Người sống được đạo Phật thì mãn nguyện, không lo sầu, thảnh thơi, thanh tịnh, tự do và an lạc:
Này ông, tâm không khổ
Với người không kỳ vọng
Mọi sợ hãi không còn
Với người kiết sử đoạn
Nhờ đoạn nhân sinh hữu
Pháp được thấy như thật
Ðối chết, không sợ hãi
Nhờ gánh nặng đặt xuống
Ðạo Phật ta khéo hành
Con đường khéo tu tập
Ta không có sợ chết
Khi gốc lão, bệnh diệt
Bờ kia đến, không thủ
Việc làm xong, sạch trong
Bằng lòng, thọ mạng diệt
Như thoát lò sát sinh
Pháp tính đạt, tối thượng
Ở đời, không sở hữu
Như thoát ngôi nhà cháy
Sống chết không sầu muộn
Quá khứ, ta không có
Tương lai hiện tại, không
Các hành không thực hữu
Ở đây, than khóc gì?
Thanh tịnh pháp sinh khởi
Thanh tịnh hành tương tục
Bậc thấy được như thật
Không sợ hãi, thưa ngài.
(Trưởng lão Adhimutta)
Trong
khi đó, thì cũng cùng một trời đất ấy, đất nước gió lữa ấy, mà người
bình phàm thì luôn luôn tương tục mọi điều phiền não, bất loại nguyện,
lo sợ, khổ đau, than khóc.
Sự
khác biệt lớn lao ấy có thể nói là sự khác biệt giữa sinh tử và Niết
bàn. Cũng cùng một đời sống, cũng cùng những nguyên liệu dưỡng chất trần
gian, mà người thì hưởng thọ Niết bàn an lạc, người thì hưởng thọ sinh
tử khổ đau. Khởi điểm cùng truy tìm cuộc đời chân thật, cùng truy tìm
hạnh phúc, mà người thì đạt đến an vui vĩnh cửu, người thì loay hoay với
món nợ khổ đau, đó là do sự đúng sai trong cách đặt vấn đề về cuộc
sống, do sự đúng sai trong quan niệm về hạnh phúc. Ðức Phật đề cập đến 3
loại quan niệm sai lầm (tà kiến). Ðó là tri giác sai lầm, suy tư sai
lầm và kiến thức sai lầm. Chính do sự sai lầm này dẫn dắt con người đến
với khổ đau.
Chúng
ta thấy muôn loài đều đi tìm hạnh phúc. Ðạo Phật cũng thế, cùng chung
với mọi người, đạo Phật đi tìm hạnh phúc. Và nếu dùng chữ 'tu hành' theo
cái nghĩa để chỉ cuộc đi tìm hạnh phúc, thực hiện hạnh phúc, thì quả
thật, cả nhân loại không ai mà không tu hành. Người thì tu hành thực
hiện tiền tài, người thì tu hành thực hiện dục lạc, người thì tu hành
thực hiện danh vọng, người thì tu hành thực hiện trí thức ... là những
thứ mà người đời cho là hạnh phúc.
Nhưng
tiếc thay, vì không thấy trước tất cả những cái đó đều vô thường, vô
ngã; tất cả những thứ đó đều vô nghĩa trước sự vận hành không ngừng nghỉ
của cuộc đời, nghĩa là sự vận hành không ngừng nghỉ của cái chết, cho
nên khổ đau, tiếc hận, không thể nắm giữ là điều tất yếu.
Chúng
ta nhớ lại, đức Phật Thích Ca đã từ bỏ mọi thứ (những thứ mà Ngài có
hơn người đời rất nhiều kể về số lượng lẫn chất lượng) không phải vì
Ngài từ bỏ hạnh phúc để đi tìm khổ hạnh (nếu nghĩ đạo Phật là sự chối bỏ
hạnh phúc, tìm kiếm khổ hạnh thì chắc là đạo Phật đã không còn đến ngày
nay; trái lại đạo Phật tích cực rốt ráo, là đạo diệt khổ, thực hiện an
vui vĩnh cửu) mà vì Ngài thấy rằng những thứ hạnh phúc mà Ngài đang có
chỉ là hạnh phúc tạm bợ đặt căn bản trên sự vô thường và vô ngã của thế
gian, bởi thế Ngài bỏ tất cả để tu hành, thực hiện cái hạnh phúc tối
thượng và vĩnh cửu, gọi là Niết bàn.
Sự
từ bỏ của đức Phật là một bài học vô giá cho thế gian, cho mỗi một thân
phận con người, rằng: Hạnh phúc thì không có ở kia, ở nơi những sự vật
rỗng không và tiêu hoại, mà chỉ có ở đây, trong sự thực hiện cái An Vui
không còn bị điều kiện, cái mục đích tối thượng của đời người mà chúng
ta có thể gọi là gì tùy theo sở thích, khuynh hướng, căn cơ: Niết bàn,
Pháp thân, tính giác, Bi Trí toàn mãn, Phật tính, khuôn mặt xưa nay ...
Trở
lại với 3 sự sai lầm ở trên, tri giác sai lầm, suy tư sai lầm và kiến
thức sai lầm thì kinh điển thường đề cập đến 4 phương diện của cái thấy
sai lầm:
Vô thường mà cho là Thường
Bất toại nguyện, khổ mà cho là tọai nguyện, vui
Vô ngã mà cho là ngã
Bất tịnh, xấu dơ mà cho là thanh tịnh, đẹp sạch.
Do
chạy đuổi theo cái thấy sai lầm đó mà có sinh tử khổ đau. Thế gian đã
đặt vấn đề sai, rồi không biết giải quyết vấn đề hay giải quyết sai, từ
đó duyên khởi ra một chuỗi mắt xích sai lầm vô tận. Vì không thấy được
bất toại nguyện, Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã cho nên đi tìm Vui trong
cái Khổ, đi tìm cái có trong cái không có, đi tìm cái thường còn trong
cái niệm niệm sinh diệt, đi tìm cái ngã trong chỗ không thể nào có ngã,
bèn đuổi bắt ảo vọng, rốt cuộc chỉ thấy có khổ, rỗng không, hoại diệt và
bất an.
Trong
khi đạo Phật thì giản dị mà sâu sắc vô cùng: ta cảm thấy đau khổ, bất
an, buồn chán ư? (Khổ đế). Phải đi tìm nguyên nhân thực sự của cái khổ
đó (Tập đế). Và khi thấy rõ nguyên nhân của nỗi khổ, nỗi khổ liền tan,
vì không còn đất để mọc rễ. Khi thấy được nguyên nhân của khổ, thì không
ai tiếp tục tự làm mình khổ, khi đã thấy cái nóng, cái bỏng là do tự
mình lấy lữa châm mình thì không ai tiếp tục châm đốt mình nữa cả (Diệt
đế). Quá trình giải quyết nỗi khổ, nỗi đau bấy giờ đã rõ ràng, tùy ta có
thực hiện và thực hiện đến mức nào hay không (Ðạo đế).
Khổ,
bất toại nguyện, không làm cách gì có thể thỏa mãn, vô ích (như kinh
Lăng Nghiêm nói là làm sao có thể nấu cát thành cơm; hay kinh Viên Giác
nói là làm sao có thể ngồi chờ hoa đốm kết thành trái), thì đã làm
người, ai cũng từng phải cảm nghiệm thấy. Nhưng nhìn thấy nỗi khổ, bất
toại nguyện ở nơi bản chất của chúng chớ không hời hợt nơi hiện tượng bề
mặt thì ít người thấy. Có lẽ ít trường phái triết lý nào tiếp cận được
với chân lý thứ nhất của đạo Phật là Khổ đế bằng phong trào triết học
hiện sinh ở châu Âu khoảng giữa thế kỷ 20.
Bằng
cảm quan kinh tế của các nhà văn, bằng sự suy tư sâu sắc của các triết
gia, và bằng một sự đồng cảm tế nhị, triết học hiện sinh nhìn ra tính
cách khổ đế của thân phận con người; bị ném ra ngơ ngác giữa đời sống,
ngẫu nhiên, hoàn cảnh giới hạn, hữu hạn tính, cuộc đời là sự hướng về
cái chết, sự cô đơn không thể chia sẻ, sự bất định và mong manh của kiếp
người đến độ vô ích ...
Ðời
người cũng vô nghĩa đến độ khó chịu đựng như huyền thoại Sysiphe: suốt
đời lăn tảng đá lên núi cao, tảng đá sẽ rớt xuống trở lại và rồi lại lăn
lên tiếp để rồi lại rớt xuống, phải chăng đó là từng kiếp đời thất bại
không thể giải thoát của con người.
Vì
không thấy được Tập đế, nguyên nhân của mọi phiền não, khổ đau, của hữu
hạn và thất bại ở trên, và sự giải quyết rốt ráo cho thân phận con
người là Diệt đế, nên các nhà hiện sinh tiến tới chọn một giải pháp sai
lầm, lấy đó làm ý nghĩa cho cuộc đời.
Khi
thấy cuộc đời có làm gì cũng giới hạn giữa hai bờ sinh tử, khi thấy
cuộc đời hữu hạn và vô ích đến độ phi lý, họ đành cho con người một
quyền hạn càng nhỏ và mong manh hơn khuôn khổ của kiếp người, đó là sự
nổi loạn, sự chọn lựa để biểu lộ tự do. Sự tự do trong cuộc đời hữu hạn
chật hẹp vì vọng tưởng vô minh đó ắt cũng phải là một tự do nhỏ hẹp và
buồn rầu.
Ðó
là hình ảnh của người anh hùng buồn rầu hành động để chỉ thấy hành động
là vô ích trong cuốn 'Thân phận con ngườí của André Malraux. Ðó là khi
thấy trần gian này chỉ là một chốn lưu đày (như chàng cùng tử xa xứ
trong kinh Pháp Hoa), nhưng không biết quê nhà ở đâu, đành phải ngậm
ngùi chấp nhận cuộc sống lưu đày là quê nhà (tác phẩm Lưu Ðày và Quê Nhà
của A. Camus). Thật khác xa với kinh nghiệm của Ðại thừa trong cùng một
lời nói: Sinh tử tức Niết bàn. Ở đây sinh tử tức Niết bàn của Ðại thừa
là thấy được thực tướng của sinh tử là Niết bàn, khi ấy, giả tướng sinh
tử bèn tiêu mất, chỉ còn thực tướng Niết bàn đi đâu cũng là Quê Nhà.
Chúng
ta thấy rằng triết học hiện sinh đã giúp con người phản tỉnh nhìn lại
thân phận hữu hạn của mình với những vấn đề muôn đời của nó, đặt con
người trước nỗi cô đơn và trống rỗng khi đối diện với chính mình, đặt
con người trước mặt cái chết không thể trốn tránh, nhìn lại tính cách
phù phiếm của mọi sự thủ hữu. Có thể nói họ đã tiếp cận được chân lý đầu
tiên của đạo Phật là Khổ đế. Nhưng họ không thể đi xa hơn để thấy được
nguyên nhân của khổ, tức là Tập đế, nên không thể giải quyết vấn đề cho
thân phận con người (Diệt đế và Ðạo đế). Do đó mà triết lý của họ trở
thành bi quan, bế tắc. Bởi vì phản tỉnh để thấy được khổ, nhưng không
giải quyết được khổ thì càng khổ hơn và không riêng gì triết lý hiện
sinh mà cả văn chương, văn học nhân loại cũng chỉ luẩn quẩn trong vòng
khổ đế.
Phải
nói rằng có rất nhiều người, xưa cũng như nay, chỉ nhìn thấy Phật giáo ở
giai đoạn Khổ đế này, cho nên có ý nghĩa rất sai lầm rằng Phật giáo là
bi quan, yếm thế, là xuất thế, hư vô. Nếu chỉ dừng ở Khổ đế như triết
học hiện sinh thì đạo Phật đã không là đạo Phật và không còn là một
nguồn sống cho loài người cho tới ngày nay. Ðạo Phật thì tích cực rốt
ráo, vì không chỉ nêu lên thân phận trói buộc của con người, mà còn tìm
ra nguyên nhân của sự trói buộc, chặt đứt trói buộc để giải phóng thật
sự con người bằng một con đường tất yếu.
Có
lẽ vì thế mà triết lý hiện sinh với những thủ lãnh trí thức và uy tín
hàng đầu của văn hóa Tây phương chỉ nở rộ được trong vài thập niên giữa
thế kỷ 20 và khi đạo Phật đã có mặt thật sự ở Tây phương, thì phong trào
hiện sinh ở châu Âu và thế hệ Beatle ở Bắc Mỹ đã tàn lụi nhanh chóng.
Nếu
dùng danh từ hiện sinh để chỉ sự nhấn mạnh vào cuộc sống hiện tại, đến
sự cụ thể thực dụng của cái đang hiện tiền, không mơ tưởng hão huyền ở
một giải pháp nơi một đời nào khác, một nơi nào khác, không phóng ảnh ra
một thần linh ban ơn nào khác, thì phải nói không có một thứ hiện sinh
nào hơn đạo Phật, cái hiện sinh của người đã diệt khổ, chính niệm vào
hiện tại, hiện tại lạc thú:
Không hối tiếc quá khứ
Không chờ đợi tương lai
Sống vĩnh viễn hiện tại
Nên sắc thân sáng đẹp
(Tương ưng I, 6)
Ðó
là cái hiện sinh "Niết bàn hiện tiền" của Lục Tổ Huệ Năng: "Cứ theo lời
ông nói, tức là ngoài sắc thân riêng có Pháp thân, lìa sinh diệt để cầu
tịch diệt (Niết bàn), lại suy luận Niết bàn thường lạc cho là có thân
thọ dụng.
Ðây
là lầm chấp sinh tử, mê theo cái vui trần gian. Nay ông nên biết, Phật
vì tất cả người mê nhận thân tướng năm uẩn là của mình, phân biệt đủ thứ
pháp cho là tướng ngoại trần, ưa sinh, ghét tử, niệm niệm đổi dời,
không biết là mộng huyễn hư giả, uổng chịu luân hồi, lấy Niết bàn thường
lạc đổi thành tướng khổ, trọn kiếp tìm cầu.
Phật
vì thương những người mê ấy, chỉ dạy Niết bàn chơn lạc, trong sát na
không có tướng sinh, trong sát na không có tướng diệt, lại không có sinh
diệt nào để có thể diệt, ấy là Tịch Diệt Hiện Tiền. Chính ngay khi hiện
tiền, mới gọi là thường lạc. Lạc ấy không có người thọ, cũng không có
người chẳng thọ, há nói rằng Niết bàn ngăn cấm các pháp hay sao?"
(Văn Hóa Phật Giáo)