Khi những chiếc lá thu vàng mỏng manh theo gió trải đầy sân, gieo vào lòng người những nỗi buồn man mác, cũng là lúc Lộc Vừng ban tặng hương sắc cho đời.
Những nghệ nhân Bonsai liệt kê Lộc Vừng vào hàng tứ quý: Sanh, Sung, Tùng, Lộc. Họ hàng thân mộc chẳng có mấy loài bì kịp Lộc Vừng về sức sống. Dù bị chặt ngang thân, nhưng chỉ cần có đất và nước, thì phần thân bị đứt lìa lại có khả năng mọc rễ và nảy lộc đâm chồi. Có lẽ vì thương thu tàn, đông quạnh, nên Lộc Vừng muốn làm một điều nhân ái: Bù đắp cho mùa thu những nụ hoa hiếm hoi của mình, tạo những chấm phá cách điệu, như những nốt hoa mỹ điểm xuyết trong bản nhạc Thiên Nhiên bất tận...
Chẳng có nét kiêu sa quý phái, nhưng hoa Lộc Vừng vẫn chiếm trọn những trái tim say thưởng ngoạn. Thích nhất là hoa Lộc Vừng trắng, với những cánh hoa yếu ớt mỏng manh, có nhụy phớt hồng. Và cũng thật khác biệt, Lộc Vừng treo hoa e thẹn, như muốn giấu bớt vẻ đẹp của mình trong phiến lá. Dù là lúc nở rộ, nhưng người ta chỉ thấy mùi hương Lộc Vừng thoảng bay theo gió, không ngào ngạt như Dạ Lan quý phái, không pha màu nắng gió như hương Cúc Vàng. Hương Lộc Vừng vừa có nét gì đó giống với hương Bưởi hương Cau miền quê yêu dấu, vừa có sự quyến rũ khêu gợi thầm kín khó tả của riêng mình.
Ngay cả khi đã tàn, hoa Lộc Vừng vẫn còn rất đẹp. Khi những cách hoa liêu xiêu tản mác nhẹ bay, thì những dải hoa Lộc Vừng đã bắt đầu kết trái. Trái Lộc Vừng cứ đung đưa theo gió đến tận mùa xuân, trông xa, tưởng như những dải hoa Lộc Vừng chỉ vừa thay áo mới, làm sao xuyến lòng người…
Bao lần xưa, khi chiều thu thơ thẩn bên những cây Lộc Vừng trầm mặc của Hà Nội. Ngắm những dải hoa tuyệt đẹp rủ bóng xuống mặt Hồ Gươm. Hoặc lúc buổi mai sớm, bên ly Cà Phê đặc sánh hương vị Tây Nguyên, trong vườn cây cảnh trên đất Sài Gòn, ngắm những bông Lộc Vừng còn ngậm hơi sương vừa chớm nở. Thấy lòng xao xuyến bồi hồi, như lạc bước trong thế giới vừa mơ vừa thực. Dường như thuật ngắm hoa là một đặc ân của tự nhiên ban cho mỗi người, giống như năng khiếu thẩm mỹ trong hội họa hay thi ca vậy. Nhưng thú ngắm hoa Lộc Vừng, không phải là ai cũng có.
L.N.H