- Con ạ! Mất sắn và trộm sắn không phải là
vấn đề của chúng ta! Là kẻ tu hành, vấn đề của chúng ta là, nhân đó, ta
thử lắng nghe lại lòng mình một cách trung thực hơn. Ta sẽ lắng nghe rằng:
ta có thể rộng lượng tha thứ được cho người chăng? Ta có móng khởi một
tiếc rẻ nào khi mất đi một ít vật chất, của cải? Ta có thể san sẻ cho
người bằng cách nhịn ăn một vài bữa! Và, sau hết, trong ta có dậy mối bất
bình, phiền não chăng? Chúng ta là người học hạnh giải thoát, có gì phải
giải quyết ngoài những vấn đề tương tự?
Liễu Minh sững lại, Nhà Sư mỉm cười nắm
tay chú theo lối mòn lên rẫy.
Liễu Minh nói:
- Bạch Thầy! Hồi nãy, con với chú Bất Đạt
cãi nhau. Con thì nói "tha". Chú Bất Đạt lại nói "bắt". Con và chú ấy
thường có quan niệm bất đồng.
Bất Đạt và Bất Ác từ trong những lùm sắn
bước ra, mỗi người tay xách mấy chùm sắn vụn. Thấy Nhà Sư, Bất Đạt cất
giọng oang oang:
- Bạch Thầy! Cái lũ ăn trộm này, gặp con,
chúng sẽ biết tay!
Liễu Minh cãi lại:
- Biết tay như thế nào? Chú "bắt" chăng? Ý
Thầy là Thầy sẽ "tha" cho phù hợp với tâm từ!
Nhà sư nói:
- Không , Liễu Minh con! Thầy không "tha"!
vì tâm từ nên Thầy không "tha"!
Bất Đạt reo lên:
- Đó, chú Liễu Minh thấy chưa? Vì tâm từ
nên Thầy không "tha", Thầy sẽ "bắt".
Nhà sư cười:
- Không, Bất Đạt con! Thầy không "bắt"! vì
tâm từ nên Thầy sẽ không "bắt".
Cả ba chú đều ngơ ngác:
- Bạch Thầy thế thì...
Thấy vầng trán và cặp chân mày của Liễu
Minh cau lại, Nhà Sư dịu dàng nói:
- Liễu Minh! Con hiểu về tâm từ như thế
nào mà bảo nên "tha"?
- Vì tâm từ là thương người, yêu chúng
sanh!
- Như vậy, vì tình thương mù quáng, con sẽ
dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian!
Bất Đạt góp lời:
- Vì không muốn dung dưỡng kẻ trộm trên
thế gian, cho nên, con sẽ "bắt" mới đúng nghĩa tâm từ!
- Như vậy, vì tâm từ nóng vội con sẽ nuôi
dưỡng hận thù giữa cuộc đời!
Im lặng một lúc, Nhà Sư tiếp:
- Các con ạ! Từ bi là vậy mà không phải
vậy. Thật ra, trong các con, chưa ai hiểu tâm từ là gì!
Biết là cả hai chú đều rơi vào hoài nghi
to lớn, nhưng Nhà Sư vẫn chưa trả lời vội, người dẫn cả ba chú đến một lùm
cây rậm, chỉ vào đám cỏ rạp.
- Đêm kia, Thầy thấy cậu ăn trộm rình núp
ở đây. Người bạn ăn đêm kiên nhẫn đợi Thầy tắt đèn và đi nghỉ, nên thầy đã
tắt đèn và đi nghỉ!
Không cưỡng được ý mình, Liễu Minh buột
miệng:
- Thế là thầy đã tha!
- Ừ! Thầy đã tha nhưng cái tha của Thầy
khác với cái tha của con. Thầy tha mà không dung dưỡng kẻ trộm trên thế
gian. Rồi con sẽ hiểu điều ấy.
Im lặng một lúc, Chú Liễu Minh lại nói:
- Thế là con sai ít mà chú Bất Đạt sai
nhiều. Thầy đã không "bắt"!
- Không, không phải thế đâu con! Thầy có
bắt, nhưng không nuôi dưỡng hận thù, nên cái bắt của Thầy khác với cái bắt
của Bất Đạt!
Đầu óc của các đệ tử rối loạn như một mớ bòng bong, như tổ chim, chẳng
biết đạo lý câu chuyện nó nằm ở đâu nữa!
*
Buổi chiều, trong giờ học Đạo, Nhà Sư lấy
trong túi ra một lá thư bằng giấy học trò, nét chữ cứng cáp, không thẳng
hàng thẳng lối, chẳng có chấm phết, sai chính tả lung tung.
Liễu Minh và Bất Đạt chăm chú đọc:
"Thưa Thầy,
Thầy biết con là thằn ăn cắp không
những hai vồng thắn mà còn ăn cắp một tượng Phật nhỏ bằng đồng đen,
ăn cắp mười giò phong lan tước đây nữa. Thầy biết mà Thầy lặng lẽ
không nói với ai, cũng không hề tả lời một câu khi công an xã qua
điều ta! Bây giờ Thầy lại còn giúp con vốn liếng, tiền ăn tiêu mười
ngày để con lên "đá bạc" khai thác đá là nghề cũ tước đây của con.
Tiền Thầy cho, con còn dư dã để thắm thanh dụng cụ hành
nghề. Ơn đức thầy thật là kể thao cho xiết. Con hứa từ nay
cho đến tọn đời, con thề làm người lương thiện để khỏi phụ tấm lòng
cao cả của Thầy.
Con, ..."
Lá thư bên dưới có ký tên nhưng Nhà Sư đã
lấy kéo cắt đi rồi.
Bất Ác bây giờ mới cất giọng nói:
- Con nhận nhiệm vụ bí mật của thầy, con
biết cả. Con nghe hai chú Liễu Minh và Bất Đạt cãi nhau, con chỉ cười.
Nhà Sư hỏi:
- Con cười sao?
- Con cười vì cả hai chú đều sai!
- Không đâu con! cả hai chú đều không sai!
Câu trả lời của Nhà Sư thật bất ngờ.
Nhà Sư lại phải giải thích:
- Cả hai không sai, nhưng cả hai chú đều
không đúng! Tại sao vậy? Vì trên sự tướng, tha hay bắt không quan trọng.
Tha hay bắt chỉ quan trọng là khi tha để làm gì và bắt để làm gì? Tha rồi
có giáo hóa được người và bắt thì có giáo hóa được người? Trên tất cả, đối
với chúng ta, tha hay bắt là để học bài học giác ngộ mà thôi!
Bất Đạt chợt nói:
- Ý con cũng có thể là vậy lắm! Con "bắt"
rồi con sẽ tìm cách giáo dục người ta nữa chứ!
Liễu Minh nhíu mày:
- Chú mà giáo dục! Chú thượng cẳng chân hạ
cẳng tay thì có! Rồi chú còn bắt trói người ta mà giải qua công an! Cái
bắt đó là cái bắt của người đời, chỉ tăng thêm oán thù chứ không được tích
sự gì!
Bất Đạt không giận mà cười khì khì:
- Còn chú thì sao hử? Chú "tha" rồi chú
giáo dục người ta làm sao nào, nói đi? Tha trống không cái kiểu của chú
thì chi bằng kêu ba thằng ăn trộm vô khiêng chùa chiền đi hết cho khỏe!
Vậy là tha theo hạnh "Bố thí Ba la mật" đấy!
Nhà Sư khoát tay:
- Các con tranh cãi hay tranh luận đấy?
Các con đừng nghĩ rằng giải pháp của Thầy là tối ưu, từ đó, lấy làm thước
đo để xử sự ở đời! Các con có biết rằng, tha hay bắt chỉ là sự thể hiện
bên ngoài? Tha hay bắt rồi sau đó tìm cách giáo hóa, cũng chỉ là sự khôn
ngoan của sự thể hiện bên ngoài ấy mà thôi. Có một cái tâm, các con ạ! Khi
biết cái tâm ấy, trú nơi cái tâm ấy, thì tha hay bắt đều trở nên đúng cả
vậy. Tâm ấy là tâm gì, ai biết?
Cả ba chú đồng đáp:
- Dạ, Tâm Từ!
- Đúng thế! Vậy thì từ rày về say, khi gặp
bất cứ tình huống nào cũng phải sáng suốt, bình tĩnh.
Sáng suốt là Tuệ, bình tĩnh là Định. Từ Tuệ,
từ Định mà khởi Tâm Từ thì mọi
hành động của các con đều phù hợp với giáo pháp cả, không sợ sai lầm đâu!
- Chúng con đã hiểu cả rồi. Ôi! Thật tuyệt
vời thay cái bài học hôm nay!
Nhà Sư từ bi nhìn ba chú, tủm tỉm cười,
thầm nghĩ: "Chỉ nên dẫn cho chúng lên ngang chỗ đó thôi! Chúng đâu có hiểu
rằng, Tâm Từ còn có trước ý, dụng ý, còn vấn đề lợi và hại, hay và dở, tốt
và xấu thì Tâm Từ ấy đâu đã được gọi là Từ vô lượng?
Huyền Không
Lăng Cô - Hải Vân
1977
-ooOoo-
Con Chim Sẻ
Một ngày vừa lên bên ngoài khung cửa. Bình
minh. Mùa xuân. Nắng nhẹ lung linh trên những đọt lá xanh non.
Rời bàn viết, Nhà Sư đi lần về phía cửa
sổ. Muôn hoa nở đầy vườn. Nhà Sư vươn vai đón nhận làn thanh khí mát mẻ
của đất trời mà cảm nghe một hòa điệu mênh mông, chan hòa với vạn vật.
- Bạch Thầy, bạch Thầy...
Tiếng gọi ngập ngừng từ bên ngoài vọng
vào. Nhà Sư quay lại:
- Liễu Minh đấy à? Có chuyện gì vậy con?
Liễu Minh mở nhẹ cánh cửa:
- Sau giờ công phu khuya đến giờ, chẳng
hay Thầy bận rộn điều gì mà không ngồi thiền theo lệ thường?
Nhà Sư mỉm cười dịu dàng:
- Con thấy Thầy chong đèn rồi bảo Thầy
"bận rộn" đó à?
- Con... con...
Nhà Sư cất giọng từ ái:
- Con ạ! Đọc sách, xem kinh không phải là
bận rộn; viết truyện, viết sách không phải là bận rộn. Cho chí lao động
suốt ngày, làm việc để kiếm thêm sắn khoai, rau cải cũng không phải là bận
rộn. Trái lại, có kẻ công việc chẳng làm ra đầu ra đũa, bỏ mứa chuyện này,
bỏ phế chuyện kia, lăng xăng, loay hoay... mà bận rộn suốt cả cuộc đời!
Hai trường hợp ấy khác nhau ra sao con có hiểu không? Khác nhau ở cái
"Tâm" con có biết không?
- Dạ, con đâu có dám nghĩ là tâm Thầy bận
rộn... Con chỉ hỏi chừng sức khỏe của Thầy!
Nhà Sư ôn tồn:
- Con thấy đó, Thầy làm việc nơi bàn viết
mỗi ngày năm, sáu tiếng; lao động chân tay hai, ba tiếng; công phu hành
thiền hai hoặc ba thời; còn tập thể dục, yoga, thái cực quyền... nữa. Ơn
Phật cho Thầy được sức khỏe nên chẳng bao giờ uống thuốc Tây, thuốc Nam,
thuốc Bắc; thế mà rất ít ốm bệnh, vài ba năm chỉ nhức đầu, sổ mũi sơ sơ
vài ba ngày... vậy thì còn đòi hỏi gì nữa hở con?
Liễu Minh cúi đầu. Nhà Sư khẽ vỗ lên vai
chú:
- Mà cho dù sức khỏe có sa sút, có ốm đau
này nọ cũng là chuyện thường tình. Có thân ắt có bệnh. Mình muốn thân này
không bệnh là đi ngược lại với sự vận hành tự nhiên của nhiên giới. Vậy là
không được. Vậy là dục vọng. Người hiểu Đạo phải sống theo Pháp, thuận
Pháp.
- Dạ, con đã hiểu.
- Còn nữa, đấy là chưa nói cái chí hướng,
cái chí nguyện. Đức Bồ Tát thí thân cứu hổ dữ, cắt thịt mình cho chim ăn,
hy sinh cái thân vì hạnh phúc cho phần đông. Chúng ta là kẻ xuất gia, cái
thân này chỉ tạm mượn mà tu hành. Lại nữa, xuất gia là ý chí tối thượng,
là Ba La Mật; như mũi tên kia đã đặt trên dây cung, như hành trang nọ đã
chuẩn bị sẵn với con thiên lý mã; vậy chỉ còn là sự tinh tiến, quyết tâm
lên đường nữa thôi. Có sá gì cái thân này hở con?
Liễu Minh gục gặc đầu ra vẻ lãnh hội được
bài học, chú nói:
- Thế ra cái thân này chỉ dùng để mà thể
nghiệm Đạo lớn?
Nhà Sư cười:
- Đúng, nhưng không cần nói đao to búa lớn
như vậy. Giới nơi thân có ba, có ba là nói theo pháp học chứ thật ra là
hàng chục. Không phải chỉ có sát, đạo, dâm... mà tất thảy những vọng động
của thân, những lắc lư, ưỡn ẹo, tay đấm chân đá nữa! Mỗi lần xin giới con
đều có đọc: "Con xin vâng giữ điều học..." Điều học gì? Phải học bài
giác ngộ ở đó!
Nhà Sư tự nghĩ: "Đơn giản vậy mà không dễ
gì nó lãnh hội hết đâu, nhưng chỉ cần cái gợi ý, gợi ý đúng hướng nó sẽ tư
duy đúng hướng."
*
Lát sau, Nhà Sư ân cần nắm tay Liễu Minh
đi về hướng chánh điện. Mùi hoa huệ trắng tỏa hương thơm tinh khiết phảng
phất trong không gian
- Con chim sẻ, bạch Thầy! Con chim sẻ hồi
hôm vẫn còn!
Theo hướng tay chỉ của Liễu Minh, Nhà Sư
thấy phía trên bệ thờ, một con chim sẻ đang kêu chiêm chiếp, vươn vai ưỡn
cánh vô tư...
Nhà Sư nói:
- Con chim kia có vẻ vô tư, thoải mái con
nhỉ! Dường như đó là những giây phút vô tư hạnh phúc, bình yên của nó.
- Vâng, quả có vậy.
Trầm ngâm giây lâu, Nhà Sư hỏi:
- Con có thể cho Thầy biết rằng, là cái
hạnh phúc, bình yên kia có chân thật không? Hay là ẩn sau cái hạnh phúc,
bình yên ấy là những sợ hãi, những lo âu?
Vừng trán đầy thông minh của Liễu Minh
chợt cau lại. Nhà Sư biết là mình đã đặt một câu hỏi vượt quá sức của chú.
Vừa định tìm cách khơi dẫn thì con chim sẻ vừa cất cánh bay lên khung cửa
gương phía trên cao. Chim vì thấy có người, định tìm lối thoát nhưng cũng
bị dội ngược trở lại. Đã mấy lần chim lập lại mãi cái nỗ lực vô vọng ấy.
Liễu Minh chợt reo lên:
- Con tìm ra câu trả lời rồi! Hạnh phúc,
bình yên kia chẳng phải là cái chân thật, chỉ là cái tạm thời. Bạch Thầy,
vì quê hương nó không phải là ở đây, mà ở bên ngoài cửa gương, nơi bầu
trời mênh mông, cao rộng...
Nhà Sư nhè nhẹ gật đầu:
- Con đã nghĩ đúng. Ôi! Nếu cái nghỉ ngơi
tạm thời kia mà được gọi là hạnh phúc, bình yên thì hạnh phúc, bình yên
của đời người mới ngắn ngủi, mới đáng mỉa mai làm sao, con nhỉ! Thụ hưởng
được tí chút hạnh phúc, bình yên để rồi phải đối đầu với mọi nỗi lo âu, sợ
hãi. Thụ hưởng được tí chút hạnh phúc, bình yên để rồi nhận ra rằng mình
đang bị vây bủa trong bốn bức tường cao!
Liễu Minh con! Hãy nhìn thêm sự đau khổ đã
rã rời trên đôi cánh của chim. Con hãy nhìn để biết, để thấy và để cứu!
Trên cao, chim vẫn láo liêng, ngơ ngác,
bay ngược, bay xuôi; vẫn lập đi, lập lại mãi cái động tác quen thuộc: lao
vào liền bị dội ra!
Như đã không còn chịu đựng nỗi cái đau khổ
của chim, Liễu Minh hốt hoảng:
- Hãy cứu, bạch Thầy, hãy cứu nó!
Vừa nói, Liễu Minh vừa chạy tới, chạy lui
đầy thương yêu và lo lắng; nhưng khoảng cách giữa người đến chim quá xa,
chẳng thể làm gì được. Chú vỗ tay, chú đập thùng, chú hét, chú la... Tất
cả đều vô ích. Nỗ lực của chú chỉ làm cho chim hốt hoảng, sợ hãi thêm mà
thôi.
Nhà Sư cũng thương yêu chim nhưng bình
tĩnh hơn. Nhà Sư đưa mắt nhìn quanh, quan sát và suy nghĩ biện pháp, rồi
nói:
- Con chạy ra sau vườn, nơi chỗ cây sàla,
lấy ngay cây sào vào đây.
Khi đã có cây sào, Nhà Sư lấy tấm vải rách
cột lên đầu sào. Chỉ cho Liễu Minh thấy lỗ hổng thông gió ở đầu hồi chánh
điện, Nhà Sư bảo chú xua chim vào hướng ấy.
Quả nhiên, theo cách làm như vậy, lát sau,
chim sẻ được cứu thoát ra ngoài.
Liễu Minh thở một hơi dài nhẹ nhõm:
- Nếu không có Thầy thì con chỉ làm cho nó
thêm sợ hãi. Con quả là thiểu trí.
- Con đã tỏ ra đầy lo lắng, thương yêu khi
chim bị nạn, như vậy là có lòng từ bi. Nhưng nếu thiếu trí, thì từ bi kia
sẽ rơi vào những tình cảm sướt mướt, bá vơ, đôi khi không hữu ích gì cho
cuộc đời này; lại làm cho cuộc đời này thêm rối loạn, như chim đã rối
loạn. Thiếu Trí con sẽ chạy tới, chạy lui mãi giữa thế gian, thương
người, thương đời nhưng không biết làm sao mà cứu!
Thấm thía bài học, Liễu Minh rưng rưng như
chực sa nước mắt.
Nhà Sư bước tới điện thờ, tự tay đốt đèn
cầy, thắp hương, xông trầm với tư thái chậm rãi, cẩn trọng, trang nghiêm.
Rồi Nhà Sư nói:
- Con hãy đến đảnh lễ Phật - nhìn Liễu
Minh đảnh lễ, Nhà Sư tiếp - đảnh lễ một cách định tĩnh, buông xả cả thân
lẫn tâm! Ngay giây phút đảnh lễ thì bản ngã, kiêu căng, tham sân, sầu
muộn... thảy đều phải được buông xuống hết. Đảnh lễ là giải thoát thân,
giải thoát tâm, giải thoát trí đấy con ạ! Thôi được, xong rồi, bây giờ
con hãy ngồi xếp bằng theo thế liên hoa và nhắm mắt lại.
Thấy Liễu Minh làm y lời, Nhà Sư nói:
- Những tạp niệm đã lắng xuống rồi, bây
giờ hãy làm cho tâm con được trong sáng và lớn rộng hơn. Con có nghe rõ
đấy không?
- Dạ nghe rõ.
- Con có thấy bầu trời trong xanh và cao
rộng chưa?
- Dạ thấy rồi.
- Bây giờ con hãy "tưởng" con là
bầu trời, không một tư niệm nào; một bầu trời rộng lớn, vô biên, trong
sáng, không hề có một đám mây nào gợn! - chăm chú nhìn Liễu Minh, lát sau
Nhà Sư tiếp - Vậy là tốt, hãy cứ để tâm như vậy chừng năm, mười phút.
Cuộc đối thoại chìm trong yên lặng. Trầm,
hương mênh mang tỏa khói, những sợi nhỏ lãng đãng uốn mình xuyên qua những
tia nắng bình minh rồi tan hòa mất hút giữa thinh không. Vài tiếng động
bên ngoài cũng chợt như xa vắng. Thời gian và không gian đọng lại trong
vũng sáng lưu ly... nơi cái giây phút hư không, vô nhiễm. Tất cả đều là hư
không, vô nhiễm!
Nhà Sư "đánh thức" Liễu Minh:
- Thôi, đủ rồi con!
Liễu Minh mở mắt ra.
- Tâm hồn con bình yên rồi đấy chứ!
- Dạ vâng.
- Cái hư không vô nhiễm kia không phải là
Niết Bàn nhưng là chỗ "tạm thời nghỉ ngơi" của chúng ta! Chỗ "tạm cư" ấy
nó nhẹ nhàng hơn, yên ổn hơn tất cả những cái gọi là hạnh phúc giữa cuộc
đời này. Khi nào phiền muộn con hãy đến đó mà nghỉ ngơi nhé! Con chưa
thiền quán được thì tạm thời lấy cái "tưởng" hư không vô nhiễm ấy mà làm
nơi an trú...
- Dạ, con nghe rõ.
- Còn nữa! Thầy phải cần lặp lại rằng, cái
chỗ nghỉ ngơi của con chim sẽ là không yên ổn, chỗ nghỉ ngơi vừa rồi yên
ổn hơn, nhưng nó chưa phải là mục đích phạm hạnh của chúng ta. Bài học của
con chim sẻ không phải chỉ có chừng đó, con hãy chiêm nghiệm thêm. Nhớ
nhé!
*
Buổi tối, sau giờ tụng kinh, Nhà Sư hỏi:
- Từ chuyện chim sẻ hồi sáng, con học thêm
được bài học gì, nói cho thầy nghe thử xem?
Liễu Minh vòng tay:
- Con suy nghĩ kỹ rồi, bạch thầy! Thuở mới
vào chùa, con tưởng đời sống tu sĩ nhàn hạ, thảnh thơi. Nhưng con đã lầm,
sự nhàn hạ, thảnh thơi ấy dễ phát sanh những thụ hưởng ích kỷ, biếng nhác.
Vậy con chính là con chim sẻ ấy và Thầy là người dẫn lối đưa đường cho con
ánh sáng để thấy rõ mình hơn.
- Rất tốt. Vậy còn bài học gì nữa?
- Thầy đưa con đến chỗ hư không vô nhiễm
mà Thầy còn nói đó là chỗ nghỉ ngơi tạm thời. Bởi chính ngay nơi chỗ nghỉ
ngơi ấy cũng dễ phát sanh thụ hưởng, ích kỷ, vị ngã. Con đã hiểu như vậy,
là bài học thứ hai, không biết có sai lầm chăng, bạch Thầy?
- Không sai đâu! Còn bài học nào nữa hở
con?
- Bây giờ, chim sẻ không còn là con nữa mà
chim sẻ là hình ảnh của chúng sanh vạn loài. Vì vô minh, vì ái dục, chúng
sanh cứ mải mê trong hạnh phúc tạm bợ thế tình, những thỏa mãn ngũ dục phù
du. Khi nhìn lại thì xung quanh đã bị vây bủa bít bùng, không còn tìm thấy
lối ra. Đâu đâu cũng là bóng đêm. Đâu đâu cũng là tử sinh và nước mắt.
Bạch Thầy, đấy là bài học thứ ba.
Nhà sư mỉm cười:
- Khá lắm! Nhưng dường như con muốn nói gì
đó nữa?
- Dạ đúng thế. Con còn muốn ví von rằng,
tấm gương mỏng và trong bên cửa sổ cao kia được ví như màn vô minh. Vì
trong và mỏng quá nên chúng sanh không biết đấy là vô minh. Nhưng vô minh
dầu mỏng, dầu dày cũng rất khó thấy. Đối với kẻ trí, ít nghiệp chướng thì
nó rất mỏng. Đối với người ngu, nhiều nghiệp chướng thì nó chắc hẳn phải
dày. Nhưng, đập vỡ được nó ra thì bên kia là vùng trời giải thoát!
- Lành thay! - Nhà Sư tán thán- con còn
muốn nói gì nữa không?
- Bạch Thầy, hồi sáng, nhờ cây sào của
Thầy, con mới đưa chim ra được bầu trời tự do. Cây sào ấy được ví như là
giáo pháp, nói gọn và gần hơn nó chính là Bát Chánh Đạo. Chỉ có Bát Chánh
Đạo mới đưa được chúng sanh từ nơi lo âu, sợ hãi, phiền muộn đến nơi giải
thoát an vui!
- Hay lắm!
- Bạch Thầy - Liễu Minh say sưa nói - Phải
xua, phải đuổi, phải đánh, phải đập những con chim sẻ đần độn, ngu muội!
Phải tát vào mặt, phải quất vào lưng những con chim sẽ ngủ mê, hưởng thụ,
biếng nhác! Phải làm cho chúng tỉnh dậy, phải làm cho chúng ra đi, cho
chúng bay, cho chúng thoát. Phải giúp đỡ cho chúng sanh bằng mọi phương
tiện có thể được. Bây giờ không còn là thứ từ bi thụ động, tiêu cực, nước
mắt sướt mướt... mà phải là bão để cuốn phăng, phải là lửa để đốt cháy...
cho chúng sanh tỉnh giấc mộng trường! Và ngay chính bản thân con, con chim
sẻ ngu muội, cũng phải biết thủ tiêu cái hèn mọn của tự ngã, sự nghỉ ngơi
tạm thời... để lên đường, để ra đi...
Nói ra đi như vậy, nhưng con chưa dám nghĩ
là để thành tựu điều gì, mà chỉ là đáp đền hồng ân Tam Bảo, đáp đền ân
Thầy Tổ, đàn-na thí chủ và tình nghĩa đệ huynh. Và nhất là để khỏi hổ thẹn
với chính mình!
Nhà Sư ân cần nắm tay Liễu Minh đứng dậy:
- Đấy là những suy nghĩ chân chính, đáng
khen. Chà! Một con chim sẻ vừa ngu muội đó mà bây giờ đã trở nên thông
minh rồi! Thầy hài lòng lắm, con biết không?
Liễu Minh nở nụ cười sung sướng còn tươi
đẹp hơn mùa xuân bên ngoài
Tam Bảo Tự - Đà Nẵng
1977
-ooOoo-
Giàn Bí Đỏ
Sáng nay, cả chùa ai cũng phải gánh nước
tưới cây. Cái khô hạn của nắng hè làm cho cây vườn héo úa, cháy vàng. Lá
xanh như bốc hơi. Đất đai như lửa nung.
Bất Đạt nói:
- Phải chăng đây là lửa của nghiệt chướng?
của tội lỗi? của tham sân? Làm thế nào để tắt được lửa này?
Bất Ác than:
- Lửa! Lửa! Ôi! Lạy Phật từ bi!
Bất Đạt nhăn mày:
- Cứ than như vậy mà được à? Thầy nói
đúng, chú là kẻ lười biếng, thụ động, tiêu cực. Tu mà chỉ thích nguyện
cầu. Cái cầu nguyện kia hãy để cho người yếu đuối. Nam nhi như chú phải
mạnh lên. Hãy dùng dõng lực của Trí Tuệ mà tu, hiểu chưa?
Bất Ác cãi lại:
- Nguyện cầu không được sao? Ối! Em nguyện
cầu rồi thì Đức Phật cũng cứu. Người tu theo đức tin, người tu theo trí
tuệ, người tu theo tinh tấn; chưa biết rồi mèo nào cắn "mỉu" nào!
Liễu Minh tưới xong mấy dây bầu, để thùng
gánh nước một bên, bước lại góp chuyện:
- Đố các chú, lửa này do đâu mà có?
Bất Ác nói:
- Do nắng hạn chứ sao?
Bất Đạt lắc đầu:
- Do lòng tham sân của con người! Chú em
không biết thì ngồi dựa cột mà nghe!
Bất Ác tức tối:
- Chú khi nào cũng áp đảo người khác. Vậy
do nguyên nhân gì hở chú Liễu Minh?
Liễu Minh cười đáp:
- Chú Bất Đạt nói đúng đấy! Này nhé! Do
lòng tham của con người mà phá rừng, làm gỗ, làm củi, đốt than. Cứ mỗi
phút như vậy, khắp nơi trên thế giới, mất đi hàng trăm ngàn hecta rừng
nguyên sinh. Khắp nơi hạn hán lũ lụt là do vậy. Còn nữa, các loại bụi công
nghiệp, các chất thải hóa học làm vẩn đục và nung nóng bầu khí quyển,
nhiệt độ trái đất tăng lên. Hiểm họa môi sinh đã báo động khắp nơi trên
thế giới. Lòng tham vô tận, vô độ của con người đã tự hủy diệt môi trường
sinh thái của mình. Lại nữa, những tâm địa sân hận của thế gian như ác
độc, hận thù, ganh ghét... như những năng lượng từng giờ từng phút tung ra
bầu khí quyển những sức nóng kinh khiếp. Ôi! Tâm như vậy, cảnh như vậy,
tạo một cộng lực vĩ đại, đến một lúc nào đó trái đất sẽ bị thiêu hủy ra
tro, hà huống...!
Bất Ác "à" lên một tiếng.
- Trong kinh có nói quả đất sẽ bị thiêu
hủy khi bảy mặt trời xuất hiện?
Bất Đạt gật đầu:
- Chú em rứa là giỏi! Bảy mặt trời là như
thế. Đừng hy vọng nhân loại sau này sẽ tốt hơn. Cái tham lam ác độc của
con người mỗi ngày mỗi tăng, và sẽ tăng nhiệt độ cho bằng bảy mặt trời là
vừa "hết ý"!
Bất Ác hỏi "mát":
- Là người tu hành mà chú nói dửng dưng
như vậy à?
- Chứ sao! Cho chết luôn!
Liễu Minh cười giàn hòa:
- Chú ấy nói chơi đó mà! Thôi ta còn đi
tưới, thêm nước "từ bi" cho vườn chùa kẻo tội quá!
Nhà Sư từ vườn dưới cũng vừa gánh nước đi
lên. Bỏ nhẹ đôi gánh trên vai xuống, Nhà Sư hỏi:
- Các con vừa thảo luận với nhau chuyện
gì?
Bất Ác mau mắn, thưa:
- Dạ... Nóng. Lửa. Tham lam, sân hận, ác
độc, khô hạn.... là một, cho đến khi bảy mặt trời xuất hiện thì quả địa
cầu thành tro! Bạch Thầy!
Liễu Minh và Bất Đạt thay nhau kể lại
tường tận hơn.
Nhà Sư tán thán:
- Thế là các con đã thấy được chiều sâu
của vấn đề, như vậy là vừa đủ chẳng cần góp thêm ý kiến gì.
Rồi Nhà Sư lại hỏi:
- Trên này đã tưới xong chưa?
Liễu Minh đáp:
- Dạ! Chỉ còn giàn bí đỏ.
- Vậy các con hãy lấy đôi nước kia mà tưới
cho nó.
Bất Đạt nhanh tay xách hai thùng từ từ
tưới cho giàn bí đỏ.
Nhà Sư quay qua hỏi Bất Ác:
- Này con! Mùa này muốn cho bí ra hoa được
đậu trái, chúng ta tưới như vậy đã đủ chưa?
- Dạ thưa - Bất Ác đáp - vậy cũng tạm đủ,
nó sẽ đơm hoa kết trái thôi.
Nhà Sư hỏi Liễu Minh:
- Còn con thì sao?
Liễu Minh đưa mắt nhìn giàn bí rồi trả
lời:
- Nắng hạn quá, bạch Thầy! Có lẽ phải tưới
nhiều hơn nữa!
Bất Đạt phát biểu ý mình:
- Còn con thì khác. Mùa này hết thời vụ
trồng bí rồi, nên trồng thứ khác.
Nhà Sư im lặng một lúc, bảo ba chú cùng
ngồi xuống, chậm rãi nói:
- Các con biết không, chúng ta là người tu
hành, từ khi bắt đầu công phu cho đến khi giác ngộ cũng ví như trồng một
giàn bí đỏ vậy. Trồng một giàn bí đỏ muốn thành công, ra hoa và kết trái
thì phải làm giàn, sau đó phải đầu tư phân, nước và công lao chăm sóc. Cái
giàn chính là giới, nước chính là đức tin, phân là trí, công lao chăm sóc
là tinh tấn... Câu trả lời của Bất Ác chứng tỏ ngay chính đức tin cũng
chưa vững vàng, chưa biết bồi dưỡng và phát huy đức tin. Còn giới, trí và
tấn dường như hoàn toàn thiếu sót. Kẻ tu hành như vậy thường dễ nẩy sinh
buông xuôi, biếng nhác, hời hợt. Như vậy, cái giàn bí ấy, dẫu có ra trái
cũng rụng mất. Quả Bồ Đề làm sao lớn, làm sao có kết quả được hở con?
Cả ba chú nghe mà lạnh mình.
Nhà Sư quay qua hỏi Liễu Minh:
- Còn con là người có chút nghị lực, có
chút ít ý chí phấn đấu, biết tô bồi đức tin, biết nuôi dưỡng và nâng đỡ
đức tin... Cái giàn bí kia nếu cứ việc tưới, tưới mãi thì trái cũng không
thể lớn. Con có biết tại sao không?
Liễu Minh gãi đầu. Nhà Sư nói:
- Vì con không biết thêm phân! Sở dĩ gọi
là thêm phân, vì nó cần phải có trí để soi rọi và hướng dẫn đức tin. Tín
và trí phải song đôi, ngoài ra phải bỏ công lao chăm sóc theo dõi cái giàn
bí đỏ ấy, nghĩa là cần phải có tinh tấn nữa, thì may ra quả Bồ Đề mới có
cơ hội tăng trưởng. Con biết như vậy chứ?
Nhà sư quay qua Bất Đạt:
- Con luôn là người ngược lại với huynh
đệ! Con thuộc căn trí nên nhặm lẹ, mau mắn, nhưng nhặm lẹ, mau mắn thì dễ
sinh nóng nảy, gốc của tâm sân. Trí phát triển thì nghi dễ sinh và tín dễ
mất. Vậy thì con cần bồi dưỡng đức tin. Đức tin là nước mà từ bi cũng là
nước, con cần hai yếu tố mát mẻ này may ra mới quân bình được đời sống
phạm hạnh!
Nhà Sư như đọc được tâm ý, sở học, sở hành
của mỗi người nên ba chú ngồi im re.
