Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tham luận: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thích Giác Tâm
22/03/2013 21:05 (GMT+7)

Chư Păh, ngày 22 tháng 03 năm 2013

 

Kính thưa:  ..........................................................

                    

Trước hết cho tôi kính lời cảm ơn quý vị lãnh đạo Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQVN  và các ngành chức năng huyện Chư Păh đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đồng bào các tôn giáo" và  đã tạo điều kiện cho chúng tôi có tham luận trình bày đề tài "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đồng bào các tôn giáo". Chân thành cảm ơn tất cả liệt quý vị và kính chúc buổi hội nghị thành công tốt đẹp.

 

Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo, và trong mỗi tôn giáo đều có một nền văn hóa bản sắc riêng. Đại diện cho khối Phật giáo huyện chúng tôi xin trinh bày đôi nét về văn hóa Phật giáo.

Đạo Phật có mặt ở Việt Nam trên dưới 2000 năm. Hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc, cùng thịnh suy thăng trầm cùng vận nước. Là một tôn giáo lớn trên thế giới, bởi vậy nền văn minh, văn hóa của Phật giáo  cực kỳ rộng lớn trên nhiều lãnh vực: Giáo dục, tư tưởng, triết học, văn học, thi ca,  kiến trúc, hội họa, mỹ thuật ........dòng suối văn hóa Phật giáo Việt Nam đã luân lưu chảy cùng dòng suối văn hóa dân tộc trong một thời gian khá dài và đã góp phần không nhỏ trong nền văn hóa dân tộc.

Hai ngàn năm có mặt và hòa quyện trong đất nước Việt Nam, văn hóa Phật giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng trong văn hóa dân tộc. Giáo lý nhân quả, nghiệp báo  đã ăn sâu vào trong tiềm thức dân tộc đã trở thành ca dao tục ngữ thấm đậm triết  lý nhà Phật:

"Gieo nhân gì gặt quả nấy". "Gieo gió gặt bão". "Ai ơi! Hãy ở cho lành, Kiếp này chẳng gặp, để dành kiếp sau". " Ở hiền thì lại gặp lành, Ở ác gặp dữ, tan tành như chơi". "Đời cha ăn mặn đời con khát nước". " Đời xưa trả báo thì chầy, đời nay trả báo một giây nhãn tiền".  "Nay con thân nghiệp nhẹ nhàng, nhớ ơn cha mẹ lại càng tu thân".  "Nghiêng vai ngữa vái Phật trời, Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân"................

    Khắp ba miền  đất nước  chúng ta đều thấy văn hóa Phật giáo bàng bạc ở khắp nơi, ở những lễ hội, ở những buổi giảng kinh,Thiền trà, triển lãm hội họa, kiến trúc, điêu khắc, văn học, thi ca, đời sống từ bi yêu thương của giới Phật tử thể hiện qua hành động đùm bọc, chia sẻ, che chở đồng bào lúc hoạn nạn, thiên tai, bão lũ, ách nạn, phóng sinh các loài động vật, bảo vệ môi trường, môi sinh, đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa.......


"Từ rất xa xưa, các mái chùa cổ kính đã góp phần tô điểm cho làng quê Việt Nam. Cây đa bến nước, mái đình, mái chùa không tách rời trong tâm trí kỷ niệm của mỗi người dân xa quê hương, nhớ tới nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ tới tổ tiên ông bà, họ hàng, làng xóm. Tiếng chuông chùa thu không vang lên trong những buổi hoàng hôn đã đi vào nhịp sống thường nhật của mỗi người dân. Đã có một thời kỳ dài trong lịch sử dân tộc, Phật giáo là quốc giáo, dù sau này không còn giữ địa vị độc tôn nhưng tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo vẫn thấm sâu trong tâm hồn người Việt. Lên chùa lễ Phật, vãng cảnh, không phải chỉ là việc làm của các Phật tử mà là đông đảo các tầng lớp nhân dân và thật sự là một nét đẹp trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc.


Việt Nam là một xã hội ở phương Đông, từ mấy chục thế kỷ nay dân tộc ta đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Những yếu tố tích cực của Phật giáo còn tồn tại lâu dài trong đời sống văn hoá dân tộc, là di sản văn hoá dân tộc, đã có tác dụng không nhỏ đến việc thúc đẩy xã hội phát triển.
Chúng ta không quan niệm một xã hội văn minh phát triển, chỉ có về mặt vật chất kỹ thuật, về tổng sản lượng quốc dân, về mức thu nhập bình quân... mà một xã hội phát triển văn minh cần phải phát triển cả về mặt tinh thần với những giá trị nhân bản cao quý với cuộc sống văn hoá tốt đẹp.


Cất chùa thờ Phật, lên chùa lễ Phật để hướng tới điều thiện là nhu cầu của cõi tâm linh, hướng tới cái chân, cái thiện cũng còn là để hướng tới cái mỹ, để cảm nhận vẻ đẹp của các ngôi chùa. Chùa Việt Nam nào cũng có vẻ đẹp, mỗi chùa có một vẻ đẹp riêng, mỗi ngôi chùa gắn liền với lịch sử xa xưa của một vùng, một làng xóm, ở đó những người sống trong chùa và ngoài chùa đã bằng công sức mồ hôi và trí tuệ của mình, xây dựng nên những giá trị tinh thần và vật chất của mỗi miền và của cả đất nước. Có người đã góp phần tích cực vào việc xây dựng Nhà nước Đại Việt ngay từ buổi đầu dựng nước như Thiền Sư Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Huyền Quang... Nhiều người đã dốc cả cuộc đời vì cái thiện, là những tấm gương về điều thiện cho dân chúng trong vùng noi theo. Đã có thời kỳ trong hàng trăm năm, chùa là trường học, là nơi truyền bá cái thiện, truyền bá văn hoá. Ngày nay ở vùng đồng bào Khơ Me Nam Bộ, chùa vẫn còn là trường học cho thanh thiếu niên trong vùng, chùa và trường là một, đủ cho thấy ý nghĩa văn hóa của ngôi chùa trong lịch sử dân tộc".
(Trích: Chùa Việt - Trần Lâm Biền  Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Cục Di sản Văn hóa).

Chính từ ý nghĩa nhân văn đó mà chúng tôi gọi ngôi chùa là văn hóa gốc:" Ngôi chùa là văn hoá gốc, ngôi chùa còn là văn hoá còn, văn hoá còn là góp phần làm cho đất nước phồn vinh vững bền mãi mãi". 

Là công dân sinh trưởng ở địa phương này( xóm Trại Mộ, xã Biển Hồ) chúng tôi cũng cố gắng hết sức mình để góp phần gìn giữ nền văn hóa Phật giáo, và cũng chính  là nền văn hóa chính của dân tộc bằng một việc làm thực tiễn, là kiến tạo trùng tu chùa Bửu Minh với đường lối kiến trúc cổ xưa học hỏi nơi tổ tiên. Luôn hướng dẫn tín đồ yêu Tổ quốc, giữ gìn Tổ quốc. Luôn đau đáu lo lắng cho sự an nguy mất còn của Tổ quốc, và Tổ quốc là trên hết,  sau đó mới nói đến, rao giảng đến niềm tin tôn giáo.

Trước khi dứt lời, một lần nữa chúng tôi xin chân thành cảm ơn ban tổ chức, chư vị lãnh đạo đã cho chúng tôi phát biểu cảm tưởng của mình trong buổi hội nghị này.

Kính chúc toàn thể chư vị được nhiều sức khỏe, trân trọng kính chào đoàn kết .

 

Thích Giác Tâm

 

 

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang