Những
cụ già ở làng cũng thế, họ không cần phải gác tay lên trán mà vẫn nhớ
vanh vách chuyện xưa để kể cho trẻ con chúng tôi. Những câu chuyện làng
có khi là chính sử, huyền sử và thậm chí cả cổ tích được thêu dệt trên
nền chỉ mới. Trẻ con lắng nghe mà không cần phải biết mục đích, đơn giản
chỉ để thoả mãn trí tò mò; nhưng rồi khi lớn lên, ta mới chợt nhận ra
chuyện xưa ấy là cả một túi nặng hành trang.
Tôi vẫn nhớ như in cụ bà Cầm, tên cụ được gọi theo tên của người con
trai. Hồi ấy cụ hay xuống cồn Mai để thăm mồ mả tổ tiên. Cứ mỗi khi
thấy cụ chống gậy ngang qua trước đường là tôi chạy ra đi theo để nghe
chuyện. Đến một đoạn, cụ khom lưng hái một bông hoa dại ven vệ cỏ rồi
ngoảnh lui đưa cho tôi. Tôi cầm bông hoa ấy đi suốt một chặng đường từ
nhà đến cồn Mai, rồi bông hoa héo đi trong nắng, chỉ còn hồn hoa ở lại
neo giữ vào tâm hồn mãi đến bây giờ. Hình ảnh người trao hoa khiến tôi
nhớ đến cái cách mà người quê truyền lại cho nhau những di sản phi vật
thể, chẳng hạn như lễ tục cúng giỗ hay là trò chơi con trẻ. Từ đời này
qua đời khác, hoa và người rồi cũng mãn sinh nhiệm, nhưng hồn hoa và
chuyện của người thì còn lưu lại. Và, cũng như các vua Pha-ra-ông ở Ai
Cập khi còn sống đã xây dựng hầm mộ với lời nguyền “kẻ nào chạm vào giấc ngủ của ta sẽ phải chết”, các cụ già ở làng đã gửi lại những cánh hoa đính cước chú: “Hoa thơm cho người biết nhớ, hoa dại cho kẻ bội quên”.
Theo chân các cụ, trẻ con được nghe lại những chuyện ngày xưa. Lối kể
giản dị mộc mạc, chuyện được tô thắm bằng màu nước trầu vôi. Thi thoảng,
cụ cười một cái hồn hậu, để lộ hai hàm lợi không còn một chiếc răng,
nhưng chuyện làng đã đi ra từ lưỡi. Người quê gọi chết là “cứng lưỡi”,
có lẽ lưỡi là bộ phận sống lâu bền nhất trong mỗi một con người. Cũng
như những câu chuyện làng được kể bằng lưỡi có một sức trường tồn mãnh
liệt!
Tuổi già sức yếu, các cụ thường phải chống một cây gậy tre trúc để đi
lại. Tới đoạn đường lớn, cụ dừng lại châm châm cây gậy xuống nói ở đây
ngày xưa chỉ có quan mới được đi qua, nên con đường này gọi là đường
quan. Men qua chỗ ngã ba trong xóm, cụ lại dùng gậy khều khều lớp cỏ nói
chỗ này thời chiến tranh lính chết rất nhiều, nên hằng năm phải làm một
bàn thờ tế chung. Gặp một gốc cây, cụ gõ gõ chiếc gậy vào chòm rễ và
nói cây này ngày xưa trai gái hay hẹn gò nên gọi là cây “kiểng”. Và cụ
đọc ca dao: “Ngó lên hòn Kẽm đá dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng
bạn ơi/ Thương cha nhớ mẹ thì về/ Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì
đừng”. Tôi hỏi sao thương kiểng nhớ quê lại đừng về? Cụ dạy, thương
kiểng nhớ quê chính là thương cái anh chàng người tình cũ mà ta không
lấy được. Phận làm gái đi lấy chồng xa phải giữ chữ thuỷ chung chớ đừng
hoài nhớ người xưa mà trái phép tắc. Theo chân cụ, tôi chợt nhận ra cây
gậy tre ấy như cây thước gỗ của thầy cô giáo ở trường, vừa gõ vừa dạy.
Làng quê là trường học đầu tiên cho trẻ con chúng tôi.
Bia đá ở cồn Sanh làng Phúc Lộc
Ở làng Phúc Lộc, cây “kiểng” hẹn hò ấy chính là cây Bồ Đề nằm ở một
khoảnh đất tục gọi cồn Sanh. Hồi trước, chỗ này cây cối xanh tươi như
một công viên đầy cỏ hoa. Trai gái yêu nhau đi làm đồng thường hay ghé
vào chọn một nơi vừa để nghỉ giải lao vừa tâm sự, hoặc đêm trăng họ lại
ra đây cùng nghe lời tự tình miên man rỉ rả của ếch của dế. Dưới gốc cây
có tấm bia đá do cụ Hoàng Trọng Thuần lập nên và đề văn tự như gửi gắm
một ước vọng nào đó cho hậu thế về tình yêu thương và sự học ở một làng
quê nghèo. Năm tháng qua đi, cây Bồ Đề vẫn xanh tươi và tán lá vươn ra
che lấy tấm bia. Dưới một gốc Bồ Đề xứ Ấn, đức Phật Thích Ca đã thành
đạo. Còn dưới gốc Bồ đề ở làng Phúc Lộc, tấm bia đá đã thành di sản của
làng. Ngày nhỏ, tôi rất thích ra cồn Sanh, cùng bạn bè trèo lên hái lá
hoặc ngồi dưới đất chơi ô ăn quan. Tình cờ trong những lần như thế, các
cụ già đi ngang ghé vào rồi kể chuyện cho trẻ con chúng tôi nghe. Rồi
những người đi chợ về, lắng một lát dừng chân hóng mát, họ gác cái đòn
triêng xuống đất xong ngồi lên trên, gỡ nón ra quạt quạt và nói chuyện
hóm hỉnh. Những câu chuyện “học lỏm” ấy đối với tôi đều là bài học giá
trị.
Người nhà quê có một thú nhàn tản, buổi tối họ thường kê cái chõng tre
ra sân ngồi uống nước chè nói chuyện chơi. Vài cụ già trong xóm cùng
nhau ngồi lại, chén nước chè tươi vừa rót ra, nhấp một ngụm xong là các
cụ lại bắt đầu nói như có mạch. Cụ này kể đến một chi tiết nào đó, cụ
khác lại tiếp vào. Cứ thế, suốt đầu hôm cho đến khuya, đêm này qua đêm
khác, chuyện làng trôi miên man thành một dòng sông vắt trong. Sông bồi
đắp phù sa cho bờ bãi, chuyện làng bù đắp phù sa cho tâm hồn người. Bởi
thế nên tâm hồn khô cằn sỏi đá là do thiếu sự bù đắp phù sa mà ra.
Ở bất cứ làng quê nào cũng đều có những câu chuyện được thêu dệt hoặc
nói vống lên. Chẳng hạn như chuyện trào phúng của làng Gabrovo ở
Bulgaria, hay gần hơn là chuyện trạng Vĩnh Hoàng ở làng Huỳnh Công Tây
huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị. Sự thêu dệt ấy không phải để lường gạt, mà
là để cho cuộc sống thêm phần vui vẻ, và nó có một đóng góp quan trọng
trong việc làm nên tính cách của chữ “làng”. Vậy nên môi trường những
người sáng tác văn học được gọi là “làng văn”, vì văn chương phải có
thêm thắt bịa đặt; còn giới nghiên cứu khoa học thì không gọi làng, bởi
khoa học đòi hỏi sự chính xác. Dù là chuyện không hoàn toàn thật, nhưng
người kể đã đem đến cho người nghe những nụ cười sảng khoái sau một ngày
lao động mệt nhọc. Người kể chuyện làng như thế đã làm giàu thêm kho
tàng chuyện quê bằng dị sử.
Nhà Phật lấy bánh xe Tam Muội Da để ví cho công đức phổ biến pháp thư
là không gì sánh bằng. Những người kể chuyện làng cũng có một công đức
lớn lao như thế, họ đã truyền lại cho hậu thế những câu chuyện có giá
trị. Đó là văn hoá truyền miệng.
Hoàng Công Danh