Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cảm niệm Ân Sư - Cố HT. Thích Tịnh Nhãn
Thích Minh Tuệ
02/05/2013 16:16 (GMT+7)



  Mùa hè đang đến, con có được khoản thời gian thuận tiện, đang xem vé xếp đặt chuyến về quê hương thăm thân phụ, Tu Viện Nguyên Thiều, Trường Trung Cấp Phật Học Bình Định, thăm những vị Ân Sư và thăm Thầy (cho con được phép gọi Cố Hòa Thượng là Thầy, danh xưng gần gũi thân thương như thuở sinh tiền), đột nhiên con hay tin Thầy viên tịch. Con ngẩn ngơ xúc động vì lâu nay con không hay tin tức về bệnh tình của Thầy nay lại nghe Thầy xả bỏ báo thân khi chưa đến tuổi “cổ lai hy” như vậy. Trong thời gian ngắn gần đây từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam và Cao Nguyên Việt Nam, chư Tôn Đức Tăng lần lượt về xứ Phật khá nhiều. Riêng tại Bình Định, cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích thượng Thiện hạ Nhơn, vừa ra đi, Môn đồ Pháp quyến chưa ráo lệ, sự trống vắng của một “Tòng Lâm thạch trụ” vẫn còn đó, thế mà giờ đây chư Tăng Ni Phật Tử lại ngậm ngùi đưa tiễn một vị Tôn Đức Giáo Phẩm khác nữa. Đây đó quan san nhuốm màu tang tóc. Biết bao tâm sự nghẹn ngào còn vương nặng lòng những người ở lại và hôm nay con đang gửi tâm hồn mình lãng đãng theo những làn mây xa, quyện với hương khói nhạt nhòa, góp nhặt kỷ niệm xưa nay để kính tưởng Giác Linh Thầy.

Con chính thức có hạnh duyên biết đến Thầy tại Trường Cơ Bản Phật Học Nguyên Thiều khi Thầy là Chánh Văn Phòng và Giảng Sư phụ trách bộ môn Phật Pháp Căn Bản (năm 1992). Con là người Thầy hay “để ý” tới bởi vì con thi tuyển vào Trường đậu hạng nhì (Thầy Quảng Nhơn hạng nhất), con đã tốt nghiệp xong Trung Học và là người năng động, nhanh lẹ phản ứng trong lớp. Sở dĩ con rất hay “giơ tay phát biểu” trong lớp dạo ấy vì việc học là “sở trường” của con kể từ lớp Mẫu Giáo cho đến hết cấp III, hơn nữa lúc đó con chỉ là một chú Sa Di mới vào chùa cho nên việc chấp “nhân ngã bỉ thử” chắc chắn còn nhiều, Tăng Ni học chung một lớp, con phải tự hứa lòng mình góp phần cách sao để “bên học Tăng” không thua “bên học Ni”. Đó là việc không dễ dàng gì khi việc siêng năng, cần cù, ngoan ngoãn, “học thuộc bài”, viết chữ đẹp,… là đặc điểm vốn có của phụ nữ. Thế nhưng những câu hỏi mang tính “thách đố” đòi hỏi tư duy, quán chiếu, sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy kịp thời của Thầy trong lớp học giúp con thể hiện được mình và từng bước hoàn thành “trách nhiệm thiêng liêng” mà con tự đặt ra lúc đó. Đến bây giờ con còn nhớ như in về những buổi thuyết trình hào hứng với đề tài Thầy đưa ra : “Chí nguyện và hành trạng của người xuất gia”, những câu hỏi do Thầy khêu gợi sự tập trung tư tưởng và thảo luận : “Bát nạn là gì?”, “Tại sao nói thân người khó được mà dân số thế giới càng ngày càng tăng?”.

Con sớm rời Trường Cơ Bản Phật Học (CBPH)  Nguyên Thiều từ năm thứ nhất và vào học nơi Học Viện Vạn Hạnh thế nhưng mỗi lần Tết đến con lại về Nguyên Thiều, rồi tháp tùng cùng chuyến xe của Tăng Ni Sinh Trường CBPH đi kính viếng chư Tôn Đức dưới sự hướng dẫn của Thầy. Khi đảnh lễ, có quý Ngài nào không nhớ ra thì Thầy giới thiệu con đến quý Ngài biết. Điểm dừng cuối cùng của phái đoàn là Chùa Giác Hoàng trước khi về lại Nguyên Thiều. Con thấy có chú Cang (Vạn Huy) và Tăng Ni ngoài tỉnh trú học tại đó, họ rất an vui, trong tâm trạng : “đất lành chim đậu”. Thầy là Giáo Thọ Sư của Trường thì hiển nhiên Thầy sẽ rất ưu tiên, dành tất cả mọi điều kiện thuận tiện cho việc tu học, có thời gian để dạy thêm, họ nương dựa được bóng mát Bồ Đề cho 4 năm học tại Trường, âu đó là uy đức, tha lực, môi trường quý báu để có được khoảng thời gian rèn luyện, hun đúc quan trọng nhất, quyết định nhất, ấn tượng nhất cho hành trình của bậc xuất trần thượng sỹ.

Mỗi lần con từ Ấn Độ về thăm, Thầy bày tỏ mối quan tâm đặc biệt dành cho Tăng Ni tu học nơi xứ Phật, một đệ tử của Thầy là Tăng Sinh Thích Giác Tín cũng đang học tại đó. Thầy tìm hiểu và khuyên những Tăng Ni nên học tiếp thu những gì bên Ấn Độ để sau này có thể lo việc giáo dục Phật giáo, kế thế lớp Quý Thầy. Thầy còn tâm sự về việc Quý Thầy đang tiếp xúc, lắng nghe thế hệ Tăng Ni trẻ và “chiêu dụ” (thuyết phục) họ trở về Tỉnh nhà để lo công việc Phật sự sau khi họ đã tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học từ các thành phố Saigon, Huế, Hà nội hoặc đã trải qua quá trình du học đến các nước Phật Giáo. Qua đó con hiểu được tâm huyết, “dụng tâm lao khổ” của Thầy trong việc bồi dưỡng sao cho “tre tàn măng mọc”, đào tạo Tăng tài, sắp xếp chuẩn bị cho thế hệ thừa đương Phật Pháp cho tương lai.

Con là chủ nhiệm của Paltalk PhatPhap Nhiem Mau, diễn đàn đối thoại, truyền âm trực tiếp các buổi giảng, thảo luận về Phật Pháp qua hệ thống internet toàn cầu. Tình cờ nhiều lúc con lại hộ trì và lắng nghe những thời pháp thoại truyền âm của Thầy từ các đạo tràng tại Gia Lai, Chùa Phước Long ( Tây Sơn, Bình Định), Châu Âu,…vẫn một giọng nói hào hùng, thao thao bất tuyệt, đầy sức cuốn hút, “gừng càng già càng cay”. Lâu ngày rồi không gặp lại, nghe Thầy giảng truyền âm trực tiếp khiến con ấm lòng lại và học hỏi thêm được nhiều điều. Thầy đã vân du thuyết pháp nhiều nơi xuyên các lục địa : Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc Châu,..Cách thuyết giẳng của Thầy rõ ràng, khúc chiết, sâu sắc, đầy hình ảnh, câu chuyện minh họa, ấn tượng, dễ hiểu,.. thu hút, khiến người nghe “mê tơi” quên giờ giấc. Chính vì tài đức như thế mà Thầy đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh nhà : Hướng dẫn gia đình Phật tử, Chánh Văn Phòng, Thư Ký, Ban Hoằng Pháp, Hiệu Trưởng Trung Cấp Phật Học Bình Định, Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni - Phật Giáo tỉnh Bình Định,…

Hai việc xảy ra gần đây nhất là dịp gặp lại Thầy trong Lễ Phật Đản năm 2011 tại Chùa Hồng Danh, San Jose và dịp về thăm quê năm đó. Ban Tổ Chức Lễ Phật Đản đã thỉnh Thầy với vai trò giảng sư, nhưng sau đó lại bàn bạc và thay đổi để cho con làm giảng sư trong Đại Lễ đó với lý do là tạo duyên con làm quen với Phât tử quần chúng tại vùng San Jose và sau đó sẽ tiếp tục giảng Pháp định kỳ cho các đạo tràng ấy một thời gian. Quả thật, đây là một điều khó xử, con vốn là học trò xưa của Thầy mà bây giờ thay thế cương vị giảng sư lễ hội của Thầy trước sự hiện diện của Thầy. Nhưng Thầy gặp con, mỉm cười và tế nhị bảo : “Nghe nói Thầy Đồng Trí sẽ giảng cho Đại Lễ Phật Đản vậy tôi yên tâm, hãy hoàn thành công việc cho thật tốt nhé”. Con nhìn Thầy mỉm cười và hiểu là Thầy tùy hỷ tán thán cho sự trưởng thành và bước đường hoằng pháp độ sanh của mình, nếu cần, Thầy sẽ nhường bước cho thế hệ trẻ tiến tới. Quả thật như thế, Trường Trung Cấp Phật Học Bình Định bây giờ, Thầy và Chư Tôn Đức cũng đã nhường bước cho thế hệ pháp lữ của con đang đảm đang trọng trách Ban Giám Hiệu nhà Trường. Đó là hạnh dấn thân, phụng sự, xả ly, không bảo thủ, dính mắc. Quý Thầy tin tưởng và giao phó cho thế hệ trẻ đảm đang Phật sự, đứng kề bên với vai trò cố vấn, không muốn cái “già nua, cũ kỹ” hoặc “lạc hậu” cản đường cho một thế hệ trẻ được huấn luyện qua quá trình giáo dục Phật giáo, bài bản, sư phạm. Thế hệ trẻ sẽ tiếp bước, dấn thân, đem hết nhiệt tình và năng lực, phát huy sáng tạo năng động để có những thành tựu thăng hoa, vượt bực hơn xưa.

Việc thứ hai là việc Thầy ân cần hỏi con : có Huynh Đệ nào Nguyên Thiều có khả năng hoặc nhu cầu làm trụ trì cho Thầy biết để Thầy giới thiệu đến vài chùa ở Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, những nơi ấy Phật tử đang nhu cầu và nhờ Thầy tìm giúp. Lúc đó con có hứa với Thầy là để gặp nói lại Huynh Đệ và nếu thuận duyên họ sẽ đến thăm các đạo tràng cơ sở trước khi có quyết định. Qua đó, con hiểu được Thầy chăm lo về cuộc sống sinh hoạt tu học “ an cư lạc nghiệp” của Tăng Ni trẻ và lo lắng làm sao cho các đạo tràng được sinh hoạt ổn định, thấm nhuần lợi lạc. Dù sao đi nữa, Thầy với con có tình liên hệ gần gũi kẻ trước người sau trong cùng môn phái Chúc Thánh….

Giờ này, tâm tư con đang hướng về chiếc nôi Phật Pháp, Nguyên Thiều, nơi đó có biết bao nhiêu kỷ niệm, ân tình, hun đúc, cho con nguồn thương và lẽ sống, giúp con nên người như ngày hôm nay. Tiếng chuông ngân vang, nụ cười, pháp nhũ của Thầy, bữa cơm chung với đại chúng, tưới nước sân chùa, những cuộc họp mặt,… tất cả đã thấm sâu và trở thành một phần máu thịt trong con. Chất liệu ấy là hành trang quý giá không gì thay thế được cho con trong hành trình kiếp nhân sinh. Bao thế hệ học trò của Thầy cả ngàn người, nay lớp thì về lo tiếp tục công việc Giáo Dục Phật Giáo tỉnh nhà và bao lớp khác tung cánh muôn phương. Thầy là “Thầy của những vị Thầy” bởi vì học trò của Thầy nay đã là giảng sư, hiệu trưởng, trụ trì,…Cho dù không gian có xa cách, đứng ở cương vị nào đi nữa, chúng con vẫn nhớ đến Trường cũ, Thầy xưa, bạn học lúc đó,… Những bài học đầu tiên của Thầy cho chúng con như những trang giấy trắng, những chú tiểu vừa tập sự sẽ mãi mãi là những bài học vô giá để chiêm nghiệm, tu học và hành đạo trọn đời.

66 năm trụ thế, trải qua 46 hạ lạp cũng đủ khoản thời gian thị hiện để Thầy gieo trồng những hạt giống thiện, nuôi dưỡng những mầm xanh, làm tốt Đạo đẹp Đời. Giờ này chúng con chỉ còn biết an ủi với nhau rằng : những gì cần dạy, cần khuyến khích, cần cho, cần làm,… Thầy đã làm xong, chúng ta còn trông đợi gì ở nơi Thầy hơn thế nữa. Đến lúc chúng ta hãy cùng nhau, kê vai xốc vác, biến mất mát đau thương này thành sức mạnh, thành hành động thiết thực. Không thể còn gặp Thầy với nụ cười rộng mở, đầm ấm, với lời khuyên bảo chí thiết, chân tình, với cử chỉ gần gũi, thân thiện, nhẹ nhàng, nhưng những lời nói, hình ảnh, bài pháp của Thầy vẫn sống mãi trong lòng chúng con. Xin Thầy hãy chứng giám và hộ trì cho chúng con, chân cứng đá mềm, vượt qua được bao khó khăn chướng ngại để : “kế vãng khai lai, tiếp dẫn hậu lai báo Phật Tổ chi ân đức” mang ánh sáng Phật Pháp đến khắp nơi nơi như tấm gương Thầy một đời tận tuỵ : “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”, Trường Trung Cấp Phật Học Nguyên Thiều ngày càng phát triển tốt đẹp, Phật sự viên thành để không cô phụ lòng thương yêu chăm sóc, lo lắng của Thầy.

Giờ này tại quê nhà, nhục thân của Thầy đang được nhập liệm. Thôi đà khép lại mọi cuộc hẹn hò, khép xong một kiếp. Thế nhưng sự khép lại đó chính đang là mở ra bất tận : bên kia trăng gió thênh thang, không hạn cuộc, cánh cửa vô tung bất diệt đã mở và nay “Người đã biệt tha hương” rồi thì đàn hậu học và học trò của Thầy không còn ỷ lại nữa, lo tinh tiến hành trì. Thầy là người đi trước chỉ đường và mỗi người là hành giả phài tự bước đi trên con đường ấy. Cơn lốc vô thường lạnh lùng gieo rắc oái ăm, chua chát nhưng đó là quy luật xưa nay, trần gian là quán trọ, ta là khách bộ hành, rồi ai cũng phải bước qua nhịp cầu sanh tử. Thân người khó được, minh sư khó tìm, kiếp sống hữu hạn, hãy tận dụng tất cả những gì có được để thành tựu tâm nguyện người tu, tu học rèn luyện cống hiến cho cuộc đời an vui, hạnh phúc và mau đạt đến chỗ vô sanh bất diệt.

Rồi mai này đây con về lại Trường Phật Học Nguyên Thiều, về thăm Chùa Giác Hoàng, trong con sẽ có cảm giác trống vắng những người thân. Thế nhưng trong cuộc thế hữu vi này thì “trong hội ngộ đã có mầm ly biệt”. Xin cảm ơn những bậc Đạo sư đã đi ngang qua đời con và giúp con thắp sáng lên ngọn đuốc bên mình. Trước kia, Tổ Sư có nói : “Khi mê Thầy độ, khi ngộ con tự độ con”. Người tuy xa nhưng tình không xa, người ra đi nhưng người vẫn quanh ta, người xong việc chuyện trần gian rồi buông xả, Còn lại ân tình trong hoài niệm thiết tha.

Xin cung tiễn Người với những vần thơ :

Thôi từ nay bao hẹn hò khép lại

Người đi xa đã khuất tận chân mây

Trông về quê, bao dặm trường mờ mịt

Kỷ niệm xưa chợt sống dậy, dâng đầy.

 

Người đã trọn một hành trình nhân thế

Dâng cho đời mật ngọt với yêu thương

Con phương xa giờ ngậm ngùi rơi lệ

Hình ảnh Thầy, xin ghi khắc, noi gương.

 

 

Nguyên Thiều ơi, mai này Ta tương ngộ

Cảnh còn đây người xưa biệt phương trời !

Sao vướng lụy trong sanh ly tử khổ?

Pháp thân Người lồng lộng khắp nơi nơi.

 

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế, Nguyên Thiều Phật Học Viện Giáo Thọ Sư, Giác Hoàng đường thượng húy thượng Đồng hạ Thanh, tự Tịnh Nhãn, hiệu Trí Đức  Hòa Thượng Ân Sư Giác Linh thùy từ chứng giám

Thiền đường Đại Học Tây Lai, Cali, ngày 30/04/2013

        Hậu Học : Thích Đồng Trí (Thích Minh Tuệ)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang