Dùng tay dúm một chút muối trộn đều với cơm rồi cứ thế bốc
ăn ngon lành. Chén bát chay bà để riêng đàng hoàng vì cả nhà đều ăn mặn,
bà sợ đôi khi có lẫn lộn ô uế đi chăng. Bà ngồi ăn một mình bên cạnh
mọi người đều dùng cá thịt nhưng không bao giờ liếc mắt nhin sang hoặc
tỏ ý thèm thuồng. Bà nội tôi tối mắt nên không đi chùa, không quy y thọ
giới – ở thôn quê đều quan niệm Phật giáo theo cách nghĩ bình dân của
họ. Ăn chay nhất thiết phải kham khổ. Chỉ nên dùng muối ớt, tương cà có
như thế mới thật tâm nghĩ đến Phật. Ăn chay mà muốn cho cao sang, ngon
miệng thì không có ý nghĩa gì nữa. Ngay cả đến những đám cúng chay cũng
chỉ thấy có món kho là chính. Người ta cho cả khoai, bí, cà đậu phộng
giã nhỏ…vào chung một nồi nấu chín, nêm muối vào cho vửa miệng là đủ.
Khi tôi vừa lớn lên thì bà nội cũng không còn nữa. Ba má tôi bây giờ
cũng ăn chay mỗi tháng 2 ngày. Vì tôi không thường xuyên ờ nhà nên việc
ăn chay thay đổi ra sao tôi cũng không hề để ý đến. Trong tâm trí tôi
cứ nghĩ đã ăn chay thì nhất định phải như cách của bà nội tôi từng ăn.
Cho đến lúc tôi về chùa quy y, sinh hoạt trong “Gia đình Phật tử” thì
tôi mới “thâm nhập” vào thực tế của việc ăn chay. Không kham khổ quá
đáng như quan niệm của thời bà nội tôi nữa. Bữa ăn có tương chao, có
canh, món chiên, món xào…các loại. Ở thành phố lác đác đã có quán cơm
chay phục vụ khách hàng. Món ăn có chế biến nhiếu cách, nhưng không đâu
thấy có cách làm giả gà quay, thịt ram, gỏi tôm…
Càng về sau, món chay càng biến đổi hoàn toàn. Quán cơm chay phát
triển rộng nên sự cạnh tranh cũng theo đà đi đến đỉnh cao. Món mặn nào
cũng có thì món chay cũng có, chỉ khác có một điều bên thì sử dụng thịt
cá, bên thì dùng đậu miếng, mì căn, nấm tạo thành dáng y hệt như gà quay
thịt nướng… đủ loại. Tên gọi thì cũng giống như tên món mặn. Bước vào
quán cơm chay, nếu không thấy bảng hiệu, thì cứ đinh ninh là vào nhà
hàng, quán nhậu. Sự biến thể món ăn ấy không chỉ còn thấy ở tiệm, ở quán
mà còn đi sâu vào nhiều gia đình Phật tử, ngay cả đám cầu an, cầu siêu
thấy cũng bày la liệt trên bàn cúng toàn những thịt là thịt, Những đám
trai Tăng cúng dường cũng chẳng khác gì hơn. Điều ấy tự bản chất đã là
một nghịch lý khó chấp nhận.
Ăn chay trước tiên là để hạn chế việc sát sinh, taọ nên phước đức từ
việc làm lành mà chính bản thân mình tự nguyện, chứ không ai bắt buộc.
Vì thế khi đã ăn chay thì phải thành ý, không mơ tưởng đến cá thịt, lúc
ăn chay mà còn vọng niệm nghĩ tưởng thì hóa ra dối người, dối cả mình.
Chẳng những không ích gì mà còn tạo nên tội nghiệp. Chẳng thà ăn mặn mà
tâm biết xấu hổ, lòng biết nghĩ đến sự đau đớn của chúng sanh, còn hơn
ăn chay mà tưởng nhớ đến cá thịt, giấu sự thèm thuồng qua hình thức giả
tạo bên ngoài. Trong tam nghiệp tội, ý tuy đứng sau, nhưng chính thật là
mấu chốt của vấn đề. Ý có sanh thì thân, thì khẩu mới tạo tác. Ăn chay
mà cứ nghĩ đến món mặn thì chắc gì miệng chẳng có khi nói ra lời ác
khẩu, tay chẳng có khi làm việc sát sanh?
Ăn chay như cách của bà nội tôi thì quá ư câu nệ. Ăn chay bằng hình
thức giả thành món mặn thì quá ư giả dối. Tôi rất tâm đắc với những câu
thơ của Trinh Đường:
“Món chay này giống như giò chả,
Món kia nhại hình cá hình chim
Tuần chay tịnh mong Phật trời cứu khổ
Lại tràn đầy những ý nghĩa sát sanh”.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 114 | TRÀ KIM LONG