Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Một nẻo Quê chung
27/09/2010 10:21 (GMT+7)

 Điều quan trọng là tâm tình trong lời thơ. Chỉ hai câu ngắn ngủi nhưng đã mở ra cả một phương trời lữ thứ mênh mông. Kẻ bươn bả ra đi, người quay về cố quận. Và trong lòng kẻ ở người đi đều mang nặng tâm tình đối với một nẻo Quê chung. Cố quận ở nơi nào? Quê chung là đâu vậy? Ta từ đâu tới? Ta sẽ về đâu? Hay ra đi cũng chính là quay về?

Dù cho trôi nổi khắp chốn sông hồ, dù cho phiêu bạt trong ngàn phương lữ thứ, dù có bươn chải đắm chìm trong chốn lợi danh, dù có say sưa miệt mài trong cõi văn chương hay mãi tĩnh lặng quán tưởng trầm tư nơi thâm sơn cùng cốc, rốt cuộc rồi chúng ta cũng phải nói lời tạm biệt với cõi đời, để về một cõi Quê chung, về với nơi mà ta đã thực sự từ đó ra đi. Cõi chết! Chỉ có cõi chết mới thực sự là Quê chung cho tất cả mọi người. Đó là nơi mà mọi ân oán thị phi, mọi vinh quang tủi nhục đều trở thành hư ảo. Trong cõi thế đầy sai biệt này thì đó là nơi duy nhất thực sự bình đẳng cho tất cả mọi người, từ những kẻ tài hoa quán thế, uy lực trùm đời cho đến những người cùng khổ vất vưởng với nợ áo cơm; từ những người dung nhan tuyệt đại cho đến những kẻ khiếm khuyết tật nguyền. Sau những tháng năm diễn xuất đủ vai trò trên sân khấu cuộc đời, với tất cả hỷ nộ ái ố của thất tình lục dục, rốt cuộc rồi chúng ta ai cũng nối đuôi nhau đi về cõi đó, hoàn toàn bình đẳng nhau.

Gặp phải lúc lạc đường lỡ bước,

Cầu Nại Hà kẻ trước người sau.

Mỗi người một nghiệp khác nhau,

Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?

Chiêu hồn thập loại chúng sinh với thiên tài Nguyễn Du đưa ta về cõi Quê chung đó, sau khi dẫn ta đi qua bao nhiêu cảnh thê thiết của kiếp người, trong cõi dâu biển tang thương.

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô.

Não người thay bấy chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

Ðường bạch dương bóng chiều man mác,

Dặm đường lê lác đác sương sa.

Lòng nào lòng chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Cảnh trần gian đã thê lương là vậy, đã não nề là vậy, thì trong cõi âm kia, cõi Quê chung kia, còn u oán đến ngần nào? Cõi dương còn thế nữa là cõi âm! Nhưng thử hỏi cõi âm và cõi dương có thực sự tách biệt rạch ròi nhau chăng, khi mà sự sống và cái chết vẫn luôn sóng đôi đi bên cạnh nhau? Như bình minh và hoàng hôn luôn nối tiếp nhau. Như kẻ đi muôn trùng và người về cố quận.

Người trong cõi "Muôn trùng ta đi" có thể là kẻ mưu đồ đại sự, toan đem ý chí hùng bá để thâu tóm cả thiên hạ trong tay :

Nào những kẻ tính đường kiểu hạnh

Chí những lăm cướp gánh non sông

Nói chi đang thuở thị hùng

Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau"(1).

có thể là những người đang tự mãn cùng nhan sắc khuynh thành chốn lầu son gác tía:

Nào những kẻ màn lan trướng huệ

Những cậy mình cung Quế Hằng Nga

Một phen thay đổi sơn hà

Tấm thân mảnh lá biết là làm sao?

hay là những người tài hoa lỗi lạc, ôm trong lòng một túi kinh luân:

Nào những kẻ mão cao áo rộng

Ngòi bút son thác sống ở tay

Kinh luân chất một sải đầy

Đã đêm Quản Cát, lại ngày Y Chu.

hay là những người dũng phu xông pha nơi trận mạc, say sưa đem mạng người đổi lấy công danh:

Nào những kẻ bài binh bố trận

Vâng mệnh sai lĩnh ấn nguyên nhung

Gió mưa thét rống đùng đùng

Phơi thây trăm họ làm công một người.

Còn người trong chốn "Người về cố quận" có thể là những người mải mê đi tìm ý nghĩa của đời người trong những đồng xu, để rồi "Sống không thác lại tay không còn gì":

Cũng có kẻ tính đường trí phú

Làm tội mình nhịn ngủ bớt ăn

Ruột rà không kẻ chí thân

Dẫu làm nên nữa, dành phần cho ai.

có thể đó là những kẻ muốn đem văn chương rong ruổi trong đời để toan mưu cầu phú quý mà không hiểu được rằng văn chương chỉ là những trò chữ nghĩa phù phiếm, nếu như nó không được nuôi dưỡng từ một chữ tâm:

Cũng có kẻ muốn cầu chữ quý

Dấn thân vào thành thị bôn ba

Mấy thu lìa cửa lìa nhà

Văn chương đã chắc đâu mà trí thân.

đó có thể là những người phụ nữ đáng thương, vì miếng cơm hay vì nợ nần phải đem thân ra mua vui cho thiên hạ để rồi một mình cô quạnh lúc chiều hôm:

Lại có kẻ lỡ làng một tiết

Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa

Ngẩn ngơ khi trở về già

Ai chồng con nấy, biết là cậy ai.

đó có thể là những nạn nhân của một nền công lý mù tối, phải bỏ thân một cách oan khiên nơi chốn ngục tù:

Lại có kẻ mắc oan tù rạc

Gửi thân vào chiếu lác một manh

Gói xương chôn rấp góc thành

Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi.

....

Trong cõi "Thập loại chúng sinh" đó, trong bức tranh vân cẩu tang thương đó, có biết bao nhiêu tâm tình của muôn vạn mảnh đời. Khi từ Quê chung nhìn lại, tất cả đều như chập chờn trong một màn sương ảo hóa. Dù là con sông rộng cuồng nộ thét gầm hay chỉ là một con suối nhỏ, tất cả đều xuôi về và cùng hòa tan nhau trong biển cả. Đó là Đại dương của Cái chết. Nào đâu là công danh phú quý, nào đâu là trướng huệ màn lan, khi cái thân tứ đại này rã tan theo những định luật vô thường, để rồi:

Bóng tang tử xa chừng hương khúc

Bãi tha ma kẻ dọc người ngang

Cô hồn nhờ gửi tha hương

Gió trăng heo hắt, khói sương lạnh lùng

Đọc Chiêu hồn thập loại chúng sinh, chúng ta có cảm tưởng như Nguyễn Du là một Bồ tát đang ngồi nhập định, dùng bi tâm để quán sát khắp cõi biển dâu. Đi vào thế giới thi ca Nguyễn Du qua ngưỡng cửa Phật giáo, chúng ta càng thấy sự mênh mông của những chân trời tư tưởng và tấm lòng Bồ tát của một thi sĩ thiên tài. Suốt một thời gian dài, không thiếu những nhà phê bình cứ khăng khăng khẳng định Truyện Kiều là bản án bằng văn chương dành cho chế độ phong kiến, nhằm để nêu ra được những "tư tưởng tiến bộ" (!) trong tác phẩm Tân thanh. Những nhà phê bình nghiên cứu Truyện Kiều theo cách đó có bao giờ hiểu được rằng tại trung tâm ngôn ngữ của lục bát Truyện Kiều vẫn còn trì ngự một Vùng Vô Ngôn Thăm Thẳm của Thi Ngôn, mà nhà thơ Phạm Quý Thích, với tâm hồn đồng điệu, đã đề cập đến bằng những lời thăm thẳm: "Tố Như Tử dụng tâm đã khéo, tả cảnh như hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy?" (Trần Trọng Kim dịch).

Đọc Truyện Kiều từ tác phẩm Chiêu hồn thập loại chúng sinh và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng ta càng cảm nhận thêm được cái tâm lực "Nhãn phù lục cực, tâm quán thiên thu" của ông. Một nghệ sĩ thiên tài đem tâm Bồ tát quán chiếu quá sâu thẳm vào cõi biển dâu, và muốn che giấu tất cả những cảnh tang thương thê thiết của cuộc đời dưới một màn sương nghệ thuật.

Thử đọc lại đoạn mở đầu của Bát Nhã Tâm Kinh, và thử thay "Xá lợi tử" trong đoạn kinh văn đó bằng "Tố Như tử", ta dễ có cảm tưởng đây là bài Tâm Kinh mà Nguyễn Du được nghe từ cõi lồng lộng "Như thị ngã văn" với tất cả tâm nguyện "tín, giải, thọ, trì", để ông có thể dùng Diệu quán sát trí quán chiếu khắp cõi biển dâu cùng thập phương tam giới, trước khi viết Chiêu hồn thập loại chúng sinhTruyện Kiều.

Người viết xin phép được thay một đôi chữ trong đoạn Tâm Kinh để cố gắng gợi lên được những gì còn ẩn khuất trong tác phẩm Nguyễn Du.

"Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến thập phương tam giới giai như hư không, độ nhất thiết khổ ách. Tố Như tử! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, nhất thiết thế gian diệc phục như thị"!

"Bồ tát Quán Tự Tại lúc hành trì sâu xa Bát nhã Ba la mật đa, quán chiếu khắp thập phương tam giới đều thấy như hư không, nên vượt qua tất cả khổ nạn. Này Tố Như tử! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc chính là Không, Không chính là Sắc. Tất cả thế gian đều như vậy cả."

Từ cõi nghe "Như thị ngã văn" lồng lộng đó, Nguyễn Du đã viết:

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng?

Thử tâm thường định bất ly Thiền

và:

Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,

Có chữ rằng: "Vạn cảnh giai Không".

Ai ơi lấy Phật làm lòng,

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi....

Nhưng nhìn thấy cõi đời là mộng ảo, quán chiếu thế gian là vô thường không phải để chán chường bi lụy, mà là để phát tâm cầu đạo, tìm ra chốn an thân lập mệnh, để "Thử tâm thường định bất ly Thiền". Thái tử Tất Đạt Đa có thể xuất gia cầu đạo để trở thành bậc toàn giác hay không, nếu như Ngài cứ suốt đời quẩn quanh nơi lầu son cung cấm, mà không nhìn thấy cảnh sinh lão bệnh tử não nùng của trần gian?

Nhiều đoạn trong Chiêu hồn thập loại chúng sinh của Nguyễn Du chính là bài thuyết pháp về Khổ đế:

Trong trường dạ tối tăm trời đất,

Còn khôn thiêng phảng phất u minh.

Thương thay Thập loại chúng sinh,

Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người.

Còn đây là Đạo đế:

Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,

Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi.

Muôn nhờ Ðức Phật từ bi,

Giải oan cứu khổ độ về Tây phương.

...

Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,

Phóng hào quang cứu khổ độ u.

Khắp trong tứ hải quần chu,

Não phiền trút sạch oán thù rửa trong.

Nhờ Đức Phật thần thông quảng đại,

Chuyển pháp luân tam giới thập phương.

...

Không chỉ trong cõi Ta bà này, mà trong cõi Quê chung đó, Phật pháp vẫn sẽ

Phóng hào quang cứu khổ độ u

khi mà:

"Đức Phật thần thông quảng đại,

Chuyển pháp luân tam giới thập phương".

để giúp cho chúng ta:

Não phiền trút sạch oán thù rửa trong.

Trên đường đi về cõi Quê chung đó, ta sẽ phải trả lại cho trần gian tất cả những gì ta tạm vay mượn từ nó trong thuở sinh tiền: kiến thức, tiền bạc, công danh phú quý,.. cùng với bao nhiêu vui sướng, khổ đau. Hành trang duy nhất mà ta có thể mang theo, và phải mang theo trên đường về Cõi chết cũng chính là những gì ta mang vào đời, khi vừa lọt lòng mẹ: Nghiệp! Trên đường đi về cõi Quê chung đó, gói hành trang kia sẽ nặng hơn hoặc nhẹ hơn đều hoàn toàn tùy thuộc vào những gì ta làm khi còn tại thế. Tham sân si luôn khiến chúng ta mê muội gây nên bao nghiệp chướng. Đâu phải ai cũng có cơ duyên nghe được câu kệ Lục như để quán tưởng bản chất vô thường của trần gian.

Nhiều người thường thắc mắc "Ta đã trót gây nghiệp ác, rồi cúng dường chư Phật cùng với nghe giảng kinh thuyết pháp thì có thoát được quả báo đó hay không?" Nghiệp đã tạo ra thì phải chịu quả báo, như tiền đã vay thì phải trả. Không ai có thể trả nợ giùm ai. Quy luật báo ứng không ai chạy thoát khỏi, cho dẫu đó là bậc khổ hạnh chân tu, dù trong kiếp này hay kiếp khác. Thiền tông có một giai thoại lý thú có thể dùng để trả lời thắc mắc trên.

Có một người đến hỏi Thiền sư Triệu Châu: "Thế nào là tham thiền ngộ đạo?". Sư không trả lời, mà chỉ trề môi nói: "Lão tăng muốn đi đái!". Đi được vài bước, sư bèn quay lại bảo tín đồ: "Các ông xem! Chỉ một việc cỏn con đó mà lão tăng còn phải tự mình làm, có ai làm thay được đâu?" (2).

Chỉ một việc vệ sinh nho nhỏ mà ta vẫn phải tự làm, huống gì nghiệp báo? Không ai trả nghiệp báo thay cho ai được. Không thể chỉ nghe lời kinh mà rũ sạch được nghiệp báo, để có thể "Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi" được. Siêu thăng nghiệp báo chỉ có nghĩa là nhờ Phật pháp cảnh tỉnh, ta sẽ hiểu được lẽ bất biến của luật nhân quả luân hồi để có thể hân hoan trả nợ. Dưới sự gia trì của Phật lực, ta có thể yên tâm trả nghiệp báo một cách nhẹ nhàng tự tại, mà không còn mang tư tưởng sợ hãi hay oán hờn. Khi ấy, dù còn đắm chìm trong cõi luân hồi, nhưng tâm ta như đã ra khỏi bến mê, vì đã thấy nhẹ nhõm như trút đi một gánh nặng đeo đẳng trong lòng. Điều đó mới chính là "Não phiền trút sạch oán thù rửa trong" để ta có thể "Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi".

Nếu Bát nhã Ba la mật là chỗ sở y để chúng ta nương vào đó mà tìm về cảnh giới "tâm vô quái ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn" thì Chiêu hồn thập loại chúng sinh cũng có thể là chỗ sở y để khi mỗi khi đọc lại và đi vào cái thế giới đó, ta có thể phát tâm cầu đạo vì nhìn ra được Một Cõi Quê Chung!

Huỳnh Ngọc Chiến

(1) Những câu thơ trong Chiêu hồn thập loại chúng sinh . (2) "Nễ khan! Giá đẳng tiểu sự, hoàn yếu ngã tự kỷ khứ, biệt nhân thế đại bất liễu a! 你 ナ! ャ C メ v ゥ ネ Cハ lヨ s ケ 啊!" (Dẫn theo Tinh Vân đại sư ッ _ t, Tu hành tại nhân gian C s ン l ヤ Hương Hải văn hóa, Đài Bắc, 2007, tr. 40).

http://giacngo.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang