Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
ca dao về những ngôi chùa
23/09/2010 21:16 (GMT+7)

Từ những thảo am trong thôn xóm hẻo lánh đến những ngôi chùa kiến trúc bằng những vật liệu kiên cố tại các đô thị, tất cả đều mang sắc thái gọn nhẹ, thanh thoát và tịch mịch. Thiên nhiên đã tô điểm cho cảnh chùa và ngược lại chùa chiền cũng làm tôn vẻ đẹp của thiên nhiên.

Chùa ở Việt Nam không chỉ là chỗ tôn nghiêm thờ phượng để bổn đạo đến lễ Phật mà còn là nơi tụ họp của dân chúng vào những dịp lễ như hành hương, rước đảo vũ, chay đàn, đổ giàn..., thậm chí cả những cuộc vui chơi như bài chòi, hát bội cũng có khi tổ chức tại sân chùa. Dân chúng đến đình làng phải khép nép vì sợ có sự phân biệt rõ ràng giữa thứ dân với hào mục, ngay cả trong hàng quan lại về làng cũng phân biệt nhau theo học vị và phẩm trật. Lệ làng, kẻ có chức tước bao giờ cũng được ăn trên ngồi trốc. Trái lại, cửa thiền luôn luôn rộng mở, chúng sinh được bình đẳng an vui, vì vậy chùa chiền rất gần gũi với dân chúng.

Qua ca dao, dân làng bày tỏ tình cảm quyến luyến với chùa chiền:

Dù ai buôn đâu bán đâu,

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

và cảm thấy mất mát khi xa cách:

Vì ai nên nỗi sầu này

Chùa Tiên vắng vẻ, tớ thầy xa nhau.

Chùa ở Bắc Ninh

Ngôi chùa xưa nhất và cũng là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam có từ thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch (thời Sĩ Nhiếp) là chùa Dâu. Chùa được dựng gần nha môn Sĩ Vương, nơi có thành Luy Lâu là thủ phủ của xứ Giao Chỉ (đời Đông Hán) sau đổi là Giao Châu (đời Tam Quốc). Nay chùa thuộc làng Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội chừng 30 km.

Chùa Dâu tên chữ là Thiền Định tự (thời Lý Trần) hay Diên Ứng và Pháp Vân, vì trong chùa có thờ tượng bà Pháp Vân, vị thần nổi tiếng cầu mưa rất linh ứng, là một trong Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Tuy chùa có nhiều tên chữ, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên nôm là chùa Dâu. Có sách cho rằng đó là do tượng bà Man Nương, người sáng lập ngôi chùa này, được tạc bằng gỗ dâu. Sách khác viết rằng vì trước mặt chùa có sông Dâu cũng như tọa lạc trên làng Dâu nên tên chùa được gọi theo đấy.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (1) và các tài liệu khác, chùa Dâu được xây cất lại và được trùng tu nhiều lần. Năm Tân Tị (1161) đời Lý Anh Tông (1138-1175), chùa Dâu được xây cất lại. Đến cuối thế kỷ 13, Mạc Đỉnh Chi (1280-1350) sửa sang và dựng tháp 9 tầng, xây cầu 9 nhịp. Tháp cao đến nỗi: “Dù ai buôn đâu bán đâu, hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”. Ngày nay, tháp chỉ còn có 3 tầng, nhờ tấm bia bằng đá xanh dựng nơi chân tháp, người ta mới biết được tháp này có tên là Hòa Phong, tái thiết vào năm Mậu Ngọ (1738) đời Lê Ý Tông (1735-1740) do Thiền sư Tính Mộ và đệ tử xây dựng trên nền tháp cũ đã đổ nát và chùa cũng được sửa chữa vào dịp này. Đến năm 1917, chùa được trùng tu một lần nữa.

Hằng năm, hội Dâu mở vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Lễ hội có những đám rước rất lớn, cờ lọng rợp trời, kèn chiêng trống tưng bừng. Theo Chùa xưa tích cũ của Nguyễn Bá Lăng, dân chúng 11 xã trong tổng Khương Tự tham gia lễ hội từ mồng 8 đến mồng 10. Đầu tiên là đám rước Sĩ Nhiếp cùng vương nữ là Ngọc Tiên công chúa đến chùa Dâu làm lễ, xong rước về bản đền ở làng Lũng Khê. Cũng trong ngày mồng 8, ba đám rước cùng lúc các tượng Pháp Vũ ở chùa Thành Đạo làng Đông Cốc, tượng Pháp Lôi ở chùa Phi Tương làng Thanh Tương, và tượng Pháp Diện ở chùa Trí Quả làng Phương Quan đến chùa Dâu, hội cùng với tượng Pháp Vân. Sau đó rước cả 4 vị đến chùa Mãn Xá bên kia sông Dâu, làm lễ kính yết bà Man Nương. Xong, rước 4 tượng về lại chùa Dâu nghỉ đêm. Sáng mồng 9, lại rước Tứ Pháp đến đền Sĩ Nhiếp làm lễ, sau đó rước đi trình diễn khắp tổng, chiều tối lại rước về nghỉ ở chùa Dâu. Ngày mồng 10, rước 3 tượng Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện trở về chùa riêng của mỗi vị.

Bắc Ninh không những có trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo đầu tiên của Trung Hoa là Bình Thành và Lạc Dương (kinh đô nhà Hán, bên sông Hoàng Hà), Bắc Ninh còn là nơi được xây nhiều chùa chiền dưới thời Lý. Theo Đại Nam nhất thống chí (2) và các tài liệu khác thì ở tổng Lãm Sơn có 16 xã nằm quanh khu núi đồi, cảnh trí sông núi âm u tịch mịch nên có nhiều chùa cổ. Nơi sườn núi phía nam thuộc xã Nam Sơn có chùa Đại Lãm, tục gọi là chùa Dạm. Năm 1086, Lý Nhân Tông cho dựng chùa. Năm sau (Quang Hựu thứ 3), nhà vua ngự giá khánh thành. Vua mở tiệc đêm tại chùa, đãi yến các quan và chính nhà vua làm 2 bài thơ Lãm Sơn dạ yến. Năm Long Phù thứ 5 (1105), Nhân Tông còn dựng 3 tháp bằng đá tại chùa này. Chùa đã đổ nát từ lâu, nay chỉ còn lại vết tích 4 lớp nền xẻ vào sườn núi với vài dấu vết nền đá và một cây cột đá lớn dựng ở lối lên bên phải của bậc nền thứ hai, chứng tỏ chùa được xây trên một diện tích bề dài khoảng 120 mét, bề rộng 70 mét.

Lúc về già, Thái phi Ỷ Lan (thân mẫu vua Nhân Tông) đến ở chùa Dạm. Bà cho lập chợ ở chân núi trước chùa và cho đào một con ngòi thẳng ra sông Thiên Đức, gọi là ngòi Con Tên, để vua tiện việc ngự thuyền rồng vào thăm mẹ, nay vẫn còn lưu lại qua ca dao:

Trên chùa dưới chợ

Hàng phố hai bên

Núi Rồng ở trên

Ngòi Tên ở dưới.

Bắc Ninh còn có chùa Sùng Khánh, tức chùa Báo Thiên, ở Đông Xuyên thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn. Chùa được xây cất năm Bính Thân (1056) niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 3. Vua Lý Thánh Tông còn xuất 12 ngàn cân đồng của công khố để đúc chuông cho chùa. Nơi đây có tiếng là danh lam thắng cảnh qua ca dao truyền tụng:

Đông Xuyên có bãi sân chầu

Có chùa Sùng Khánh, có lầu Bạch Vân.

Chùa ở Sơn Tây

Nếu lấy Thăng Long làm tâm điểm, thì đối xứng với Bắc Ninh là tỉnh Sơn Tây. Nếu Bắc Ninh có trung tâm Phật giáo Luy Lâu cổ xưa nhất thì Sơn Tây có chùa Tây Phương là danh lam cổ tự nổi tiếng nhất của Việt Nam. Chùa có tên chữ là Sùng Phước tự, nằm trên đỉnh núi Tây Phương (cao chừng 50 mét), hình núi cong như lưỡi câu nên còn gọi là núi Câu Lâu, nay thuộc làng Cần Kiệm xã Thạch Xá huyện Thạch Thất.

Về niên đại của chùa, sách Danh lam cổ tự đã vin vào bảng lịch sử của chùa mà cho rằng chùa có từ thế kỷ thứ 3. Có lẽ tác giả dựa vào lời tương truyền đời Tấn (265-420) có Cát Hồng đến núi Câu Lậu luyện thuốc tu tiên. Còn theo sách Chùa xưa tích cũ, tác giả căn cứ vào số lượng tượng Hộ Pháp và La Hán: chùa chỉ có 1 Hộ Pháp là Vi Thiên Tướng thay vì 2 vị, và chỉ có 16 tượng La Hán chứ không phải 18 vị như thời Tống nên cho rằng chùa phải được lập thành trong thời Đường (618-936), hay chậm nhất cũng phải trước thời Tống (năm 960 về trước). Dù chùa dựng vào thời nào cũng trên 1000 năm rồi và phải trùng tu nhiều lần. Sử sách có ghi hai lần trùng tu ở cấp quốc gia là năm 1632 đời Lê Thần Tông và năm 1794 đời vua Cảnh Thịnh.

Ngày hội chùa được nhắc nhở qua ca dao:

Ấy ngày mùng sáu tháng ba

Ăn cơm với cà, đi hội chùa Tây.

Nhịn ăn nhịn mặc (ăn cơm với cà) để dành tiền đi xem hội chùa Tây một lần kẻo tiếc. Dự hội chùa vừa được hưởng một ngày vui, vừa được chiêm ngưỡng kiến trúc và điêu khắc tuyệt vời của ngôi cổ tự.

Chùa dựng theo hình chữ tam rất độc đáo. Cả ba dãy nhà đều thiết kế kiểu mái hai tầng, ở bốn góc chái đều có mái đao cong vút lên nền trời trông rất mạnh, lại có đắp rồng ngắn ở đầu góc, tạo nét uyển chuyển hài hòa. Về nghệ thuật điêu khắc, chùa có tất cả 77 pho tượng lớn nhỏ bằng gỗ mít, son thếp nhiều màu rất công phu. Đáng kể nhất là tượng Tuyết Sơn, nét nhẫn nại trầm tư nhưng cương quyết hiện rõ trên khuôn mặt gầy gò của người tu khổ hạnh. Các tượng La Hán lớn bằng người thật, mỗi vị mang một dáng điệu, một nét mặt, biểu lộ trạng thái tâm tư khác nhau.

Xong hội chùa Tây, ngày hôm sau có hội chùa Thầy ở huyện kế cận. Chùa Thầy trong khu vực núi Sài Sơn, thuộc làng Hoàng Xá xã Phượng Cách huyện Quốc Oai. Chùa có tên chữ là Thiên Phúc tự, xây năm 1057 đời Lý Thánh Tông, nguyên là một chùa nhỏ do Thiền sư Từ Đạo Hạnh lập ra để tu hành, dân chúng gọi là chùa Thầy để tỏ lòng tôn kính.

Chẳng vui cũng thể hội Thầy

Chẳng trong cũng thể hồ Tây xứ Đoài.

Rửa chân đi hán đi hài,

Rửa chân đi đất cũng hoài rửa chân.

Nói thế chứ hội chùa Thầy vui lắm. Không những phong cảnh hữu tình, trước chùa là một hồ nước rộng có thủy đình trình diễn múa rối nước, mà nơi đây còn là điểm hẹn của nam thanh nữ tú:

Mồng bảy tháng ba

Vui thay Cắc Cớ

Trai không vợ

Nhớ hội chùa Thầy

Gái không chồng

Nhớ ngày mà đi

Hai bên chùa là hai cây cầu có mái che mưa nắng do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602, đặt tên là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên. Lối qua cầu Nguyệt Tiên có đường dẫn lên núi vào hang Cắc Cớ. Đường đi ngoằn ngoèo nhỏ hẹp lại men theo sườn núi, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, người ra vào dễ đụng chạm vào nhau hoặc phải nhờ dìu dắt, nhân đó trai gái có dịp làm quen:

Mưa từ trong núi mưa ra

Mưa khắp thiên hạ, mưa qua chùa Thầy.

Đôi ta bắt gặp nhau đây,

Như con bò gầy gặp bãi cỏ hoang.

Và có nhiều cuộc hôn nhân bắt nguồn từ hội chùa Thầy, trên đường vào hang Cắc Cớ:

Một nhà có bốn chị em

Có tôi là út, tôi thèm đi chơi.

Cả gan may túi đựng trời

Đem nong sảy đá, giết voi xem giò

Ngồi buồn đem thước ra đo

Đo từ núi Sở, núi So, chùa Thầy.

Lên trời đo gió đo mây

Xuống sông đo nước, lại đây đo người.

Đo từ mười tám, đôi mươi

Đo lên chẳng được, đo người mười lăm.

Tuổi em vừa đúng trăng rằm

Tuổi anh mười sáu kết trăm năm vừa.

Lại có người cho rằng hội chùa Ngo ở xã Tích Giang huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây mới đúng là nơi hấp dẫn:

Nhất vui là hội chùa Thầy

Vui thì vui vậy, chẳng tày hội Ngo

Chùa Ngo khánh đá chuông đồng,

Muốn chơi thì trả của chồng mà chơi!

Cùng huyện với chùa Ngo, ở xã Đường Lâm có chùa Viễn là ngôi chùa cổ với bảo vật nổi tiếng:

Nước giếng đồng chưa hâm đã nóng

Chuông chùa Viễn chưa gióng đã kêu!

Nhưng chùa chứa nhiều bảo vật đứng hàng thứ nhì (sau chùa Tây Phương) của tỉnh Sơn Tây nói riêng và cả nước nói chung, phải kể là chùa Sùng Nghiêm ở làng Mía, xã Đường Lâm, huyện Ba Vì. Chùa hiện có 287 pho tượng lớn nhỏ bằng gỗ hoặc bằng đất luyện, sơn son thếp vàng công phu. Ba pho tượng có giá trị cao về nghệ thuật là tượng Quan Âm Tống Tử với đường nét sinh động mềm mại; tượng Bát Bộ Kim Cang bằng đất luyện, 8 hình tượng diễn tả 8 thế võ khác nhau, nét mặt biểu lộ tinh thần thượng võ; tượng Tuyết Sơn cũng rất đạt về nghệ thuật nên có ca dao ca truyền tụng:

Nổi danh chùa Mía làng ta

Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm.

Chùa ở Hà Nội

Đất Sơn Tây còn lắm chùa, nhiều di tích. Nhưng ta hãy tạm rời, theo đoàn người trẩy hội về Thăng Long cho kịp ngày mồng 8 tháng 3, dự hội chùa Chiêu Thiền ở làng Yên Lãng, tên nôm là chùa Láng, thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, cách trung tâm Hà Nội khoảng 6 km về hướng tây. Chùa khởi dựng năm 1164 đời Lý Anh Tông, được trùng tu nhiều lần, lần gần nhất là giữa thế kỷ 19. Chùa có một quần thể kiến trúc hài hòa. Bước vào cổng có 4 trụ lớn bằng gạch vươn cao lên nền trời, đỡ 3 cổng vào với mái cong thanh thoát. Tiếp đến là sân rộng lát gạch bát tràng, cuối sân có cổng tam quan, xuyên qua là nhà bát giác, nơi đặt tượng Lý Thần Tông và Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Vì chùa có phụ thờ đức Từ Đạo Hạnh nên mở hội tiếp theo hội chùa Thầy:

Nhớ ngày mồng tám tháng ba

Trở về hội Láng, trở qua hội Thầy.

Hà Nội có một ngôi chùa đẹp nổi tiếng nhưng yểu mệnh. Đó là chùa Liên Trì, còn gọi là Báo Ân  Tự, nằm bên hồ Hoàn Kiếm, dựng năm Mậu Thân (1848) Tự Đức nguyên niên, kiến trúc theo hình bát giác, có 36 tòa nhà, gồm 188 gian. Là một công trình vĩ đại của thế kỷ 19, do Thượng thư Nguyễn Văn Giai, người Thanh Hóa, xây dựng nên dân chúng quen gọi là chùa Quan Thượng:

Gần xa nô nức tưng bừng

Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên.

Lầu chuông, gác trống đôi bên

Trông ra chợ Mới, Tràng tiền kinh đô.

Khen ai khéo vẽ họa đồ,

Trước sông Nhị Thủy, ngoài hồ Hoàn Gươm.

Nhưng đến năm 1887, niên hiệu Thành Thái thứ 9, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer lập chế độ trực trị tại Bắc kỳ, đã triệt hạ chùa Quan Thượng, lấy đất xây tòa Thống sứ và Bưu điện Hà Nội.

Chùa ở Hà Đông

Phía nam Hà Nội là giáp Hà Đông, một tỉnh có nhiều cổ tự nổi tiếng như chùa Hương, chùa Trăm Gian. Hội chùa Hương vào ngày 19 tháng 2 là ngày giáng đản và ngày 19 tháng 6 âm lịch là ngày thành đạo của đức Quan Âm chùa Hương, nhưng người đi trẩy hội thường chọn dịp tháng 2. Du khách đến chùa Hương bằng nhiều ngả. Đi đường bộ thì theo liên tỉnh lộ 22. Đường thủy thì từ Phủ Lý (Hà Nam) đi ngược sông Đáy, hoặc từ bến Vân Đình (Hà Đông) xuôi dòng sông Đáy. Dù đường bộ hay thủy, cũng đổ bến tại Hà Đoan, quen gọi là bến Đục. Nơi đây quán trọ, hàng ăn san sát. Các gian hàng bán sản phẩm địa phương nổi tiếng như rau sắng, quả mơ, hồng trà, củ mài... với các cô gái bán hàng xinh xắn, liến thoắng mời khách.

Ai đi trẩy hội chùa Hương

Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm

Mớ rau sắng, quả mơ non

Mơ chua sắng ngọt, biết còn thương chăng?

Từ bến Đục đến bến đò Suối chừng nửa cây số. Tại bến đò, du khách thuê đò đi chừng 2 cây số thì đến bến Trò. Bước lên bờ, thấy ngay tam quan của chùa Thiên Trù, quen gọi là chùa Ngoài. Đi bộ thêm khoảng vài giờ đường núi, gặp ba chùa nữa là chùa Tiên, chùa suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, rồi leo lên gần đến đỉnh một trái núi, mới tới động Hương Tích. Đây là chùa Trong, còn gọi là chùa Hang. Đường núi gập ghềnh, chim kêu vượn hót, du khách tốp năm tốp bảy ra vào tấp nập. Họ có thể không biết nhau, nhưng gặp nhau vẫn tươi cười với câu chào “A Di Đà Phật”, “Nam mô Phật” hay “Quan Thế Âm Bồ Tát”:

Ngày xuân cái én xôn xao

Con công cái bán ra vào chùa Hương.

Chim đón lối, vượn đưa đường

Nam mô đức Phật bốn phương chùa này.

Trong động, trên dải thạch nhũ có khắc 5 chữ đại tự “Nam thiên đệ nhất động” đẹp sắc sảo, tương truyền là nét bút của chúa Trịnh Sâm (1767-1782), nhưng có sách lại cho là của vua Lê Thánh Tông.

Chùa nào mà lại có hang?

Ở đâu lắm của thời chàng biết không?

Chùa Hương mà lại có hang

Trên rừng lắm của thời nàng biết không.

Phía Bắc tỉnh Hà Đông, gần đường liên tỉnh 11, tại làng Tiên Lữ xã Tiên Phương, huyện Hoài Đức, trên một quả đồi cao chừng 50 mét có một ngôi chùa nổi tiếng về phong cảnh đẹp, kiến trúc qui mô, có nhiều bảo vật và tượng quý. Đó là chùa Trăm Gian, theo làng sở tại còn có tên là chùa So hay chùa Tiên Lữ, tên chữ là Quảng Nghiêm tự. Theo Danh lam cổ tự, chùa được lập năm Ất Tị (1185) niên hiệu Trinh Phù thứ 10 đời Lý Cao Tông, nhưng theo Nguyễn Bá Lăng trong Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thì chùa do Minh Đức chân nhân Nguyễn Bình An lập từ thế kỷ 13 triều Trần và được trùng tu khoảng thế kỷ 17, 18. Chùa có 4 dãy nhà kết thành bình đồ chữ nhật rộng 24 mét, dài 42 mét. Nếu tính 4 cột là 1 gian thì chùa có 104 gian, tính cả phần phụ thuộc nối dài sau chùa thì cả thảy 107 gian, vì thế nên có câu ca dao truyền tụng:

Đình So, quán Giá, chùa Thầy

Đẹp thì có đẹp, chưa tày Trăm Gian

Chùa ở Hưng Yên

Nếu theo quốc lộ 5 đi Hưng Yên, cách Hà Nội chừng 20 km về phía đông nam, tại làng Ôn Xá huyện Văn Lâm có chùa Un với hội rước Tứ Pháp cầu đảo vũ. Hội tổ chức qui mô lớn, cả tổng tham dự nên còn gọi hội tổng Ôn Xá. Lễ hội không mở định kỳ hàng năm, chỉ khi nào hạn hán trầm trọng mới mở hội. Theo tục lệ, dân địa phương rất sợ uy linh của Pháp Điện nên không ai dám xê dịch tượng ngài, người ta chỉ mở đám rước các tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi thờ ở các chùa khác về chùa Un để cùng với Pháp Điện linh ứng lễ hợp tế cầu mưa nên có câu:

Ba bà trẩy hội chùa Un

Mưa gió đùng đùng mới dễ làm ăn!

Chùa ở Hải Dương

Rời Hưng Yên, cũng theo quốc lộ 5 đi qua tỉnh lỵ Hải Dương rồi rẽ trái vào tỉnh lộ 17 đến thị trấn Phả Lại thuộc huyện Chí Linh, gần chỗ hợp lưu của sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam làm thành sông Thái Bình. Tại chân núi Phao Sơn, có chùa Phả Lại vươn cao, soi mình trên sông nước. Sơn thủy hữu tình đã tô điểm cho cảnh chùa vẻ đẹp mơ màng, đi vào ca dao muôn thuở:

Xa đưa văng vẳng tiếng chuông

Kìa chùa Phả Lại chập chùng bên sông.

Chùa ở Lạng Sơn

Ở tận cùng miền biên giới Việt Hoa là tỉnh Lạng Sơn, nổi tiếng về sơn thủy hữu tình. Sông Kỳ Cùng chảy dọc theo chiều dài của tỉnh, chia thị xã Lạng Sơn làm hai phần, phía nam là khu lỵ sở và phố xá, phía bắc có chợ Kỳ Lừa lập từ đời Lê Thái Tông (1434-1442), xưa nay nổi tiếng sầm uất. Cách chợ Kỳ Lừa chừng 2 km (đường chim bay) về phía tây có dãy núi đá vôi, trong núi là một hệ thống hang động gồm Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh; trên sườn núi Tô Thị có tượng đá Vọng Phu nhô cao lên nền trời dáng người đàn bà ôm con chờ chồng, một tuyệt tác thiên nhiên có từ ngàn xưa (3).

Từ lỵ sở Lạng Sơn đến chợ Kỳ Lừa, qua cầu Kỳ Cùng rẽ trái vào phố Muối là đường lên hang động. Đầu tiên gặp động Nhất Thanh thờ Phật và có thờ tượng Ngô Thì Sĩ (cựu Đốc trấn Lạng Sơn). Động Nhị Thanh khá rộng, trần và vách đầy nhũ đá, có ngôi chùa Tam giáo thờ đức Khổng Tử, Lão Tử và Phật Thích Ca. Xuyên qua động Nhị Thanh, men theo con đường suối trong hang dẫn tới động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Đường hang dài, chỗ phình ra trên trần có lỗ “cổng trời” rọi nắng phản chiếu vào nhũ đá lên màu rực rỡ. Trong động Tam Thanh trần cao đến 8 mét, nền rộng và phẳng, có chùa thờ nhiều tượng Phật, có cửa thông ra ngoài cả hai hướng đông và tây, lại có dòng suối nhỏ róc rách chảy vào “ao địa ngục” âm u lạnh lẽo. Trên vách khắc bài thơ tuyệt tác của Ngô Thì Sĩ, nét chữ đẹp và phóng khoáng như rồng bay. Tất cả tạo nên khung cảnh vừa lộng lẫy, vừa thơ mộng, huyền ảo xứng đáng nổi danh qua câu ca dao:

Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh (4).

Chùa ở Quảng Yên

Vùng đồi núi giáp giới ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Yên có ngọn núi Yên Tử cao nhất vùng. Vào thời Trần, Yên Tử là một trung tâm Phật giáo khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Thuyên, lên đây tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm là thiền phái thứ ba trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Từ chân núi đến ngôi chùa Cả nằm chót vót trên ngọn - còn gọi là chùa Yên Tử - đường dài 30 km. Dọc đường có hơn 20 cảnh chùa gắn liền với địa danh, mang sự tích Thượng hoàng Nhân Tông xuất gia. Đầu tiên là suối Tắm, nơi Thượng hoàng dừng lại tắm gội bụi trần trước khi lên núi tu hành. Bên suối Tắm có chùa Cầm Thực (nhịn ăn), tương truyền khi Thượng hoàng đến đây chỉ ăn rau quả thay cơm. Đi nữa, gặp chùa Long Động, tục gọi là chùa Lân vì chùa dựng sát núi giống hình con lân, nơi Thượng hoàng mở trường thuyết pháp, độ tăng cho cả vạn người. Đường còn dài, phải vượt qua chín con suối nữa thì gặp dốc Voi Xô, rồi núi Hạ Kiệu, đánh dấu nơi vua Trần Anh Tông mỗi lần lên thăm cha phải xuống kiệu đi bộ từ quãng này. Đường lên Yên Tử khó khăn và thử thách nên mới có câu:

Nào ai quyết chí tu hành

Có về Yên Tử mới đành lòng tu.

Chùa ở Thái Bình

Từ Hải Phòng theo liên tỉnh lộ 10 đi về hướng Nam Định, khi ra khỏi tỉnh lỵ Thái Bình thì gặp huyện Vũ Tiên. Nơi làng Dũng Nghĩa, nay là Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thử có ngôi chùa cổ nổi tiếng. Đó là chùa Keo (gọi theo tên làng), tên chữ là Thần Quang tự, do Quốc sư Không Lộ lập từ thời Lý Thần Tông (1128-1138). Chùa nằm sát tả ngạn sông Hồng nên bị xói lở, năm 1609 chùa được dời đến địa điểm ngày nay, tọa lạc trên thửa đất rộng gần 6 mẫu tây. Toàn cảnh chùa là một quần thể kiến trúc gồm 14 công trình. Trên đường trục tim, đầu tiên là cột cờ. Tiếp đến là sân lát đá xanh, dẫn đến tam quan ngoài có 4 góc mái vươn cong. Tiếp nữa, ao chữ nhật dài 25 mét rộng 10 mét chắn ngang, có đường lát đá viền quanh dẫn đến tam quan trong. Bước qua sân đất rộng, tới khu kiến trúc chính của chùa như tiền đường tức chùa Hộ, thượng điện tức chùa Phật, sân gạch, tòa Giá Roi, tòa Thiêu Hương, tòa Phục Quốc, tòa Hậu Cung. Cuối cùng là gác chuông với 12 góc mái vươn cong, xếp chồng 3 tầng, cao hơn 11 mét. Theo văn bia dựng năm 1630, chùa có tất cả 21 dãy nhà gồm 154 gian, nhưng nay chỉ còn 107 gian, đặc biệt sườn nhà toàn bằng gỗ lim lắp mộng, không dùng đinh.

Chùa Keo hàng năm mở hội từ ngày 13 đến hết đêm rằm tháng 9. Hội chùa rất lớn, không những chỉ dân tỉnh Thái Bình mà còn cả dân các tỉnh lân cận như Kiến An (nay là Hải Phòng), Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định... cũng về dự. Hội trẩy đông đảo, vui không kể xiết, các cô gái đã bày tỏ lòng nao nức dự hội qua phong dao:

Dẫu mà cha đánh, mẹ treo

Cũng không bỏ hội chùa Keo đêm rằm.

Chùa ở Nam Định

Rời Thái Bình, tiếp tục theo liên tỉnh lộ 10 đến tỉnh lỵ Nam Định, rồi theo liên tỉnh lộ 21 về chùa Giao Thủy ở làng Hành Thiện, tổng Hành Thiện, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường nay là huyện Xuân Thủy. Tương truyền ngày xưa Thiền sư Nguyễn Minh Không tu ở đây, tục gọi là chùa Keo Trên để phân biệt với chùa Keo ở Thái Bình. Cả hai chùa đều có tên chữ là

Thần Quang tự và đều thờ sư Minh Không tức Quốc sư Không Lộ. Các sách sử xưa có chép việc Lý Thần Tông mắc bệnh hóa hổ, được Thiền sư Minh Không chữa khỏi nên phong làm quốc sư. Sách Thành ngữ Điển tích Danh nhân Từ điển còn cho rằng tiền kiếp của vua Thần Tông chính là Thiền sư Từ Đạo Hạnh, bạn tu hành với các sư Giác Hải, Minh Không, bởi có lời nguyền kiếp trước nên kiếp này nhà vua mới mắc phải bệnh ấy. Dù câu chuyện có thế nào chăng nữa, sự kiện vẫn được đồng dao ghi lại:

Tập tầm vông, tập tầm vông

Có ông Nguyễn Minh Không

Chữa được Thần Tông hoàng đế...

Chùa ở Hà Nam

Đến với Hà Nam, một tỉnh mới thành lập từ năm 1890, tách ra từ tỉnh Hà Nội, thấy có chùa Tiên thuộc làng Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm, phủ Lý Nhân. Tương truyền chùa có 99 cây thông, người ta cố trồng thêm 1 cây nữa cho chẵn 100 mà trồng mãi vẫn không sống, nên ca dao có câu:

Chùa Tiên chín chín cây thông

Ai không trồng đủ, làng không cho về.

Chùa Tiên nằm trên đỉnh đồi, đường dốc thoai thoải, cảnh trí nên thơ, tiếng đồn còn lưu mãi trong ca dao:

Ngày xuân liệu liệu còn dài

Chơi chùa Tiên kẻo một mai nữa già.

Cũng trong tỉnh Hà Nam có một ngôi chùa cổ để lại trong ngôn ngữ Việt Nam một thành ngữ: “Vắng như chùa Bà Đanh”. Đó là chùa Bảo Sơn, được xây cất trong vùng rừng núi, thuộc làng Đinh Xá tổng Thụy Lôi huyện Kim Bảng phủ Lý Nhân. Nơi đây, xưa có tiếng là nhiều cọp, ít người dám lui tới nên chùa vắng vẻ:

Còn duyên kẻ đón người đưa

Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh.

Chùa ở Ninh Bình

Là một tỉnh ở vị trí cửa ngỏ của miền Bắc thông với miền Trung, tại tỉnh lỵ Ninh Bình có núi Dục Thúy nằm ngay trên sông Vân Sàng. Núi được ba mặt sông bao bọc, trông như hòn ngọc khổng lồ nhô lên trong biển nước. Trên núi có ngôi chùa cổ tên chữ là Thúy Sơn tự nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chùa Non Nước và gọi luôn núi Dục Thúy là núi Non Nước. Gần tỉnh lỵ còn có núi Cánh Diều và núi Hồi Hạc, tô điểm cho sông Vân núi Thúy thành bức tranh sơn thủy thiên nhiên tuyệt đẹp, cảnh trí hữu tình:

Đất Ninh Bình có chùa Non Nước

Núi Phi Diên, Hồi Hạc chung quanh.

Chung quanh những chị em cười

Giữa chùa Non Nước một tôi với nàng.

Chùa ở Thanh Hóa

Rời miền Bắc, theo quốc lộ 1 vào Thanh Hóa. Ở huyện Nông Cống có mạch núi từ huyện Thọ Xuân kéo đến, tới địa phận tổng Cổ Định thì trồi lên thành nhiều trái núi, ngọn cao nhất là núi Nưa tức Na Sơn cao 536 mét. Phong cảnh rất đẹp, bên ngoài có 4 dòng suối giao lưu như những chiếc vòi bạch tuộc. Trên đỉnh có hang động lập thành chùa gọi là Khánh Long tự, đã mãi mãi đi vào thi ca bình dân:

Huyện Nông cao nhất rừng Na

Tối linh vạn cổ nhất chùa Khánh Long

Lại thêm khánh đá chuông đồng

Long Quân tại tả, hữu ông Thổ thần.

Phật đà phù hộ cho dân,

Thời xin cải cựu tùng tân từ rày.

Chùa ở Huế

Huế không những là kinh đô của triều Nguyễn, Huế còn là trung tâm Phật giáo miền Trung và miền Nam, kể từ khi xứ Đàng Trong được thành lập. Nơi đây vừa có nhiều chùa, vừa là những chùa danh tiếng. Tiêu biểu nhất có chùa Thiên Mụ dựng trên đồi Hà Khê, làng An Ninh, huyện Hương Trà, cách thành phố Huế chừng 5 km về phía tây và trên tả ngạn sông Hương.

Theo Đại Nam nhất thống chí (5) Thái tổ Nguyễn Hoàng (1558-1612) thấy phong thủy vùng này giống như con rồng ngoảnh đầu lại, lại nghe trong dân gian lưu truyền câu chuyện về một bà già mặc áo đỏ quần xanh, hiện lên ngồi trên đồi Hà Khê, nói với dân làng: “Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây để thu góp khí thiêng mà giữ vững long mạch”, chúa bèn tin lời, cho dựng chùa tại đồi năm 1601 và đặt tên là Thiên Mụ. Từ ấy, chùa Thiên Mụ được các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn bảo tồn, coi là đệ nhất quốc tự, đời đời mở mang và trùng tu. Vì thế dân chúng đã sánh sự bền vững của ngôi chùa với tình yêu đôi lứa qua câu hát ví:

Lấy nhau cho trọn đạo trời

Đổ chùa Thiên Mụ mới rời nhau ra.

Chùa được dựng trên vùng đất gò cao ráo, bên dòng sông Hương thoát nước. Địa thế rất tốt cho một công trình lâu dài:

Bao giờ lụt lút đến vai

Lút chùa Thiên Mụ, em mới phai nghĩa chàng.

Cũng tại ngôi chùa này, năm Canh Dần (1710), chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc đại hồng chung lớn nhất ở Huế với đường kính 1,4m cao 2,5m nặng 3.285kg có khắc bài văn của chúa. Tiếng chuông ấy đã được đưa vào ca dao của dân tộc:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

hoặc:

Thương thời thương, chẳng thương thời chớ

Làm chi cho lỡ dở thêm buồn

Bên chùa Thiên Mụ đã gióng tiếng chuông

Gà thượng thôn đã gáy, tiếng chim nguồn đã kêu!

Trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh được vua Thiệu Trị xếp hạng và ca tụng bằng 20 bài thất ngôn đường luật thì tiếng chuông Thiên Mụ được liệt vào hàng thứ 14 qua bài Thiên Mụ chung thanh.

Ở Huế còn có chùa Diệu Đế là ngôi đệ tam quốc tự của đất Thần Kinh. Trước khi dựng chùa, đất này là phủ của Miên Tông, khi lên ngôi lấy đế hiệu là Hiến Tổ, năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) cho xây chùa với qui mô lớn trên chỗ ở cũ. Nay chùa nằm trên đường Bạch Đằng thuộc phường Phú Cát, với thửa đất rộng chừng nửa mẫu tây, ngó ra Hàng Bè tức sông Đào chảy về Bao Vinh. Chùa ở khoảng giữa cầu Gia Hội phía đông nam và cầu Đông Ba phía đông kinh thành:

Đông Ba, Gia Hội hai cầu

Ngó qua Diệu Đế bốn lầu hai chuông.

hoặc:

Đông Ba ngó qua Diệu Đế

Nghe thầy kinh kệ cúng lễ giao thừa.

Chùa ở Quảng Nam

Cách thành phố Đà Nẵng 8 km về phía đông nam, ở xã Hòa Long huyện Hòa Vang có vùng đá vôi nổi lên 5 ngọn núi, gọi là Ngũ Hành Sơn gồm hòn Kim, hòn Mộc, hòn Thủy, hòn Hỏa, hòn Thổ. Nhờ địa thế ứng với ngũ hành nên Quảng Nam trở thành đất địa linh nhân kiệt. Quần sơn này nằm sát biển nên dân chúng quen gọi là núi Non Nước. Trên núi có nhiều hang động thạch nhũ, có cả chùa nên cũng được gọi là chùa Non Nước. Tuy không lớn lắm, nhưng nhờ ở vị trí đặc biệt với cảnh trí thiên nhiên đẹp đẽ, chùa trở thành một danh lam cổ tự bậc nhất của tỉnh Quảng Nam và cả miền nam Trung bộ:

Em đứng nơi cửa sông Hàn

Ngó sang bãi Tiên Sa

Ngũ Hành Sơn ở trên

Mũi Sơn Trà ngoài khơi

Nghe chuông chùa Non Nước

Em nhớ mấy lời thề ước

Anh làm sao cho duyên nợ được vuông tròn

Kẻo lòng người xứ Quảng mỏi mòn đợi trông.

Phố cổ Hội An cách Đà Nẵng chừng 32 km về phía tây bắc, ở cuối dãy phố, trên con lạch thông ra sông chảy vào sông Thu Bồn đổ ra cửa Đại, có một ngôi chùa rất khác lạ, trên là chùa dưới là cầu bắc ngang con lạch ấy. Chùa cầu này do người Nhật vào buôn bán ở Hội An dựng lên khoảng thế kỷ 16 nên gọi là chùa Cầu Nhật Bản. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) viếng Hội An, đặt cầu là Lai Viễn Kiều nhưng dân vẫn quen gọi là chùa Cầu. Nhìn chung, chùa Cầu có nét độc đáo, khoáng đạt, kiến trúc nhẹ nhàng. Mặt cầu cong vòng lên ở giữa vừa chịu sức nặng vừa tạo dáng xinh xắn hòa hợp với mái chùa cũng uốn cong mềm mại, sàn chùa dựng lan can thơ mộng. Với cảnh sắc ấy, chùa đã đi vào ca dao trữ tình:

Ai ra phố Hội chùa Cầu

Để thương để nhớ để sầu cho ai?

Để sầu cho khách vãng lai

Để thương để nhớ cho ai chịu sầu!

Chùa ở Quảng Ngãi

Trên quốc lộ 1 từ Nam ra hay từ Bắc vào, đến cầu Trà Khúc rồi xuôi theo tả ngạn sông Trà chừng 1 km sẽ gặp núi Thiên Ấn, cao 105 mét, trên đỉnh bằng phẳng rộng chừng 10 mẫu tây có chùa Thiên Ấn. Núi và chùa là thắng cảnh nhất tỉnh, thuộc xã Tịnh Ấn huyện Sơn Tịnh, cách thị xã Quảng Ngãi chừng 3 km.

Chùa Thiên Ấn do Thiền sư Pháp Hóa (1670-1754) người Phúc Kiến khai sơn dựng vào năm 1694, thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1716, chùa được chúa ban biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự”. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận (6), khi sư Pháp Hóa khởi công đào giếng chùa thì có một vị tăng trẻ từ đâu không rõ tông tích, lên núi tình nguyện đào giúp. Hai người đào suốt ba năm (có sách chép 3 tháng) ròng rã, sâu được 21 mét mà không gặp nước, lại có tảng đá lớn chắn ngang, họ vẫn không nản lòng, hì hục đục đá, bỗng có mạch nước ở giữa khối đá phụt lên. Trong lúc mọi người mừng rỡ thì nhà sư trẻ ấy lại lẳng lặng ra đi biệt tích, không ai hay biết. Ngày nay giếng ấy vẫn còn và địa phương vẫn truyền tụng câu ca dao về sự tích ấy:

Ông thầy đào giếng trên non

Đến khi có nước không còn tăm hơi.

Chùa ở Bình Định

Cũng theo quốc lộ 1, từ Qui Nhơn đi về hướng bắc chừng 35 km, đến thị trấn An Hành, tức huyện lỵ Phù Cát, rẽ phải theo hương lộ đi về đông chừng 24 km thì gặp chùa Ông Núi. Nếu đi đường biển, từ Qui Nhơn xuống thuyền dọc theo đầm Thị Nại về hướng bắc, đến bến đò Phú Hậu. Lên bờ, đi bộ một quãng ngắn gặp chợ Phương Phi tức chợ cửa Thử (còn gọi là Cách Thử) sẽ đến chân núi, lên chùa. Từ đây tới chùa phải qua 11 chặng đường gãy men theo sườn núi, mỗi chặng gồm nhiều bậc đá thiên nhiên xếp sẵn. Chùa dựa lưng vào sườn núi phía nam của ngọn núi Bà cao nhất vùng (1122 mét) thuộc địa phận thôn Phương Phi, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Sau chùa có khe nước trong vắt chia làm hai nhánh bọc quanh, nhánh lớn lại có nhiều nhánh nhỏ ngoằn ngoèo chảy xuyên qua sân sau, quanh bếp chùa để rồi đổ vào hồ sen trước chùa. Gần chùa có một hang đá rộng, sâu hút vào lòng núi và thông ngầm ra biển, làm cho cảnh chùa tăng thêm vẻ hoang vu và huyền bí:

Cây che đá chất chập chồng

Biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây.

Bụi đời không gợn mảy may

Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi.

Tương truyền thời chúa Nguyễn Phúc Chu có vị thiền sư người Trung Hoa đến xây dựng chùa tranh, gọi là Dũng Tuyền tự (chùa Suối). Nhà sư dùng vỏ cây kết làm áo mặc, không ai rõ tông tích nên chỉ gọi là Ông Núi, hằng ngày đốn củi đem xuống núi đặt bên đường rồi bỏ đi. Dân làng đem gạo, rau cũng đặt tại đấy đổi lấy củi, ít nhiều tùy ý, nhà tu hành không hề so đo. Sau chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) nghe tin, cho là đáng bậc chân tu, năm Quí Sửu (1733) truyền dựng nơi đây ngôi chùa ngói, đặt tên là Linh Phong Thiền tự, gọi tắt là chùa Linh Phong, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chùa Ông Núi.

Ông Núi đi đâu

Bỏ bầu sơn thủy

Đủ nhân đủ trí

Thêm vĩ thêm kỳ

Chùa xưa nhạt bóng tà huy

Xuôi lòng non nước nặng vì nước non.

Chùa ở Khánh Hòa

Về chùa chiền, tỉnh Khánh Hòa có ba đặc điểm: nhiều chùa nhất so với các tỉnh miền nam Trung phần, chùa không lớn lắm và các vị tổ khai sơn chùa hầu hết là người Việt.

Ở quận Vĩnh Xương thuộc tả ngạn sông Nha Trang, trên núi có một ngôi chùa nằm bên con suối có nhiều rau ngổ mọc hoang ven bờ nên dân chúng gọi là suối Ngổ và chùa cũng là chùa Ngổ luôn. Chùa nổi tiếng đẹp nhờ cảnh sắc thiên nhiên, được truyền tụng qua câu:

Ở trên suối Ngổ có chùa

Hai bên non nước, bốn mùa khói mây.

Tại Nha Trang, trong ngõ hẻm mang số 153/2 đường Hoàng tử Cảnh thuộc khu Phương Sài, có ngôi Hội Phước tự. Dân chúng quen gọi là chùa Cát và câu ca dao ghi lại cảnh biến đổi của chùa:

Ngày xưa chùa Cát mênh mông

Ngày nay chùa Cát nằm trong xóm làng.

Nguyên chùa Hội Phước có từ đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), tổ khai sơn là Thiền sư Phật Ấn thuộc phái Lâm Tế. Đời thứ hai, Thiền sư Đại Thông dời chùa đến địa điểm hiện nay, cách chỗ cũ chừng 300 mét, nhưng vẫn là chùa tranh. Đời thứ ba, Thiền sư Tánh Minh cất lại thành chùa ngói. Chùa mới, tọa lạc trên một bãi cát mênh mông nên bổn đạo gọi là chùa Cát. Đến đầu thời Pháp thuộc, vùng này dân cư thưa thớt, vườn chùa rộng đến vài mẫu, chung quanh có tường phân ranh giới. Nhưng rồi thành phố mở rộng, dân cư ngày một nhiều chen lấn khiến vườn chùa thu hẹp dần. Nay sân trước chùa chỉ còn một lối đi hẹp, vách hông chùa sát với nhà dân, cây me cổ thụ vườn chùa tách hẳn khỏi khuông viên chùa, đứng gần đường Hoàng tử Cảnh.

Nha Trang còn có một con đường mang tên đường Hai Chùa, ngày nay đường vẫn còn đó nhưng hai chùa đã bị che khuất hoặc tan biến mất rồi. Xưa kia sát bên chùa Cát có một ngôi cổ tự nữa cùng chịu chung cảnh biến đổi, đó là chùa Duyên Sanh. Nguyên chùa là một thảo am dựng vào khoảng cuối triều Tự Đức (1847-1883) do Thiền sư Viên Giác khai lập. Năm 1891, Thành Thái thứ 3, được xây thành một ngôi chùa khang trang và đổi tên là Hải Đức tự. Những ngày lễ Phật, bổn đạo về chùa đông đúc. Thấy quang cảnh tấp nập, chùa được dân địa phương gọi là chùa Hội. Đến đời Bích Không đại sư, chùa đã hư nát lại thêm dân cư chung quanh mỗi lúc một đông, không thích hợp với thiền môn, chùa phải dời về núi Trại Thủy, một dãy núi nhỏ thuộc phía tây thành phố. Chùa khởi công năm 1943, xây cất hai năm mới xong. Ở địa điểm mới, tuy gần thành phố mà vẫn giữ được vẻ u tịch của núi đồi, phản ánh qua ca dao:

Lòng mong nương chốn Bồ Đề

Lên chùa Hải Đức gần kề Nha Trang.

Trên đây là một số ngôi chùa của miền Trung và miền Bắc được nhắc nhở qua ca dao. Trong kho tàng văn chương bình dân còn rất nhiều câu nữa nói đến chùa. Vì khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo, phần viết về chùa chiền miền Nam xin hẹn lại ở một bài khác với những câu ca dao hiền hòa, lênh láng tình cảm như dòng sông Đồng Nai và Cửu Long, êm đềm cả hai mùa mưa nắng:

Bao giờ cạn lạch Đồng Nai

Nghiêng chùa Châu Thới mới sai lời nguyền.

Đào Đức Chương

http://capcodoc.net/index.php?option=com_content&task=view&id=1144&Itemid=133

Các tin đã đăng:
Về đầu trang