Hoang thảo tiền triều tự
Thu phong cựu chiến trường
Tàn bi trầm mộ vũ
Cổ Phật ngọa tà dương
Thạch thất tàng vân nạp
Hoa đài cúng dã hương
Ứng thân vô xứ sở
Dữ thế cộng hưng vong
Ngôi chùa của triều đại trước lẫn giữa đám cỏ hoang
Bãi chiến trường xưa đang phơi mình trước gió thu.
Tấm bia Tàu chìm trong mưa chiều,
Pho tượng Phật cổ nằm phơi bóng xế
Tấm áo mây, đã cất trong ngôi nhà đá
Mùi hương đồng nội dâng lên đài hoa
Ứng thân không có chỗ nhất định
Với đời cùng hưng vong(1)
(Mai thôn phế tự)
Đọc bài thơ, ta có cảm tưởng như trong trái tim của Trần Quang Triều không phải chỉ có một buổi chiều thôi, mà dường như trong ông đang chất chứa cả một vạn buổi chiều:
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay
Có lẽ phải mượn hai câu thơ trên của một thi sĩ Việt Nam hiện đại mới nói lên được hết cái sầu của Trần Quang Triều khi ông đứng nhìn ngôi chùa hoang tàn tại xóm Mai trong một buổi chiều thu cách đây đã gần 6 thế kỷ.
Nhưng Trần Quang Triều là một Phật Tủ, nên ta thấy ông chỉ ngậm ngùi và thương cảm trước cuộc dâu bể thôi chứ không hề hoảng hốt sợ hãi. Vì Trần Quang Triều ý thức rất rõ rằng, có một cái đẹp vĩnh cửu, một cái đẹp không tàn phai, sau cái đẹp mong manh thoáng chốc của thời gian hữu hạn:
Ứng thân vô xứ sở
Dữ thế cộng hưng vong
Ứng thân không có chỗ nhất định
Với đời cùng hưng vong
Tuy biết vậy, nhưng bởi lỡ mang trái tim đa cảm, nên những buổi chiều như sầu vạn thuở ấy cứ tiếp tục ám ảnh mãi trong những bài thơ của Trần Quang Triều:
Hà nhạc chung tồn cố quốc phi
Sổ hàng lăng bắc vối tà huy
Cựu thời vương khí mai thu thảo
Mộ vũ tiêu tiêu đã điệp phi
Sông núi rốt cuộc vẫn còn mà nước cũ đã đổi khác
Mấy hàng bách trồng trên gò đứng phơi lưng dưới nắng chiều
Khí đế vương triều xưa vùi dưới cỏ mùa thu,
Mưa chiều hiu hắt bướm nội bay (2)
(Trường An hoài cổ)
Một nhà phê bình văn học hiện đại đã cho rằng, bài thơ trên của Trần Quang Triều là "Gần như lấp lánh một dự báo thiên tài, một sự khái quát thẩm mỹ đi trước thời đại, báo hiệu sự suy vong không cưỡng nổi của nhà Trần" (3)
Những lời nhận định trên có thể chỉ đúng với cái nhìn của nhà phê bình văn học hoặc các nhà sử học thôi. Trên phương diện thi ca, tôi cho rằng cách nhìn như vậy đã vô tình đánh mất hồn thơ của những nghệ sĩ tài hoa, như tiếng thơ ở đây của Trần Quang Triều chẳng hạn.
Ta được biết Trần Quang Triều sinh năm 1286, là con cả của Trần Quốc Tảng và là cháu nội của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Vậy là đối với Trần Quang Triều thì những chiến thắng của Đông Bộ Đầu vào thời kỳ đánh đuổi quân Nguyên lần thứ nhất (1258) dưới thời Trần Thái Tông và tiếp đến những Tây kết, Chương Dương, Bạch Đằng vào những năm 1285 và 1288 dưới thời Trần Nhân Tông đã chỉ còn là vang bóng của một thời. Nghĩa là nhà Trần dưới thời của Trần Anh Tông hay Trần Minh Tông mà Trần Quang Triều đang phục vụ tất nhiên đã không còn hùng mạnh nữa như dưới thời Trần Thái Tông, Thánh Tông và nhất là Trần Nhân Tông.
Nhưng với cái nhìn của thi nhân, thì không phải đợi đến khi nhìn thấy triều đại mình đang phục vụ bắt đầu suy tàn thì họ mới xót xa cho lẽ hưng vong của cuộc đời, mà trong họ mỗi một ngày trôi qua hay thậm chí đến cả một giây phút bâng quơ nào đó khi bất chợt nhìn thấy một hòn đá nằm trơ vơ dưới nắng chiều hiu hắt bên đường, thì trong họ dường như đã cảm nhận được nỗi đời hư ảo rồi:
Môn tiền cổ kiệt ngọa tà dương
Duyệt thế như lưu sự khả thương
Trước cửa quán hòn đá chởm nằm trơ trong nắng chiều
Ngắm sự đời, như nước chảy trôi đi và đi mất, thấy mà đau
(Tô Đông Pha)
Tất nhiên bao giờ tiếng thơ của thi nhân cũng phản ảnh niềm đau khổ chung cũng như riêng đối với thời đại mà thi nhân đang sống. Tuy nhiên, khôngphải vì vậy mà ta cứ bảo là Trần Quang Triều làm thơ để dự báo (hay thương cảm) chi nhà Trần của mình sắùp suy vong, hoặc Nguyễn Du làm thơ là để thương tiếc cho nhà Lê đã mất (hoài Lê).
Nếu chúng ta cứ tiếp tục đem cái nhìn có tính cách trường ốc như vậy để giải thích thi ca thì chắc chắn chúng ta đã đánh mất không những hồn thơ mênh mông không chỉ riêng của Trần Quang Triều hay Nguyễn Du không thôi, mà chúng ta còn bóp chết biết bao tâm hồn thơ mộng của người đọc thi ca nữa.
Trần Tử Ngang, một thi hào đời Đường của Trung Quốc đã bày tỏ về quan điểm thi ca của ông: "Làm thơ là để gởi tấm lòng vào thiên cổ chứ không phải để phấn cho tài ba trong nhất thời".
Chính vì vậy, cho nên mặc dù đã đỗ đạt cao (tiến sĩ), làm quan đến chức Lân đài chính tự, rồi Hữu Thập Di, nghĩa là đường công danh thì chẳng có gì trắc trở cả. vậy mà, khi đứng trên đài U Châu, nhìn đất trời bao la, Trần Tử Ngang vẫn cảm thấy mình cô độc lạ thường:
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ
Ngẫm xem trời đất mênh mông,
Riêng một mình ta thương cảm mà rơi lệ
Trần Tử Ngang mất năm 702. Từ đó đến nay đã hơn 12 thế kỷ rồi, vậy mà giọt lệ của Trần Tử Ngang vẫn còn đọng lại trên mắt của mọi con người ở mọi thời đại.
Ta có thể tin chắc rằng, trong những thế kỷ tới, con người rồi s9ẽ được du lịch ở một số hành tinh xa xôi, nhưng có lẽ giọt nước mắt của Trần Tử Ngang vẫn còn đó vì càng trông thấy vũ trụ bao la là bao nhiêu thì con người lại càng cảm thấy thân phận mình nhỏ bé và lẻ loi bấy nhiêu.
Vậy là, vì không "phấn đấu tài ba trong nhất thời" mà Trần Tử Ngang mới có thể gởi được tấm lòng của mình vào thiên cổ chăng?
Dù rất được nhà Trần ưu đãi, mới có 14 tuổi đã được phong tước Văn Huệ Vương, lớn lên lại có công dẹp loạn Thích Na. Thế nhưng ta thất Trần Quang Triều (cũng như những tâm hồn lớn khác) không bao giờ lấy đó làm thỏa mãn, mà ngược lại Trần Quang Triều còn khinh bỉ thứ lợi danh bọt bèo này nữa, thứ lợi danh mà biết bao con người tầm thường thèm muốn, nhưng chẳng bao giờ họ vói tới được:
Đồn lãng xuy triều thướng bích than
Lỗ thanh di nhập bích vân hàn
Kỷ hồi bạc nhị huyền chung đỉnh
Na trọng Đồng Giang nhất điếu can
Sóng cá dồn nước triều lên dòng thác biếc
Tiếng mái chèo đưa hơi lạnh vào mây xanh
Đã bao lần coi nhẹ miếng mồi treo chuông vạc
Mồi ấy đâu có nặng bằng chiếc cần câu bên sông Đống (4)
(Điếu tẩu)
Vì mang một tâm hồn như vậy, nên ta không lấy gì làm ngạc nhiên, khi thấy Trần Quang Triều luôn luôn cô độc giữa đám đông con người:
Quỷ ngộ niệm thù khinh
Nghĩ đến những cuộc gặp gỡ giả dối lòng càng coi nhẹ (5)
Vì vậy cho nên:
Quy tâm mộng tự vinh
Cho nên giấc mộng trở về cứ vương vấn mãi (6)
Trong số 11 bài thơ còn lại, thì ta thấy đã có đến 2 bài Trần Quang Triều nói đến khát vọng "trở về" rồi.
Nhưng có gì khác nhau giữa sự "trở về" của Trần Quang Triều và việc đi ở ẩn của các nhà Nho? Chắc phải có sự khác nhau. Sự khác nhau theo tôi như thế này: việc rút lui hoặc đi ở ẩn chỉ xảy ra khi nào học cảm thấy thất bại trên con đường công danh sư nghiệp, hoặc không thực hiện được hoài bão của mình cho dân cho nước (như việc rút lui về ở ẩn của nhà Nho Chu Văn An chẳng hạn). Còn "trở về" có nghĩa là nhận thấy con đường mình đang đi không thích hợp với tâm hồn của mình. Vì nói cho cùng, thì có nhiều con đường để phục vụ cho quê hương đất nước, chứ không nhất thiết phải ra làm quan thì mới có thể thực hiện được lý tưởng ấy.
Và Trần Quang Triều đã lựa chọn con đường khác để phục vụ cho đất nước mà mình đang sống, mảnh đất mà ông đã yêu đến tha thiết vì theo ông nó có một vẻ đẹp rất đơn sơ và giản dị, giản dị đến nỗi mà cũng theo nhà thơ khó có một họa sĩ tài hoa nào có thể đưa được phong cảnh ấy vào bức tranh của mình:
Nam quốc na kham nhập họa đồ
Tân An trì quán trưởng co bồ
Niên niên lãnh lãm nhàn phong nguyệt
Trúc ngoại nhất thanh đề giá cô
Phong cảnh nước Nam khó có thể đưa vào trong tranh vẽ
Trong ao bên quán Tân An cỏ năn, cỏ lác mọc
Hàng năm thâu lượm cảnh trăng gió thảnh thơi
Ngoài rặng trúc, một tiếng chim đa đa kêu (7)
(Liêu Nguyên Long Tống họa cảnh phiến)
Nơi mà Trần Quang Triều muốn trở về ấy có phải là ngôi chùa chăng?
Sách Tam Tổ Thực Lục cho biết, tháng chạp năm 1317 khi bắt đầu tu tạo lại chùa Quỳnh Lâm. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều đã làm thí chủ và cúng 4.000 tiền, bia chùa Quỳnh Lâm thì chép số tiền này lên đến 40 vạn quan. Rồi đến tháng chạp năm 1324, lại cũng sách Tam Tổ Thực Lục lại ghi thêm: Trần Quang Triều còn cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm, cùng số ruộng ở hai trang trại D(ộng Gia và An Lưu, tổng cộng hơn 1.000 mẫu, và hơn 1.000 nô tỳ để làm của Tam Bảo vĩnh viễn cho chùa Quỳnh Lâm (8)
Xưa nay thường chỉ có giới vua chúa và quý tộc hay những người giàu có mới bỏ tiền ra để xây dựng chùa chiền, vậy mà Trần Quang Triều, một tri thức và một nhà thơ lớn đương thời đã bỏ cả gia sản ra để xây dựng chùa Quỳnh Lâm, thì ta có thể thấy tấm lòng của ông tha thiết cho nơi chốn mà ông muốn trở về ấy biết chừng nào!
Là một nhà trí thức lớn của thời đại, nên tất nhiên Trần Quang Triều ý thức rất rõ vị trí của ngôi chùa trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì chẳng phải ngôi chùa đã đứng ra hướng dẫn dân tộc torng những ngày đầu mở nước, nên ngay khi Lý Nam Đế (544-548) lên ngôi, đã lập lên ngôi chùa có tên là chùa Mở nước (Khai Quốc, tức chùa Trấn Quốc ngày nay đó sao?)
Và cũng chính từ ngôi chùa mà sau hơn 1.000 năm lệ thuộc bị xem như "man-di", thì lần đầu tiên một nhà trí thức hàng đầu của "Thiên triều" đã phải thừa nhận công khai rằng, Thiên tử của nước Đại Việt cũng chẳng khác gì Thiên từ của nước họ qua hai câu thơ của sứ Tống Lý Giác:
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tịch kiến thiềm thu
Ngoài trời lại có trời soi rạng
Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm
Giả sử nếu không có Khuông Việt thiền sư chùa Cát Lợi và Pháp Thuận của chùa Cổ Sơn thì biết đến bao giờ dân tộc mới ngẩng đầu lên được như vậy?
Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội) trong chiếu dời đô có đoạn viết: "Để mưu cầu chỗ chính giữa làm kế cho con cháu muôn đời(…) vận nước lâu bền, phong tục giàu thịnh…. "phải được nuôi dưỡng và giáo dục từ nền văn hóa của Phật giáo, nên Lý Công Uẩn mới có tầm nhìn chiến lược của một chính trị gia lỗi lạc như vậy. Nhưng quan trọng hơn cả là, chính tinh thần từ bi đã hun đúc từ thời thơ ấu ở chùa Lục Tổ nên Lý Công Uẩn mới thể hiện tình thương dân thươn nước, không phải chỉ có dân và nước ở thời nhà Lý thôi, mà còn cho cả đến ngàn đời sau nữa.
Với triều Trần, thì vị vua vĩ đại nhất của triều đại (có thể là cả 2.000 năm lịch sử của dân tộc nữa?). Sau khi đã đánh bại hai cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông, rồi đưa quốc gia Đại Việt phát triển rực rỡ trên mọi lĩnh vực. Sau cùng, cũng đã trở về ngôi chùa trên đỉnh núi Yên Tử, và khai mở suối nguồn tâm linh mới cho dân tộc (Thiền phái Trúc Lâm). Ngôi chùa Hoa Yên, nơi thiền sư Trần Nhân Tông ngồi tham thiền nhập định, đã gây xúc động cho một nhà thơ lớn đương thời bằng những câu thơ tuyệt đẹp như thế này:
Chim chóc (gọi) bạn, cắn hoa nâng cúng
Vượn bồng con (ghé) cửa nghe kinh
Nương am vắng Bụt hiện từ bi
Gió hiu hiu, mây nhè nhẹ;
Kề song thưa Thầy ngồi thiền định
Trăng vằng vặc, núi xanh xanh…
(Phú vịnh chùa Vân Yên – Huyền Quang)
Tình thương bao la của ngôi chùa của nước Đại Việt cũng đã từng an ủi cho những kẻ sa cơ thất thế. Thẩm Thuyển Kỳ, một danh sĩ đời Đường, bị đày sang Giao Châu, khi được trở về cố quốc rồi vẫn cứ nhớ mãi ngôi chùa đẹp bên sườn núi ở Hoang Châu (Thanh Nghệ Tĩnh):
Nhân trung xuất phiền não
Sơn hạ tức Già Lam
Tiểu giản hương vi sát
Nguy phong thạch tác am
Vòng não phiền ra khỏi
Dưới núi dựng Gìa Lam
Khe suối thơm là cảnh
Đá non cao là am.
(Yết Cửu Châu Sơn Tĩnh tự Vô Ngại thượng nhân)
Và nhất là nhà trí thức lớn của Trung Quốc này, đã ân hận vì không còn được đàm đạo về Phật Pháp với vị thiền sư thông tuệ trong ngôi chùa này:
Đệ tử ai vô thức
Y vương tích vị đàm
Siêu nhiên hổ khê tịch
Trích thọ hạ ư lam
Đệ tử hận mình dở
Phật Pháp chửa am tường
Qua khe hổ nhìn lại
Dưới cây sương khói lam.
Nước Trung Quốc, nhất là Trung Quốc dưới triều đại nhà Đường, có một nền văn minh rực rỡ nhất thời bây giờ, vậy mà Thẩm Thuyển Kỳ lại ân hận và nuối tiếc vì không còn được học Phật với vị thiền sư Giao Châu, một xứ sở vẫn được xem như là biên địa (tất nhiên là biên địa dưới cái nhìn của người Trung Quốc, vẫn cứ tự nhận mình là thiên triều). Từ đó ta có thể thấy được, là những ngôi chùa của quê hương không chỉ đưa dân tộc vươn lên thành một quốc gia độc lập có chủ quyền thôi, mà còn có sức mạnh tâm linh vĩ đại để cảm hóa những tâm hồn đang quằn quại trogn đau khổ, dù học đang là danh sĩ của một quốc gia có nền văn minh rực rỡ nhất của đông Phương thời bấy giờ.
Có lẽ đó là lý do mà Trần Quang Triều cứ ôm mãi giấc mộng trở về nơi những ngôi chùa để tìm lại sức mạnh tâm linh này cho quê hương, mà ông có cảm giác rõ rệt rằng sức mạnh ấy đang mất dần giữa một xã hội chỉ biết chạy theo sức mạnh bên ngoài, là lợi danh và quyền lực.
Và việc Trần Quang Triều chọn ngôi chùa Quỳnh Lâm, ta lại càng thấy rõ ý nghĩa việc trở về đó của ông.
Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong bài Hiện tượng hội nhập văn hóa dưới thời Lý Trần, nhìn từ một trung tâm Phật giáo tiêu biểu: Quỳnh Lâm (10), thì người thứ nhất đến với chùa Quỳnh Lâm không được ghi trong danh sách nhưng lại được nhiều truyền thuyết dân gian lưu lại, là thiền sư Không Lộ của đời Lý. Chính tại nơi chùa Quỳnh Lâm này mà Không Lộ lại còn có một cái tên khác nữa cũng đã đi vào truyền thuyết dân gian rất có ý nghĩa, tên là Nguyễn Minh Không. Đó là chuyện Nguyễn Minh Không mang một túi khổng lồ, thu gom đồng của Trung Quốc đem về nước đúc nên "An Nam tứ khí" mà tượng Phật chùa Quỳnh Lâm có trong 4 tứ khí đó. Khi bàn về truyền thuyết này, giáo sư Nguyễn Huệ Chi viết: "Lời gởi gắm sâu kín trong câu chuyện có giá trị như một ước nguyện sâu xa của nhiều đời, một sự nhắc nhở lâu dài đối với thế hệ con cháu, mà đến nay xem ra vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự (11).
Người thứ hai sau thiền sư Không Lộ, là Pháp Loa thiền sư đệ nhị tổ của thiền Trúc Lâm đời Trần, một người rất có đầu óc tổ chức. Chính Pháp Loa đã biến ngôi chùa Quỳnh Lâm thành Quỳnh Lâm thiền viện, quy mô và bề thế. Và cũng chính tại thiền viện Quỳnh Lâm này mà Pháp Loa đã cho khắc in Đại Tạng Kinh, mở các buổi thuyết giảng về thiền cho các tăng sĩ thuộc giáo hội Trúc Lâm.
Người quan trọng thứ ba của quỳnh Lâm là Trần Quang Triều. Bởi cái tên Quỳnh Lâm trong lịch sử không phải chỉ bao gồm có 2 phần, Quỳnh Lâm tự là Quỳnh Lâm thiền viện, mà còn bao gồm một phần thứ 3 nữa, đó là Bích Động Am, mà đã nói đến Bích Động Am hẵn không ai không biết chính nơi đây đã hình thành một thị xã nổi tiếng, đã từng tổ chức những cuộc đàm đạo thơ văn lôi cuốn hầu hết những học giả, nhà thơ có tên tuổi nhất thời bấy giờ. Thi xã có tên là Bích Động, và người đứng đầu thi xã không ai khác hơn chính là Trần Quang Triều.
Chính torng thời gian này, thiền viện Quỳnh Lâm cũng đã mở cửa đón tiếp một nhà Nho thông thái, một nhà Nho nổi tiếng vì đã liên tiếp chỉ trích Phật giáo Đại Việt Sử Ký toàn thư chép rằng, vua Trần Minh Tông đã cử Trương Hán Siêu về đây giữ chức giám tự. Sử liệu không cho biết là Trương Hán Siêu đã tự nguyện về hay bị triều đình bắt buộc phải về để "cải tạo" tư tưởng bài Phật một cách cực đoan của ông.
Nhưng trong bài thơ Dục Thúy Sơn (Núi Dục Thúy) được sáng tác vào cuối đời, trong đó Trương Hán Siêu đã ghi lại cảm giác hoan lạc của lòng mình khi đứng trên trên núi Dục Thúy nhìn đất trời bao la:
Sơn sắc thượng y y
Du nhân hồ bất quy?
Trung lưu quang tháp ảnh
Thượng giới khải nham phi
Non xanh xanh vẫn như xưa
Du nhân đi mãi vẫn chưa thấy về!
Sống in bóng tháp Bồ Đề
Mở toang cửa động liền kề chân mây
(Trần Văn Giáp dịch)
Thực ra, cảnh tượng bao la và hùng vĩ của đất trời đó, ta phải hiểu là Trương Hán Siêu muốn ám chỉ đến tư tưởng Phật Giáo, một tư tưởng vĩ đại như vậy mà trước đây vì cố chấp, có thể cũng là lòng ganh tỵ hẹp hòi của một nhà Nho, nên ông đã lỡ bài xích một cách bất công, nên nay Trương Hán Siêu cảm thấy ân hận vô cùng:
Phù thế như kim biệt
Nhàn danh ngộ tạc phi
Đời lênh đênh trước khác nay
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to.
(Trần Văn Giáp dịch)
Không còn hồ nghi gì nữa, chính tư tưởng tự do, bao dung và vô chấp của Phật Giáo được thể hiện qua các thiền sư và cư sĩ học giả Phật Giáo tại chùa Quỳnh Lâm mới thuyết phục được một nhà Nho có tầm cỡ lớn như Trương Hán Siêu, cuối cùng cũng phải trở về với Phật Giáo vậy!
Còn Trần Quang Triều? Oâng đã đến nơi mà suốt cả đời ông vẫn khao khát trở về đó chưa?
Tâm khôi oa giấc mộng
Bộ lý đáo Thiền đường
Xuân vãn hoa dung bạc,
Lâm u thiền vận trường
Vũ thu thiên nhất bích
Thi tịnh nguyệt phân lương
Khách khứ Tăng vô ngữ
Tùng hoa mãn địa hương
Lòng nguội lạnh với giấc mơ sừng con sên
Dạo bước đến cửa Thiền.
Xuân muộn, dáng hoa mỏng mảnh,
Rừng sâu, tiếng ve ngân dài
Mưa tạnh, trời xanh biếc một màu
Ao trong, trăng mát dịu tỏa xuống.
Khách ra về, Sư chẳng nói
Mặt đất thơm ngát mùi hoa thông
(Đề Gia Lâm tự)
Vậy là Trần Quang Triều đã đến nơi mà suốt cả đời ông vẫn khát khao trở về đó rồi! Vì suốt cả bài thơ, ta nghe ra được một niềm vui như bất tận của Trần Quang Triều. Dù nơi này, đất và trời vẫn vắng lặng và tịch mịch như tự bao giờ (khách khứ tăng vô ngữ) nhưng trước mắt là một màu xanh ngắt (thiên nhất bích), và mặt đất dưới bước chân người vừa mới trở về dường như thơm ngát một mùi hương (tùng hoa mãn địa hương).
Chú thích:
(I):Thơ văn Lý Trần, tập 2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1988.
(1):Tr. 610
(2):Tr.609
(4):Tr.609
(5):Tr.616
(7):Tr.611
(9):Tr.711
(12):Tr.734
(13):Tr.614
(14):Tr.620
(15):Tr.761
(II):Tạp chí văn học số 4/1992, Hà Nội 1992
Nguyễn Huệ Chi: Hiện tượng hội nhập văn hóa dưới thời Lý Trần, nhìn từ một trung tâm Phật Giáo tiêu biểu: chùa Quỳnh Lâm.
(3): Tr. 19
(8): tr. 18
(10): tr. 14
(11): tr 16
-----------------
Thích Phước An