Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Người Nghèo Nhất Cúng Dường Đức Thế Tôn
21/03/2012 09:56 (GMT+7)

, trụ trì thiền viện đặt cho, vì Ni sư nhận thấy sự rất hoan hỷ của đoàn chúng tôi từ trong tâm thể hiện ra ánh mắt và nụ cười thật tươi của cả đoàn khi tráng bánh cuốn cúng dường. Chúng tôi cũng thích cái tên dễ thương đó.

Và lần nào, ngoài những trái cây khi thì mít, thanh long, lúc chôm chôm, nhãn của vườn chùa, được Ni sư tặng cho từng người, đoàn chúng tôi còn được Ni sư giảng một bài pháp giá trị làm giàu thêm hành trang của chúng tôi, những hành giả sơ cơ đang tập sự học theo Phật, làm theo Phật.

Lần này, Ni sư kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “Người  nghèo nhất cúng dường Đức Thế Tôn”, thật là cảm động và hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng cho sự thực hành pháp cúng dường của chúng tôi.

Một thuở nọ, ở một ngôi làng nhỏ, ông trưởng làng họp dân chúng  lại để bàn việc cúng dường Đức Thế Tôn và 500 vị Tỳ kheo sẽ đi hóa duyên làng này. Tất cả mọi người trong làng được mời đến họp để bàn về chương trình cúng dường và sự phát tâm như thế nào đối với Đức Thế Tôn và 500 vị Tỳ kheo, chỉ trừ duy nhất một gia đình trong làng là hai vợ chồng rất nghèo không hề được mời đến họp. Cũng có người nhớ đến cặp vợ chồng nghèo này và thắc mắc tại sao họ vắng mặt. Ông trưởng làng mới trả lời rằng vì họ nghèo quá, nên chẳng có gì để cúng dường Đức Thế Tôn, thôi kệ họ! Vả lại, việc cúng dường Đức Thế Tôn và 500 vị Tỳ kheo đã được sắp xếp đầy đủ cho cả dân làng rồi, nếu vợ chồng nghèo này tham gia thì cũng chẳng còn vị Tỳ kheo nào để họ dâng cúng. Mọi người nghe vậy, bèn cho đó là lý do chánh đáng để loại bỏ cặp vợ chồng nghèo này ra ngoài việc cúng dường.

Cặp vợ chồng nghèo rất buồn tủi khi bị làng không cho tham dự cúng dường. Tuy buồn, nhưng họ không nản lòng, quyết chí tìm mọi cách để có tiền mua thực phẩm cúng dường Đức Thế Tôn. Họ mới tìm đến một nhà trưởng giả xin làm thuê mướn một thời gian với điều kiện trả bao nhiêu cũng được, nhưng cho họ lấy tiền công trước. Người chồng thì làm việc nặng nhọc, người vợ thì quét dọn vườn tược, nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn, v.v… Cặp vợ chồng này siêng năng làm bất kể ngày đêm để người chủ thương tình mà cho họ được một số tiền đủ mua thực phẩm cúng dường Đức Thế Tôn. Ông trưởng giả nhận thấy tấm lòng thành tuyệt đối của cặp vợ chồng nghèo này, nên cũng cảm động mà nhận cho họ làm công.

Một hôm, khi dân làng đến trình với Đức Thế Tôn về việc chuẩn bị cúng dường thực phẩm đến Ngài và chư vị Tỳ kheo, Đức Thế Tôn mới nói rằng Ngài sẽ đích thân đến nhà vợ chồng nghèo để họ cúng dường thức ăn. Và Ngài sẽ cho 501 vị Tỳ kheo tùy tùng với Ngài, thay vì 500 vị Tỳ kheo, để giải quyết cho đủ “túc số” chư Tăng cho dân làng cúng dường. Vì vậy, không cần phải thắc mắc là có thêm hai vợ chồng nghèo này thì sẽ thiếu mất một Tỳ kheo để họ cúng dường. Và chính Đức Phật là người thọ lãnh thực phẩm cúng dường của cặp vợ chồng nghèo.

Lời dạy của Đức Thế Tôn khiến cho cả làng xôn xao chấn động, không thể nào tin nổi là cặp vợ chồng nghèo nhất làng lại được dâng cúng thức ăn lên Đức Thế Tôn. Tin nóng hổi này nhanh chóng lan truyền đến tai vua Ba Tư Nặc. Nhà vua liền cho sứ giả đến điều đình với cặp vợ chồng nghèo rằng nhà vua sẽ ban cho họ nhiều vàng bạc châu báu để họ nhường lại “đặc quyền” cúng dường Đức Thế Tôn cho vua. Vợ chồng họ liền trả lời dứt khoát rằng dù vua có đem đổi cả giang sơn, thì họ cũng không bằng lòng, vì được cúng dường Đức Thế Tôn là phước duyên ngàn năm một thuở, dễ gì có được. Tuy họ nghèo thật, nhưng họ không màng đến những của quý mà nhà vua muốn đánh đổi lấy phước báu vô lượng của họ sẽ có được trong nay mai. Vua Ba Tư Nặc rất tức giận, nhưng cũng đành chịu thua. Nhà vua liền nghĩ ra một kế sách là sẽ mang xa giá chở vô số cao lương mỹ vị đến kế bên túp lều của vợ chồng nghèo nọ, để khi nào họ dâng cúng Đức Thế Tôn những món ăn dở ẹt của hạng cùng đinh, thì nhà vua sẽ cho quân lính đổi thức ăn của vua.

Ngoài ra, tin đồn vợ chồng nghèo được cúng dường thức ăn lên Đức Thế Tôn còn bay đến tai của Trời Đế Thích. Vua Trời cũng rất sững sờ kinh ngạc. Ông liền nghĩ ra một thần kế là đến ngày đó, sẽ dùng thần thông đánh tráo thức ăn để Đức Thế Tôn sẽ dùng thực phẩm của ông, chứ làm sao mà thức ăn của người hạ tiện nhất trong loài người lại để cho Đức Thế Tôn dùng chứ!

Tất nhiên là Đức Thế Tôn đọc được tâm niệm của cả dân làng. Ngài cũng biết rõ mưu kế của vua Ba Tư Nặc và thần kế của vua Trời Đế Thích, mà Ngài vẫn điềm tĩnh, chẳng hề nói gì cả. Nhưng điều gì tốt nhất cho việc khất thực để giáo hóa độ sanh của Đức Thế Tôn và 501 vị Tỳ kheo đã đến một cách nhẹ nhàng, ngoài sự mưu tính của vua Ba Tư Nặc và vua Thiên Đế Thích.

Vào sáng sớm, Đức Thế Tôn an nhiên đi đến túp lều rách của cặp vợ chồng nghèo nhất. Ngài ôn tồn nói với vua Thiên Đế Thích rằng “Thôi, Ta đã biết cả rồi, ông đừng hòng đánh tráo thức ăn của vợ chồng này, không thể được đâu”. Thiên Đế Thích nghe Phật nói giựt mình và ông bỗng nghe mùi hương thơm từ thực phẩm của vợ chồng nghèo dâng cúng tỏa ra. Một mùi hương thơm kỳ diệu mà vua Trời chưa từng ngửi thấy, thơm gấp vạn lần thức ăn của Đế Thích, khiến ông nổi da gà và dập tắt ngay cái ý định đánh tráo thức ăn. Thức ăn dâng cúng tỏa hương thơm cũng là hương thơm kỳ diệu của tấm lòng thành kính cúng dường của cặp vợ chồng nghèo đã được Đức Thế Tôn tiếp nhận. Đức Thế Tôn đã thành tựu viên mãn tự thọ dụng thân, nên đối với Ngài, sự thọ dụng thực phẩm trên cuộc đời này chỉ là một phương tiện để Ngài hóa độ chúng sanh mà thôi. Vì vậy, chúng ta thường nghe chư vị giảng sư dạy rằng Phật dụng lòng, không dụng tiền tài, phẩm vật. Cho nên, vua Trời Đế Thích phải dừng phép thuật đánh tráo thức ăn trước uy lực và tấm lòng từ bi của Đức Phật muốn cứu độ người hữu duyên. Vua Trời cũng phải nể phục tấm lòng thành kính cúng dường một cách tuyệt vời như vậy của cặp vợ chồng nghèo ấy, huống chi là vua phàm Ba Tư Nặc.

Cả đoàn chúng tôi rất vui khi Ni sư kết thúc câu chuyện và trong tôi bỗng tưởng tượng ra rằng biết đâu trong kiếp lai sanh nào đó, mình cũng được diễm phúc dâng cúng thức ăn lên Đức Thế Tôn! Ni sư động viên chúng tôi rằng sự thành tâm cúng dường “Bánh Hoan Hỷ” của đoàn trong mỗi mùa hạ đã gợi nhắc Ni sư nhớ đến câu chuyện trên.

Và Ni sư nhắc thêm rằng quý Phật tử nhớ “TU HÚ”. Tu hú không có nghĩa là tu sai, tu lơ mơ, tu trật. Theo Ni sư, “Hú” có nghĩa là rủ, là kêu gọi các bạn đồng tu cùng làm việc phước, cùng cúng dường, cùng đi bố thí, chứ đừng ích kỷ làm một mình để hưởng phước một mình. Ni sư nhắc nhở nếu ta bố thí một mình thì ta được quả báo giàu có, nhưng cô độc, không có quyến thuộc. Nếu ta bố thí, hay cúng dường, mà biết rủ các bạn cùng làm những việc phước, thì ta sẽ hưởng quả báo vừa giàu, vừa có quyến thuộc. Giàu mà thui thủi một mình thì buồn lắm, phải không các bạn. Giàu mà có nhiều bạn bè cùng sum vầy tu học chung, cùng nhắc nhở nhau, chỉ bảo cho nhau điều hay lẽ phải, chắc chắn là vui biết chừng nào!

Các pháp lữ quý mến, ghi nhớ và hoan hỷ với bài pháp được Ni sư ban tặng, chúng tôi xin chia sẻ cùng các bạn. Trên bước đường tập sự tu học, chúng ta cùng tinh tấn cúng dường với tất cả tấm lòng thành nhé. Cùng rủ nhau bố thí, cúng dường, học Phật, nghe pháp, làm những việc hướng thiện cho cuộc đời này nở hương thơm từ bi và trí tuệ, để kết thành quyến thuộc Bồ đề nhé. Và đó là hành trang tốt đẹp nhất cho con đường đi đến cảnh giới an lạc nào đó, tùy theo sở nguyện của mỗi hành giả sau khi xả bỏ thân tứ đại này, phải không các pháp lữ thân thương ơi.  

Tác giả : Diệu Tịnh

Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS

Các tin đã đăng:
Về đầu trang