Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chuyện mùa Đông và những người nhặt tìm cuộc sống
02/12/2010 15:49 (GMT+7)

Dạo qua những con phố thêng thang, từng làn gió lạnh buốt run rẩy mơn trớn, ánh lửa và đụn khói nghi ngút toả ra từ vô số các quán ăn lề đường cùng mùi thơm nức ngào ngạt. Mùa đông đã về trên từng nhánh cây khẳng khiu gầy guộc, trên từng con đường man mác ánh trăng ngà lạnh lẽo, trên từng hơi thở phả sương của khách qua đường...Chợt nhớ tới mấy câu thơ của Xuân Diệu:

Trong khung xám của mùa đông bằng sắt

Gió qua rồi còn lưu lại tiếng ngân

Cây bên đường đứng trụi lá, tần ngần

Khắp xương nhánh chuyển một luồng tê tái

Và giữa vườn im, hoa run sợ hãi

Bao nỗi pha phôi, khô héo, rụng rời

Người ta thường nói "mùa đông ấm áp" có phải bởi những bếp lửa bập bùng của quán khách đêm, bởi những vòng tay yêu thương để tăng thêm hơi ấm của con người, bởi những cuộc sum họp cuối năm của bạn bè, người thân trong ngày tết?! Nhưng, đây đó trong nhiều ánh nhìn vẫn có những "mùa đông giá buốt".

Đó là em, một cô bé trạc 9 tuổi, khoác hững hờ một chiếc áo gió đã bạc màu và sờn rách bên ngoài một chiếc sơ mi mỏng manh không còn rõ màu. Đôi bàn chân em để mặc sương gió lạnh buốt, bụi cát mịt mù bao phủ đang nhanh nhẹn lướt qua từng góc phố không một phút nghỉ ngơi. Bàn tay em thâm tím lại vì cái rét mướt đang "luồn trong gió" không ngừng hất từng đống rác để tìm kiếm. Em tìm gì trong những đồ phế thải hôi tanh, bẩn thỉu?! À, đúng rồi em đang tìm cuộc sống.

Không biết sự cần mẫn mưu sinh có làm em quên rằng mùa đông đã về đó?! Trong đôi mắt nhàn nhạt trên khuôn mặt tái đi lem luốc, tôi hiểu em nói rằng "mùa đông lạnh lắm".

Còn những mảnh đời cơ cực lầm lũi trong giá rét đêm đông.

Mùa đông không ấm áp như tiếng nói cười ríu rít của những cặp đôi đang xoay từng bắp ngô nướng, như ánh sáng đang hắt ra từ từng khung cửa sổ của những gia đình đang sum vầy bên mâm cơm tối. Em vẫn đi, cái bóng gầy guộc bé nhỏ khuất dần trong ngõ tối, tưởng như một làn hơi đang tan trong sương đêm và gió rít...

Đó là một cụ già, trăm ngày như một, ngồi bên gốc cây cạnh đường làm nghề bơm vá. Đồ nghề của cụ chỉ có một chiếc bơm cũ kỹ, một cái hộp sắt gỉ đựng vài cái xăm, một cái búa và một cái tuavit. Nhìn nhân dáng và khuôn mặt ta có thể đoán cụ có thể đã sống hơn hai phần ba thế kỷ, vậy mà đôi bàn tay run rẩy vẫn đang phải gắng sức lao động để có thể tồn tại. Cụ gầy lắm, cái lạnh mùa đông dường như càng làm da thịt cụ sắt se lại trong từng nhịp di chuyển rất chậm chạp, với đôi mắt vời vợi mênh mang trên khuôn mặt đã khánh kiệt bởi thời gian.

Nếu ai đó qua đường có mảy may chú ý tới cụ chắc sẽ cảm thấy ái ngại và tự hỏi liệu có khách "dám" nhờ cụ vá xe hỏng, và có lần, chính một vị khách đã phải tự vá xe thủng lốp của mình thay chủ.

Gió bấc tràn về, nhưng cụ vẫn mặc một chiếc quần lửng sờn màu để mặc đôi chân trần khẳng khiu như nhánh cây khô đang run trong rét mướt, vẫn chỉ một chiếc bu dông mỏng tang chắc chắn không thể sưởi ấm trái tim đã kiệt sức vì tuổi già. Mặc gió táp từng hồi, mặc dòng người nói cười rộn rã xúng xính áo này quần nọ, cụ vẫn ngồi bất động như đang chờ đang đợi, khuôn mặt không vui không buồn, ánh mắt hướng về tận nơi nào đó rất xa và rất xa...

Và đó là biết bao số phận lang thang khi hàng đêm vẫn trải những mảnh áo mưa tả tơi trên vỉa hè hoặc dưới mái hiên đã tắt đèn với sự cố gắng tránh đợt gió bấc tê buốt được chút nào hay chút ấy. Có lẽ nhiều người trong số họ sẽ nhiễm bệnh và ra đi khi không chống chọi được với cái lạnh khắc nghiệt này. Có hề chi khi hàng ngày dòng người xe cộ tấp nập vẫn hờ hững lướt qua bởi nhân dáng của những số phận lang thang tồn tại như sương như khói. Họ cố tồn tại cũng chỉ để hết kiếp người mà thôi!

Mùa đông ấm áp dịu hiền nơi bếp lửa hồng đun nồi cơm tối cho một cuộc sum họp gia đình, nơi căn phòng đầy ánh sáng của đèn điện, của tivi và của tiếng nói cười rộn rã, nơi vòng tay yêu thương trìu mến của những người thân, bạn bè đoàn tụ. Nhưng mùa động lạnh giá nơi ngõ phố tối tăm có tiếng khua leng keng tìm cuộc sống, nơi các vỉa hè mờ mịt sương đêm vẳng tiếng thở dài của gió bấc...

Tác giả: Lim Pham
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang