khiến không ít lữ khách quên đi những khủng khiếp đã qua và mất cảnh giác với đoạn thác ghềnh kế tiếp. Từng đoạn, từng con nước, sự thay đổi thời tiết, gió mưa, nước lũ thất thường chỉ có người lái đò mới biết rõ nhờ kinh nghiệm từng trải của người đi trước, từ thực tế chèo đò quanh năm suốt tháng chở người từ bến này đến bến nọ.
Dòng đời, vô minh sinh diệt còn hiểm nguy, khủng khiếp hơn thế nữa. Nếu không có những vị cao minh dẫn dắt, chỉ dạy thì sẽ bị trói buộc, chết chìm, hay chới với trôi dạt giữa bể khổ mênh mông. Ân nghĩa ấy không thể dùng ngôn từ nào diễn tả cho trọn. Do vậy, người viết xin mượn hình ảnh cao đẹp của “những chuyến đò” để tôn vinh công lao của Thầy, Cô (cả tại gia lẫn xuất gia), sống đời dẫn dắt học trò, nhân Ngày nhà giáo
Việt Nam (20/11) – ngày Tết Thầy Cô.
Đò là phương tiện chuyên chở hành khách, hàng hóa rất quen thuộc trong lòng người Việt Nam. Mỗi lần đò rời bờ bến này sang một bờ bến khác là có một lượt khách sang sông. Để đến bờ bên kia không bị lạc vì đường xa lạ, không bị chìm vì nước lớn, sóng to, hay vì dòng chảy xiết, đòi hỏi người lái phải có sức lực, kinh nghiệm thì mới có thể vượt qua hiểm nguy đến nơi an ổn. Mỗi ngày, người lái đò chở khách qua lại trên sông đã khắc ghi hình ảnh sinh động cho những ai đã từng đi đò sang sông hay sanh
ra và lớn lên trên mảnh đất thôn dã hiền hòa, bao quanh bởi lũy tre xanh, nằm bên sông dài có bến đò sớm hôm người qua lại. Dẫu dưới cái nắng chang chang hay cơn mưa dầm buốt giá, người lái đò vẫn âm thầm, bền bỉ đưa khách sang sông.
Thời gian chảy xuôi dòng không bao giờ trở lại, chiếc đò cứ mãi qua lại trên sông, như Gs. Nguyễn Khuê, một nhà Nho, một Phật tử, một người thầy mẫu mực của rất nhiều thế hệ sinh viên đã học ở các trường Đại học tại Sài Gòn, đã nói trong tập thơ Trăm năm là cuộc lãng du rằng: “Ông lái đò suốt một đời chở khách, trên sông đưa lớp lớp người qua”. Một đời gắn bó trên sông như vậy không biết “bao lữ khách đi về trên bến vắng, người sang sông có nhớ bến trăng xưa” (Hiếu Nghĩa)?
Ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh, phương tiện đi lại khó khăn, trong những ngày nước ròng nước lũ, thầy trò đều đứng đợi ông lái đò lần lượt đưa lớp lớp người qua cho đến khi không còn khách qua sông ông lái một mình ngồi cô quạnh dưới cái rét buốt mưa dầm. Đặc biệt xứ sở miền Trung, mùa mưa lạnh kéo dài mấy tháng liền, thế mà ngày ngày hình bóng ông lái vẫn hiện hữu trên bến sông làm yên dạ bao khách qua đò.
Cũng vậy, tuy không chèo chiếc đò bằng vật chất, nhưng Thầy, Cô dạy học, chèo chiếc đò tri thức dọc ngang bến đời để dẫn bước chúng ta đến vinh quang mà không bị hụt hẫng hay lạc lối. Có cảm nhận được sự gian nan, nỗi vất vả của người lái đò thì mới thấy được hình ảnh cao đẹp của những chuyến đò và giá trị thanh cao của Thầy, Cô đã dạy cho chúng ta từng chữ ở trường:
Từng nét chữ suốt cuộc đời lặng lẽ
Mãi âm thầm như bụi phấn rơi rơi. (Hiếu Nghĩa)
Và “người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm khuya, từng ngày giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy, để em đến bên bờ ước mơ, rồi năm tháng sông dài gió mưa… còn ai nhớ ai quên con đò xưa… Thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy, dõi theo bước em trong cuộc đời, dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết chiếc lá mùa thu rơi, nhưng ngàn năm làm sao ghi hết công ơn người thầy”. Thầy, Cô đã vì dạy dỗ cho học trò mà quên thời gian, tuổi tác:
Chợt một hôm soi mình mặt nước
Thấy mái đầu đã tuyết sương pha. (Sđd. Nguyễn Khuê)
Thời gian đã tàn phá hình hài, sức lực của Thầy, Cô nhưng không làm suy yếu tinh thần hy sinh cho hậu học. Thầy Cô hy sinh cuộc đời, không màng vinh hoa phú
quý, chỉ chọn cuộc sống thanh bần, truyền trao kiến thức mênh mông như bể rộng sông dài cho hết thế hệ này đến thế hệ khác, từ năm này đến năm khác không quản khó khăn, cực nhọc, chỉ mong sao tất cả học trò đều thành nhân, thành tựu kết quả tốt cho bản thân và hữu ích cho xã hội.
Đối với người học trò ở đời, sự hy sinh ấy quá lớn. Ân tình ấy không bút nào có thể họa nên được, không mực nào có thể diễn tả hết được.
Trong xã hội ngày nay, và trong bất cứ xã hội nào, một số người cũng làm “nhà giáo”, do không cam lòng “an bần” để “thủ đạo” đã buông tay hứng lấy chút bọt nổi danh lợi cỏn con về phục vụ cho những nhu yếu tầm thường của cá nhân đã bỏ quên nếp sống thanh cao của mình, làm hoen mờ khuôn mẫu một nhà mô phạm của xã hội. Mặc dù vậy, tư cách và ý nghĩa cao đẹp thiêng liêng của người làm nghề “nhà giáo”, cái nghề mà nhân loại tôn vinh, không vì thế mà bị ảnh hưởng.
Là người Phật tử, hơn thế nữa là người Tu sĩ Phật giáo, người viết không chỉ có những Thầy, Cô tại gia mà còn có Thầy, Cô xuất gia. Thầy, Cô tại gia dạy cho kiến thức vật chất; còn Thầy, Cô xuất gia truyền trao giới thân huệ mạng, dạy kiến thức tâm linh. Kiến thức vật chất dạy cho học trò dấn thân vào xã hội, còn kiến thức tâm linh giúp hành giả thoát khỏi trói buộc của tham, sân, si, thăng tiến đạo quả.
Từ khi bước chân vào chốn thiền môn, để lại bên ngoài cổng tam quan của tu viện tất cả những tri thức thế gian, gửi lại sau lưng những buộc ràng của tình thân hữu gia đình, những bước đầu tiên chập chững nơi chốn cửa thiền đều nhờ sự dắt dìu của bậc sư trưởng. Thầy đóng vai trò của một người cha uy nghiêm, một người mẹ hiền từ, một vị thầy dạy chữ nghĩa, ứng xử và một bậc thầy hướng dẫn tâm linh. Thầy là điểm tựa, là bóng cây che mát, là người dẫn đường cho chúng ta trên lộ trình tiến về thánh đạo. Chúng ta tiếp nhận nơi thầy không phải chỉ là sự quan tâm chăm sóc, mà còn hấp thụ nơi thầy vô vàn oai nghi tế hạnh, thẩm thấu từ thầy đạo đức và tư cách của một người xuất gia qua thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của người. Đó là bài học vô giá để trên khoảng đường đời về sau, dù đi đâu về đâu, hành trang ấy vẫn theo ta suốt cuộc hành trình.
Mỗi vị Thầy đều có những cách giáo hóa khác nhau đối với hàng đệ tử của mình. Tùy theo cá tính của mỗi người, thầy có lối hành xử khác nhau, đôi khi nhìn
vào cách cư xử của Thầy, nhiều người đệ tử lại sanh tâm hơn thua, giận dỗi. Họ có biết đâu thầy đang dùng phương tiện thiện xảo để hướng dẫn cho mỗi căn cơ sai biệt. Thầy luôn dùng lòng nhẫn nại, từ hòa khiêm tốn để sách tấn môn đệ. Hạnh nguyện của Thầy là làm sao cho mỗi đệ tử trở nên người hữu dụng. Tình thương, đức độ của thầy quả là cao quý. Mỗi người đệ tử nhận một niềm an lạc khi tận hưởng dòng sữa pháp ngọt ngào, dịu mát của thầy truyền trao để làm hành trang cho chuyến du hành tiến về phía trước.
Quan hệ Thầy trò của người xuất gia không chỉ dừng lại ở dạy học, nuôi dưỡng mà còn là sự truyền thọ. Với nhiệm vụ “truyền đăng tục diệm”, “tổ tổ tương truyền”, người Thầy vừa truyền bá đạo pháp đến mọi người, dạy cho tất cả những ai có cơ duyên xuất gia học đạo, vừa tìm những người có căn cơ giao phó trọng trách, giao phó gia tài Phật pháp. Vì thế, người thầy có mối quan hệ rất mật thiết với những người đệ tử, chia sẻ mọi phương diện trong đời sống và công việc hằng ngày của họ. Trong những sinh hoạt thường nhật, người thầy, nhờ vào các câu hỏi có vẻ như rất đơn giản về một điều gì đó trong khoảnh khắc thực tại, thường chỉ ra cho người đệ tử một khía cạnh nào đó của cái Nguyên lý bất biến, hướng người đệ tử đến một sự chứng ngộ sâu hơn, hay trắc nghiệm chiều sâu căn cơ của người đệ tử. Tiêu biểu như tổ Hoằng Nhẫn độ ngài Huệ Năng từ phương Nam đến cầu đạo. Tổ hỏi: “Ðến đây cầu việc gì?”. Huệ Năng đáp: “Ðến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác”. Tổ tiếp: “Ngươi là người xứ Lĩnh Nam, lại là dân man rợ, thế nào thành Phật được!”. Huệ Năng đáp: “Con người tuy có phân chia Nam Bắc, chớ Phật tánh vốn không có Nam Bắc. Cái thân man rợ này đối với hòa thượng tuy chẳng giống nhau, nhưng cái tánh Phật đâu có khác!”. Nhận thấy căn tánh xuất chúng nơi Huệ Năng, Ngũ Tổ đã thâu nhận làm đệ tử. Về sau, Huệ Năng được truyền trao y bát làm vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa.
Nhờ thầy dẫn dắt, bảo bọc và hướng ta hành trình đúng phương vị, giúp cho đời sống tâm linh chúng ta được an ổn là nền tảng để ta thực hiện tâm hạnh của người xuất gia. Nói chung những gì chúng ta làm mà phục vụ được cho số ít hay số đông chính là bổn phận và niềm vui của người con Phật. Điều này sẽ làm tăng thêm giá trị cuộc sống, vì “thỏa mãn cao nhất trong cuộc đời là quên đi chính mình để phục vụ cho người, cho lợi ích chung”. Những bậc chân sư là những vị thầy tâm linh thánh thiện có lòng từ bi quảng đại, có nghị lực vô biên và tuệ giác sáng soi. Các Ngài luôn sống với tâm nguyện vị tha, luôn sẵn sàng che chở, giúp đỡ chúng ta hoàn thành tâm nguyện từ thân cát ái. Mang một sứ mệnh độ sanh cao cả thiêng liêng, các bậc chân sư – những vị thầy đáng kính luôn thao thức, suy tư, luôn hy sinh cả thân lực, tâm lực để làm sao Phật pháp trường tồn mà không bị mai một với thời gian. Mỗi vị thầy là một hình ảnh chánh pháp sống động, là hiện thân những tinh tuý đạo pháp, là nhà mô phạm cho bao người noi theo và quy ngưỡng.
Một người học đạo chân chính không bao giờ mong cầu có nhiều kiến thức để phô trương; mà càng học, càng thâm nhập nghĩa lý của đạo, người ấy càng tỏ ra khiêm cung, từ tốn.
Chúng ta hãy quay về với chính mình sẽ thấy đức Phật đã cho chúng ta quá nhiều ân trọng. Nhưng làm sao để đáp đền thâm ân cao cả của chư Phật, chư Tổ và gần nhất là những vị Giáo thọ mà chúng ta đang theo học. Một sự tri ân mà tôi nghĩ là vị thầy nào cũng bằng lòng khi đệ tử mình theo đuổi: đó là việc học và việc tu song hành. Học không phải học để hơn thua, để tranh luận, để đạt được lợi nhuận mà là học nếp sống tốt, sống giản dị, hòa đồng, khiêm nhường với những người xung quanh. Học nếp sống của Thánh Hiền để tu, thấm nhuần Phật pháp để thăng hoa đời sống tinh thần.
Qua nhân cách chói sáng của Thầy, chúng ta như được tiếp xúc với oai đức kỳ diệu của chư Phật, chư vị Bồ-tát, chư vị Tổ sư; ta được tiếp xúc với chân giá trị của cuộc sống và tiếp nhận được nguồn năng lượng chánh pháp đang tuôn chảy dạt dào, bất tận qua bao thế hệ tổ tông mà thầy đã một đời vun trồng chăm bón.
Nhờ những giá trị vật chất và tâm linh của “những chuyến đò”, chúng ta vượt qua bể khổ, vô minh đạt được những thành quả nhất định trong từng giai đoạn tu học, thăng hoa trong cuộc sống. Hơn thế nữa là chúng ta có nhận thức đúng, có lộ trình chính xác đi đến chân, thiện, mỹ.
Thời gian vẫn trôi đi phẳng lặng, cuốn trôi bao huyễn mộng của cuộc thế, có thể làm phai nhạt và chôn vùi mọi sự vật giả tạo hữu vi hay những bóng dáng khách trần từ lâu luôn lảng vảng trong tâm thức của bao người, nhưng thời gian không thể nào xóa nhòa những ân đức kỳ diệu mà thầy đã một đời tận tụy truyền lại cho chúng ta. Làm sao
chúng ta có thể quên được công ơn bảo bọc, che chở, giáo dưỡng của thầy. Thầy là người đã khơi nguồn cho sơ tâm, bồi đắp niềm tin và ý chí, là người tác thành pháp thân huệ mạng, là người giúp chúng ta giải quyết mọi nghi vấn chưa tỏ tường. Pháp âm của Thầy vẫn mãi mãi vang vọng muôn đời, muôn nơi, thấm sâu vào tâm ta, trở thành máu thịt của đời ta.
Như lữ khách còn phải đi qua nhiều chuyến đò mới đến đích, không biết ngày nào trở lại để đền đáp hay bày tỏ niềm tri ân vô hạn với người lái đò đưa mình sang sông. Chúng con vì đường trước còn xa xôi dịu vợi, đường sau đã khuất dạng sau khói bụi, sương mù nơi cuối trời, khiến đôi chân mềm lại, kính dâng lòng thành tri ân nơi cánh nhạn lưng trời những thâm tình sâu thẳm, với đôi tay yếu ớt nâng cao lời thầy dạy, cầu nguyện Thầy, thiện hữu tri thức, ân nhân, người còn dưới bến hay đã lên bờ mãi an lạc, tự tại...