Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Loài người ơi, xin dừng lại
09/11/2010 20:40 (GMT+7)

Những cây cà phê ngả nghiêng theo cơn giông, lá rụng đầy trên cỏ.  Từng cành oằn trĩu quả đỏ no tròn chen lẫn quả còn xanh, rơi rụng lả tả   trên mặt đất, trải kín lá vàng chen lẫn lá xanh tươi.

Tôi bước đi nhè nhẹ trong vườn theo cơn gió lạnh mùa đông, từng giọt mưa hắt trên mặt, trên vai cho tôi một cảm giác tê lạnh. Cái tê lạnh se thắt cả lòng, không hẳn vì giá rét mà vì những tin tức bão lụt  đang tàn phá khắp các tỉnh Miền Trung.


Từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Gia Lai…khắp nơi đang chìm ngập trong cơn giận dữ thiên tai. Cả triệu căn nhà, vườn cây, tài sản, gia súc và người cuốn theo dòng nước lũ, thiệt hại cả trăm tỉ đồng.

Chết chóc, mất mát, đau thương, dòng nước mắt tuôn trào theo con lũ đỏ ngầu cuồn cuộn trôi. Tiếng kêu gào cha mất con, vợ mất chồng,  hàng ngàn trẻ thơ,  bà mẹ già nức nở trên cảnh đổ vỡ thê lương.

Bên cạnh những tin tức đau thương bão lũ, là những hình ảnh tai nạn xe hơi, những cái chết thê thảm do con người gây ra. Những cái tin khủng bố đang đe dọa toàn cầu, những bản tin các nước Đông Âu đang từng giờ thanh toán nhau đẫm máu, những  tin bọn mafia, xã hội đen, trộm cướp đang lộng hành, gieo rắc sợ hãi, bất an trên khắp nẻo đường nhân loại, đe dọa mạng sống, sự bình an của con người….

Bên cạnh những bản tin thời sự đen tối ấy hàng ngày loan báo trên các kênh truyền hình, còn có những bản tin phấn khởi hơn là sự tiến bộ vượt bực về khoa học, kinh tế, thương mại kết nối toàn cầu, mang lại dời sống ấm no, văn minh tiến bộ cho nhân loại.

Tôi đi chầm chậm trên bãi cỏ, nhìn những trái chanh dây đong đưa trên giàn, theo cơn gió lộng.  Những trái tranh giây xanh, tím no tròn, vô tư  như những trẻ con trong xóm đánh đu trên cây, hái trộm trái bơ, trái tranh, hay cà phê về bán kiếm vài đồng đi chơi game hoặc ăn quà vặt.

Tiếng mấy bác thợ hồ trong giờ nghỉ giải lao ngồi tán gẫu về chuyện thế thái nhân tình, hết chuyện tình yêu, chuyện áo cơm rồi đến chuyện tham nhũng, hối lộ của các cán bộ trong thôn, xã. Chúng nó nói hay lắm mà làm thì dở ẹc.  Các gia đình có sổ đói nghèo, tết đến được chính sách cho hai trăm, chúng bớt đi một trăm. Quà từ thiện các đoàn thể về phát, dân nghèo thì không được mà người đi nhận toàn bà con họ xa họ gần của cán bộ.

Gia đình tôi có thằng Tèo đậu vào đại học, được vay tiền cho con đi học, đến khi ra trường, đi làm rồi trả dần theo lãi xuất tương đối nhẹ. Tôi đi ra xã, ngân hàng mấy lần làm giấy, họ hẹn tới hẹn lui, tôi bỏ cả công ăn việc làm, đến khi bỏ ra một triệu làm quà cà phê, thuốc lá thì được xét liền.

Tôi nghĩ mà tức, nhà đã nghèo rớt mùng tơi, phải chạy vạy đi vay mượn cho con đi thi, tốn kém biết bao nhiêu nó mới vào đại học. Rõ là chó cắn áo rách.

Những câu chuyện rôm rả từ những người miền núi, quanh năm sống nhờ vào nương rãy, làm lao động cật sức mà vẫn không đủ ăn… như những âm thanh buồn phảng phất bên tai tôi.  Không gian quanh tôi, núi đồi bao phủ, những đám mây đen pha lẫn sương mù, một cảnh quan mờ ảo, mang vẻ đẹp bí ẩn, buồn bã.

Tôi hít thở nhè nhẹ không khí trong lành vùng cao nguyên, mỉm cười  để cho lòng thanh thản.  Tiếng niệm Phật Nam Mô Bồ Tát quán Thế Âm của Tăng Thân Bát Nhã từ trong vô thức (mới có một năm thôi, hình ảnh đau thương còn sống động trong lòng mọi người, nó chưa chịu chìm trong quên lãng) vang lên làm dịu nhẹ trái tim tôi.

Tôi ngẩng lên hái bông hoa chanh màu tím, hái vài hột cà phê chín đỏ, vài hột còn xanh tươi, vài bông hoa nguyệt quê, vài bông ngọc lan, vài bông hoa bưởi thơm dịu mang lên cúng Phật.

Mỗi ngày tôi đều tụng một phẩm kinh Pháp Hoa. Mỗi Phẩm đều mang một giáo lý thâm diệu khác nhau.

Có một đoạn trong phẩm THÍ DỤ, Đức Phật nói với ngài Tôn Giả Xá Lợi Phất và đại chúng về một Ông Trưởng giả giàu có ngang hàng với Quốc vương. Ông có một bầy con ham chơi, suốt ngày chơi rỡn trong căn nhà rất rộng mục nát, kèo cột sắp sụp đổ, nhiều hầm hố nguy hiểm.

Căn nhà ấy có thể chứa  vài trăm người, nhưng chỉ có một cửa ra vào, rừng cháy đến căn nhà, lửa bừng bừng sẽ không có lối thoát.  Ông kêu gọi các con ra để thoát hiểm, nhưng các con không nghe, cứ chơi rỡn trò bắt tìm thích thú.

Ông suy nghĩ phải dùng đến phương tiện khéo léo để dẫn dụ các con bằng cách là ông mang những xe hươu, xe dê chứa đầy châu báu , tàn lọng đẹp đẽ  dẫn dụ các con ra, lấy đó làm đồ chơi, thích thú gấp bội hơn là chạy nhảy trong căn nhà mục nát

Các con ông thấy xe đẹp, chạy ùa ra, tranh dành nhau. Nhìn các con ra thoát khỏi nhà lửa, ông mừng quá, giảng giải cho các con nghe về sự nguy hiểm ở trong căn nhà sắp cháy.  Ông trao cho các con những cỗ xe đẹp để thỏa thích vui chơi.

Đức Phật thương chúng sinh như con đỏ, Ngài thấy Thế giới này đầy rẫy những tranh chấp, khổ đau, sinh già, bệnh, chêt và muôn ngàn cảnh thống khổ khác, do con người vì tham đắm, vô minh, sân hận, si mê, chạy theo lợi danh, quyền lực,  vật chất xa hoa, tạo ra bao đau thương, oan trái, đắm chìm trong bể khổ luân hồi.

Ngài đã bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con ngoan, địa vị cao sang, dấn thân vào núi rừng, sống khổ hạnh, quyết tâm tu, tìm ra con đường tự do, giải thoát cho chúng sinh.

Sau sáu năm tu miên mật trong rừng già, Ngài đã tìm ra chân lý, đạo vàng giải thoát cho kiếp người khổ ải trầm luân.  Ngài đã dùng đủ mọi phương tiện quyền xảo để dạy cho chúng sinh sớm tỉnh ngộ, mau dừng lại, tu thân, để thoát ra khỏi nhà lửa tam giới, tìm thấy cuộc sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại và những kiếp sau này.

Nhưng, con người do trí tuệ thông minh, càng ngày càng phát minh ra những khoa học tiến bộ, đời sống vật chất  đầy đủ, chạy theo quyền lực, lợi danh, đắm chìm trong đau khổ mà vẫn thấy thích thú.

Nhưng chính những tiến bộ đó đã đưa thế giới này đến cảnh tàn phá thê lương. Vì  tranh sống, người ta đã phá rừng không thương tiếc, đã thải khí độc ô nhiễm môi trường, đã xả những bịch ni lông làm rã rời trái đất, đã  xẻ núi, đào lấp biển, sông ngòi, đã làm đảo lộn thiên nhiên.

Và bên cạnh đó, con người đã chế tạo ra những vũ khí khủng khiếp để tàn sát lẫn nhau, đã dùng mọi thủ đoạn để hãm hại nhau hơn loài cầm thú.

Ôi, đau thương, tàn bạo đang chùm phủ thế gian này. Thế nên, đất trời nổi giận làm cơn bão lụt thiên tai khắp nơi, khắp chốn.

Tôi dừng trang kinh, chắp tay nhìn lên đức Thế Tôn, lên đức Bồ Tát Quán Thế Âm khẩn cầu, xin các Ngài thương xót chúng sinh, giúp dừng cơn bão tố, xin mọi người dừng lại những tham đắm si mê, ghét ganh, hận thù, sống chan hòa trong tình yêu thương anh em ruột thịt, hàn gắn những đỗ vỡ, xây dựng lại  nếp sống lành mạnh, san sẻ, đùm bọc lẫn nhau.

Người ơi, xin dừng lại
Cùng ôm lấy niềm đau,
San sẻ tình huynh đệ
Niềm thương yêu cho nhau.

Mùa bão lụt, Tháng mười- 2010
Chân Y Nghiêm - phattuvietnam

Các tin đã đăng:
Về đầu trang