Minh Nguyên biên dịch
Trúc Lâm Bạch mã-Huế
Xưa kia có một vị vua đã treo giải thưởng cho người họa sĩ nào vẽ
được bức tranh tuyệt vời nhất về sự yên bình. Nhiều họa sĩ đã thử tài nghệ của
mình và dâng nạp tác phẩm lên đức vua. Đức vua đã ngắm nhìn tất cả những bức
tranh. Nhưng vua chỉ thật sự thích hai bức tranh mà thôi, và vua phải chọn một
trong hai bức tranh ấy.
Một bức tranh vẽ một cái hồ yên tĩnh, phản chiếu tất cả những ngọn núi cao chót
vót và yên bình ở xung quanh nó một cách thật hoàn hảo. Ở phía trên là bầu trời
trong xanh với những đám mây trắng mịn màng. Nó là bức tranh được mọi người
thích nhất. Thực sự họ nghĩ nó chính là bức tranh thật sự hoàn mỹ về sự yên bình.
Bức tranh kia cũng có núi, nhưng là những ngọn núi lởm chởm và trơ trụi. Bên
trên là bầu trời đang giận dữ, mưa rơi tầm tã và sấm chớp liên hồi. Phía dưới
một ngọn núi có một dòng thác tuôn chảy, bọt tung trắng xóa. Bức tranh này dường
như không có gì là yên bình cả. Nhưng khi vua quan sát tỉ mỉ, ông đã thấy bên
cạnh thác nước có một bụi cây nhỏ đang lớn lên trong một kẻ đá. Trong bụi cây ấy
có một con chim mẹ đã xây tổ. Ở đó, bên sự tuôn trào của dòng nước cuồn cuộn,
người họa sĩ đã vẽ con chim mẹ đậu trên tổ của nó một cách hết sức yên bình.
Bạn sẽ chọn bức tranh nào? Đức vua đã chọn bức tranh thứ hai. Bạn có biết vì sao
không? “Bởi vì”, đức vua đã giải thích: “Sự yên bình không có nghĩa là chỉ có ở
những nơi không có tiếng ồn, không có sự quấy nhiễu, hay là không có những việc
khó khăn. Sự yên bình có nghĩa là ở giữa tất cả những thứ ấy mà trong lòng chúng
ta vẫn thấy yên tĩnh. Đây mới là ý nghĩa đích thực của sự yên bình.”
Khuyết danh
Nguồn: go.webassistant.com