Đôi lời dẫn nhập
Là vị tăng thống [1] đầu tiên ở tuổi 40 [2] thuộc thời vua Đinh Tiên Hoàng và người đóng góp lớn cho văn học, văn hóa và lịch sử của Đại Cồ Việt (968-1054); sống qua bốn triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý, chắc hẳn tài đức [3] của thiền sư Ngô Chân Lưu (吳真流), được phong hiệu Khuông Việt (933-1011) là người “tòng Nho quy Thích” thuộc vào hàng xứng đáng “ngồi riêng một chiếu”. Thưở nhỏ theo nghiệp Nho giáo (小業儒). Lớn lên, giác ngộ lý tưởng Phật pháp, ngài trở thành nhà văn hóa và thiền sư lỗi lạc. Là thầy của thiền sư Đa Bảo, thiền sư Khuông Việt được xem là người có công khai mở dòng thiền Vô Ngôn Thông tại Việt Nam.
Tài năng của quốc sư thường được thể hiện rõ nét về “văn”, nói theo Phật giáo là “trí tài” hơn là “võ tài”, cụ thể qua nghệ thuật cố vấn về phép quản trị và phát triển quốc gia, chính sách ngoại giao với nhà Tống và các tác phẩm bao gồm thi phú. Tiếc là qua Thiền uyển tập anh ngữ lục (từ đây viết tắt là TUTA) và Đại Việt sử ký toàn thư (từ đây viết tắt là ĐVSKTT) [4], ta biết đến ít nhất hai tác phẩm [5] nổi tiếng còn lại của thiền sư Khuông Việt là bài Tống Lý Giác từ, thường gọi là Ngọc lang quy hoặc Vương lang quy trong dị bản về sau (từ đây gọi là bài từ) và bài thơ thị tịch được thiền sư ứng khẩu dạy đệ tử nối pháp là Đa Bảo vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) thuộc triều Lý, trước lúc trút bỏ sắc thân. Trong bài viết này, tác giả phân tích về ý nghĩa ngoại giao trong bài từ và qua đó phân tích tinh thần nhập thế của thiền sư Khuông Việt, người phò nước Việt hưng thạnh.
Về bối cảnh bài từ
Có thể khẳng định rằng đây là bài từ viết bằng chữ Hán cố nhất trong nền văn học Việt Nam được biết đến hiện nay và là dữ liệu quan trọng của mảng văn học từ trong lịch sử văn học thế giới. Dù bất đồng về niên đại ra đời bài từ đến một năm [6], TUTA và ĐVSKTT tỏ ra thống nhất về bối cảnh ra đời của bài từ. Sứ thần Lý Giác của nhà Tống sang làm việc với nước ta, vua Lê Đại Hành biết tài văn chương thi phú của thiền sư Khuông Việt, nên đã nhờ thiền sư giả mặc thường phục, đóng vai người chèo đò, nghênh tiếp tại chùa Khúc Giang, để có cơ hội đối đáp văn chương với sứ thần, nhằm dụng ý cho sứ thần biết người Việt Nam giỏi thi phú. Lúc nghênh tiếp Lý Giác, thiền sư đã ứng khẩu họa thi, làm nứt lòng sứ thần [7]. Khi tiễn Lý Giác về nước, một lần nữa theo chiếu của vua, thiền sư Khuông Việt viết ca từ cho điệu khúc Nguyễn lang từ, để làm đẹp lòng Lý Giác, theo đó, gián tiếp thể hiện trong mối quan hệ ngoại giao và hữu nghị giữa Việt Nam và nhà Tống ngày càng được phát triển theo hướng tích cực.
Ý nghĩa ngoại giao trong bài từ được thể hiện rõ nét qua cách sử dụng ngôn từ thậm xưng “thần tiên” (神 仙)đối sứ thần nhà Tống và “quê hương của đại đế” (帝鄉 đế hương) đối với Trung Quốc. Dùng từ hòa trong hát xướng để tiễn đưa người được quý trọng là một hoạt động về ngoại giao vừa tao nhã vừa văn hóa. Tác động ngoại giao của bài từ không phải là nhỏ.
Về từ đề
Vì là một khúc điệu được ca xướng, một bài từ (詞) tiêu chuẩn thường dựa trên một từ khúc có sẵn nhưng không nhất thiết phải có từ đề. Khúc điệu của bài từ là niêm luật bắt buộc, theo đó, tác giả tạo ra các ca từ thích hợp với từng bối cảnh, thể hiện trữ tình qua cách tả tình.
TUTA có hai khắc bản. Khắc bản TUTA thới Lê ghi bài từ này là Ngọc lang quy (玉郎歸) trong khi khắc bản TUTA thời Nguyễn ghi là Vương lang quy (王郎歸). Về thể loại Tống từ, không có từ điệu nào mang tên Ngọc lang quy hay Vương lang quy cả. Từ điệu phổ biến nhất của Tống từ là Nguyễn lang quy (阮郎歸), còn gọi là “Túy đào nguyên” (醉桃源) hoặc “Túy đào viên” (醉桃園) hoặc “Bích đào xuân” (碧桃春). Do đó, có thể khẳng định rằng Ngọc lang quy (玉郎歸) và Vương lang quy (王郎歸) đều không phải là từ đề của bài từ , mà chỉ là một từ khúc, [8] do trải qua thời gian, các nhà khắc bản TUTA và ĐVSKTT có thể đã chủ quan sử dụng để thay thế từ điệu Nguyễn lang quy của bài từ này. Bản thân của thiền sư Khuông Việt, một nhà thơ lỗi lạc, đã cố tình không đặt tựa đề cho bài từ của mình viết, nên không thể có trường hợp ngài đã dùng Ngọc lang quy để thay từ đề, như một số giả thuyết đã đặt ra.
Về thể hình, chữ “Vương” (王,họ Vương) là “chữ “玉,ngọc” (ngọc báu, quý báu) bỏ đi dấu chấm. Khi ghép chữ “lang” (郎) ngay sau chữ “vương” thì danh từ “vương lang” (王郎) có nghĩa là “chàng họ vương”, hoàn toàn không liên hệ gì đến sứ thần nhà Tống là Lý Giác (李覺). Tương tự, ghép chữ “lang” ngay sau chữ “ngọc” thì danh từ “ngọc lang” (玉郎) có nghĩa là “chồng” hay “chàng” với dụng ý trân trọng về người tình nam/chồng được đề cập. Bài từ khúc sau đây có tựa đề là “Tĩnh đãi ngọc lang quy” (靜待玉郎歸 Lặng lẽ chờ chàng về) mô tả rõ nội dung ngọc lang là người tình nam này. [9]
Chàng ơi
Người yêu của tôi
Không biết giờ chàng ở đâu?
Nhưng mỗi đêm, anh ở bên thân tôi.
Giúp tôi làm ấm tay chân lạnh giá.
Em gắng mở to đôi mắt mệt đừ
Chàng ơi, đừng xa em
Em tự lầm bầm trong thổn thức
Nhưng chàng không hề nghe biết
Không hề nghe biết.
Phần lớn các nhà nghiên cứu có khuynh hướng cho rằng biến thề từ Ngọc lang quy thành Vương lang quy là do lỗi khắc bản bỏ sót “dấu chấm” nên làm cho Ngọc thành Vương, từ đó, cho rằng: “trong hai cách gọi Ngọc lang quy và Vương lang quy, cách gọi Ngọc lang quy có phần thuyết phục hơn” [10]. Theo nội dung bài “Tĩnh đãi Ngọc lang quy” nêu trên thì “ngọc lang” là chàng tình nhân hay chồng, thường được người yêu nữ hoặc vợ gọi trong thân tình và thương yêu. Trong khi, thiền sư Khuông Việt viết ca từ của bài từ này để tiễn đưa sứ thần Lý Giác với mục đích ngoại giao, chứ không phải tiễn người yêu của mình. Hơn nữa, việc khắc bản đầu tiên của TUTA có mặt vào thế kỷ XIII, tức sau khi bài từ của thiền sư Khuông Việt được lưu bố rộng rãi 300 năm, dùng Ngọc lang quy rồi khoảng 100 năm đổi thành Vương lang quy hẳn không phản ánh đúng ngữ cảnh tâm trạng của Khuông Việt đối với Lý Giác. Nếu hiểu “vương” là họ của chàng trai thì trong trường hợp tiễn Lý Giác khắc bản phải ghi là “Lý lang quy” mới đúng, vì Lý Giác có họ là Lý, chứ không phải Vương. Do đó, cả hai từ đề, “Ngọc lang quy” và “Vương lang quy” đều không thích hợp với ngữ cảnh của bài từ
Về dị bản
Trong thời gian 300 năm được lưu truyền miệng trở thành định bản đầu tiên, bài từ có dấu hiệu bị biên tập. Bản TUTA thời Lê gồm 48 chữ, bả ĐVSKTT gồm 49 chữ, trong điệu từ Nguyễn lang quy chỉ có 47 chữ, chia làm hai đoạn thơ, đoạn 1 gồm 24 chữ theo thể biền ngẫu 1 đối với 3 và 2 với 4 và đoạn 2 gồm 23 chữ được phân bổ với 5 câu như sau: 3-3-5-7-5.
