Có thể là buổi sáng khi chúng ta đang uống cà phê, có thể là một buổi
chiều khi chúng ta đang trở về ngôi nhà của mình, và có thể một buổi
tối khi chúng ta đang ngủ… chúng ta bỗng nhận được tin nhắn hoặc một
cuộc gọi thông báo về một người bạn vừa rời bỏ thế gian. Hoặc trong suốt
thời gian thức của mình, chúng ta luôn luôn nghe hoặc đọc những lời cáo
phó trên đài truyền thanh, trên báo và trên tivi.
Những lúc đó, tôi thường sống im lặng và toàn bộ thế gian mênh mông
hiện ra trước mắt. Trên thế gian mênh mông ấy, có một người quay lại
nhìn tôi rồi lặng lẽ ra đi vĩnh viễn. Có thể tôi khóc lặng lẽ, có thể
tôi thấy một cái gì đó như sự hư vô ùa qua mình, có thể là một ý nghĩ
mới về đời sống, có thể là một nỗi tiếc nuối mơ hồ nhưng dai dẳng, có
thể là sự thức dậy của ký ức về người đó, có thể là một câu hỏi vô nghĩa
nhưng hình như không còn cách khác: “ Vì sao người ấy lại ra đi?” và có
thể nó lại là một sự an ủi cho người vừa mất và cả người còn sống.
Quả thực, trong cách nghĩ thô thiển của mình, tôi luôn luôn bị ức chế
bởi thế gian này quá chật chội. Chật đến nỗi cả trong giấc ngủ cũng
thấy mình ở trong chen chúc, nồng nặc mùi mồ hôi kẻ lạ và bị vây bủa bởi
ngàn vạn con mắt ngờ vực, soi xét. Nhưng khi biết có một người vừa rời
khỏi thế gian, kể cả đó là người không hề có bất cứ mối quan hệ nào với
mình thì mình cũng cảm thấy thế gian bị bắn thủng và để lại một lỗ hổng.
Nhưng trùm phủ lên tất cả những gì tôi vừa nói trên là một lời nhắc
nhở của ai đó. Lời nhắc nhở đó cụ thể là: “Ngươi hãy xem lại cuộc sống
của ngươi”. Với cá nhân mình, tôi thường được nghe lời nhắc nhở đó.
Chính thế, tôi nghĩ về sự ra đi khỏi thế gian này của con người (có thể
là ra đi vĩnh viễn) là lời nhắc nhở của Tạo hóa đối với chúng ta. Hầu
hết con người sống trên thế gian này, trong đó có cá nhân tôi, rất hay
quên mình phải sống như thế nào với người bên cạnh.
Có lần, một người bạn tôi đặt một câu hỏi nghe có vẻ rất “ngớ ngẩn”:
“Tại sao chúng ta không sống với người đang sống như sống với người đã
chết?”. Hình như câu hỏi này có điểm nào đó bất hợp lý nhưng tôi chưa
biết bất hợp lý ở điểm nào. Nhưng nó có lý ở phía lý tưởng sống của con
người. Đó là sự chia sẻ, cảm thông, hiểu biết, nhường nhịn, công bằng và
thiện chí. Điểm hợp lý này đã trở thành cái đích của xã hội loài người
mà con người trong suốt chiều dài lịch sử của mình luôn luôn tâm niệm và
tìm cách đi tới.
Trong thâm tâm chúng ta ai cũng có lần suy ngẫm lại hành xử của mình
đối với một đồng nghiệp, một người bạn hay một người thân khi người đó
rời bỏ thế gian ra đi mãi mãi. Chúng ta nghĩ nếu người đó sống lại chúng
ta sẽ không bao giờ hành xử thiếu thiện chí, bất công, ngờ vực, đố kỵ,
thiếu chia sẻ, dửng dưng…với người đó như một đôi lần khi người đó còn
sống. Chính thế mà ở một phía ý nghĩa của cái chết, tôi nghĩ rằng: việc
thi thoảng có một người đi khỏi thế gian là một cách Tạo hóa nhắc nhở sự
quên lãng những ý nghĩa nhân văn trong đời sống của con người.
Vậy tại sao khi người đó còn sống ở bên cạnh chúng ta trong gia đình,
trong công sở, trong làng xóm hay trong khu phố thì chúng ta lại cảm
thấy khó chịu, thấy ngờ vực và đôi khi căm ghét? Một trong những nguyên
nhân cơ bản làm cho chúng ta quên lãng những phẩm chất tốt đẹp vẫn luôn
luôn trú ngụ trong con người chúng ta là tính sở hữu dục vọng của mình.
Chúng ta muốn sở hữu danh tiếng, sở hữu công việc, sở hữu một vị trí, sở
hữu trí tuệ, sở hữu sự sáng tạo cho đến sở hữu một chiếc xe, một chỗ
ngồi, một lối đi trước nhà mình, thậm chí sở hữu cả một cái bàn ăn trong
một tiệm ăn. Nhưng thế gian lại không chỉ có một mình chúng ta. Thế là
chúng ta tìm nhiều cách chống lại những người khác mà chúng ta cho rằng
người đó là nguy cơ chiếm mất những gì chúng ta thèm khát sở hữu như một
sự độc quyền.
Có rất nhiều người khi ra đi khỏi thế gian này thì mới được người còn
sống tin rằng anh ấy hay chị ấy là một người tốt. Cũng chỉ vì đến lúc
đó chúng ta mới “thở phào” nhẹ nhõm rằng những nguy cơ cướp mất sự sở
hữu của chúng ta không còn nữa. Nhiều lúc, chúng ta giống một con gà mái
nuôi con xù lông tấn công một con trâu đi qua với ý nghĩ con trâu sẽ ăn
thịt đàn con của nó. Nhưng con trâu chỉ biết ăn cỏ và nó không ăn thịt
gà chấm muối chanh bao giờ. Nhưng con gà mái không tin chuyện đó. Có lẽ
nó bị hình bóng những con cáo hay những con mèo ám ảnh.
Không ít những người đã và đang nghĩ rằng: cái chết là một điều gì đó
khác với những gì chúng ta vẫn suy nghĩ lâu nay. Có người nghĩ rằng:
đời sống chúng ta đang sống là một cánh đồng. Còn cái chết là một cánh
đồng bên cạnh mà chúng ta chưa hề biết. Vậy khi chúng ta đã sống một
cách trung thực và không ân hận với đời sống hiện tại thì khi ra đi khỏi
đời sống này chúng ta sẽ thanh thản. Chúng ta chưa có ân huệ gặp lại
một người trở về từ cánh đồng bên cạnh (sau cái chết) kể cho chúng ta về
đời sống ở nơi chốn đó như một người đã đến thăm những khu phố cổ ở
Stockhome trở về và kể lại. Ngay sau đó, chúng ta có ước muốn đến thăm
những khu phố cổ ấy. Nếu khi chúng ta nghĩ và tin sau cái chết là một
cánh đồng sự sống khác thì chúng ta sẽ bớt đi lòng tham và sự ích kỷ của
chúng ta.
Có một hiện thực luôn luôn hiện ra trước chúng ta toàn bộ sự thật của
nó là cái chết. Và trước sự ra đi khỏi thế gian này của đồng nghiệp,
bạn bè và những người thân, quả thực chúng ta có những giờ phút sống
chân thực. Và những phẩm tính tốt đẹp trú ngụ trong bóng tối dục vọng
của chúng ta thức dậy và tỏa sáng. Nhưng rồi chúng ta lại quên ngay
những điều kỳ diệu đó. Thế là, chúng ta lại hành xử với một người còn
sống khác bên cạnh chúng ta với toàn bộ sai lầm mà chúng ta đã mắc phải
với người đã ra đi trước đó. Bởi thế, cái chết, một quy luật tất yếu của
thời gian đối với con người, có chứa đựng một lời nhắc nhở những người
còn sống hãy sống tốt hơn như con người có thể.
Hạnh Nguyên