Đạo là con đường đi tới theo nhịp bước đăng trình
giữa thời đại và chất sống tâm linh, văn hóa tâm linh đã trở thành như
một nhu cầu thiết yếu và thiết thân, thiết thực của thân phận làm người.
Cho dù ai đó mênh mang những định kiến cũng đã trãi lòng ra để đón nhận
luồng gió mát làm phong phú cho thần thức sẵn sàng hóa giải những bất
đồng, phân biệt vu vơ và cố cớ mà đeo đẳng làm khổ lụy kiếp người mà
thôi:
Lửa tàn còn chút sắt son
Đừng tan tro bụi tâm hồn Việt Nam
(Tàn lụi tâm hồn – Mặc Giang)
Và người đọc còn cảm thấy “như ngạc
nhiên”, nhà thơ Trường Giang Mặc Tử sáng tác và sáng tạo nhiều bài thơ
đến thế với mọi thể tài cổ điển, hiện đại; với mọi chủ đề bình dị, thâm
uyên, thâm áo; với tính cách nhân văn, nhân bản thâm hậu khơi sáng đến
tận những ngóc ngách, ngõ hẽm của tinh thần và tâm linh của con người.
Cõi nhân gian muốn lưu lại chút gì,
Không vẽ nổi chân dung vô danh thể.
(Không vẽ nổi chân dung – Mặc Giang)
Hoặc sâu lắng hơn về cùng một đề tài ấy:
Bước lên đầu vô thỉ
Quay tận đáy vô chung
Vẽ thử một chân dung
Càn khôn vờn vũ trụ
Bóng hư vô hiện hữu
Bao tinh thể trùng trùng
Không vẽ nổi chân dung
Hạt bụi chưa biến mất.
Trong số lượng hơn 1400 bài thơ của thi
nhân Mặc Giang, độc giả tính đếm sẽ có hơn 100 bài viết về cảm quan, lối
nhìn, đường về cõi “hình nhi thượng” vượt tới cảnh giới siêu hình. Xin
hiểu “siêu hình” theo nghĩa đẹp, nghĩa tốt – không có siêu hình theo
nghĩa “ảo tưởng” đâu.
Ngay cả với đề tài bình thường “vịnh cơ đồ” nước Việt, Mặc Giang vượt qua và vượt xa Tản Đà một khi lên bút:
Tình tự chan hòa cao tiếng hát
Thiên thai vang khúc nhạc thần tiên (vịnh cơ đồ - Mặc Giang)
Hoặc nói bí quyết làm thơ, Mặc Giang nói rất để hiểu, dễ chịu là thâm hậu lại vô cùng:
Thơ là tinh luyện ý lời
Nhân sinh vũ trụ cuộc đời mà ra
Con người có cuộc đời, sao cây cối lại
là không? Cũng vậy mà thôi. Đố ai nhìn ngắm cây đào ngày tết mà viết thơ
thành – thành thơ như dậy sóng. Đọc lên có dựng đứng tóc trán:
Mộng đâu mà hỏi chiêm bao
Phong sương tuế nguyệt cây đào trổ bông
Thì ra, cần mẫn nếu không nói “cần cù”
đọc đi, đọc lại từng câu thơ tinh chọn từ thơ của Mặc Giang thì chắc
rằng sẽ dễ dàng tự nhận ra “bản lai diện mục” của chính mình mà thức
tỉnh sau cơn mê dài của một đời người hiện hữu – có oan uổng và tiếc
nuối chăng?
Một mai quẳng gánh ra nhà gió
Cát bụi mù bay sương trắng pha
Thế cho nên tôi đặt tựa đề cho viết “thơ
Mặc Giang khơi dậy sóng tâm tư” để tỏ lòng tri ân thi nhân Trường Giang
Mặc Tử ở chân trời xa mà lại như rất gần gũi và thân thương đối với
tôi, với những độc giả thân quen thích đọc thơ Mặc Giang ở cố đô Huế.
Cho thương gợi nhớ Huế tôi ơi
Răn rứa mô tê muốn nghẽn lời
Rũ bóng sông Hương tràn cổ kính
Trường Tiền sóng vỗ ngập đầy vơi.
Thầy Mặc Giang ơi, cho chúng con gọi
theo lối làm văn; Huế của thầy và Huế là của chung mọi người. Thơ của
thầy đã dậy sóng Thần kinh.
Huế, chiều 24-7-2010.