Về thi luật, không có dị bản nào chuẩn hoàn toàn với chỉnh thể điệu từ Nguyễn lang quy, nhưng cũng không có bản nào quá xa cách với chỉnh thể, ngay cả hai bản TUTA và ĐVSKTT đóng vai trò là biến thể của điệu từ với sự thêm vào 1-2 chữ vốn không làm thay đổi mấy đến từ phổ. Bản TUTA trung thành chỉnh thể điệu từ ở khổ đầu gồm bốn câu của từ, câu 1 gồm 7 chữ có cấu trúc biền ngẫu với câu 3, trong khi câu 2 gồm 5 chữ và biền ngẫu với câu 4, có cùng số chữ. Bản ĐVSKTT thêm hai từ “diêu vọng” (遙望 trông ngắm từ xa) ở đầu câu hai, đã phá mất cấu trúc biền ngẫu về số chữ tương xứng của từ. Đối với khổ thứ hai, bản ĐVSKTT giữ đúng tiết tấu của chỉnh thể điệu từ trong 5 câu với cấu trúc: 3-3-5-7-5. Trong khi đó, bản TUTA thêm chữ “nhân” (人) trước câu đầu của khổ hai làm cho tiết tấu không còn trung thành với chỉnh thể điệu từ, mà nghĩa lại giới hạn trong tình người giữa tác giả và Lý Giác, trong khi nếu không có chữ nhân thì hàm nghĩa rộng hơn nhiều, vừa tình người và vừa tình của thiên nhiên, ở đây là vạn trùng sơn thủy cũng lưu luyến, bịn rịn với cuộc chia tay.
Câu 3 của khổ 1, bản TUTA ghi là “thiên trùng vạn lý” (千重萬里,vạn dặm ngàn trùng) được đổi trong bản ĐVSKTT là “vạn trùng sơn thủy” (萬重山水,non nước dặm ngàn). Bản TUTA nhấn mạnh đến không gian xa vời vợi từ Việt Nam về Trung Quốc, trong khi bản ĐVSKTT khai thác non nước trùng điệp, bao la và mênh mông giữa hai nước, gợi lên phong cảnh hài hòa tuyệt đẹp. Về ngữ nghĩa, bản TUTA dùng từ “nam cương” (南疆,biên giới Việt Nam) [11] hay không mang ý nghĩa ngoại giao bằng bản ĐVSKTT ghi “biên cương” (邊疆,ngầm hiểu biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam). Ở câu cuối cùng, động từ “báo” (報) trong TUTA được đổi thành “tấu” (奏) đúng với ngôn ngữ ngoại giao mang tính quản trị nhà nước hơn. Ba chữ “tinh tinh lang” (星星郎) trong TUTA rất tối nghĩa, trong khi bản ĐVSKTT ghi “sứ tinh lang” (使星郎) ít bị vô nghĩa hơn. Nhìn chung giữa hai bản, nếu bỏ đi hai chữ “diêu vọng”, từ điệu, từ phổ, ca từ và ý nghĩa ngoại giao trong bản ĐVSKTT xem ra có vẽ thành công hơn bản TUTA.
BẢN TUTA
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương
Thiên trùng vạn lý thiệp thương lương
Cữu thiên quy lộ trường
[Nhân] tình thảm thiết
Đối ly trường
Phan luyến tinh tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị Nam cương
Phân minh báo ngã hoàng.
BẢN ĐVSKTT
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
[Diêu vọng] thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lương
Cữu thiên quy lộ trường Tình thảm thiết
Đối ly trường
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng.
Trên tinh thần thảo luận nêu trên, người viết cho rằng các dị bản là do người đời sau tạo ra, chứ khi sáng tác ca từ (điền từ) vào từ điệu, thiền sư Khuông Việt hẳn là nắm vững và trung thành với chỉnh thể từ phổ. Gọt đi những từ không có trong chỉnh thể điệu từ, bài từ có thể được biên tập và dịch nghĩa như sau:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lương
Cữu thiên quy lộ trường
Tình thảm thiết
Đối ly trường
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị biên cương
Phân minh tấu ngã hoàng.
Dịch nghĩa:
Trời trong gió đẹp, gấm buồm giương
Thần tiên về đế hương
Muôn trùng non nước biển mênh mông
Trời xa bao dặm đường
Tình quyến luyến
Chén đau lòng
Tiễn người bao vấn vương
Nguyện cùng thâm ý giữ biên cương
Tấu trình lên Thượng hoàng.
Giá trị của bài từ
Giá trị trọng tâm của bài từ này là ý nghĩa ngoại giao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc lúc bấy giờ. Chủ ý ngoại giao của bài từ được thể hiện rõ ngay khi Vua yêu cầu thiền sư Khuông Việt giả làm người chèo đò, nghênh tiếp sứ thần Lý Giác tại Khúc Giang. Cuộc gặp gỡ “được sắp đặt” về phía Việt Nam được hiểu là “tình cờ thú vị” đối với sứ thần nhà Tống, đã để lại ấn tượng đẹp cho cả hai bên. Lý Giác là nhà ngoại giao chuyên nghiệp được nhà Tống cử sang Việt Nam để làm việc với chính phủ. Nội dung chính thức của chuyến ngoại giao này không được các văn bản đề cập đến. TUTA và ĐVSKTT chỉ nhắc đến sự kiện đối đáp thơ trên sông lúc mới đến Việt Nam, xướng vịnh/ca điệu từ bên sông khi rời khỏi Việt Nam.
Kế sách “yếu dùng trí” để đối lại với “mạnh dùng sức” của thiền sư Khuông Việt xem ra có hiệu quả. Là người tài năng và mưu trí, hẳn thiền sư Khuông Việt biết rõ rằng nếu tiếp sứ thần Lý Giác theo phép ngoại giao “chính danh” thì không có gì đặc biệt và ấn tượng. Giả dạng làm người chèo đò để làm sứ thần khâm phục tài năng của người Việt Nam theo nghĩa ngụ ý rằng một người chèo đò bình thường còn giỏi văn chương đến thế thì tất cả mọi thần dân còn lại của Việt Nam chắc phải giỏi giang hơn. Mọi người dân trong nước giỏi văn chương gián tiếp chứng minh cho sự vững mạnh về giáo dục của nước đó. Thông điệp thiền sư Khuông Việt ngụ ý với sứ thần nhà Tống là “Đừng nên đụng đến chủ quyền nước Việt Nam, một nước có truyền thống văn hóa lâu đời.”
Sau khi chứng kiến tài năng đối đáp nhanh nhẹn và thông thái của người chèo đò nước Nam qua bài thơ đôi ngỗng, Lý Giác tỏ ra trân trọng đất nước và con người Việt Nam. Ý nghĩa ngoại giao được thể hiện ngay lập tức. Lý Giác đã làm bài thơ thất ngôn, trình bày quan điểm tôn trọng Việt Nam của mình, trong đó, câu “Ngoài trời còn có trời soi rạng” được thiền sư Khuông Việt giải thích với vua là “Bài thơ này có ý tôn trọng Bệ hạ cùng với đế vương [nhà Tống] của ông ta không khác.” [12] Là một sứ thần được Vua cử làm công tác ngoại giao tại Việt Nam mà khen ngợi vua mình là Tống Thái Tông như “mặt trời” thì không có gì để bàn, vì tầm vóc quốc gia và quốc tế của Trung Quốc. Việc sứ thần của nhà Tống to lớn và hùng mạnh xem vua nước ta nhỏ bé và yếu thế hơn nhiều, mà có lẽ xuất phát từ lòng cảm phục tài năng của người chèo đò nước Nam là thiền sư Khuông Việt. Tác dụng tâm lý tích cực này có thể tạo ra hiệu ứng đô-rê-mon tích cực cho bang giao quốc tế giữa nhà Tống với nước ta sau đó.
Ba mỹ từ trong câu đầu bài từ đã khéo léo dùng 3 tính từ “quang” (sáng sủa, quang đãng, trong xanh), “hảo” (tốt lành, thuận lợi, ở đây là sự thuận buồm xuôi gió) cà “cẩm” (gấm vóc, quý giá, sang trọng) ngầm ám chỉ cho tương lai bang giao hòa bình và hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, thay về một bên cố tình xâm lăng và một bên nỗ lực vệ quốc. Buồn gấm giương cao trong thế gió thuận với bầu trời quang đãng thì còn đẹp và nhanh cho bằng. Công thức “lấy ngôn ngữ mỹ miều để lột tả tình cảm đẹp” (dĩ diễm ngữ tả diễm tình) đã phát huy tích cực tác dụng ngoại giao với sứ thần và với nhà Tống.
Khi tiễn đưa Lý Giác về cố hương, thiền sư Khuông Việt trong vai người chèo đò xem Trung Quốc là đất nước của đế đô, vừa thích ứng với vị thế quốc tế thực tiễn của nhà Tống thời ấy, vừa thể hiện sự tôn trọng thích ứng nước Trung Quốc cường thịnh. Việc thiền sư Khuông Việt đề cao Lý Giác như “thần tiên” không phải là “lời dua nịnh” quá đáng, để lấy lòng khách. Mạch văn ngầm ám chỉ người Trung Quốc trở về sống ở Trung Quốc, đế đô của mình, thì còn gì hạnh phúc cho bằng, như thần tiên vậy! Lời khen đẹp ở đây đóng vai trò nhắc nhỡ về tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam. Trong phong cảnh hữu tình với núi non trùng điệp, biển nước mênh mông, phương trời quang đãng, với đôi bạn tri kỷ, tình trạng người đi kẻ ở bao giờ cũng để lại biết bao tình cảm sâu đậm, quyến luyến không nguôi. Tiễn biệt khách với chén rượu làm ấm lòng khách bao nhiêu thì nỗi biệt ly lại dâng trào bấy nhiêu. Ca ngâm khúc từ Nguyễn lang quy trong ngữ cảnh này quả thật làm nỗi bật được tình người da diết trong giờ phút ly biệt: Dù không phải là vợ chồng hay đôi tình nhân, cái vương vấn về tình hữu nghị của chuyến ngoại giao còn đọng mãi trong tâm trí của cả sứ thần nhà Tống và thần dân nước Việt. Chất trữ tình ở đây dù man mác cái buồn thương, nhưng không mang màu sắc ai oán như trong tình yêu bịn rịn. Lời lẽ và ý tưởng ngoại giao thể hiện trọn vẹn trong bài từ , đó là hai bên, hai nước hãy giữ mãi tình cảm đẹp với nhau, cùng nhau tôn trọng và giữ gìn biên cương của hai nước, không ai xâm lấn ai. Từ chính trị quan trọng nhất trong bài từ này là “ngã hoàng” (我皇) là lối chơi chữ khéo léo, theo nghĩa ngoại giao rộng nhất, “vua của chúng ta” tức bao gồm vua Tống Thánh Tông của Trung Quốc và vua Lê Đại Hành của Việt Nam lúc bấy giờ để thể hiện hòa khí và làm đẹp lòng Lý Giác; ở ngữ cảnh tinh xảo hơn, ám chỉ “vua của Đại Cồ Việt” mà thôi. Người đưa tiễn thỉnh sứ thần trình tấu lại với đại đế Trung Quốc về mối quan tâm “vị biên cương”; đang khi bản thân ông cũng làm việc tương tự, trình tấu với vua Đại Cồ Việt. Tại đây, văn chương đóng vai trò chính trị qua công tác ngoại giao vì mục đích lợi ích cho hai nước. Tác giả Trần Trọng Dương nhận xét chí lý điều này như sau:
“Chữ “ngã hoàng” (vua ta) là chữ khá nhạy cảm. “Vua ta” vừa có thể là chỉ “vua của chúng ta”, nhưng cũng có thể lấp lửng trỏ “vua của ta” mà thôi. Nhưng, quan trọng là cái “thâm ý vị biên cương” kia. Văn chương ở đây không còn là văn chương giao đãi nữa mà là văn chương chức năng, văn chương chính trị.” [13]
Trong bài từ “Thâm ý” này được thể hiện nhẹ nhàng, lịch sự; giúp cho người được gợi ý tôn trọng biên cương hai bên không phải cảm thấy gượng, do lời đề nghị quá khiếm nhã. Từ tình cảm đẹp giữa hai người dẫn đến tình hữu nghị và hòa bình giữa hai nước thì còn gì đẹp cho bằng! Tình cảm với quê hương và mối quan hệ với quốc sự được người đóng vai chèo đò thể hiện khéo léo và ấn tượng, chắc hẳn sẽ dẫn đến sự thành công trong công tác ngoại giao với nhà Tống.
Tinh thần nhập thế phò nước hộ dân
Nếu bài thơ thị tịch nhắn nhủ thiền sư Đa Bảo và các đồ đệ khác về biện chứng Phật tính sẵn có trong con người và tất cả chúng sanh, [14] chỉ cần có niềm tin vào tự tâm, tinh tấn tỉnh thức, chuyển hóa tham sân si, sẽ đạt được giác ngộ, như tính chất của lửa vốn có sẵn từ cây, thì bài từ thể hiện tinh thần nhập thế, dung thông vô ngại của thiền sư Khuông Việt qua khuynh hướng “tòng Nho mộ thích”. Mặc dù chưa được rõ nét như mô hình thiền sư – nhà vua qua hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông, hay thiền sư – nhập thế về chính trị như các vị Tăng quan trong các giai đoạn sau, hình ảnh của thiền sư Khuông Việt là một nhân vật nhập thế về chính trị và xã hội có nhiều đóng góp to lớn cho nền chính trị và văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn Đại Cồ Việt.
Một số tác giả có khuynh hướng cho rằng tinh thần nhập thế về chính trị của thiền sư Khuông Việt nói riêng và các thiền sư khác nói chung là do chịu ảnh hưởng Nho giáo. Theo Trần Trọng Dương, thiền sư Khuông Việt “là một phức thể sống động, dung hội giữa Nho và Phật, giữa đời và đạo.” [15]
Lý giải quan điểm này, Trần Trọng Dương cho rằng: “Nhà sư (tưởng là tị thế) nhưng lại nhập triều tham chính, chẳng những thế hoàng đế còn hy vọng ông là người có khả năng “khuông phò đất Việt”. Hoặc ở đoạn khác, ông viết: “đối với ông [thiền sư Khuông Việt], , không có sự phân biệt/ câu chấp Nho hay Phật một cách rạch ròi khô cứng, mà trải nghiệm triết lý (Phật) và tiễn hành thực tế (Nho) là một thực thể sống động, hòa quyện trong tư duy cũng như đời sống xã hội của ông. Ông tuy khoác áo nhà Chiền, nhưng vẫn thung dung trên dặm thanh vân. Ông coi niết bàn ngay tại thế gian; giảng đàn chính giữa tiều trung.”
Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả rằng thiền sư Khuông Việt là một Tăng quan có tinh thần nhập thế cao, tham gia công việc triều chính với vai trò cao và có hiệu quả, góp phần “khuông phò đất Việt,” nhưng đồng thời ngài thể hiện đức tính dung thông vô ngại từ sự trải nghiệm triết lý Phật, tuy khoác cà sa nhưng vẫn quan tâm việc nước, việc xã hội. Nhưng tôi không cho rằng chỉ có Nho giáo mới là “một thực thể sống động”, do ảnh hưởng Nho giáo, theo nghiệp Nho giáo thì con người mới có được khả năng “giảng đàn chính giữa triều trung.” Tôi càng không cho rằng tu theo Phật giáo là “xuất thế” theo nghĩa không còn quan tâm gì đến cuộc đời, trốn bỏ cuộc đời, mặc cho nước thăng trầm vinh nhục. Một trong bốn trọng ân mà bất kỳ Tăng Ni hay Phật tử nào cũng phải mang ân và đền đáp xứng đáng là “ân tổ quốc.”
Mặc dù đức Phật khuyên các tu sĩ không tham gia chính trị nhưng không hề cấm cản việc người xuất gia làm cố vấn chính trị để góp phần quản trị quốc gia tốt. Bản thân đức Phật đã giảng nhiều bài kinh về thuật trị quốc và thiết lập hòa bình. Mười pháp trị nước của vị vua Chuyển luân, bảy yếu tố làm cường thịnh quốc gia, năm điều đạo đức mà người Phật tử phải có trách nhiệm với quốc gia, một vị vua anh minh phải có lòng thương dân yêu nước và thuật làm chính trị trong Kinh Hiền Nhân v.v… được xem là những chỉ nam nhập thế về chính trị và xã hội của Phật giáo. Là bậc tài trí vẹn toàn, mặc dù thưở nhỏ có theo nghiệp Nho, nhưng không vì thế mà võ đoán rằng tinh thần nhập thế của thiền sư Khuông Việt có gốc rễ từ Nho giao, trong khi các bản văn về chính trị và xã hội của Phật dạy lại phong phú hơn nhiều so với các bản văn của các tôn giáo khác.
Trong vai trò kiến tạo nên một đất nước Đại Cồ Việt độc lập khỏi ách nô lệ của Trung Quốc và những ảnh hưởng chính trị và văn hóa của đất nước này, chiến lược ngoại giao qua thi phú của Khuông Việt có phần hữu dụng tích cực và rõ rệt. Hành xử của thiền sư Khuông Việt rất phương tiện và linh động. Khi thì đóng vai là thiền sư với cốt cách siêu phàm, thong dong ba cõi. Lúc thì đóng vai Tăng thống hướng dẫn đời sống tâm linh cho Phật giáo toàn quốc. Những khi cần thiết, thiền sư Khuông Việt nhập vai người chèo đò tiếp rước sứ thần Trung Quốc. Về hình ảnh “thiệp thế” giả dạng thường dân này, có lẽ ngài Khuông Việt là đặc biệt nhất, nếu không nói là độc nhất vô nhị. Đối với việc triều chính, quân sự và các việc hệ trọng khác của quốc gia, theo TUTA, thiền sư đều có mặt trong triều đình để dự bàn và tư vấn, làm cho vua Lê Đại Hành nễ phục thật sự. [16]
Đọc thiền sư Khuông Việt để thấy tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam ngày xưa nói riêng và đặc biệt để tiếp nối tinh thần “đạo pháp và dân tộc” trong bối cảnh đất nước Việt Nam ngày nay, nói chung./.
(Theo tư liệu Hội thảo khoa học quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập)
Chú thích:
(1) Theo TUTA, vua Đinh Tiên Hoàng bái thiền sư Khuông Việt làm tăng thống (拜為僧統), nhờ vào sự tinh thông Phật pháp, giỏi về thế sự và cốt cách hơn người, đối đáp biện thông vô ngại.
(2) Nguyên văn TUTA chép như sau: “Năm bốn mươi tuổi, danh Sư vang tới triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng mời đến, Sư đối đáp hiệp chỉ, bèn phong làm Tăng thống [3]. Năm Thái Bình thứ hai (917). Vua ban hiệu Khuông Việt đại sư.” (Lê Mạnh Thát dịch trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Tp. HCM, 1999).
(3) Về diện mặt, theo TUTA, thiền sư có gương mặt khôi ngô, dáng vóc to lớn, chí chuộng thanh cao (狀貌魁偉, 志尚倜儻 trạng mạo khôi vĩ, chí thượng thích thảng).
(4) Ngoài TUTA và ĐVSKTT (大越史記全書), các tác phẩm lịch sử quan trọng sau đây đều có đề cập đến bài từ này: An Nam chí lược (安南志略), Đại Việt sử lược (大越史略), Việt sử thông giám cương mục (越史通鑒綱目), Lịch triều hiến chương loại chí (曆朝憲章類志) và An Nam thực lục (安南實彔).
(5) Ngoài hai bài từ và thơ nêu trên, ít nhất còn có một đối thoại thiền với đệ tử nối pháp là thiền sư Đa Bảo, thuộc dạng công án, trước khi thiền sư Khuông Việt qua đời. Trong TUTA, nguyên văn đối thoại thiền này như sau: “Một hôm trước ngày thị tịch, đệ tử nối pháp là ngài Đa Bảo thăm và hỏi:
“Thế nào là đầu đuôi của việc học đạo?”
Sư đáp: “Đầu đuôi không vật, giống hư không/Hiểu được chân hư, thể vốn đồng”.
Đa Bảo hỏi tiếp: “Làm sao để đảm bảo điều này?”
Sư đáp: “Không có chỗ cho đệ tử xuống tay”.
Đa Bảo hỏi: “Hòa thượng nói xong rồi chưa?”
Sư lại hỏi: “Đệ tử hiểu được gì?”
Đa Bảo bèn hét lên.
(Thích Nhật Từ dịch).
(6) TUTA ghi là năm Thiên Phúc thứ 6 (tức năm 986), trong khi ĐVSKTT ghi là năm Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987).
(7) Thực ra bài thơ đối đáp gồm 4 câu này là phóng tác từ bài thơ của Lạc Tân Vương. Bài của Lạc Tân Vương như sau:
Nga, nga, nga
Khúc hạng hướng thiên nha
Bạch mao phù lục thủy
Hồng chưởng bát thanh ba.
(Ngỗng, ngỗng, ngỗng
Ngẩng cố lên trời ca
Lông trắng trên nước biếc
Chèo hồng rẽ sóng xa.)
(Thích Nhật Từ dịch)
Hai câu đầu được Lý Giác phóng tác và hai câu sau được Khuông Việt hòa theo phóng tác như sau:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
(Ngỗng, ngỗng có một đôi
Ngước mắt, ngống ven trời
Lông trắng in dòng biếc
Chèo hồng rẽ sóng bơi.)
(Thích Nhật Từ dịch)
(8) Chỉ có TUTA dùng từ khúc thay từ đề của bài từ này. Các văn bản khác hiện còn không ghi từ đề.
(9) Nguyên tác phiên âm bài này như sau:
玉郎 Ngọc lang
我之男人 Ngã chi nam nhân
不知道他在哪 Bất tri đạo tha tại na
可是每天夜里他都在我身邊 Khả thị mỗi thiên dạ lý, tha đô tại ngã thân biên
幫我薀暖我冰嶺的手腳 Bang ngã ôn noãn ngã băng lĩnh đích thủ cước
我努力的想睜開眼 Ngã nỗ lực đích tưởng tỉnh khai nhãn tình
玉郎不要走 Ngọc lang bất yếu tẩu
我衰里喃喃自語著 Ngã suy lý nẫm nẫm tự ngữ trước
可是他聽不到 Khả thị tha thính bất đáo
聽不到 … Thính bất đáo.”
(10) Phạm Văn Ánh, Một số vấn đề về bài từ điều Nguyễn lang quy của Khuông Việt đại sư, trong Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr. 57-79).
(11) Có khắc bản ghi là “Nam cường” (南彊) lại càng giảm ý nghĩa ngoại giao hơn “Nam cương” và “Biên cương”.
(12) Trích từ TUTA. Nội dung bài thơ như sau:
May gặp thời minh giúp việc vua
Một mình hay đợi sứ Giao Châu
Đông đô đôi biệt dòng lưu luyến
Nam Việt muôn trùng ngóng chửa bưa
Ngựa đạp mây mù qua sóng đá
Xe rời núi biếc thả buồm đưa
Ngoài trời còn có trời soi rạng
Sóng lặng khe đầm trăn ngắm thu.
(Lê Mạnh Thát dịch trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TP. HCM, 1999.)
(13) Trần Trọng Dương, Khuông Việt thiền sư hay phức thể dung hợp Nho – Phật.
(14) Nguyên văn kệ thị tịch trong TUTA được ghi như sau: “Mộc trung nguyên hữu hỏa/ Nguyên hỏa phục hoàn sinh/ Nhược vị mộc vô hỏa/Toản toại hà do manh?” (木中元有火/元火復還生/若謂木無火/鑽燧何由萌)
(15) Trần Trọng Dương, Cùng tác phẩm đã dẫn.
(16) TUTA có đoạn ghi: “Hoàng đế Lê Đại Hành ngày càng kính nễ [thiền sư Khuông Việt]. Phàm tất cả việc nước và quân sự của triều đình đều có ngài tham dự.” (黎大行皇帝尤加禮敬凡朝延軍國之事師皆與焉).