Nhà Sư đưa tay chỉ một đọt bí lủng lẳng
giữa hư không:
- Các con xem kìa! Hồi nãy Thầy có nhắc
đến giới là lý do này đây. Dây bí kia không có gì nâng đỡ phía dưới nên
không biết bám víu vào đâu. Cũng vậy, cuộc sống trên đời của những kẻ
không có giới, cũng bò, nhưng không biết bò về đâu, vất vưởng, lênh đênh,
vô định. Dẫu có ra hoa kết trái thì trái ấy cũng teo tóp, rồi thân bí sẽ
bị lôi tuột xuống đất đen, xuống vực! Do vậy tín, giới, tấn, trí là cái gì
căn bản nhất, cần thiết nhất cho mỗi người để trồng một giàn bí đỏ trong
lòng mình. Các con hiểu những điều Thầy muốn trao gởi đó chứ?
Họ đồng thanh đáp:
- Dạ hiểu!
Rồi Bất Ác rụt rè:
- Bạch Thầy cái giàn bí đỏ của con chỉ có
một chút nước... còn thiếu thì thiếu tất cả?
Nhà sư mỉm cười:
- Cái giàn bí của con không chắc chắn,
nước tưới lại ít, phân không có, công chăm sóc thì "bạ đâu hay đó". Có
phải thế không?
Bất Ác cúi đầu lẳng lặng nghĩ đến cái tên
"Bất Ác" Thầy đặt cho mình. "Bất Ác" nghĩa là không làm điều ác! Không làm
điều ác thì mới là khía cạnh tiêu cực, thụ động của giới. Còn khía cạnh
tích cực nữa là "phải làm thiện". Khi mà làm thiện thì ta lại có thêm đầy
đủ giới, tín và tấn. Thêm tấn thì có luôn cả trí. À hay lắm!"
Nghĩ vậy, chú bèn đáp:
- Bạch Thầy, con hiểu toàn bộ vấn đề rồi.
Đến phiên Liễu Minh:
- Riêng con thì cần thêm một chút tấn,
chút trí nữa.
- Đúng vậy, Nhà Sư đáp, Thầy hy vọng rằng
lần hồi con sẽ "liễu minh" vấn đề của chính con!
Còn Bất Đạt thì phát biểu:
- Con thường ỷ y mình là người có căn trí
nên cái gì cũng muốn chóng xong, chóng đạt. Cái này mà ngó bộ không xong
là quay qua cái khác liền! Bạch Thầy, con đã hiểu con, hiểu ẩn nghĩa "bất
đạt" là gì rồi!
Trời đã khá trưa, không gió, núi rừng im
phăng phắc. Có tiếng mang khàn khàn vọng từ trên suối xuống, nghe rõ mồn
một. Nhà Sư trìu mến nhìn ba người đệ tử rồi từ từ đứng dậy.
Bất Ác chợt nói:
- Bây giờ phải trồng lại cái giàn bí đỏ
khác ở trong tâm!
Nhà Sư nói:
- Bây giờ ấy à? Bây giờ là phải thu xếp ,
cất đặt đồ đạc; sau đó cùng phụ nhau để nấu cơm trưa. Đạo lý chính là chỗ
ấy!
Nói xong, Nhà sư đi về phía am tranh. Cả
ba chú đều sững lại, dường như họ đang cố tìm cho ra đạo lý cất đồ đạc và
nấu ăn trưa!
Huyền Không
Lăng Cô - Hải Vân
1976
-ooOoo-
Trái Đu Đủ Cắt Tư
Sửa soạn mâm cơm cho Nhà Sư xong, Bất Đạt
cầm trái đu đủ ngắm nghía. Chú nghĩ, trái đu đủ này quá nhỏ, tuy vậy cắt
bốn phần đều đặn là việc con nít làm cũng được. Chỉ hơi bực một chút là
khi có thêm một hoặc ba vị khách, phải chia năm, chia bảy mới phiền.
Trái đu đủ cắt xong thì đã nghe Bất Ác ồn
ào ở phía cửa bếp:
- Cái bụng nó xuống đường biểu tình rồi
chú "hỏa đầu quân" ơi! Hôm nay chú dẹp tụi nó bằng "lựu đạn" (khoai) hay
"ca nông" (sắn)? À, mà "axit" (tương) có còn không?
- Lựu đạn và axit đã khan hiếm - Bất Đạt
vừa nói vừa lấy lồng bàn úp mâm cơm lại - Kho cơ hữu nhà ta chỉ còn
ca-nông và ca-nông thôi! Bảy quả ca-nông, báo cáo chú em!
Bất Ác dựng vội cúp và rựa bên hiên, lao
nhanh vào:
- Sắn với sắn thôi à? Thế là chết tôi! Thế
là chết em rồi chú ơi!
Bất Đạt cười khì khì:
- Chết chú nhưng mà nhất tôi! Này nhé: bột
sắn nấu là một, bánh sắn hấp là hai, bánh sắn ram là ba, nước tương sắn là
bốn, canh sắn là năm, sắn nướng là sáu, chè bột sắn là bảy, vị chi bảy
món. Sắn bảy món có thua gì các chú đâu!
Bất Ác xụ mặt:
- Thế là chú chẳng thương em chút nào. Em
có mấy cái mụt nhọt mưng mủ chưa lành mà chú lại cho ăn cái kiểu này! Ôi,
sắn ơi là sắn! Mủ ôi là mủ!
Bất Đạt phì cười:
- Chú em, "dĩ độc trị độc" thế mà hay đấy!
Chú có nhớ hôm đến phiên chú, chú làm "cà bảy món" mà chú nói là "ca bảy
câu" không? "Ca bảy câu" sao nổi khi thời gian đó tôi vừa bớt bệnh, thế mà
tôi đành phải bịt tai nhắm mắt "ca" cho xong "bảy câu" của chú! "Một chén
cà bằng ba chén thuốc", hèn chi tôi bị hành dữ!
Bất Ác nhăn mày nói:
- Thuở đó em đâu có biết cà là âm độc? Vô
tâm là không có tội! Còn chú là người học rộng nghe nhiều, y lý tinh
thông, chú há không biết sắn cũng độc không thua gì cà sao?
Thấy Bất Ác buồn, Bất Đạt xuống giọng:
- Ừ, thật ra tôi quên, không nhớ là chú bị
nhiệt! Số là sáng nay đến phiên tôi nấu ăn, xuống bếp lục "cụi", lục "kho"
thấy chẳng còn thứ gì. Rau muống mới trỉa hạt, môn vừa trồng lại, khoai
hôm kia bị bò liếm hết trơn; rau dền, rau má thì nhiều nhưng ăn hoài cũng
ngán... Tuy nhiên khi đứng tần ngần, tôi chợt nảy ra cái ý làm "ca nông
bảy quả" để đáp trả thịnh tình "ca bảy câu’ của chú và "môn bảy kiểu" của
chú Liễu Minh đó mà!
Bất Ác im lặng không nói gì. Chợt nhiên có
giọng ồm ồm bên tai hai người:
- Cái gì là "ca bảy câu", cái gì là "ca
nông" bảy quả? Con nhà Phật mà chẳng có văn chương cửa Thiền chút nào cả.
Cái món của tôi được gọi là "bảy cửa (môn) vào cõi Huyền không" chứ lị!
- Chú... chú! Bất Ác gọi Liễu Minh - "Ca
bảy câu" cũng được, "bảy cửa vào cõi Huyền Không" cũng hay, nhưng "ca nông
bảy quả" làm sao nỗi khi em mụt nhọt cả người như thế này này?
Liễu Minh quăng khúc củi xuống hiên, cười
trấn an Bất Ác:
- Không có sao đâu chú em. Để chút nữa tôi
đi kiếm cái gì mát mát như lá chùm bao, lá rau má, hoặc trái đu đủ...
thuộc âm hàn mà "bổ" vào là nó quân bình âm dương lại ngay.
Bất Đạt cười hề hề:
- Khỏi lo! Có món đu đủ. Tôi thủ hậu món
đu đủ cho nó giải nhiệt mà!
Liễu Minh sà lại bên mâm cơm. Bất Ác đưa
tay giở lồng bàn, chợt chú la toáng lên:
- Phật ôi! Chú đành lòng nào mà trái đu đủ
có bấy nhiêu lại cắt làm bốn phần đều đặn như vậy? Ta nóng thì Thầy cũng
nóng, nỡ nào...
"- Lợi hòa đồng chia" - Bất Đạt nói át -
bấy lâu Thầy đã từng dạy như thế. Cắt phần thầy lớn thì Thầy quở trách đó,
chú không nhớ sao?
Bất Ác thò tay lẳng lặng lấy phần của mình
bỏ vào đĩa trong mâm cơm của Nhà Sư rồi bưng lên tịnh thất. Liễu Minh và
Bất Đạt thoáng ngỡ ngàng, nhưng như đồng một lúc, cùng lấy phần đu đủ của
mình bỏ vào đó luôn.
Khi Bất Ác bưng mâm cơm đi rồi, Liễu Minh
và Bất Đạt ngồi thừ như vậy rất lâu.
Liễu Minh chợt nói:
- Bỏ cái âm hàn dương nhiệt đi chú nhé, ta
chỉ bàn chuyện vừa rồi. "Lợi hòa đồng quân" mà cái gì cũng chia phần đều
nhau như trường hợp vừa rồi, tôi thấy bất ổn sao là!
- Tôi cũng như vậy - Bất Đạt đăm chiêu.
Hôm kia làm bánh sắn nhân đậu xanh, mỗi người được tám cái, Thầy ăn tám
cái chắc vừa bụng. Tôi và chú tám cái ăn không thấm vào đâu. Còn chú Bất
Ác mà làm tám cái thì e là... đã đánh mất "trung đạo" rồi!
Liễu Minh gật đầu :
- Dường như từ lâu Thầy muốn chỉ dạy chúng
ta điều gì đây, chú có thấy không? Đáng lý ra, Thầy tối thiểu cũng phải có
một sa-di thị giả. Thế mà ở đây, chúng ta chỉ lo được có một mâm cơm! Có
lẽ Thầy muốn nâng đỡ chúng ta mặt nào đó nên Thầy đã sống rất bình đẳng
với mọi người. Chính Thầy đã tự tước đi tất cả các tiện nghi đáng ra Thầy
xứng đáng được hưởng. Nói xứng đáng cũng không đúng nữa- chính nhờ công
đức phước báu của Thầy, Thầy đã san sẻ, nuôi nấng chúng ta. Còn đến công
việc thì Thầy không bao giờ ra giọng sai bảo; chỉ gợi ý, đề nghị hoặc vạch
chương trình để làm chung. Cho đến những lao động nặng nhọc Thầy cũng cùng
làm với chúng ta. Mà bao giờ thầy cũng là người vác cúp, vác cuốc đi
trước. Còn chúng ta thì..."chưa ăn thì anh rìu em rạ, ăn rồi thì anh ngả
em nghiêng", thế đấy!
Bất Đạt khẽ cúi đầu xuống:
- Đúng là vậy, nghĩ chuyện trái đu đủ, tôi
còn hổ thẹn với Bất Ác. Đôi khi lý trí tôi nó làm việc như cái máy. Thiệt
là bậy, thiệt là cái đầu óc tôi nó hư hỏng, lệch lạc mất rồi! Té ra, "y
kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan"! Nguy hiểm, thậm nguy hiểm!
Liễu Minh như đang chìm trong suy tư của
mình:
- Chú có nhớ cái "bánh ít chia bốn" của
chú Bất Ác không?
- Nhớ, còn nhớ! Chả là hôm đó Bất Ác vừa
mới vào, chùa mình có chín một trái ổi xá lị đầu tiên, Thầy bảo nên chia
bốn phần cho mỗi người thưởng thức một tí. Ít hôm sau, Thầy đi bát về,
ngoài gạo và khoai sắn ra, có một cái bánh ít. Thế là với bổn cũ soạn lại,
Bất Ác cắt chia bốn phần đều nhau, ăn không dính kẽ răng. Có điều lạ là
hôm đó, tôi hầu cơm Thầy, Thầy mỉm cười nói: "Con hỏi Bất Ác có phải cái
bánh ít mà chia làm bốn phần, nó lúng túng lắm phải không?"
- Phải rồi - Liễu Minh cướp lời - vậy là
thầy biết, Thầy dư biết chúng ta chưa học được bài học "lợi hòa đồng
quân". Không những Thầy cười Bất Ác mà Thầy còn cười cả sự... máy móc của
chúng ta đó! "Lợi hòa đồng quân" kiểu của chúng ta là hình thức chia chác
lợi lộc rất là nguy hiểm, nó còn thiếu "nội dung" đó chú"
- Chú cứ trình bày cho hết ý
- Tôi từng sống nhiều nơi, tôi biết. Có
nhiều chuyện xảy ra không hay ho gì trong đời sống cộng đồng tăng lữ. Vật
phát sanh đến, nếu chia không đủ thì bốc thăm, làm cho nhiều vị rất tốt,
đôi khi nảy tâm mong cầu được cái này, cái nọ... Mà thôi, đừng nói chuyện
ấy nữa, ta thường thấy hạt bụi trong mắt người mà không thấy được cái rác
trong mắt ta! Tôi chỉ muốn nêu lên vài trường hợp cụ thể để chúng ta cùng
thấy rằng," lợi hòa đồng quân" không phải chỉ dừng lại nơi hình thức bên
ngoài, mà còn phải để ý cái tâm bên trong nữa chứ!
Bất Đạt "à" lên một tiếng:
- Phải rồi! Cái gì cũng chia đều thì đến
một lúc nào đó mình tưởng là mình có quyền ngang bằng với Thầy tất cả.
Ngang bằng sao được, ngoài đời còn có ông bà cha mẹ, trong Đạo phải có Tổ,
có Thầy. Công ơn Thầy dạy Đạo to lớn hơn công ơn của cha mẹ nữa. Coi
chừng, nếu không suy xét cho thấu đáo, lửa địa ngục sẽ thiêu cháy tan
xương nát thịt chúng ta mất thôi.
*
Hai người nói chuyện ngang đây thì Bất Ác
bưng mâm cơm trở xuống. Thức ăn gần hết, nhưng đĩa đu đủ thì còn ba lát,
Nhà Sư chỉ dùng một.
Bất Ác mau mắn kể lại.
- Khi thấy đĩa đu đủ có bốn miếng, Thầy
hỏi: "Hôm qua có mấy trái đu đủ chín hả con?". Em đáp: "Dạ, chỉ có một".
Thầy cười với đôi mắt sáng lấp lánh: "Có lẽ là cho đến hôm nay, các con
mới bắt đầu hiểu ý nghĩa sâu xa của "lợi hòa đồng quân" rồi đấy!"
Liễu Minh chợt vỗ tay:
- Tôi biết rồi! Tôi hiểu rồi!
Bất Ác vô tình kể tiếp:
- Khi Thầy nói vậy, em ngạc nhiên vô cùng,
liền láu táu: "Bạch Thầy, "lợi hòa đồng quân" thì con đã hiểu lâu rồi!".
Thầy bèn nghiêm mặt: "Đừng có đại ngôn! Kể cả những người ăn cơm Phật, mặc
áo cà sa cho đến bạc đầu mà áp dụng nó chẳng khác gì là phỉ báng Phật! Con
mới vào tu mà nói vậy, coi chừng mắc thói "tăng thượng mạn" đó! "Mấy chú
ơi, em thấy mặt Thầy nghiêm lại, em ớn quá, em le lưỡi, thụt cổ rồi im
thin thít luôn .
Bất Ác quay qua Liễu Minh :
- Chú nói hiểu là hiểu làm sao nói cho em
nghe thử coi?
Liễu Minh chỉ vào mâm cơm:
- Đói bụng rồi, ăn đã!
- Không! Bất Ác giẫy nẫy- "sớm nghe đạo,
chiều chết cũng cam", Chú không nói thì em tuyệt thực.
Bất Đạt cười khì:
- Chú em ngán sắn thì nói ngán sắn cho
rồi, vờ nói tuyệt thực làm gì! Xấu, xấu lắm nghe em!
- "Đốt" chú đi! Em không chơi với chú. Em
nói chuyện đứng đắn với chú Liễu Minh!
Liễu Minh xen vào:
- Thôi chúng ta cùng ăn rồi thảo luận. Chú
em Bất Ác à, tôi bụng to thì cứ việc ăn nhiều, chú bụng nhỏ thì cứ việc ăn
ít, vậy là "lợi hòa đồng quân" đó!
Thế là cả ba bắt đầu ăn. Bất Đạt dường như
đã hiểu nên chú gục gặc đầu có vẻ đắc ý lắm. Một lát chú nói:
- Hôm nay, phần đu đủ của mình, mình dâng
hết cho Thầy, thầy nhường lại cho mình, rồi mình nhường lại hết cho chú
Bất Ác để chú "tả nhiệt". Thế là " lợi hòa đồng quân", phải không chú Liễu
Minh?
- Phải "Lợi hòa đồng quân" theo cách chia
bên ngoài mới chỉ là "tướng hòa"! Tướng hòa mà thiếu" tâm hòa" thì dễ đưa
đến xung đột, tranh chấp; và là điều kiện để phát sanh phiền não, khổ đau.
Còn khi tâm đã hòa rồi thì mọi thể hiện bên ngoài thế nào cũng là hòa cả.
Chú đã hiểu chưa, Bất Ác? Đôi khi chú đã từng thực hành theo nghĩa "tâm
hòa" rồi mà chú không biết đó thôi!
- Em ư? Bất Ác nhướng mắt hỏi - em là kẻ
hay làm phiền rộn Thầy và chư huynh lắm mà, có hòa gì đâu?
- Không phải thế! Bất Đạt thân thiết nhìn
Bất Ác nói - Chú em không làm ai bực mình cả, ngược lại là khác. Chú em
sống rất có tình nghĩa, biết kính, biết lễ, biết thương yêu mọi người. Chú
em hay hành động theo con tim, theo lý lẽ của con tim nên đôi khi tưởng là
hư, là xấu. Hư xấu cũng có đấy, nhưng chỉ là một phần nhỏ, còn đa phần đều
tốt, như trường hợp chú tự động lấy phần mình để vào phần Thầy. Tâm hòa là
như rứa đó.
- Em chưa hiểu. Chú đừng nịnh em!
Tiếp lời Bất Đạt, Liễu Minh giải thích :
- Đúng thế chú em à! Tâm hòa nghĩa là tình
thầy trò, tình huynh đệ, tình chúng sanh đấy chứ có gì lạ đâu! Khi sống
với nhau trong một ngôi chùa, không cần phải chia chác vật gì cả, lợi lộc
phát sinh cứ để chung một nơi và tùy theo nhu cầu của mỗi người mà sử
dụng. Có thương nhau thật sự mới sống được như thế. Như trường hợp trái đu
đủ, vì kính trọng và yêu thương Thầy, ta hoan hỷ dâng hết cho Thầy. Nếu
Thầy nhường lại mình hay Thầy dùng hết thì cái đó cũng chẳng phải là vấn
đề. Còn chú Bất Ác có ăn trọn cả trái đu đủ, chúng ta vẫn hòa với nhau như
thường. Đấy mới đúng nghĩa "chữ hòa" mà Chư Phật muốn chỉ dạy.
Bất Ác chợt la lên :
- A! Chính trong tâm em, em cũng nghĩ như
vậy mà em lại không biết mới chết chứ!
Cả ba cùng cười vui. Thật là không có ở
đâu "hòa" hơn thế nữa!
-ooOoo-
Cũng từ trái Đu đủ
Sau khi nghe các chú trình bày những kiến
giải về chữ hòa của Phật đạo, Nhà sư hoan hỷ nói:
- Từ chuyện trái đu đủ cắt tư mà các con
đã thảo luận với nhau đi đến chỗ "tâm hòa", thì quả là các con đã biết đào
xới vấn đề, đã có một chiêm nghiệm đúng đắn. Sâu, cạn chưa biết thế nào,
nhưng sự thấy, biết ấy thật đáng khích lệ, thật đáng được khen thưởng.
Nhà Sư ngưng nói nhìn các chú - thấy ai
mặt mày cũng rất hớn hở .
Nhà sư tiếp:
- Bây giờ các con muốn thưởng cái gì nào?
Bất Ác mau mắn nói:
- Sáu bảy tháng nay cả chùa ăn cơm độn
khoai, độn sắn đến bảy tám mươi phần trăm. Con thèm ăn cơm trắng quá, các
chú cũng vậy, nhưng các chú ấy vì thể diện, vì ngượng mồm, ngượng miệng
không dám nói ra. Vậy xin thầy thưởng cho chúng con một bữa cơm trắng
thôi!
Mọi người ngỡ ngàng. Bất Đạt, Liễu Minh
cúi đầu, im lặng nhưng không dấu được vẻ bối rối, lúng túng vì Bất Ác đã
nói đúng sự thật.
Nhà Sư cười vui để xóa tan không khí ngột
ngạt ấy:
- Thầy đồng ý vô điều kiện. Nhưng đấy là
nhu cầu của cơ thể chứ không phải khen thưởng. Thầy sẵn sàng đáp ứng nhu
cầu chính đáng ấy. Chúng ta sẽ được ăn cơm trắng một bữa mà có thể năm,
bảy bữa cho lại sức, còn việc khen thưởng vẫn cứ tiến hành.
Bất Ác hoan hô cả miệng và cả hai tay.
Bất Đạt nói:
- Còn việc khen thưởng thì Thầy cứ tùy
nghi. Thầy biết cái gì thích hợp cho từng người.
Liễu Minh và Bất Ác đều đồng ý.
Nhà Sư nói:
- Vậy là tốt. Đầu tiên là Liễu Minh. Liễu
Minh từ lâu thích một chiếc xe đạp "xịn". Vậy thì Thầy sẽ thưởng cho chú
ấy một chiếc xe đạp mới toanh toanh để đi công việc này, công việc kia..!
Được chưa?
Bất Ác vỗ tay:
- Hết ý! Vậy là con có cơ hội "đi ké"!
- Còn con - Nhà Sư nhìn Bất Ác - Con là
người mê ngủ nhất, không bao giờ thức dậy đúng giờ để hành Thiền, tụng
kinh, vậy Thầy thưởng cho con một đồng hồ báo thức!
Bất Đạt thấy Bất Ác không có phản ánh gì,
bèn nói:
- Thầy thưởng cho chú, sao chú không vỗ
tay? Hay là sợ từ rày về sau phải tỉnh "giấc mộng Nam Kha"?
Bất Ác xụ mặt lại.
Nhà Sư nói với Bất Đạt:
- Bất Đạt hay than phiền rựa không bén,
cúp cuốc mòn vẹt không sướng tay. Vậy thì Thầy sẽ tặng thưởng một cái rựa
mới, một cái cúp lưỡi dài ba gang, một cái cuốc dài ba tấc... cho vừa sức
tay mà làm việc!
Bất Ác nhăn mày:
- Rứa là Thầy không công bằng rồi! Con thì
không nói làm gì, nhưng thưởng cho chú Bất Đạt kiểu ấy thì thật là... tội
nghiệp!
Nhà Sư nói:
- Phần thưởng bên ngoài là "tướng bất hòa"
cho nên bên trong "tâm" cũng "bất hòa" sao?
Liễu Minh thưa:
- Dạ, đại hòa là khác!
Bất Đạt phát biểu:
- Thế là cúp, cuốc, rựa dùng chung mà con
phải chịu trách nhiệm. Xe đạp dùng chung mà chú Liễu Minh phải lo tu sửa,
bảo quản. Còn Bất Ác thì lời không cái đồng hồ! Sướng nhé, em út!
Bất Ác toét miệng cười:
- Ờ há! Thế mà em lại không biết! Hoan hô
cái kiểu "lợi hòa đồng quân" này!
Để cho các chú vui vẻ một lát, Nhà Sư tiếp tục câu chuyện:
- Đức Phật chế pháp Lục Hòa, trong đó có
"lợi hòa đồng quân" để tạo sự bình đẳng vật dụng trong cộng đồng tăng lữ.
Mục đích là nâng đỡ kẻ sơ tu, nâng đỡ những tu sĩ ít phước báu về tứ sự,
cũng là tước bỏ bớt đời sống tích lũy, tư hữu có hại cho hạnh khước từ.
Nhưng các pháp thế gian vốn là tương đối,
nó chỉ có khả năng đối trị tạm thời chứ không có giá trị vĩnh cửu. Do vậy,
áp dụng "lợi hòa đồng quân" mà không hiểu giá trị tương đối của chúng thì
dễ đưa đến xung đột, cố chấp, phỉ báng Phật. Các con hiểu rõ điều này rồi
chứ?
Cả ba chú trang nghiêm đồng thanh đáp:
- Dạ hiểu!
- Đi xa hơn chút nữa, "hòa" và "bất hòa"
còn giúp chúng ta liên hệ đến những cặp phạm trù khác như hơn-thua,
phải-trái, được-mất, khen-chê,... đều là thế gian tương đối, cũng được
hiểu như vậy cả.
Bất Ác im lặng. Bất Đạt ngần ngừ:
- Có phải những cặp phạm trù ấy, triết học
Tây phương họ gọi là "nhị nguyên" phải không hở Thầy?
- Chẳng những Tây Phương mà Đông Phương
cũng thường đề cập các cặp ấy vì nó hằng đem đến đau khổ cho chúng sanh.
- Bạch Thầy! Liễu Minh nói - họ gọi là
song quan, song lực, lưỡng nguyên, nhị giá,... gì gì đó!
Bất Ác nhăn mặt:
- Nói gì lung tung rối lắm thế? Chữ nghĩa
vừa thôi chứ, ai mà hiểu thấu!
Bất Đạt nói:
- Vì chú em ... hơi dốt đó thôi!
Bất Ác rất tức nhưng không đáp được. Liễu
Minh bèn bênh vực:
- Không đâu! Bất Ác không dốt đâu, chú Bất
Đạt và tôi dốt! Chúng tôi nuốt chưa trôi chữ nghĩa nên vướng mắc từ triết
học!
Bất Ác rạng rỡ mặt mày:
- Chỉ có chú Liễu Minh là hiểu em! Rồi chú
quay qua Nhà Sư - Bạch Thầy! Nói cho dễ hiểu, cái "nhị nguyên" đưa đến đau
khổ là gì?
Nhà Sư mỉm cười đáp:
- Con vừa thể hiện cái "nhị nguyên" ấy,
con không thấy sao?
Bất Ác chưng hửng! Nhà Sư tiếp:
- Khi con bị chú Bất Đạt chê, con bèn tức
tối "xụ" mặt xuống. Khi con được chú Liễu Minh khen, sướng quá, con liền
phổng mũi lên. Vậy là tâm con đã bị cái khen, cái chê nó chuyển, con đã
phiền não bởi lời khen, tiếng chê ấy, con chưa thấy sao?
Cả ba chú đều lạnh mình. Quả không có cái
gì dễ hiểu, dễ lãnh hội như cái "thiết thực hiện tại" vừa rồi!
Nhà Sư nhìn Bất Ác:
- Khi con không còn bị lời khen tiếng chê
kia chi phối nữa, con không còn bị hai sức mạnh (song lực) kia lay động
nữa - như vậy, tạm gọi là con đã bỏ bè tương đối, vượt thế gian để sang
được "bờ kia"!
Bất Ác vỗ tay la lên:
- A! Dễ hiểu làm sao! Thế là con lên bến,
con đến bờ kia, con "đáo bỉ ngạn" tức khắc!
Nhà Sư nghiêm mặt:
- Đừng có đại ngôn!
Bất Ác cúi đầu xuống. Bất Đạt nháy mắt
nhìn Bất Ác, cười hề hề:
- Thấy không? Mới lót tót "đáo bỉ ngạn"
đó, mà bị Thầy phất tay "pháp nộ" [*] một cái là chú em "hồi thử ngạn"
[**] ngay bon! Xuội lơ em chưa?
[* Pháp nộ: Cái giận của Pháp; ** Hồi
thử ngạn: Trở lại bờ này]
Thấy ba chú đều im lặng. Nhà Sư lại tiếp
tục:
- Các con ạ! Thế gian tương quan đối đãi
này còn một nghĩa rất vi diệu nữa, Thầy chưa rõ các con có đủ trình độ để
lãnh hội không?
Cả ba chú đồng thanh đáp:
- Chúng con sẽ cố gắng.
- Ừ! Này nhé! Nhà Sư nói - Vì thế gian
"bất hòa" nên lấy cái "hòa" để đối trị. Đối trị có nghĩa là tạm dùng rồi
bỏ. Đừng chấp vào cái "hòa" ấy mà phải để tâm tự tại, giải thoát.
Giọng Bất Ác:
- Bạch Thầy, cái này thì con rối mù!
- À! để Thầy cho ví dụ. Khi con bị cái gai
đâm vào chân, thì con lấy cái gai khác gỡ cái gai ấy ra, có phải thế
không?
- Dạ phải!
- Vậy thì khi gỡ cái gai ấy rồi, con sẽ
giữ lại cái gai nào?
- Bạch thầy, con vứt hết, con sẽ vứt cả
hai.
Nhà Sư lại hỏi:
- Thế thì khi vứt cả hai, nếu con lỡ bị
cái gai khác đâm thì sao?
- Thì con sẽ kiếm cái gai khác nữa mà gỡ
nó ra.
- Phải rồi! Nhà Sư gật đầu - gặp gai ác
thì lấy gai thiện mà gở gặp cái gai tham lam, bỏn xẻn thì lấy cái gai bố
thí mà gỡ, gặp cái gai sân hận, nóng nảy thì lấy cái gai từ bi mà gỡ. Gỡ
xong rồi thì quăng hết.
Bất Ác giật mình:
- A! Có ghê không? Những pháp tối thượng
như thiện pháp, bố thí, từ bi,... mà cũng phải bỏ luôn sao Thầy?
- Nó là gai hay không phải gai?
- Là gai.
- Là gai mà con muốn mang theo thì tùy ý!
Bài học hôm nay đã dẫn ba chú đến đỉnh cao
chênh vênh, ngợp gió. Thiện pháp, bố thí, từ bi... mà cũng phải quăng đi,
phải viễn ly thì thật là kinh khiếp. Bất Đạt toát mồ hôi. Liễu Minh thấy
lạnh xương sống.
Nhà Sư thấy điều đó nên nói tiếp:
- Các con ạ! Đức Phật ví Pháp như chiếc bè
dùng để qua sông, chánh pháp cũng phải bỏ huống hồ phi pháp! Vậy thì qua
sông mà còn mang vác thiện pháp, bố thí, từ bi... đi theo thì sẽ nặng biết
chừng nào? Cái bản ngã thiện pháp, bản ngã bố thí, bản ngã từ bi... kia nó
mới to lớn dường bao?
Bất Ác chợt vỗ tay:
- Vậy là con hiểu rồi!
- Chưa đâu! Bây giờ bỏ cái chuyện "gai lễ
gai" quay sang ví dụ bệnh và thuốc. Đức Phật thường nói "tùy bệnh cho
thuốc". Vậy, gì là bệnh, gì là thuốc?
Bất Đạt đáp:
- Dạ, phiền não là bệnh, giáo pháp là
thuốc.
- Chúng sanh có bao nhiêu "bệnh", giáo
pháp có bao nhiêu "diệu dược"?
- Bạch Thầy! Chúng sanh có tám vạn bốn
ngàn phiền não, Pháp của Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn.
- Con kể sơ cho Thầy nghe, đó là những
phiền não gì?
Bất Đạt đáp:
- Con có nhớ một số phiền não như: Ái,
sân, si, hung dữ, thù oán, bạc ơn, kiêu căng, ganh tị, bỏn xẻn, giả dối,
phản phúc, ngang ngạnh, ngã mạn, giải đãi, hôn trầm, phóng tâm .v.v...
Ngoài ra còn có những phiền não thuộc pháp tà vạy, lầm lạc, trầm luân,
chìm đắm, chấp thủ, v.v...
- Vậy là tạm đủ -Nhà Sư gật đầu- còn gì là
thuốc?
Liễu Minh đáp:
- Bạch Thầy! Nói tóm lại là Ba Mươi Bảy
Phẩm Trợ Đạo, các Thiện Pháp, Mười Pháp Ba-La-Mật, Tứ Vô Lượng Tâm, v.v...
- Đúng rồi! Nhưng các con hãy cho ví dụ
bệnh và thuốc như thế nào?
Bất Đạt đáp:
- Tương tự ví dụ "gai lễ gai"! Như: tham
là bệnh, bố thí là thuốc; sân là bệnh, từ bi là thuốc; si là bệnh, trí tuệ
là thuốc, chấp thủ là bệnh, xả là thuốc; loạn tâm là bệnh, định là thuốc;
ganh tị là bệnh, hỷ là thuốc v.v...
- Đúng thế! Nhà Sư gật đầu - Tùy bệnh cho
thuốc. Nhưng phải đúng bệnh, đúng thuốc. Thuốc cũng phải uống đúng liều
lượng. Thuốc bổ mà quá liều thì trở thành độc dược. Độc dược mà biết sử
dụng cũng cứu chữa được bệnh. Cho nên bất hòa là bệnh, hòa là thuốc. Nhưng
hòa cũng biết hòa đúng lúc, đúng khi, đúng người, đúng chỗ; nếu không, cái
hòa ấy sẽ đưa đến những tệ hại mà chúng ta đã thấy ở trên.
Cho nên, Pháp có hay thì Pháp có dở. Hay
đối với người có trí, biết sử dụng. Dở đối với người ngu, không biết sử
dụng. Người giải thoát, giác ngộ ở trên đời họ thường tùy nghi, biết sống
thuận pháp, tùy pháp. Đã giải thoát giác ngộ rồi thì họ sống hợp với Đạo
vậy. Người chưa giác ngộ, giải thoát, dù có làm hữu ích cho đời thế nào,
cũng chỉ hưởng được phước báu nhân thiên mà thôi! Các con đã hiểu chưa?
Cả ba cùng cúi đầu đáp:
- Dạ, thật là hay, thật là thấm thía!
Nhà Sư mỉm cười hài lòng:
- Khi các con cắt trái đu đủ làm bốn phần,
nghĩa là từ "tướng hòa"; nhưng vì kính trọng thương yêu Thầy mà các con
đem dâng hết cho Thầy, là các con đã bỏ "tướng hòa" để đạt "tâm hòa". Thầy
lại từ "tâm hòa" mà xuống "tướng hòa", khi trả lại ba phần đu đủ cho các
con. Các con lại từ "tướng hòa" đem trao hết cho Bất Ác để đạt cái "tâm
hòa". Tướng trở lại tâm, tâm trở lại tướng. Thì ra tướng và tâm cũng chỉ
là tương quan đối đãi để cho chúng ta học được bài học giác ngộ giữa cuộc
đời này.
Cho nên, kẻ biết pháp tương đối thì cứ tùy
nghi mà sử dụng, không còn chấp trước bên này, không còn chấp trước bên
kia. Ấy gọi là bỏ "bè", bỏ tương đối. Ấy là người đã qua sông, đã "đáo bỉ
ngạn" vậy!
Huyền Không
Hải Vân - Lăng Cô
1977