Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hai màu hoa
Huỳnh Ngọc Nga
19/08/2013 20:15 (GMT+7)


  
 


Bà đi phía trước tôi, dáng dềnh dàng, tay gậy, tay xách một bịch nylon lớn nặng những vật phẩm lỉnh kỉnh, vai đeo một xắc tay đã sờn. Y phục bà toàn đen với váy dài, áo khoác bạc thếch được choàng bởi một chiếc khăn san. Tôi bắt kịp bà dễ dàng và nghiêng nửa dù che cho bà kèm theo một nụ cười thân thiện thay lời xin phép. Bà nhìn tôi đăm đăm với vẻ e dè, nghi ngại nhưng không nói tiếng nào hết. Trên hướng về nhà tôi bà vẫn cùng tôi chậm bước, tôi nghĩ có lẻ bà ở gần đâu đó trên quảng đường nầy. Khi còn cách nhà tôi một đoạn ngắn, ngang trước cổng một chung cư bà dừng lại và khẻ khàng nói với tôi :
-           Nhà tôi ở đây, cám ơn bà đã che tuyết cho tôi và xin chào tạm biệt.
Từ hôm đó trở đi, thỉnh thoảng gặp nhau trên các nẻo đường của khu phố, bà chào tôi với vẻ thân mật hơn buổi ban đầu. Người Y’ vốn cởi mở như đặc tính của đa số dân miền biển Dại tây dương, tôi mang giòng máu Việt cũng không thiếu sự phóng khoáng dễ chịu của sóng nước Thái Bình, theo thời gian chúng tôi thân thiết nhau hơn và bắt đầu nói nhau nghe về gốc gác mình.
Tôi kể bà nghe về một quê hương VN ngút nguồn xa thẳm, nơi có mưa nắng hai mùa, có tình người sâu đậm với câu hiếu trung, chữ nhân hòa làm gốc, chuyện những người dân sống đời phiêu bạc vẫn luôn nhớ về nguồn cội tổ tiên, chuyện chị em chúng tôi dù đã lập gia đình vẫn thông lệ hàng tuần về thăm cha mẹ.

Bà kể đáp lại tôi bằng nổi nhớ một miền quê tận vùng Calabria nghèo cực xa xôi thuộc miền Nam Y’,  nơi mà hơn ba mươi năm xưa bà đã phải lìa xa, cùng chồng dắt díu 2 đứa con nhỏ ra đi về phía Bắc tìm phương sinh sống sau khi để  cô con gái lớn ở lại gìn giữ ngôi nhà. Họ đã tìm đến Torino, một thành phố kỹ nghệ, thịnh vượng của phương Bắc. Chồng bà may mắn tìm được một chân thợ trong hảng xe Fiat và cuộc sống gia đình coi như tạm ổn. Con cái lớn theo thời gian, mẹ cha già theo năm tháng. Cậu con thứ và đứa con gái út của bà lần lượt lập gia đình, ra riêng, sống gần vùng phụ cận Torino. Ông về hưu, vợ chồng già hủ hỉ bên nhau. Những đứa cháu ra đời nhưng những lần viếng thăm của các con bà cũng thưa lần với những lý do bận bịu gia cảnh. Đứa con gái lớn ở Calabria ông bà phải thỉnh thoảng lặn lội về thăm vì cô nghèo, chồng con cơ cực. Sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái chỉ còn thâu gọn bởi những cuộc điện đàm thăm hỏi và ông bà an phận chấp nhận  những gì có được. Năm 1998, chồng bà mất sau một cơn bạo bịnh. Cô chị cả không đến được vì xa xôi, cậu hai và cô út có đến dự đám táng của cha nhưng cũng để hỏi han tiền bạc ông bà tiết kiệm bấy lâu nay. Bà trích một phần tiền của chồng để lại lo việc tống táng, phần còn lại chia đều cho các con, gởi về Calabria một phần cho cô con gái lớn. Bà tiếp tục sống bằng tiền hưu bổng thừa kế của chồng. Cũng trong thời gian nầy, bà biết mình vương bịnh tiểu đường và đang ở vào giai đoạn trầm trọng, chân bà đã sưng phù, mắt yếu dần, bà phải dùng gậy trong mỗi lần di chuyển. Lúc tôi và bà quen biết nhau cũng là lúc bà nghe khó khăn mỗi khi ra khỏi nhà và gần hơn một năm nay các con của bà chẳng có ai một lần thăm viếng mẹ, chỉ có bà thường xuyên điện thoại thăm họ mà thôi.
Tôi nghe chuyện bà mà đâm ái ngại, một hôm, tôi bất ngờ đến nhà bà không báo trước. Bà đón tôi vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ. Có lẻ sự già nua bịnh hoạn đã không cho bà sức lực để chăm sóc nhà cửa chu đáo nên trong khi chuyện vãn, tôi xin phép bà  cho tôi được giúp bà thu dọn phần nào sự bừa bãi kém vệ sinh trong nhà. Ngày hôm sau làm pizza cho cả nhà ăn, tôi dành lại một phần mang cho bà, và thỉnh thoảng trong các dịp lễ lộc tôi thường chọn một món nho nhỏ tượng trưng để tặng bà. Những lần thân tình như vậy,  bà xúc động rõ rệt bằng những chớp mắt gần như long lanh lệ sau đôi mắt đục mờ vì tuổi tác, bịnh hoạn. Bà cám ơn tôi đã cho bà sự ân cần bằng tình cảm của một bạn láng giềng. Tôi cười, bảo tôi chỉ làm những gì mà má tôi vẫn thường hay dạy chị em chúng tôi, thương yêu người như thương yêu mình, nhất là đối với những người già cô đơn không ai chăm sóc.

Một hôm, sau khi kể tôi nghe thêm tình trạng đối xử của các con bà vẫn không thay đổi và bà đã giận dỗi mà không điện thoại thăm họ hơn tháng nay, bà nhờ tôi đăng tin báo tử bà trên vài tờ báo. Tay đưa tiền lệ phí đăng báo, mặt buồn đau khổ, bà bảo bà nghe trong người khó ở và muốn thấy mặt các con bà mà không biết làm cách nào để gặp họ, chỉ còn cách báo tin bà chết họa hoằn ra họ mới chịu tìm đến mà thôi. Tôi hốt hoảng trước ý định hơi quá đáng của bà và góp ý bảo bà chỉ cần điện thoại cho họ biết là bà đang bịnh nặng phải vào bịnh viện gấp là đủ rồi, cần chi phải báo tin giả chết. Bà cười chua xót, bảo tin bịnh nặng chỉ làm các con bà tranh nạnh chuyện lảnh trách nhiệm việc chăm nuôi bà và chắc chắn chúng sẽ bặt tin hơn trước.
Thời gian đó, bịnh tim của ba tôi trở nặng nên được gia đình đưa vào bịnh viện điều trị, tôi và má tôi cùng các em tôi luân phiên chăm sóc nên tôi không còn thì giờ rảnh để viếng thăm bà như trước, tuy nhiên trong lòng tôi vẫn mang nổi bức xức khi nhớ đến sự đơn chiếc của bà. Biết cơ quan y tế  xã hội thành phố có những chương trình trợ giúp người già, một buổi sáng, tôi tìm đến đơn vị khu vực trình bày hoàn cảnh  của bà lảo đáng thưong. Tôi yêu cầu họ cử người giúp đỡ bà vì tôi lo ngại nếu cứ để bà một mình như vậy sẽ có ngày bà ngả gục trong nhà mà  không ai hay. Cơ quan trách nhiệm ghi chép các dữ kiện và hứa sẽ cho người đến xem xét.
Ba tôi mất trong một cuộc giải phẩu tim khẩn cấp, má tôi rủ xuống trong nổi đau của một cánh chim lẻ bạn, lần đầu tiên trong đời chị em chúng tôi hiểu thế nào là nuớc mắt của những đúa con côi. Còn cha mẹ dù bao nhiêu tuổi ta vẫn thấy hoài mình còn trẻ dại, không mẹ cha thì dù son trẻ đến đâu tâm tư ta cũng có một vết chai hằn, già cổi, sự già cổi không định bởi năm tháng mà được hình thành bởi những bước chân đi không người hướng dẫn, dạy khuyên. Chị em chúng tôi tự dưng thấy tóc mình bạc thêm sau ngày ba tôi mất, nhưng chúng tôi thấy hạnh phúc vẫn còn bên cạnh má tôi để chúng tôi được nghe những lời la rầy, chỉ bảo như thời thơ trẻ ngày xưa., để tâm hồn chúng tôi tìm được nơi nương tựa nếu mai kia mốt nọ vương phải những vấp ngã trên đường đời.  Kể cho má tôi nghe chuyện bà Bellaforte, má tôi thở dài thương bà lảo và khuyên tôi nên năng đến thăm bà nhiều hơn.
Tôi chưa kịp đến tìm bà thì một hôm tôi tình cờ gặp lại bà trên đường với tay gậy, tay vịn vai một thiếu nữ trẻ đang bước chậm bên bà, thấy tôi bà mừng rở dừng chân và hân hoan giới thiệu :
-     Chào cháu, đây là chị Paola, nhân viên sở Y tế xã hội đang giúp tôi đi phố mua sắm. Nhờ cháu nên từ đây mỗi tuần hai ngày, sẽ có hai  người đến chăm sóc tôi. Chị Paola lo việc tắm rửa cho tôi và đưa tôi đi phố, chị Veronica phụ trách việc quét dọn nhà cửa, vệ sinh . Tôi cám ơn cháu nhiều lắm. A, sức khỏe ba cháu thế nào rồi?
Tôi cho bà biết là ba tôi không còn nữa và hỏi thăm tin tức về các con bà. Bà chia buồn cùng tôi và xịu mặt xuống :
-     Đừng hỏi gì đến chúng, tôi không muốn nghe cũng không muốn nhớ tới các “ông bà“ ấy nữa.
Tôi cười cho bà dịu lòng và tìm cách nói lãng sang chuyện khác. Từ đó tôi yên tâm về bà hơn và không ghé thăm bà mà chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trên đường.
Một năm dài trôi qua, mọi việc tưởng như bình thường, bỗng một hôm vào khoảng 6 giờ sáng, chuông điện thoại nhà tôi reo vang, đầu giây bẹn kia một giọng nữ hối hả hỏi tôi :
-     Chào bà, có phải bà là bà Huỳnh, xin mời bà đến nhà bà Bellaforte ngay, bà ấy đang hấp hối.
Tôi giật mình sực nhớ là đã hơn hai tuần nay tôi không gặp bà lảo đáng thương, bà trở bịnh nặng như  vậy mà tôi không hay biết gì cả. Vội vã rời nhà, tôi có mặt bên giừờng bà khoảng mười phút sau đó. Chị Paola đã hiện diện trước tôi từ lâu, chị cho hay gần đây bà yếu đi nhiều lắm, bà không đi phố nữa mà chỉ nhờ chị đi mua sắm giùm khi cần thiết. Chị có mời bác sĩ đến thăm bịnh bà  nhưng chứng tiểu đường của bà đang ở vào giai đoạn cuối, bác sĩ khuyên bà nên đi bịnh viện và đã điện thoại báo tin cho các con bà đến, nhưng bà từ chối không chịu đi mà chỉ muốn gặp tôi.
Tôi nghẹn ngào ngồi cạnh bà, nắm lấy bàn tay nhăn nheo đã bắt đầu lạnh dần, tôi khẻ kêu :
-     Bà Bellaforte, cháu đây, bà cần nói gì với cháu không?
Bà mở mắt lờ đờ nhìn tôi, ra dấu cho tôi kề tai gần hơn, bà thều thào :
-     Hảy đăng tin báo tử cho các con tôi biết rằng tôi đã chết và nói rằng tôi tha thứ cho chúng nó…….
Rời giơ bàn tay đeo nhẩn ra trước mặt tôi, bà yêu cầu :
-     Hảy tháo chiếc nhẩn nầy, quà tôi tặng cháu, cháu như con gái của tôi. Tôi cám ơn cháu . . .
Tôi khóc không cần gìn giữ, tôi cầu xin phép lạ nào đó xui cánh cửa phòng bà mở bật và một hay các đứa con của bà ào vào để bà nhìn họ lần cuối, nhưng phép lạ không đến và bà lảo khốn khổ  đã trút hơi thở cuối cùng khoảng một giờ sau đó trong đợi chờ. Tôi vuốt mắt bà và chấp tay niệm Di Đà cùng câu kinh Địa Tạng cho linh hồn bà sớm được siêu thăng dù trước đó một linh mục đã làm phép rửa tội cho bà. Mãi đến gần giữa trưa đứa con gái út của bà mới đến và khoảng 3 giờ chiều cậu con thứ mới hiện diện. Tôi ngạc nhiên thấy họ khóc, những giọt nước mắt muộn màng trước thi hài hảy còn chút hơi ấm của bà. Tôi không nói lời an ủi nào với họ, vì với tôi, đó chỉ là những giọt lệ vô nghĩa làm đẹp cho người chung quanh nhìn ngắm chứ không làm cho linh hồn bà được thỏa lòng, mắt bà đã nhắm rồi, họ khóc bao nhiêu bà có thấy được đâu, sao không đến sớm hơn để đem cho bà nụ cười trước khi từ giả?
Tôi trở về nhà, lòng nặng trỉu, nhìn tờ lịch ngày trên tường, tờ lịch mà người thân từ VN đã gởi qua tặng tôi hôm Tết, có ghi cả ngày tháng âm lịch, tôi vô tình chợt nhận ra chỉ còn hơn tuần nữa là đến rằm tháng bảy, ngày của lễ hội Vu Lan, lễ hội mùa báo hiếu, mùa hoa hồng đỏ của những ai còn (cha) mẹ và ngược lại là những hoa hồng trắng. Tôi biết, ngày tháng ấn định chỉ là chuyện hình thức để vinh danh công ơn cha mẹ, chuyện hiếu ơn đâu phải chỉ tính trong một ngày, một buổi để nói lên lòng tri ân của những người con mà đó là chuyện của cả một đời người trong cách đối xử sao cho vui lòng cha mẹ.

Tôi cũng như bao nhiêu người khác đều biết lòng phụ mẫu như biển rộng, như trời cao, nhưng phải đợi đến lúc lập gia đình làm mẹ của những đứa con tôi, tôi mới thấu đáo  nhiều hơn cái mênh mông của trời cao, biển rộng đó. Những ngày còn trẻ, mỗi lần xin phép ba má tôi đi chơi cùng chúng bạn, tôi vẫn thường được nghe câu dặn dò của má hay ba tôi :
-     Nhớ về sớm đúng giờ nghe con, đừng để ở nhà trông.
Tôi luôn vâng dạ, nhưng về sớm đúng giờ như tiếng dạ đã hứa thì rất ít khi. Tôi mấy khi nghe nao lòng hối hận khi bước vào nhà thấy mẹ đợi, cha chờ mà chỉ mang nổi lo sợ bị rầy khi về trể. Vậy mà bây giờ làm mẹ, chẳng bị ai dặn dò giờ giấc, đi đâu tôi cũng ngong ngóng nhìn đồng hồ để về đúng giờ vì sợ các con tôi ở nhà chẳng ai lo cơm nước dù lúc chúng còn nhỏ hay như nay đã đến tuổi thành niên. Lắm lúc tôi tự xấu hổ khi thấy mình lo cho các con nhiều hơn lo cho cha mẹ, nhưng khổ nổi biết làm sao hơn khi nước mưa luôn từ trên cao rơi xuống, những giọt nuớc như mồ hôi, như nước mắt mà mẹ đã đau đớn tuôn ra khi vượt cạn cho con mở mắt chào đời, mà cha đã nhọc nhằn để lo cho con cơm áo đủ đầy, ăn học thành nhân; những giọt nuớc rơi rồi bốc hơi bay cao không chờ báo đáp để lo lắng không chỉ cho đời con mà lắm khi còn bương chải cho cả những đứa cháu sau nầy.
Tôi chợt nghe hối hận  đã từ chối không đăng tin báo tử  giả của bà trước đây khi bà còn sống, biết đâu như vậy bà còn có thể thấy được những đứa con của bà hơn là đợi chờ đến giây phút cuối và chẳng thấy mặt ai. Tôi thật tình cũng không hiểu tại sao các con của bà có thể vô tâm với mẹ như vậy, nhưng ở xã hội phương tây nầy, trường hợp như bà Bellaforte là chuyện vẫn thường thấy xảy ra.
Đám tang của bà được cử hành ngày hôm sau, vào buổi chiều. Trước khi đến nơi tang lễ, tôi đóng gói cẩn thận chiếc nhẩn bà đã trao rồi bỏ vào bao bì, ghi địa chỉ cô con gái lớn của bà ở Calabria. Ghé ngang bưu điện gần nhà  tôi gởi chiếc nhẩn đó theo diện bảo đảm rồi tạt sang một tiệm hoa cách đó không xa, và thay vì mua một bó hoa tưởng niệm bà, tôi chỉ mua hai đóa hồng trắng và một đoá hồng đỏ cầm tay.
Trong lễ tưởng niệm người quá vãng ở nhà thờ, sau khi nhắc nhở về bà, tôi nói cho các con bà và mọi người biết ý nghĩa của hai màu hoa đó. Và cuối cùng tôi đặt đóa hồng đỏ trên nắp áo quan, còn hai đóa hồng trắng tôi cài lên áo các con của bà, vĩnh viễn từ đây màu đỏ của hoa hồng sẽ theo bà về lòng đất mang theo ý nghĩa một người mẹ mà họ đã vô tâm chối bỏ bấy lâu nay.

Mọi việc đã xong, chợt dưng tôi muốn đến thăm má tôi dù chưa đến ngày cuối tuần như thường lệ. Về nhà, tôi mở tủ lạnh lấy mấy trái khổ qua còn trử được từ mùa hè đã qua và nấu nhanh một nồi canh khổ qua hầm dồn thịt nạc, nấm mèo, bún tàu. Đây là món mà lúc sanh tiền ba tôi rất thích và má tôi cũng rất ưa. Xong xuôi tôi cho canh vào ve keo đậy kín rồi lái xe đem đến cho má tôi. Tôi tin rằng hôm nay má tôi sẽ ăn buổi cơm chiều ngon miệng hơn. Tôi cũng thầm nghĩ, từ đây phải năng đến thăm má tôi nhiều hơn thời gian được ấn định bấy lâu nay.
Trên đường, tôi lại ghé vào tiệm hoa lần nữa và mua một đóa hồng đỏ cho tôi. Ngày Vu Lan chưa kịp đến, nhưng cần gì, tình yêu giữa mẹ và con đâu phải tính toán thời gian và tôi muốn kể từ đây bất cứ ngày nào đối với tôi cũng đều là ngày lễ hội từ ân. Cài đóa hoa lên áo, mặc cho cô bán hoa nhìn tôi tưởng rằng tôi đang làm dáng, tôi mĩm cười ngắm mình trong khung cửa kính của tiệm hoa, lung linh trong đó tôi mường tượng nụ cười phúc hậu của má tôi và chưa bao giờ tôi thấy màu đỏ của hoa hồng đẹp rực rỡ, tuyệt vời như hôm nay.

HUỲNH NGỌC NGA
 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang