Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Từ những vần thơ đến câu kệ
04/11/2017 16:07 (GMT+7)





Những vần thơ hay những câu thơ của những thi sĩ nổi danh mà mình đã thuộc nằm lòng, đã ghi nhớ tận đáy sâu của ký ức, và bỗng một lúc nào đó, ở một tình huống nào đó, một nhân duyên nào đó, tự chúng hiện ra một cách tự nhiên trong dòng tư tưởng, sự nghĩ suy, và bộc ra thành lời nói như là của chính mình và đôi lúc, chỉ nhớ đến vần thơ, câu thơ đó mà cũng không hề nhớ đến tác giả là ai nữa! Các vần thơ, các câu thơ ấy thực sự đã gắn liền với mình, với đời sống mình, đôi lúc còn được xem như là kim chỉ nam để giúp mình phản ứng, cư xử trước mọi hoàn cảnh, vui hay buồn, tốt hay xấu đang xảy ra.

Không ai không có những câu thơ này đọng lại trong đầu, trong tâm hồn và sẽ được thốt ra đúng lúc đúng thời, tùy hoàn cảnh, tùy nhân duyên.

Riêng tôi, có những vần thơ, những câu thơ và cả những câu ca dao trong kho tàng văn học của quê hương ta hay những câu thi kệ tìm thấy trong kinh điển Phật giáo mà chỉ một lần đọc qua đã ghi đậm trong trí nhớ và theo suốt cả cuộc đời. Xin chia sẻ cùng bạn đọc trong bài viết này.

Khi ở tiểu học, dù đã học bao nhiêu bài học thuộc lòng nhưng rồi tôi chẳng còn ghi nhớ bài nào cả! Tuổi thơ của tôi thì chỉ ham đàn, hát và múa! Và những bài hát của tuổi thơ thì nó cũng trong sáng nhẹ nhàng và bay đi theo với những áng mây xanh, cũng nhẹ nhàng như thế mà thôi. Có lẽ tôi đã trưởng thành nơi cái tuổi mười hai vì ở vào chặng tuổi này tôi đã ham mê đọc sách, kể cả sách báo của người lớn, và những lời dạy của người lớn thì một lần nghe qua dường như là không thể quên.

Do học với các Ma Sœur ở trường Jeanne D’Arc và mỗi ngày đều có đọc Thánh kinh, nên đã sáu chục năm qua nhưng lúc nào tôi vẫn nhớ câu: “Tu aimeras ton prochain comme toi-même” (Thương người khác như thương chính mình). Lời khuyên này thực sự ra rất khó làm! Nhưng tôi nhận ra ý nghĩa cao quý của nó và thật sự tôn trọng đạo Thiên Chúa. Từ câu kinh này tôi liên tưởng đến lòng từ bi trong đạo Phật.

Lại một câu khác đã gây ấn tượng sâu đậm trong tôi: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Vì học và ở nội trú tại trường, dù là kẻ ngoại đạo, không cùng tôn giáo, không được “rửa tội” nhưng tất cả các học trò đều phải tham dự chung các buổi lễ ở trường, và câu kinh kia cũng tự nhiên ghim vào tim, vào óc tôi cho đến tận bây giờ. Mỗi khi làm chuyện gì, hậu quả không tốt xảy đến, tôi đều nhận trách nhiệm của mình mà không đổ lỗi cho ai cả. Từ câu kinh này tôi lại liên tưởng đến luật nhân quả trong đạo Phật. Tự mình gieo nhân, tự mình lãnh chịu hậu quả.

Và cũng đang ở trong môi trường thấm nhuần tư tưởng của Thiên Chúa giáo như thế thì đột nhiên một ngày, nhân đọc ở tờ báo văn học, mà câu nói nổi tiếng của Đức Phật Thích Ca đã như một tiếng sấm sét đập vào tai tôi : “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nếu nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì lúc ấy tôi như được khai ngộ và trí óc, tâm thức của tôi bừng lên một thứ ánh sáng của sự giác ngộ. Tôi chỉ vừa tròn mười hai tuổi. Từ đó ánh sáng Phật pháp đã hướng dẫn tôi cho đến ngày hôm nay.

Sức mạnh của lời nói, của tư tưởng là điều khó lường, khó nghĩ bàn. Do đó mà biết đọc biết viết quả là một điều hết sức quan trọng. Không có cha mẹ nào mà không muốn cho con mình đi học, đi đến trường lớp, học chữ học nghĩa, dù khó khăn, dù tốn kém cách mấy cũng không từ. Riêng gia đình tôi, thì cha tôi, dù là người của khoa học nhưng rất say mê văn chương thơ phú, tủ sách trong nhà khá lớn và có khá nhiều loại sách quý của văn chương Pháp. Các chị tôi thì lúc bấy giờ đã là những thiếu nữ mười tám, hai mươi nên cũng đọc sách báo rất nhiều và tôi, lúc ấy chỉ lên mười, mười hai cũng được đọc “ké” cho tới khi tôi cũng trở thành một thiếu nữ đến tuổi “cập kê”. Tôi còn nhớ nào Phổ Thông, Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn Đàn… Ngoài ra còn phải nhắc đến tờ báo Lành Mạnh do cha tôi làm chủ nhiệm mà tôi cũng rất say mê vì ngoài những đề tài về y học còn có những trang thơ văn làm cho tờ báo bớt phần khô khan, thêm phần hấp dẫn. Thuở đó, tôi đã là một độc giả tuy nhỏ tuổi, nhưng rất trung thành với tờ báo Lành Mạnh. Không có một số nào khi cha tôi cầm về mà tôi bỏ qua. Cũng từ Lành Mạnh mà tôi được biết đến thơ của các thi sĩ như Quách Tấn, Trụ Vũ và cả đến triết gia Phạm Công Thiện. Cuốn sách đầu tiên mà tôi cầm trong tay, do chính cha tôi đem về nhà và đã trở thành cuốn sách gối đầu của tôi lúc mới lên mười bốn, mười lăm, đó là cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”. Có thể nói những gì đã được đọc từ cuốn sách này cũng đã lay động tâm hồn tôi một cách mãnh liệt như tôi đã từng bắt gặp câu nói của Đức Phật Thích Ca!

Khi học xong trung học, cả nhà ngạc nhiên khi tôi ghi tên vào Đại học Vạn Hạnh. Mẹ tôi thì thất vọng vô cùng, bà chỉ mong có một đứa con chịu học theo ngành dược để về sau có một cái Pharmacie! Năm anh chị trước tôi chẳng ai làm theo ý thích của mẹ tôi cả, đến lượt tôi thì bà lại càng thất vọng hơn nữa! Học Triết, học đạo Phật thì không biết tôi sẽ làm được gì trong đời ?!

Thì ra, tôi tự hiểu, chính câu nói kia của Đức Phật đã hướng dẫn tôi và đẩy tôi vào Vạn Hạnh!

Tuy nhận ra con đường là tu hành để thành Phật như câu nói trên xác định, nhưng con đường này rất khó thực hiện và phải trải qua bao khúc quanh, ngả rẽ mà vẫn chưa “lên đường” vẫn còn giậm chân một chỗ, vẫn còn đi lạc lối, vẫn còn mò mẫm trong bóng tối và đôi lúc phải rơi tận hố sâu của khổ đau mới chịu nhớ lại và tìm về con đường. Và như thế, tôi đã rong chơi ngày tháng dài, khá dài mà quên hẳn con đường thành Phật này để hụp lặn trong dòng đời với bao thăng trầm, bao khó khăn, hạnh phúc thì ít mà đau khổ thì nhiều. Con đường rong chơi ngày tháng dài mà những câu thơ đi kèm theo cũng như bóng với hình.

Cái tuổi mộng mơ, mười lăm mười sáu trăng tròn, đôi lúc cũng thường vu vơ hay…vớ vẩn như Xuân Diệu:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn!


Và khi mới biết yêu thì cứ vang vang trong đầu mấy câu thơ của nhà thơ trữ tình này:

Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều mà chẳng nhận bao nhiêu!


Quả thực sự như thế, tôi không hiểu với người khác thì như thế nào nhưng bản thân tôi, cái cảm giác yêu luôn kèm theo với cái cảm giác khổ đau! Có lẽ đó là dấu hiệu của sự không may mắn của tôi trong tình trường?!

Về sau, khi tìm hiểu về đạo Phật, tôi mới hiểu ra lời Phật đã từng dạy: cái cảm giác sung sướng chỉ là cái cảm giác mà ở đó khổ được giảm thiểu, và ngược lại cái cảm giác khổ chỉ là cái cảm giác sung sướng bị mờ nhạt đi. Hạnh phúc hay đau khổ chỉ là cái đầu và cái đuôi của con rắn. Nơi con rắn, có đầu, có đuôi nối nhau, thì nơi hạnh phúc hay đau khổ cũng thế, cả hai đều có mặt, như hai cực âm dương, âm thịnh thì dương suy, dương thịnh thì âm suy, nhưng cả hai đều cùng hiện hữu cùng lúc nơi mọi hiện tượng ở đời. Bám vào hạnh phúc cũng không bền, vì luật vô thường chi phối, đau khổ tuyệt vọng cũng chẳng ích chi, vì cũng theo dòng chảy của vô thường, đau khổ nào cũng sẽ chấm dứt, đọa địa ngục rồi cũng sẽ có ngày ra. Luật vô thường, sự đổi thay nơi vạn vật vừa tích cực lại vừa tiêu cực. Luôn nhận ra hai mặt nơi mọi hiện tượng, mọi hoàn cảnh, không xấu hoàn toàn mà cũng không tốt hoàn toàn để hướng mình đến cái tâm an nhiên tự tại, thoát ra mọi sự chấp trước, đó là cách mà đạo Phật hóa giải mọi mâu thuẫn trong cuộc sống. Chấp vào thiện cũng sẽ trở thành cực đoan và trở thành ác. Nhận ra rằng thiện và ác song hành trên đời nhưng không cố chấp. Nương theo Trung đạo để tránh cực đoan với lời nói ôn hòa, ái ngữ, có thể chuyển hóa được lòng người, thay đổi hoàn cảnh.

Tiếp tục con đường yêu đương của tuổi trẻ, câu thơ của Hồ Dzếnh lại nghiễm nhiên đi vào lòng và lại được thích thú đón nhận:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở!


Quả thật tâm lý con người phức tạp! Chỉ muốn tự làm khổ mình và “trầm mình” trong đau khổ, xem đau khổ là một “lạc thú”! Như Lưu Trọng Lư đã thốt:

Để chăn gối nằm im chỗ cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương!


Thế rồi đau khổ và cô đơn vẫn luôn là cảm giác được trải nghiệm nhiều hơn cả hạnh phúc, dù muốn dù không.

Ai biết tình ai có đậm đà!


Câu thơ này của Hàn Mặc Tử nói lên nỗi cô đơn ngút ngàn của ông với người con gái xứ Huế cũng bỗng nhiên ghim vào tim mình vào những đêm khuya trăn trở.

Cũng vậy, tự mình lo âu, tự mình khắc khoải để trọn vẹn đồng tình với thi sĩ này:

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!


Tình yêu “vớ vẩn” của tuổi mới lớn thực ra chẳng có chi khổ. Cái khổ được thơ mộng hóa và “bắt chước” thi nhân mà thôi, chứ tuy là nhỏ tuổi mà cũng đã… khôn ra phết! Chẳng dại, chẳng khờ, chẳng đánh mất mình đâu!

Cho đến khi thực sự nếm qua khổ đau mới thấy thấm thía tận tim gan với hai câu thơ của thi sĩ, triết gia Phạm Công Thiện:

Tôi quỳ hôn lá mới
Đau khổ trắng linh hồn
.

Bắt đầu trưởng thành trong tình yêu, thực sự chạm mặt với cuộc đời, trải nghiệm khổ đau cả hồn lẫn xác mới hiểu được ba chữ “trắng linh hồn” này!

