Trùng trùng pháp hữu vi
Như huyễn bọt tan liền
Như sương rơi ánh chớp
Thường quán tưởng như nhiên
Tất cả vạn pháp trong vũ trụ như nhật nguyệt, rừng núi, biển sông, con người …đều
như huyễn mộng, bọt nước, như chớp lóe sương mai. Hãy quán
tưởng thường xuyên như vậy. Một khi thấy rõ tận tường như thế là thể nhập
tự tánh Không của vạn hữu để xa lìa mọi cố chấp, tham đắm, bám víu, dựa nương :
Nương âm thanh sắc tướng
Để cầu thấy Phật Đà
Kẻ ấy hành tà đạo
Chẳng bao giờ thấy ta
Qua sắc tướng, âm thanh để chiêm ngưỡng, nhìn ngắm, cầu nguyện, tôn thờ Đức Phật
thì kẻ đó chẳng bao giờ hiểu Phật, thấy được Phật, vì đã vô tình lạc vào chốn
đạo tà ma quỷ sứ mất rồi, rơi xuống nẻo hướng ngoại tầm cầu, vọng tưởng mơ hồ
huyễn hoặc đâu đâu. Chính Đức Phật đã nhắc nhở chúng ta một cách khẩn thiết như
thế, bằng những lời thơ súc tích tịch lặng mà sấm sét như trời long đất lở, vang
dội cực kỳ làm vỡ bùng mê ám cho tâm thức bừng sáng mở phơi.
Rồi trên pháp hội Hoa Nghiêm, điệp trùng hùng vĩ núi rừng cao xanh vách đá, vào
một sớm tinh sương mùa hạ, Thế Tôn lại mỉm cười đọc mấy lời thơ bày tỏ :
Nếu người muốn biết rõ
Chư Phật khắp ba đời
Hãy quán pháp giới tánh
Đều do tâm tạo thôi
Ơi chao ! Hết thảy mọi cảnh giới thánh phàm, thiện ác, khổ vui…
chỉ một bài thơ này là bao gồm đầy đủ. Pháp giới trùng trùng vô tận,
nhưng tựu trung cũng đều luân lưu trong mười pháp giới : Phật, Bồ tát, Duyên
giác, Thanh văn, Trời, Người, A tu la, Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục, vốn chẳng có
tự thể, chẳng có tự tánh. Tất cả đều do một tâm tạo ra mà thôi.
Nói đến cái tâm của chúng ta cũng như hư không chẳng ngằn mé, vốn là thanh tịnh
trong sáng, chẳng có hình dạng, chẳng có nơi chốn, vốn là bất sanh bất diệt, bất
động bất biến. Tuy bất biến mà cũng tùy duyên, vì tùy duyên mà sinh động, linh
hoạt và sáng tạo vô cùng. Thong dong trên cung cách khoan hòa độ lượng, Thế Tôn
ôn tòn tiếp tục đọc thơ gợi mở vi diệu nghĩa tuyệt trần :
Nếu người muốn biết cảnh giới Phật
Ý căn thanh tịnh như hư không
Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ
Thì tâm vô ngại giữa trần hồng
Cảnh giới Phật là gì ? Khi chúng ta thấy không và có thay
phiên nhau hiển bày lý vô ngại, nhất thừa linh động, vạn đức trang nghiêm, một
là tất cả, tất cả là một, thì đấy chính là cảnh giới Phật vậy. Do đó,
cảnh giới Phật luôn luôn hiện hữu ở đây và bây giờ giữa thực tại hiện tiền. Sở
dĩ mình chẳng thấy, vì ý căn chưa được thanh tịnh, suốt ngày cứ dấy khởi đủ thứ
vọng tưởng điên đảo mãi thì làm sao thấy được phải
không ?
Vậy thì, muốn thấy cảnh giới Phật, chúng ta chỉ cần chuyển hóa các thứ vọng
tưởng điên đảo, vô minh chấp trước ấy, xoay trở về thể tánh tự nhiên, khiến cho
mọi ý căn đều thanh tịnh như hư không, lúc đó tuệ nhãn bừng sáng tỏ, liền thấy
vũ trụ là cảnh giới Phật, trời đất là cảnh giới Phật, núi rừng, biển cả, sông
suối, bụi cát, mưa nắng, gió mây, cỏ hoa, người vật… không nơi nào là chẳng phải
cảnh giới Phật cả. Như thế, khắp sơn hà đại địa, bất cứ nơi nào cũng là cảnh
giới Phật, kể cả trà đình tửu điếm, chợ búa ồn ào, náo nhiệt… Hết thảy đều là
đạo tràng thanh tịnh, nếu tâm mình thanh tịnh Nhất như,
Kỳ diệu thay ! Tiếng thơ đại hùng, đại lực, đại từ bi của Thế Tôn mở ra những
phương trời cao rộng, mông mênh hoằng viễn. Kể từ đó, nguôn thơ thiền bắt đầu
phát sinh mãnh liệt, dữ dội, trôi chảy, tuôn trào bất tuyệt miên man quá cùng
bát ngát giữa thiên thu vạn đại rạt rào.
Vào đầu thế kỷ thứ I, ở xứ sở u huyền Ấn Độ xuất hiện thiền sư Mã Minh với tập
thơ Phật sở hành tán dài hơn 9000 câu thơ ngũ ngôn, tán thán ca ngợi cuộc đời và
tư tưởng Đức Phật. Bản trường ca kết thúc bằng mấy vần thơ trong sáng :
Tán thán đức Thế Tôn
Suốt cuộc đời hành đạo
Để chuyển hóa chúng sinh
Được an lành giải thoát
Giải thoát là hương vị tuyệt vời của nguồn thơ thiền, cứ mãi mãi quyện hòa trong
không khí, thoảng ngát chan chứa giữa lòng người khắp mọi miền chốn cõi nơi nơi,
qua các thiền viện, am cốc, đô thành, thị tứ, sơn dã, làng quê. Hương vị giải
thoát ấy thấm sâu vào trái tim nhân loại, làm tan đi xiết bao phiền não, khổ đau, xiết
bao những đục ngầu u minh mịt mùng tăm tối.
Nối tiếp mạch nguồn giải thoát an nhiên, đến gần cuối thế kỷ thứ VI, ở Trung Hoa,
thiền sư Huyền Giác (665-713) từ nơi thảo am hoang vắng tịch liêu, cạnh bên dòng
sông xanh quạnh quẽ cô tịch, bỗng cất lên tiếng hát động trời Chứng đạo ca hùng
tráng, vang ầm rung chuyển rền ngân trên cung bậc tối thượng thừa. Thi phẩm
Chứng đạo ca dài 266 câu thơ thất ngôn, tuy ra đời cách đây hơn 15 thế kỷ nhưng
thần lực của thơ vẫn còn tinh khôi mới mẻ, rực ngời ngọn lửa thiêng trong tim
hồn rục rỡ, mở đầu bằng mấy câu thơ nhảy tung vào đốn ngộ bản thể tự
thân :
Dứt học vô vi ấy đạo nhân
Không trừ vọng tưởng chẳng cầu chân ?
Tánh thưc vô minh tức Phật tánh
Thân không ảo hóa tức Pháp thân
Pháp thân giác rồi không một vật
Vốn nguồn tự tánh thiên chân Phật
Năm ấm ảo hư mây lại qua
Ba độc huyễn hoặc bọt còn mất.
Tuyệt đối chẳng còn chi phải học nữa, bậc liễu đạt là người hoàn toàn vô sự,
nhàn nhã, vượt qua thế giới nhị nguyên, hết còn phân biệt chân vọng, bởi thấu
hiểu vọng chân đều huyễn hóa. Chẳng nhọc lòng tiêu diệt vọng
tưởng hay truy tìm Chân lý, Chân tâm gì thêm. Tâm thể vốn hiện hữu sờ sờ
đang tỏa chiếu hào quang sáng rực ngời ra đó từ muôn thuở muôn nơi rồi. Mê thì
không thấy, ngộ thì hoát nhiên thấy ngay trước mắt rõ ràng. Ngộ rồi mới thông suốt lẽ “Tánh thật vô minh tức Phật tánh.
Thân không ảo hóa tức Pháp thân.” Thật ra cũng dễ hiểu, bởi vô minh chỉ
là một khái niệm không có tánh riêng biệt nào cả mà chỉ do mình bỏ quên, chẳng
biết có Phật tánh nên tạm gọi là vô minh thế thôi. Khi tuệ
giác quán chiếu bùng vỡ, lập tức Phật tánh hiển lộ huy hoàng thì vô minh tan mất.
Cũng vậy, thân huyễn hóa và Pháp thân chẳng đối lập gì nhau mà vốn là bất nhị,
Pháp thân ở ngay trong thân ảo hóa này, chứ tuyệt nhiên chẳng ở một nơi chốn nào
khác tận ngoài xa kia.
Thiền sư liễu ngộ Pháp thân Phật tánh, nên nhìn đâu cũng thấy không có một vật
nào chướng ngại, nên thõng tay vào chợ, tùy duyên hóa độ chúng sinh, khai thị
cho họ biết năm ấm ( sắc thọ tưởng hành thức ) ba độc ( tham sân si ) như ảo ảnh,
huyễn mộng, như bọt nước mong manh chẳng thật. Đừng lầm chấp
thật sinh tâm dính mắc, ham muốn rồi tranh giành, chiếm hữu… đưa đến căm thù,
nhẫn tâm tàn sát lẫn nhau, gây bao đổ nát tang thương, sầu hận chất chồng.
Rỗng rang buông xả, thư thả hòa chung nhịp bước viên dung đôi bờ sống chết, có
không, mộng thực… giữa chốn miền Niết bàn thanh thản vô song đó, có biết bao đạo
sư, hiền nhân, ẩn sĩ, đại trượng phu lẫm liệt đi về hòa tấu khúc Diệu Tâm ca.
Làm sao kể hết được những tâm hồn thượng đẳng thăng hoa ấy, những con người siêu
việt đã khơi dậy sự sống nhiệm mầu, thưởng thức niềm hân hoan tối thượng của
cuộc sống toàn diện như thiền sư kỳ vĩ Milarepa (1052-1135) ca hát vang lừng
những bài thơ phát khởi từ một trí tuệ nhìn thấu suốt ba nghìn thế giới. Tiếng
hát lời ngâm trầm hùng như sư tử trên các triền núi cao nguyên bạt ngàn Tây Tạng,
tiếp giáp với mây trời vần vũ thiên thu. Những bài thơ
xuất thần bay bổng, lồng lộng tràn đầy ánh sáng quang minh rạng chiếu ngời ngời
:
Nhất quyết xa lìa ngã tướng là vui
Từ bỏ lòng yêu quê hương xứ sở là vui
Thoát khỏi luật lệ đất nước là vui
Chẳng làm kẻ cắp của cải tầm thường là vui
Không có lý do để tham đắm là vui
Có nhiều hiểu biết phong phú tinh thần là vui
Không phải khốn khổ vì kiếm ăn là vui
Cứ an nhiên tự tại chẳng lo bị mất mát gì cả là vui
Chẳng lo bị suy đồi trụy lạc là vui
Có tín tâm thâm hậu sâu xa là vui
Vô ngại đối với tư lợi của kẻ bố thí là vui
Giúp đỡ nhiệt tình không chán nản là vui
Không sống lừa đảo giả trá là vui
Thể hiện tín tâm bằng mọi hành vi là vui
Thích du hành chẳng mệt mỏi là vui
Không sợ chết thình lình là vui
Chẳng lo lắng bị cướp giật là vui
Thấy tinh tấn trên đường đạo là vui
Tránh hành động độc ác xấu xa là vui
Cần mẫn hiếu thảo thuận hòa là vui
Vắng lặng tánh tham lam sân hận là vui
Chẳng kiêu ngạo ganh ghét tỵ hiềm là vui
Thoát khỏi hy vọng và sợ hãi là vui
Làm chủ điều động tâm thức, ý thức là vui
Và giải thoát sinh tử là vui, là cực lạc Niết bàn.
Bản hoan ca nhập cuộc siêu thoát, đại hòa điệu chơi với cõi ta
bà, hòa âm thấm thía nguồn vui lai láng, tràn ngập trong thi phẩm Gởi lại trần
gian của Milarepa vẫn còn mãi đồng vọng giữa lòng nhân thế xưa nay.
Chảy tuôn nguồn mạch suối thiền qua nhiều sa mạc hoang vu, len lỏi quanh co, gập
ghềnh khúc khuỷu, chịu đựng tuyết băng thử thách, lách mình qua nhiều trắc trở
gai chông… dòng thiền vi diệu, trong trẻo thanh lương đã vượt qua bao rừng núi
mịt mù sương phủ, rồi đổ xuống vùng bờ biển xanh biếc Việt Nam, tựu thành một
nhánh Thiền Trúc Lâm Yên Tử từ cuối thế kỷ XII kéo dài mãi tận đến bây giờ.
Sơ Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng (1258-1308) trước kia
là vua Trần Nhân Tông. Năm 40 tuổi (1298) nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông
và phát tâm đại nguyện xuất gia, quyết chí lên đỉnh núi rừng thiêng Yên Tử học
đạo với các bậc thầy thâm hậu. Tuyệt diệu làm sao ! Đấng quân vương thượng đẳng, lặng lẽ trút bỏ ngai vàng
diện ngọc lên đường, thực hiện một bước đi phi thường, chọn am mây nhập thất,
dụng công quyết liệt hành trì miên mật và đã trở thành một vị thiền sư uyên áo
với khúc hát Cư trần lạc đạo thanh thản an nhiên :
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Lúc đói thì ăn mệt nghỉ liền
Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Chỉ cần 4 câu thơ thôi, đủ nêu bật yếu chỉ của Thiền tông.
Sống giữa cõi đời dẫu đầy phong ba bão tố mà chúng ta vẫn có thể an vui với tâm
đạo thường hằng, bằng thái độ vô tư, vô chấp, tùy hỷ tùy duyên “lúc đói thì ăn
mệt nghỉ liền” thì mọi việc đều rỗng rang vô sự. Vô sự vô ngại,
vô ưu vô úy vì đã ngộ ra lẽ thực, cái thể tánh của cuộc đời nên không còn chạy
khắp đông tây kiếm tìm chi nữa. Cái thực đó ở ngay
trong tâm này vốn sẵn đầy đủ Chân Như rồi. Đó là kho
tàng châu báu vô lượng, dùng hoài chẳng bao giờ hết. Vậy hãy quay về mở cửa lòng ra mà tha hồ sử dụng. Cứ ung dung
với nụ cười tỉnh thức, trong lòng không nhiễm vướng trước muôn sự việc xảy ra
thì cần chi phải khổ nhọc hỏi thiền vấn đạo làm gì thêm hao hơi tổn
sức ?
Tâm tức là Phật, dù tâm của kẻ phàm phu như chúng ta hay tâm của Phật Thích Ca,
bản thể của tâm ấy chẳng có gì khác nhau, vẫn thường nhiên hiện hữu ngay bây giờ
và ở đây. Chỉ cần một cái thấy chiếu diệu thì mười phương vũ
trụ sẽ bừng hiện hiển lộ lập tức ngay trước mắt.
Phải chăng, đó là cái thấy quán triệt thiên thu, tử sinh thấu thị của Sơ Tổ Trúc
Lâm cũng như của Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291) ? Một bậc kỳ nhân dị thường làm dậy sóng
nguồn thiền ầm vang lên tận đỉnh ngàn cao xanh lồng lộng của tâm linh.
Chính vua Trần Nhân Tông lúc còn niên thiếu đã được Tuệ Trung Thượng Sỹ dạy dỗ
giáo dục. Hôm từ giã thầy trở về hoàng cung, ngài hỏi :
“Yếu chỉ Thiền tông là gì ?” Tuệ Trung Thượng Sỹ trả lời : “Hãy nhìn trở lại nơi mình là phần sự gốc, chứ không
phải từ bên ngoài mà được.”
Đúng vậy, đấy là tự tri tự giác, tự mình trực nhận, đốn ngộ, kiến tánh ngay nơi
đương xứ tức chân, chứ tuyệt nhiên không nên hướng ngoại tầm cầu ở đâu đâu bên
ngoài, tận chốn nào xa lơ xa lắc. “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” Đức Phật đã nói như thế.
Hãy hùng tâm tráng khí, tự tin quyết chí thì mới có cơ may nhận diện được cái
mặt mũi xưa nay của chính mình như thiền sư Quảng Nghiêm (1122-1190) từng khích
lệ :
Làm trai dốc chí xông trời thẳm
Chớ dẫm Như Lai bước đã qua
Hòa nhịp cung cầm như thế, Tuệ Trung Thượng Sỹ đi về thế giới ta bà rong chơi
nhàn hạ vì đã khám phá ra kho tàng ngọc quý ở ngay trong lòng mình rồi. Cầm cây
Tuệ kiếm Kim Cang ngoạn du thỏa thích, tung hoành ngang dọc khắp nơi mọi chốn như chỗ không người.
Vung gươm Tuệ chém đứt những sự phân biệt của sự đối đãi như có không, sống chết,
đến đi, giàu nghèo, được mất, hơn thua, đúng sai, phải trái, chê khen, ghét
thương, sướng khổ, thiện ác, trí ngu… đưa con người trở về với cái đang là, đưa
muôn vật trở về Như :
Từ không hóa có, có không thông
Có có không không rốt lại đồng
Phiền não Bồ đề nguyên chẳng khác
Chân Như vọng niệm thảy đều không
Thân như huyễn hóa nghiệp như bóng
Tâm tợ gió qua tánh cỏ bồng
Đừng hỏi tử sinh ma với Phật
Ngàn sao chầu bắc nước về đông
Ồ ồ, muôn việc muôn sự vốn từ nơi không mà hóa thành có. Thì ra như vậy, có và
không đều thông lưu nhau, thông suốt nhau, rốt ráo thì không và có chẳng khác mà
giống nhau thôi, cho đến phiền não hay Bồ đề, vọng niệm hay Chân Như cũng đều
như thế cả. Cái thân, cái tâm này hay cái nghiệp, cái tánh này cũng chỉ là những
duyên hợp giả tạm như bóng trăng lồng dưới nước, như sương khói bềnh bồng lồng
gió thoảng mây bay.
Vậy thì, đừng mê cuồng, điên đảo chạy đây đó lo kiếm tìm tra
vấn Phật với ma, đừng thắc mắc chi chuyện sinh từ đâu đến, chết đi về đâu nữa.
Bởi mọi sự việc trên thế gian này đều thuận theo nhân
quả, nghiệp báo, theo lẽ tự nhiên như nhiên của trời đất rồi. Trật tự thiên
nhiên đang kỳ diệu điều hòa cả vũ trụ nhân sinh từ vô thủy đến vô
chung giữa trùng trùng duyên khởi đó thôi.
Thực ra, Phật với tâm vốn chẳng hai, bản lai đều như nhiên
tịch tịnh, vượt ngoài ý niệm chia phân thật hay giả, thánh hay phàm, thị hay
phi. Khi tâm mình khởi vọng tưởng chao đảo, quên mất bản tánh thanh tịnh,
tự chuốc lấy phiền não, khổ đau, thì lúc bấy giờ mình liền đem tâm cầu tâm, ngỡ
rằng tâm kia nằm ngoài vọng tưởng, vọng niệm, vọng động này, nên cố truy tìm bản
lai thanh tịnh ở ngoài những động niệm. Tìm hoài không thấy
đâu cả, nào ngờ tâm động, tâm tịnh vốn chẳng hai như nước với sóng là một vậy. Tâm với Phật từ vô thủy đến nay vẫn thế, cũng như sóng và nước chẳng
khác, chẳng lìa, chẳng loại trừ nhau. Cho nên không phải bỏ vọng tâm,
tiêu diệt vọng tưởng đi, chỉ giữ Chân tánh Chơn tâm thôi mà lập tức trực nhận
ngay, thấy vọng tưởng đúng là vọng tưởng thì ngay đó là Chân tâm rồi. Vấn đề rõ
ràng là chỉ có mê và ngộ. Khi mê thì chân vọng là hai, khi ngộ thì vọng chân bất
nhị Như Như.
Tuệ Trung Thượng Sỹ muốn chỉ ra cái lẽ thật Như Như hay tự tánh Không vốn sẵn có
trong mỗi người chúng ta và hãy quay về sống với cái tánh Không ấy thì giải
quyết hết tất cả mọi sự đời rắc rối nhiêu khê. Nhẹ nhõm thở phào, quay đầu là tới bến.
Hết mê liền ngộ. Ngộ rồi thì thấy tất cả vạn pháp, sơn
hà đại địa cho đến sinh lão bệnh tử, chân vọng Phật ma, thiên đường địa ngục,
phiền não Bồ đề, chợ búa đạo trường, vô minh Phật tánh, trí tuệ ngu si... gì gì
đi chăng nữa thì hết thảy cũng đều là diệu dụng của Như Như mà thôi.
Một khi đã mở được kho báu, đẩy cửa vào thực tại hiện tiền, triệt ngộ tự tánh
thanh tịnh vô vi, Tuệ Trung Thượng Sỹ phiêu bồng thõng
tay vào chợ rong chơi. Thể hiện cái thần khí đặc thù ấy là bài thơ Phóng cuồng
ca xuất thần phất phới :
Trời đất liếc trông hề sao thênh thang
Chống gậy chơi rong hề phương ngoài phương
Hoặc cao cao hề mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu hề nước trùng dương
Đói thì ăn hề cơm mười phương góp
Mệt thì ngủ hề nơi chẳng quê hương
Hứng lên hề thổi sáo không lổ
Lắng xuống hề đốt giải thoát hương
Mỏi nghỉ chút hề đất hoan hỷ
Khát uống no hề tiêu dao thang
Quy Sơn láng giềng hề chăn con trâu đất
Tạ Tam tâm ý hề trỗi khúc Thương lang
Thăm Tào Khê hề ra mắt Lư Thị
Viếng Thạch Đầu hề ghé lão Bàng
Vui ta vui hề Bố Đại vui sướng
Điên ta điên hề Phổ Hóa điên gàn
Chà chà bóng ngày hề qua khe cửa
Ối ối mây nổi hề mộng giàu sang
Chịu sao hề thói đời ấm lạnh
Đi chi hề gai góc đường quan
Sâu thì nhón gót hề cạn thì dấn bước
Dùng thì phô ra hề bỏ thì ẩn tàng
Buông bốn đại hề đừng nắm bắt
Tỉnh một đời hề thôi chạy quàng
Thỏa nguyện ta hề rỗng rang tĩnh lặng
Sống chết bức nhau hề ta vẫn như thường.
Phóng cuồng ca đích thực là bản tiêu dao ca quá cùng thâm
thúy. Tiếng hát ấy bay lên từ trái tim rực ngời
pháp khí, siêu quần bạt tụy, là điệu thở phiêu nhiên thoát tục giữa bình sinh
cuộc sống đời thường. Phóng cuồng ca là một thái độ tự khiêm hạ mà cũng biểu lộ
tính chất tự tại của một tâm hồn thượng đạt, thấu triệt lẽ tử sinh, là khúc hát
ngông nghênh xiêu quàng, nghêu ngao chuếnh choáng, thoát khỏi mọi ràng buộc hạn
hẹp, nhỏ bé của thế gian, bằng điệu cười hào sảng phóng khoáng quang minh.
Tinh thần giải thoát trác việt của Thiền tông là nguồn cảm hứng thâm trầm bay
dậy khắp muôn phương, thấm nhuần toàn thể thế giới hoàn cầu nói chung và đại lục
Châu Á nói riêng, thiền như cánh bướm trắng băng qua đại dương đến tận miền viễn
đông xứ hoa Anh Đào Nhật Bản, kết tinh thành thơ haiku, thể hiện tài tình một
cách hàm súc, độc đáo qua những bài thơ cô đọng của Basho ( 1644-1694 ) một
thiền sư thi sĩ phiêu bồng suốt trọn một đời phiêu lãng, rong ruỗi dưới trời
xanh :
Một lữ khách
Tên tôi là như thế
Giữ nhân gian này
Trần gian là quán trọ cho khách lữ ghé qua, là cõi tạm dừng chân cho thi sĩ nghỉ
ngơi, thưởng thức những vẻ đẹp phù du như kiệt tác Con đường sâu thẳm của Basho,
hướng về uyên nguyên vĩnh cửu, phơi phới trời mây :
Trên con đường này
Giữa chiều thu nọ
Ai về chẳng hay
Phải chăng, đó là trạng thái vô tâm trước những sự kiện hiển bày ? Có một lần
vân du qua rặng núi Phú Sĩ đầy tuyết trắng, Basho ghé trọ một lữ quán, bất ngờ
gặp các kỹ nữ đang ngủ say giấc nồng, thi nhân chạnh lòng cảm thương :
Quán bên đường
Các kỹ nữ nằm ngủ
Trăng và đinh hương
Ta bà cảnh giới thành Tịnh độ là như thế, mắt biếc thiền sư nhìn thấy mà không
nhiễm dính, chẳng mắc vướng, vẫn thong dong tự do tự tại. Cõi thơ Basho bàng bạc
trăng sương, ngạt ngào hoa cỏ, lãng đãng gió mây và chập chờn chim bướm lượn vờn
quanh gót du hành trên cuộc lữ thi ca :
Ôi đóa nazuna
Chú tâm nhìn thật kỹ
Bên giậu rào trổ hoa
Mỏi gót lang thang
Quán trọ nào ghé lại
Gặp hoa tử đằng
Giữa cuộc đăng trình
Chỉ còn mộng tôi phiêu phưỡng
Trên cánh đồng hoang
Nhẹ nhàng giản dị, những bài thơ tuy ngắn gọn, đơn sơ mà vô cùng chơn mỹ, đẹp
như những cụm mây trời trong nắng sớm tinh sương hay chiều thu mưa giữa biển đồi
xanh lấp loáng, phản ánh nếp sống thiền Nhật Bản. Đối với họ, cuộc sống thường
nhật là đạo, bất cứ phương diện nào của cuộc sống như uống trà, cắm hoa, võ
thuật, viết chữ, ngao du… đều là đạo là thơ cả.
Khởi mạch nguồn thơ thiền bắt đầu từ thời đức Thế Tôn khơi mở trên tuyệt đỉnh
Linh Sơn chập chờn phù vân Ấn Độ. Trào tuôn ngút ngàn qua mấy dải sa mac mênh
mông vào lục địa Trung Hoa chập chùng sông núi. Trùng trùng điệp điệp chất ngất
chợt bừng sáng, dâng lên bềnh bồng sương khói trời mây Tây Tạng xa vời, rồi mênh
mang tràn xuống muôn trùng rừng biển Việt Nam đến tuyệt cùng bao la xanh ngần
Nhật Bản…Bát ngát mở ra không bờ bến, trên cuộc về vô tận, vô sở trú của các
thiền sư thi sĩ dị thường.