Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ném tiền xuống ao
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
17/08/2011 06:08 (GMT+7)


Tụi trẻ con chúng tôi tự chia ra làm các gia đình. Mỗi gia đình thường có vợ, chồng và con. Mỗi gia đình cũng có nhà, cũng có dụng cụ sử dụng trong gia đình được nhặt được từ các loại lá cây, gạch, ngói vỡ, mảnh sành và những gì người lớn vứt đi hay bỏ đâu đó.

Chúng tôi cũng sản xuất ra hàng hóa và đi chợ bán. Không hiểu sao tiền chúng tôi thường quy định là lá mít vàng, loại lá mít mới rụng từ cây xuống, màu còn vàng. Má mít xanh hay đã khô không được tính là tiền. Cứ như vậy, tùy từng món hàng mà quy ra bao nhiêu tiền. Một bông hoa có thể bán 3 tiền. Một bộ bàn ghế công phu được làm từ lá mít xanh có thể là 10 tiền. Chiếc chong chóng làm từ lá dừa có thể 5 tiền, bằng giấy thì 8 tiền. Chiếc diều giấy có thể là 7 tiền, chiếc nón từ bẹ măng tre là 4 tiền…

Cứ thế các gia đình chúng tôi thi nhau vừa sản xuất ra sản phẩm, vừa lo “nấu ăn” và “ăn” ngày 3 bữa (hoàn toàn giả vờ và tưởng tượng ra chứ làm gì có thứ gì mà ăn thật được!), vừa đi kiếm tiền (tìm nhặt lá mít vàng khắp xóm), vừa đi chợ để mua bán. Công việc khá tất bật, nhộn nhịp và náo động. Chúng tôi thường chơi đến khi phải lo nấu cơm trưa hay tối (nấu thật) phục vụ người lớn và mỗi gia đình thật của mình.

Chỉ là trò chơi nhưng cũng cãi nhau, dỗi nhau, bực mình với nhau. Ngày đó chúng tôi chưa nghĩ ra việc có cảnh sát hay tòa án để phân giải nên mỗi khi có sự cố thì tự dàn hòa. Tôi nhớ nhất là những trò ăn gian. Ví dụ đã mặc cả 6 tiền 1 chiếc chong chóng, nhưng khi bên đưa tiền ra bên bán lại không bán nữa hoặc ngược lại.

Trong trò chơi này, có những gia đình sở hữu rất nhiều tiền vì sản xuất ra rất nhiều hàng và suốt ngày đi bán. Có nhà thì giàu bởi phân công nhau đi kiếm tiền vô cùng chăm chỉ - lùng sục nhà nào có cây mít để nhặt lá mít vàng. Có nhà thì lại nghèo bởi không chịu sản xuất, chẳng lo đi “kiếm tiền”.

Khi dỗi nhau, cãi nhau thường dẫn đến cảnh chấm dứt trò chơi. Một hành động đầu tiên là chúng tôi ném hết tiền xuống ao. Tôi cũng không hiểu tại sao những lá mít đó không để phơi khô để làm chất đốt hay cất đi cho lần chơi khác mà là ném xuống ao. Ném tiền xuống ao! Có bao nhiêu ném hết!

Dù không hờn dỗi đi chăng nữa thì đến lúc phải đi nấu cơm hay đứa nào có người lớn gọi thì vẫn phải dừng trò chơi. Và thế là cùng nhau ném tiền xuống ao trong vui vẻ, thoải mái. Khi ném tiền và trò chơi chấm dứt có lần tôi tiếc tiền, có lần tôi tiếc không được chơi nữa. Đa phần là tôi thoải mái và vô tư. Không sao hết. Mai chơi lại kiếm từ đầu!

Lớn lên đi làm tôi và bao đứa bạn ngày ấy cũng “ném tiền xuống ao”. Nhưng khi đã là người lớn,  tiền của chúng tôi không phải là lá mít vàng mà là do ngân hàng in ra. Chúng không không tư tay ném tiền xuống ao mà bị phải ném – làm ăn thua lỗ, mất mát, sự cố,… Rồi mỗi chúng tôi lại làm lại từ đầu.

Trò chơi ngày nhỏ của con nít và trò chơi đời thật của bây giờ cũng giống nhau. Vẫn là sản xuất, buôn bán và kiếm tiền. Vẫn là gia đình và những cảm xúc. Chỉ có điểm khác: Lớn lên chúng ta cay cú hơn, sân hận nhiều hơn, đau khổ nhiều hơn, lâu quên hơn, tham lam hơn, tàn ác hơn.

Khi gõ nhưng dòng chữ này tôi nhớ về ngày xưa, về trò chơi hồi nhỏ với làng quê thanh bình tại xã Đông Hòa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (Giờ đây, tiếc thay đã thành đất của thành phố Thái Bình mất rồi!) . Tôi nghĩ về những gì mình và những người lớn đang nghĩ, đang nói và đang làm. Tôi mong muốn mình và mỗi chúng ta học sự vô tư của trẻ nhỏ. Và nhớ thêm rằng, đồng tiền có thể tạo ra nhiều rắc rối.

Đời - suy cho cùng - vẫn là trò chơi. Cuộc sống trên trái đất này vẫn là giả tạm. Tự nhiên tôi nhớ và phải đọc lại đến cả chục lần 2 câu thơ được khắc lên gỗ treo ngay trước bàn làm việc của mình:

“Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật,
Thế cho nên tất bật đến bây giờ

Ngộ ra rồi, liệu chúng ta có ném tiền xuống ao không?

Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty sách Thái Hà

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/9/41/15924.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang