Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ở thời hiện đại, kết của Tấm Cám vẫn đầy ý nghĩa
Tác giả: Đặng Khánh Duy (Úc)
26/11/2011 13:39 (GMT+7)


Gần đây, cái kết của chuyện Tấm Cám đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên khắp các mặt báo và trên các mạng xã hội. Có hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một luồng ý kiến cho rằng nên sửa cái kết của chuyện Tấm Cám cho phù hợp với tinh thần thời đại, mang tính nhân văn cao hơn.

Tấm Cám phản ánh chân thực cuộc sống

Luồng ý kiến khác cho rằng không nên sửa vì đó là "di sản". Nếu cái kết của chuyện Tấm Cám có phần tàn nhẫn thì đó cũng chỉ là sự hạn chế trong cách suy nghĩ của thời đại cũ. Chúng ta nên chấp nhận nó.

Ở bài viết này, tôi xin được phân tích ý nghĩa cái kết của chuyện Tấm Cám theo một khía cạnh khác để thấy rằng ngay cả với cái nhìn của thời hiện đại, cái kết ấy cũng đầy ý nghĩa.

Hồi còn học cấp tiểu học, những năm 80 của thế kỷ trước, ở trong xóm, tôi là đứa duy nhất có cuốn truyện Tấm Cám với những bức hình màu và tranh vẽ rất đẹp. Câu chuyện Tấm Cám với cốt truyện hay đã khiến quyển truyện của tôi trở nên đắt hàng trong mọi cuộc trao đổi tranh chuyện với lũ bạn.

Vào lứa tuổi đó, tôi chẳng mấy để ý đến cái kết có phần hơi "tàn nhẫn", chỉ nghĩ là "ác giả ác báo". Nhưng dần dần tôi cũng nhận ra hành động của cô Tấm có vẻ không được "nhân hậu" như mọi người thường ca tụng về cô.

Tôi đã từng nghĩ đến một cái kết khác. Cái kết đó sẽ là, sau khi trở thành hoàng hậu, Tấm vẫn cư xử tốt với mẹ con Cám. Xúc động trước sự nhân hậu của Tấm, mẹ con Cám hối lỗi về những hành động của mình. Mẹ con Cám xin lỗi Tấm và mọi người sống bên nhau hạnh phúc trọn đời.

Nhưng càng lớn lên, tôi lại càng cảm thấy thích cái kết nguyên gốc của câu chuyện. Tôi thấy cái kết đó ý nghĩa hơn cái kết mà tôi từng nghĩ đến. Đơn giản, bởi qua cái kết đó, chuyện Tấm Cám phản ánh chân thực hơn về cuộc sống.


Ngay cả với cái nhìn của thời hiện đại, cái kết của Tấm Cám cũng đầy ý nghĩa

Trong cuộc sống, không phải bạn cứ sống tốt thì mọi người cũng sẽ đối xử tốt với bạn. Có những khi sự vị tha dù cao cả đến mấy cũng không thể cảm hóa được cái ác. Do đó, sự trừng phạt cái ác là cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề là sự trừng phạt cái ác theo cách của Tấm có thực sự thỏa đáng? Với bản thân tôi, cái kết đó có một ý nghĩa lớn hơn sự trả thù hay trừng phạt. Nói rộng ra, đó là cách để Tấm bảo vệ chính mình.

Giáo dục "lý tưởng hóa" quá sẽ rất nguy hiểm

Trước sự ghen ghét của mẹ con Cám, nếu Tấm không hành động thì liệu Tấm có sẽ lại bị hãm hại một lần nữa? Người ở thời hiện đại có thể chỉ trích rằng, sao Tấm không dựa vào sức mạnh của "luật pháp"?

Vậy xin hỏi, liệu Tấm có thể trông chờ vào "luật pháp" khi mà cái chết của Tấm chẳng được ai quan tâm để tìm ra nguyên nhân. Còn những kẻ thủ ác thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong nhiều trường hợp, việc tấn công cái ác để bảo vệ chính mình là điều cần thiết.

Lịch sử Việt Nam sẽ không thể quên chiến thắng giòn giã của Lý Thường Kiệt. Thời ấy (1072), Lý Thánh Tông vừa mới từ trần. Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới vừa 7 tuổi. Giặc phương Bắc định nhân cơ hội này xâm chiếm Đại Việt.

Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt với chủ trương: "Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước, chặn thế mạnh của giặc", đã đem quân đánh thẳng vào sào huyệt của địch trước khi chúng kịp đánh ta. Phải chăng đó là một cách đánh hay không chỉ cho thời đại của Lý Thường Kiệt?!

Cũng có người cho rằng, hành động của Tấm với Cám, một người em cùng cha khác mẹ có phải là quá "nhẫn tâm"? Vậy phải chăng, chúng ta muốn giáo dục con cái chúng ta rằng, nếu người ngoài làm việc ác thì ta nên trừng phạt, còn với người thân thì nên "bao che"?

Chúng ta sợ cái kết có phần "tàn nhẫn" của câu chuyện có thể sẽ làm hỏng giá trị nhân văn và tính hướng thiện trong giáo dục. Vậy cái kết nào sẽ là một cái kết tốt hơn? Đó sẽ là một câu hỏi lớn.

Với cá nhân tôi, cái kết nguyên gốc dẫu có thể không làm hài lòng nhiều người nhưng là một cái kết phản ánh cuộc sống chân thật và không quá "cổ tích".

Con cái chúng ta cần được giáo dục để hướng thiện. Nhưng nếu giáo dục con cái dựa trên sự lý tưởng hóa về cuộc sống thì sẽ rất nguy hiểm. Hãy đừng giáo dục con cái chúng ta rằng con cứ sống tốt, rồi con sẽ được hạnh phúc.

Liệu Tấm có thể trông chờ vào "luật pháp" khi mà cái chết của Tấm chẳng được ai quan tâm để tìm ra nguyên nhân. Còn những kẻ thủ ác thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong nhiều trường hợp, việc tấn công cái ác để bảo vệ chính mình là điều cần thiết.

Sẽ thế nào nếu một ngày con bạn nhận ra rằng dù con bạn sống tốt nhưng sẽ vẫn có một "tá" người sẵn sàng hãm hại nó. Sẽ thế nào nếu con bạn sống tốt nhưng nó vẫn phải hứng chịu nhiều điều bất hạnh. Nó có thể sẽ mất niềm tin vào cuộc sống, sẽ sụp đổ.

Nhưng nếu chúng ta giáo dục con chúng ta rằng, con ạ, cuộc sống là thế. Cuộc sống luôn có cái ác dù con có tốt đến đâu. Con hãy tự biết bảo vệ mình trước những mối đe dọa.

Nhưng con hãy đừng vì thế mà không sống tốt, dù cuộc sống có đáp trả lại con bằng hàng ngàn điều bất công. Nếu con cái chúng ta ý thức được điều đó, tôi tin chúng sẽ sống tốt hơn và không dễ dàng mất niềm tin vào cuộc sống.

Với những phân tích ở trên, thiết nghĩ việc giữ nguyên cái kết của chuyện Tấm Cám là cần thiết, không phải chỉ để giữ tính "lịch sử" của nó, mà cũng bởi ý nghĩa  cái kết này vẫn phù hợp với cách nhìn của thời đại ngày nay.

(tuanvietnamnet)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang