Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chuyện cây bông giấy
13/09/2010 23:22 (GMT+7)

 Do vậy mà bốn cây bông giấy phải đào lên chuyển đi  vị trí khác. Tôi sai biểu mấy sư chú đệ tử đào bứng lên rất kỹ, có mướn thêm vài người giúp đào nữa. Tính thận trọng sợ cây chết, tôi cho đào thành bồn to như một cái nia, sâu 2 m,

để khi bứng lên đem trồng chỗ khác, cây không chết. Mình tính không bằng trời tính, vì công việc chùa tôi phải đi, chỉ hai tiếng đồng hồ thôi, khi về thì hỡi ơi ! Sư chú đệ tử đã không kỹ tính làm bể bầu đất và cho cưa rễ thật gọn, đưa vô trồng trong bốn chậu kiểng  thật đẹp, bởi chú tin rằng trồng trong chậu thì đẹp hơn bên  ngoài. Tôi buồn vô hạn, đau tức lồng ngực liền, tôi la rầy người đệ tử một trận, và người đệ tử vô trong phòng đóng cửa lại nằm cả ngày.
Đau tức lồng ngực,  là vì cây từ nơi này bứng đi nơi khác nếu không cẩn trọng chăm chút  từng ly từng tý thì rất khó sống, mà nếu bỏ tiền ra mua, thì không thể nào mua nổi ( 4 chậu bông giấy có gốc lớn dáng đẹp 100 triệu là chuyện thường) Hiện nay phong trào chơi cây cảnh khá nhộn nhịp, cây được bứng từ trên núi về như cây bằng lăng,  cây sung, cây lộc vừng, cây da, cây sanh ….. về tới phố thị nếu trồng sống cây giá tới một hai trăm triệu. Núi mỗi ngày mỗi trơ trụi, còn đồng bằng nhà nhà trồng cây núi. Chúng ta đã làm nhiều chuyện tréo hèo như vậy, hèn chi núi chẳng nổi giận, năm nào lũ cũng từ núi tràn về đồng bằng xối xả như thác, sau cơn lũ đồng bằng xơ xác, tan hoang như một cuộc hỗn chiến giữa sơn tinh và thuỷ tinh.
ảnh đại thụ về phố
Cây mất gốc rễ di dời, bứng qua chỗ khác rất khó sống, nếu đưa vô trồng trong chậu lại càng khó sống hơn. Con người cũng vậy, con người vì lý do  nào đó, mà rời bỏ quê, ly hương xa xứ, con  người cũng rất khó sống nơi vùng đất mới, rất khó hội nhập, có nhiều người đã bệnh hoạn, đã thơ thẩn, đã có những triệu chứng bệnh lý về tâm thần. Khi biền biệt xa quê  rồi ta mới thấy câu tục ngữ :” cây có cội nước có nguồn” là giá trị. Và nếu muốn đỡ nhớ quê hương, chữa bệnh trầm uất thì chỉ cần tái hiện lại ngôi chùa, thỉnh đại hồng chung, chuông mõ, trồng đám rau muống, nương khoai,  luống cà tím, rau thơm….. nơi vùng đất mới là quê xưa hiển hiện lại liền. Do vậy mà trên những vùng đất mới, xứ sở lạ hoắc lạ huơ kia mọc lên những ngôi chùa, ngôi tháp, âm thanh của tiếng đại hồng chung sáng chiều lại được thỉnh lên và tâm bệnh lần lần được thuyên giảm ( các lò đúc chuông tại phường đúc Huế, đúc rất nhiều Đại Hồng Chung cho Phật Tử, cho chùa Việt Nam ở hải ngoại là vậy )
Trở lại chuyện sư chú nằm đóng cửa phòng vì bị rầy la, ngày xưa thế hệ chúng tôi mỗi lần mắc lầm lỗi bị Sư Phụ quở mắng, thì liền sau đó mắc áo tràng vô đảnh lễ sám hối với Sư Phụ liền, nghi lễ tiếp theo là lên nhà thờ Tổ sám hối với chư Tổ, lên điện Đại Hùng sám hối với chư Phật. Chính vì ý thức lỗi lầm là quan trọng, cần phải từ bỏ, cần phải không được lập lại mà huynh đệ chúng tôi hồi đó ít mắc phải lỗi lầm, vì mỗi lần mắc lỗi là  tự kiểm điểm qua nhiều thủ tục như vậy nên cũng ngán. Đọc Tiểu sử Hoà Thượng Quảng Khâm, một cao Tăng người Trung Quốc, năm 30 mươi tuổi mắc một lỗi lầm nhỏ là buổi sáng  đánh thức đại chúng công phu bị trễ ( vì Ngài lãnh trách nhiệm này). Trưa hôm đó nơi bàn quá đường Ngài đã sám hối với đại chúng, và phát nguyện từ ngay ngày hôm nay cho đến khi  Ngài già bệnh chết, Ngài sẽ không đặt lưng xuống chiếu nữa, Ngài không muốn lập lại lỗi lầm này một lần nữa. Ngài sống đến năm 95 tuổi mới mất, như vậy hơn 60 mươi năm ngài đã không nằm trên giường. Ý thức lầm lỗi như vậy là quá đáng, nhưng bậc đại trượng phu, thượng nhân chí nguyện xuất trần của các Ngài đều như thế. Khi Ngài mất hoả thiêu xá lợi Ngài rất nhiều, được phúc duyên thờ xá lợi của các bậc cao tăng như Ngài,  ngài Tuyên Hoá,  Ngài Huyền Trang, Ngài Vạn Hạnh, Ngài Quảng Đức thì hạnh phúc cho chúng ta biết chừng nào. Đọc văn truyện của nhà văn Lâm Thanh Huyền người Đài Loan  đương đại ta cũng thấy được chí nguyện của ông. Ông là một nhà văn nổi tiếng viết văn đời, sau khi nghiên cứu đạo Phật, ông mộ đạo, ông đến thưa với Hoà Thượng Tinh Vân, viện chủ chùa Phật Quang Sơn cho ông được tá túc ở lại trong chùa để ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền cho tâm tư lắng đọng, tĩnh lặng mà viết về đạo Phật , bởi ở nhà ( ông giàu lắm) ông sẽ ăn nhậu rượu thịt, gần gũi với vợ , tâm chứa nhiều trần lao phiền não khi viết về Phật không ai đọc, ông muốn ở chùa chay tịnh, tâm an là vì muốn có Phật trong ngòi bút của ông. Ông đóng góp cho Phật giáo Đài Loan rất lớn về phương diện truyền bá giáo lý Phật qua ngôn ngữ văn chương truyền cảm thương Phật thương đạo hết lòng của ông.
Trong một đời mà tu chứng đạo cũng không khó mấy, nếu ta có được đại nguyện như Hoà Thượng Quảng Khâm.
 Trong một đời mà có những tác phẩm lay động lòng người, đi vào lòng người , khiến cho người tín mộ thương Phật cũng không khó lắm nếu như chúng ta có được tâm nguyện như nhà văn Lâm Thanh Huyền ( ông là đại gia mà vẫn không hưởng thụ, chỉ muốn thành tâm tu học và chia sẻ kiến thức Phật học của mình đến với mọi người, với ước mong mọi người cùng tu học để vượt thoát khổ đau ).
Tình thầy trò, tình cha con, mẹ con thời nay rất lợt lạt, nhạt nhẽo, thiếu tình. Hễ động tới thì làm mình làm mẩy, bỏ nhà ra đi, bỏ chùa ra đi, có khi uống thuốc sâu tự tử nữa chứ! Các bậc thầy nuôi nhiều đệ tử thấy rất rõ về chuyện này, các bậc làm cha mẹ cũng đã khóc hết nước mắt vì những đứa con. Chúng ta phải làm sao về nền giáo dục của Đạo của Đời trong thời đại hôm nay? Đây là những vấn nạn lớn, tất cả chúng ta cùng quây quần  ngồi lại với nhau thắp lên một nén hương cùng cầu nguyện để  tìm ra phương cách tháo gỡ, đóng góp cho quê hương đạo giáo mãi mãi an bình và sống trong lễ nghĩa.
 
Pleiku, tháng 02 năm Canh Dần
Thích Giác Tâm


Các tin đã đăng:
Về đầu trang