu xanh thẩm. Không khí biển như đượm chất muối iod làm cho tâm hồn ta sảng khoái, thông minh ra thì phải! Ở đây thì không. Không thấy bờ, không thấy bãi. Chỉ có nhà là nhà, san sát. Biển bị lấn đến đau nhức vì bê tông. Thôi, chợp mắt một chút cái đã. Và rồi đến Sannomiya lúc nào không hay! Hình như ai đó khẽ vỗ vai tôi, kêu dậy, đến bến rồi. Tôi lục tục theo mọi người xuống. Và ơ kìa, ông Miyazaki, người bạn Nhật tôi đã có dịp quen biết ở TP.HCM, đang đứng đợi tôi với nụ cười hiền hòa dễ mến. Mọi thứ răm rắp như lịch trình đã xếp đặt. Làm việc với người Nhật, hình như cứ việc phó mặc cho cái…chương trình nó chạy. Chỉ cần chệch một chút là hỏng bét. Người bạn đến trứơc tôi đã từng bị lạc vì chệch một chút gì đó. Chỉ cần mê nói chuyện một chút  đủ chệch.  Chuyến bus đã chạy qua vài giây trước đó và anh cứ ráng gân cổ lên mà chờ chuyến sau có khi cả giờ nữa,  để rồi lỡ thêm một lô công việc khác.  Tôi tủm tỉm cười, quan sát, dòm ngó. Mọi người đi lại rầm rập, rầm rập. Mạnh ai nấy đi, không ai nói với ai, không ai cười với ai. Ai cũng có việc mình. Tôi có cảm giác hình như ai cũng cô đơn trong cái sự chen chúc, rầm rập này. Ông Miyazaki nhanh nhẹn đẩy túi hành lý giúp tôi và đẩy tôi băng qua đường khi đèn xanh vừa cho phép. Ông nói đựơc tiếng Anh nên tôi bắt đầu thấy cửa…  he hé. Ông dẫn tôi qua đường vào một nhà hàng để làm một ly cà phê sáng. Tốt quá! Tôi đang ghiền. Ông gọi café rồi bảo nhanh lên, năm phút nữa có xe đến đón! Đây là trung tâm Kobe. Nhà hàng sang trọng. Những người ngồi ăn sáng ai coi cũng có vẻ nghiêm nghị lạ lùng! Tôi đặc biệt chú ý các loại giấy lau trên bàn. Phong cách Nhật, xếp dọc, trang trọng, nền nã, có in tên nhà hàng bằng một thứ chữ như thư pháp tuyệt đẹp. Tự dưng tôi thấy thèm viết vài câu thơ hay vẽ vời tí chút gì đó vào những mảnh giấy mời mọc này. Tôi nhón lấy mấy tờ. Để vẽ, tôi nói. Ông ngạc nhiên, đưa thêm cho tôi vài tờ nữa. Đúng 5 phút, ông nghe điện thọai rồi kéo tôi dậy, chạy nhanh ra một góc phố. Xe đã chờ ở đó. Ô hay! Những người bạn Việt Nam của tôi. Anh NTD đưa  MC, cô sinh viên cao học vào tựu trường và sẵn dịp ghé đón tôi. Anh cười: “Một sự may mắn có xếp đặt!”. Với người Nhật hình như sự may mắn nào cũng có xếp đặt. Họ tin vào sự xếp đặt. Dĩ nhiên thỉnh thỏang cũng có sự nhắc nhở của thiên nhiên.  Xe chạy qua những đường hầm dài tít tắp, hằng chục cây số,  ngột ngạt, tối thui. Nghĩ lúc này mà động đất, núi sập một cái thì chắc hẳn là chuyện ngoài xếp đặt.  Xe được hướng dẫn bởi navigator, màn hình hiện ra vị trí của xe đang ở đâu, đường nào trước mắt, điểm nào phải tới. Chương trình đã lên khuôn nên chỉ cần chạy lạc qua hướng khác lập tức máy móc sẽ sỉ vả ta ngay. Ta phải quành xe lại theo chỉ dẫn của navigator. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó rồi cũng chẳng cần phải có người lái nữa. Lên xe, nhắm mắt, bấm nút, mở mắt, đến nơi. Thế là xong. Cách đây khá lâu, đọc báo thấy hình như cũng ở Nhật người ta đã có thể fax một bức tựơng Phật bằng gỗ từ nơi này sang nơi khác. Có lẽ nay mai người ta có thể fax một con người! Và lúc đó, thật là hạnh phúc khi ta vừa ngồi đây làm việc lại có một ta khác ở một nơi khác… Cứ y như Tôn Ngô Không nhổ sợi lông thổi cái phù. Ta cũng có thể thổi cái phù lắm chứ, tại sao không?

Xe qua mấy đọan đường hầm tối thui, đèn mù mờ, rồi mấy đọan đừơng đèo quanh co khúc khuỷu thì bỗng rơi vào một không gian khác, tĩnh lặng, thưa thớt, hoang sơ. Và ơ kìa! Hoa anh đào! Ở một góc đường và, à… rồi… ở cả một đoạn đường dài hun hút rực rỡ cơ man nào là hoa và hoa! Hoa choáng ngợp! Hoa lạ lùng. Hoa buốt lạnh. Nhạt nhòa mà rưng rức. Hồng hồng mà tuyết tuyết. Tôi kêu dừng xe, dừng xe lại…

Lần này thì navigator chịu nghe lời. Nó cho phép xe nép vào góc đường để tôi vội vàng nhảy ra khỏi xe. Tôi đứng nhìn trân rặng hoa anh đào nhạt nhòa mà rưng rức trước mặt như nhìn một cố nhân. Có chút nghẹn ngào. Như đã từng ước hẹn!  Tôi  bấm liền mấy tấm ảnh. Làm như sợ nó tan biến. Ông bạn Miyazaki bỗng châm một tràng tiếng Nhật sảng khóai. Nảy giờ chúng tôi nói với nhau bằng một thứ tiếng Anh khá mỏi, bây giờ ông mới được châm một tràng tiếng Nhật hả hê bởi đã có MC. Cô du học sinh Việt dễ mến đã nhanh nhẩu dịch: Ổng nói bác may mắn đến giữa mùa hoa anh đào đang nở rộ! Chừng một tuần nữa hoa sẽ rụng hết! Nghe mà rụng rời! Suốt đoạn đường còn lại tôi chỉ lo ngắm. Một loài hoa lạ. Rực rỡ, choáng ngợp mà lạnh lùng. Chen chúc mà riêng tư. Rộn ràng mà kín đáo. Mong manh. Thanh thoát. Bỗng dưng tôi nhận ra tất cả cái  đẹp của vô thường! Hoa có vẻ như không có mùi hương, hay không cần có mùi hương, hay hương rất thoảng vì đã pha trong màu mây, màu nắng, màu gió để rải đều khắp các rặng núi xa kia? Nó không quyến rủ bằng mùi hương mà quyến rủ  bằng sự e ấp, dịu dàng. E ấp dịu dàng mà rộn rã ngây ngất. Thật lạ! Chỉ có thể tìm thấy trong tác phẩm của Kawabata. Trong hồn Nhật. Đẹp và buồn. Người ta thấy ở nơi này nơi kia cũng có hoa anh đào. Ở Washington DC chẳng hạn.  Hoa đào ở đó cũng đựơc chiết từ Nhật sang.  Nhưng hình như nó rực rỡ, hào nhoáng, mà có phần hợm hĩnh, thiếu một chút gì đó, một chút hồn hoa! Ở Nhật người ta đồng hóa anh đào với mỹ nhân. Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Cái đẹp tức tưởi của những dặm hồn, của mong manh mà vĩnh hằng. Rồi cái màu tuyết bẽn lẽn tinh khiết điểm chút hồng thơ dại kia chợt gợi tôi nhớ đến Uy viễn tướng công! Hồng hồng tuyết tuyết. Mới ngày nào!  A, đúng rồi! Phải gọi hoa anh đào là hoa “mới ngày nào” mới đúng. Mới ngày nào, những cành đào khẳng khiu kia như còn ấp úng với mùa đông thì nay đã nghiễm nhiên náo nức, báo hiệu xuân về. Hoa rủ nhau òa lên một lượt, xòe ra một lượt, làm chóang ngợp cả không gian, rồi trong lúc mọi người chưa kịp hết ngẩn ngơ thì hoa rủ nhau òa lên một lượt, rụng bời bời một lượt cho người ta luyến tiếc, ngậm ngùi.

Trường Đại học Sư phạm Hyogo xa Kobe đến hơn một giờ xe bus. Ở đây, đoạn đường không đo bằng cây số mà đo bằng thời gian. Hỏi đây đến Nagoya bao nhiêu cây số, người ta nói một giờ xe đầu đạn. Từ trường ra Kobé bao nhiêu cây số?  Một giờ mười lăm phút xe bus. Vậy thôi. Núi non trùng điệp, đường xá quanh co, khi xẻ núi khi lấp biển, ai biết gần xa? Đường chim bay hay đường đèo dốc, đường có ánh trăng trong lòng đá hay đường có nắng hoa đào? Ngôi trường ở trên một ngọn đồi tuyệt đẹp. Nhấp nhô từng khối nhà. Có cái vẻ hoang vu. Xa xa là núi rừng trùng điệp, lố nhố hoa là hoa. Trên bãi nắng sân trường, cỏ xanh mượt, những cô sinh viên Nhật nhỏ nhắn xinh đẹp ngồi nép từng cụm dưới hoa, vừa sưởi nắng vừa ăn trưa. Có tiếng chim ríu rít rụt rè đâu đó. Cầm lòng không đậu, tôi cũng ngả lưng vào một cội đào để nghe cho hết tiếng thì thầm. Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say (PTT). Tôi không phải là gã từ quan, cũng không tìm động để ngủ. Tôi  thức, thao láo thức. Tôi thử nâng một chùm hoa đào trên lòng bàn tay. Hoa tíu tít bám vào từng kẻ ngón. Hoa bám rất chặt, như níu lấy khiến tôi cũng giựt mình.  Bỗng dưng từng cánh hoa run rẩy. Càng lúc run càng mạnh. Ô hay, chẳng lẽ? À, mà không, gió! Xin chứng giám, gió!

Chỉ mấy ngày nữa thôi, hoa sẽ rụng hết! Và, đúng vậy, chỉ mới mấy ngày bận bịu mà hoa đã lìa cành. Rụng cũng lạ! Rụng la đà, rụng lênh đênh. Rụng mà không khô, không héo, không tàn. Rụng là để rụng vậy thôi như nở là để nở vậy thôi . Rủ rê nhau nở đồng lọat, rồi cũng rủ rê nhau rụng  đồng lọat, lớp lớp mênh mang.  Nó lãng đãng rụng. Nó lơ đểnh rụng. Chập chờn lả tả. Như những cánh bướm. Thôi thì thôi chỉ là phù vân. Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi (PTT).

Buổi tối, những rặng núi xa mờ, thẩm tím từng từng lớp lớp đàng xa kia. Ánh trăng thượng tuần huyền hoặc. Những cành đào khẳng khiu nhô lên, vươn qua rặng núi, vút lên trời cao. Sớm mai, tiếng chim én ríu rít. Những con đường nhỏ lát từng cánh hoa đêm trước đã ngậm đầy sương.

Anh bạn trẻ Tanibayashi, hiền lành, nhũn nhặn, dễ thương, trưởng nhóm hỗ trợ nghiên cứu, lõm bõm tiếng Anh, là người quản lý khu nhà quốc tế (international house) dành cho các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu sinh ngoại quốc đưa tôi nhận phòng. Khi bước vào phòng, sàn gỗ lát trơn bóng, tôi phạm một sai lầm nghiêm trọng: quên cỡi giày! Anh bạn cũng không tiện nhắc. Đến khi tôi nhận ra anh chỉ mang vớ, tôi mới giật mình, bước xuống bục tháo giày và anh nhìn tôi mỉm cười, tỏ ý biết ơn. Mới đến Nhật lần đầu, tôi đã dại dột mang giày có dây buộc!  Ở Nhật, cứ phải thay giày dép xoành xoạch. Vào nhà, cỡi giày, đổi dép. Vào toilet, bỏ dép này đổi dép kia. Bước ra lại thay dép khác. Đi ra đi vào đi tới đi lui thay dép liên tục. Cho nên có lẽ khi cần phải nói đến cụm từ“thay như thay áo”,  ở Nhật, ta có thể nói  “thay như thay dép” cho chắc ăn! Tôi cũng tự chế đôi giày có dây buộc của mình …toang hoác thành giày không dây cho tiện.

Phòng tôi ở tận lầu 4. Chiều tối, mở cửa ra ngòai. Đèn hành lang bật sáng. Lạ lùng, cứ mỗi lần tôi vừa bước đến hành lang của một tầng nào thì đèn hành lang đó lại bật sáng! Vừa qua khỏi thì nó tắt ngấm! Chắc có ai đó đang quan sát mình, nhìn ngắm mình, một người khách lạ phương xa lớ ngớ hay có ai đó đã quá tử tế, sợ mình trượt chân chăng? Nhưng, cái quái quỷ gì thế! Ai mà theo dõi mình kỹ thế! Vừa chạm hành lang, đèn sáng, qua khỏi hành lang, đèn tắt! Thử đi thử lại mấy lần đều thế! Thì ra… nó tự động! Chả cần biết mình có muốn hay không, có cần hay không! Nó cảm ứng. Nó lập trình. Nó cóc cần mình! Tôi thấy hơi giận, hơi phiền. Mình ăn mặc luộm thuộm, nhếch nhác, muốn âm thầm đi xuống tầng dưới tắm rửa, giặt giũ ké ở phòng anh bạn đồng nghiệp đến trước,  vì hệ thống gaz của phòng tôi trục trặc. Nhưng nó làm mình quê quá! Phía đối diện kia còn có cả dãy nhà cao tầng cho nữ sinh viên các nước, họ sẽ nghĩ thế nào khi thấy một ông “chuyên gia”… luộm thuộm đi giữa các hành lang sáng trưng!

Nhưng thực ra cái buồn phiền của tôi còn có gốc rễ sâu xa hơn! Trời ơi, trăng nhàn nhạt, mây lang thang, những ngọn núi xa tít tắp sẩm màu, những cành cây chới với nhô cao, rừng âm u, hoang lạnh. Những rặng anh đào buổi tối nghe có cái gì rờn rợn, lung linh. Trong  khung cảnh hư hư thực thực đầy cái vẻ lãng mạn não nùng như vậy mà đèn cứ bật sáng trưng rồi tắt ngấm từng cơn từng cơn như vậy có đáng trách không! Nó có cái gì đó máy móc, vô cảm, không hòa điệu với thiên nhiên. Bỗng dưng tôi tiếc ngẩn ngơ những giậu mồng tơi quê nhà! Nhà nàng ở cạnh nhà tôi. Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn!(NB). Nhờ trời, cái giậu mồng tơi xanh rờn đó tối om,  không có đèn bật lên bật xuống kiểu này nên trai gái quê tôi mới có dịp hẹn hò những đêm trăng sáng, những tối trăng lu, mới có dịp rủ rỉ rù rì, rúc ra rúc rích. Chớ kiểu này thì còn làm ăn cái nỗi gì! Tôi chợt hiểu ra tại sao thanh niên Nhật không thèm lấy vợ lấy chồng! Hò hẹn ở đâu? Rúc rích ở đâu?  Cho nên không lạ khi biết vấn đề đau đầu của Nhật hiện nay là trẻ thì không chịu lập gia đình, không chịu đẻ con, còn già thì cứ già hoài…!

Hình như con người càng chế tạo ra nhiều máy móc tinh xảo có tính người gọi là  humanoid để phục vụ mình thì máy móc cũng “chế tạo” ra những con người có tính máy móc gọi là robotoid để hợp tác với nó chăng?

Khi đặt chân lên đất Phù tang – một xứ sở thần tiên đầy phép lạ – tôi nhanh chóng nhận ra cái cảm giác cô đơn, lạc lõng, bơ vơ giữa chốn đông người, giữa một môi trường đầy máy móc bao quanh khiến mình phát hoảng.

Đâu cũng máy. Đã  vậy, toàn chữ Nhật không mới chết chớ! Có người nói tại người Nhật sống trên đảo nên vậy! Không thích nghi thì ráng chịu! Lên taxi, vừa với tay định đóng cửa xe giúp bác tài thì bác đã gắt! Để nó tự động đóng. Việc gì phải mó tay! Việc gì phải… tử tế!  Vừa đứng vào toilet, nước xả cái ào, chưa kịp trở tay nó lại xả cái ào, chẳng khác gì… chê mình là đồ làm biếng!  Lạ lùng nhất có lẽ là cái cầu tiêu tự động… xịt nước rửa ráy các thứ cho mình. Nước nóng, nuớc lạnh, sấy khô, quạt mát…. Nhột chịu không nổi. Lạnh teo luôn. Nóng muốn rụi. Cứ bấm bấm, miễn là đừng bấm lộn! Toàn chữ Nhật! Bình nước sôi rồi mà rót hoài không ra. Phải bấm nút thứ nhất rồi bấm tiếp nút thứ hai, máy bơm mới chịu họat động. Đèn bàn rờ cái thì sáng, rờ cái thì tắt! May mà không có thằn lằn, rắn mối, dán, kiến các thứ… bò qua bò lại, chớ không đèn cứ tắt sáng hoài! Một miếng plastic xanh xanh đỏ đỏ ngoằn ngoèo như lá bùa dán trên tường. Đụng vào chỗ này thì nước nóng. Đụng vào chỗ kia thì nước lạnh. Không cẩn thận, nhảy dựng lên như chơi!  Đâu cũng máy. Không có con người. Không có nụ cười. Cứ bỏ tiền vào máy, giấy cũng đựơc, xu cũng được, ấn nút một cái là có thứ mình muốn. Thối tiền không thiếu một xu! Muốn đổi ý cũng được. Máy nhả ra trả lại đàng hòang! Như có linh hồn vậy. Chỉ có điều một linh hồn giá lạnh. Không nói năng, không cảm xúc. Mua vé tàu điện ư? Cứ đến góc đường, bỏ tiền vô máy, ấn nhẹ, vé rớt ra, lượm tiền thối! Lạ lùng là khi phải mua vé đi nhiều chặng, đổi nhiều ga, xuôi ngược nhiều bến, chỉ cần ấn nhẹ thì… một chiếc phong bì dày côm lòi ra. Có đủ các vé cần thiết. Cứ y như có ai đang giấu mặt ở bên trong đó vậy! Chỉ thiếu nụ cười, vài lời trao đổi, vài câu dặn dò! Ở nhà ga thì máy soát vé lạnh lùng nuốt cái ọt đầu này, phun cái ọt đầu kia, có lúc lại nuốt chửng luôn, chả biết nó giở trò gì! Chỉ có con người mới tất tả ngược xuôi. Rầm rập rầm rập. Nhăn nhăn nhó nhó. Chỉ có con người mới luôn luôn căng thẳng như sợi dây đàn. Người trễ một chút, nhầm một chút là hỏng bét. Máy thản nhiên như không, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc! Đời sống  con người vì thế như co cụm lại, co rúm lại, nhất nhất tuân thủ theo máy. Riết rồi cũng quen, thấy máy dễ thương! Không có không đựơc. Trục trặc thì chẳng biết xoay sở ra sao. Máy nó răm rắp. Không lơ đễnh. Không năn nỉ. Không cảm thông. Và dĩ nhiên cũng không… tham nhũng. Con người tạo ra máy rồi thích nghi với nó, chịu đựng nó, chìu chuộng nó. Nó mà không nghe thì chỉ có chết!

Một anh bạn Việt kiều sống lâu năm ở Nhật đưa tôi về thăm nhà. Cửa vừa  mở đã nghe rú còi báo động làm tôi tưởng anh mở nhầm… nhà hàng xóm! Máy cứ rú càng lúc càng dữ cho đến khi chủ nhà mò tìm được đúng chiếc chìa khóa nhét vào miệng nó! Nếu lỡ mất chìa khóa thì nó cứ rú cho đến khi  cảnh sát tới! Một lần khác về đến nhà, bấm  hoài cái remote mà cổng không chịu mở! Đành phải bấm cô sinh viên cao học ngồi bên cạnh nhờ xuống mở giùm. Cái remote này không những biết mở cổng mà còn biết cười rất dễ thương! Từ đó,  mỗi khi xe về đến nhà chỉ  cần bấm nhẹ remote lập tức nhảy xuống, chạy lại mở cổng, cười tươi. Chỉ khi nào remote ngủ gục như hôm đi thăm làng Atsuke về trễ thì mới phải bấm hai ba cái liền thôi!

Khi phải sống mãi ở một nơi “cực lạc”, một xứ sở thần tiên, có lẽ con người sẽ chán ngắt, sẽ mệt mỏi và có khuynh hướng tìm về cõi ta bà – cõi người ta – đầy ô trược như Từ Thức trở về trần ngày xưa. Con người phải khổ đau mới biết thế nào là hạnh phúc, phải mỏi mòn để nuôi niềm hy vọng, phải gian truân mới cảm nhận vinh quang. Tuổi trẻ Nhật có lẽ đang gặp nhiều vấn đề từ đó. Và nền giáo dục Nhật đang nỗ lực phục hồi lại hồn Nhật, một tâm hồn đầy yêu thương, lãng mạn và phiêu lưu  của những ngày xưa cũ, nên đã đưa vào chương trình những trà đạo, vũ điệu dân gian… cùng những Rashomon, những Ngàn cánh hạc…


Tháng 5/2007

Đỗ Hồng Ngọc
http://www.dohongngoc.com

Các tin đã đăng:
Về đầu trang