Và rồi thời gian vùn vụt trôi qua, hạnh phúc cũng qua nhanh mà đau khổ cũng không ở lại, nhưng mình vẫn muốn níu kéo lại mọi thứ:

O Temps suspend ton vol!
(Thời gian ơi, đừng cất cánh bay!).


Lamartine, một nhà thơ lãng mạn Pháp đã thốt lên giùm mình cái sợ hãi của thời gian vùn vụt trôi và sẽ cuốn theo tất cả mọi thứ, hạnh phúc cũng như khổ đau!

Bài thơ của Ronsard, thi sĩ Pháp, thế kỷ XVI, được học thuở nhỏ, cũng cho mình một nhận thức về sự mong manh của cuộc sống, lớn dần cái cảm giác bất lực trước sức tàn phá của thời gian:

Mignonne, allons voir si la rose
Qui ce matin avait déclose.
(Em ơi, hãy cùng xem đóa hồng, sáng nay vừa hé nụ).
….
Las! Voyez comme en peu d’espace
Mignonne, elle a dessus la place
Las! Las! Ses beautés laissé choir
Ô vraiment marâtre nature
Puisqu’ une telle fleur ne dure
Que du matin jusques au soir!
(Than ôi! trông kìa, này em yêu, chỉ mới khoảnh khắc nào khoe sắc hương, mà nay đã tả tơi, phải chăng quá là ác độc hỡi Mẹ của thiên nhiên, bởi một kiếp hoa chỉ sớm nở để tối tàn!)

Khi chạm mặt với khổ đau thì những câu thơ buồn rười rượi của Verlaine, một thi sĩ Pháp, tiền phong cho phong trào thơ mới, lại vang lên trong tâm trí:

Il pleure dans mon cœur
Comme il pleut dans la ville!
(Tim tôi khóc nức nở, chẳng khác gì ngoài kia phố xá trời đang mưa!).


Cũng không khác gì với câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều:

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!

Để rồi mình lại thổn thức với bất cứ một âm thanh nào vang lên, cái gì được nghe thấy đều nhuốm khổ đau của chính mình:

Les longs sanglots
Des violons
De l’automne
Blessent mon cœur
D’une langueur
Monotone
(Những tiếng nấc dài, của những cây vĩ cầm vào mùa thu, làm tim tôi đau nhói, rã rời, đìu hiu đơn điệu…).

Nhưng may thay, với Victor Hugo, nhà đại văn hào Pháp, thế kỷ XIX, từng sáng tác nhiều thể loại, tiểu thuyết, kịch và thơ, mình lại tìm được niềm vui, sức sống với trẻ con, tạm quên đi những nặng nề của tâm tư:

Lorsque l’enfant paraît, le cercle de la famille
Applaudit à grands cris…
(Khi trẻ con vừa xuất hiện, là cả nhà vỗ tay mừng reo...).

Quand l’enfant vient, la joie arrive et nous éclaire
On rit, on se récrie, on l’appelle…
(Khi trẻ con vừa đến, là niềm vui cũng đến và làm cho ta choáng ngợp. Ta cười, ta lại cất tiếng gọi nhau, ta mời gọi trẻ con…).

Nhưng rồi trẻ thơ cũng phải lớn và ta cũng phải già!

Trải qua những bất trắc của cuộc đời, có những lúc, những nơi tưởng như tuyệt vọng, đau khổ cùng cực thì lại có những câu thơ đem lại hy vọng và niềm lạc quan, giúp sức mạnh để tiến tới, hướng về tương lai:

Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.

Bài thơ Đường của thi nhân Lục Du đời Tống, quả đã khơi dậy niềm tin nơi con người. Tưởng đã rơi vào đường cùng, không có lối thoát, không đường ra, không giải pháp thế mà bất ngờ “Một thôn xóm liễu xanh tươi, hoa rực rỡ” hiện ra trước mắt!

Tương tợ như thế, Thiền sư Mãn Giác của Việt Nam ta cũng có câu thơ thật đáng nhớ nằm lòng để giữ mãi niềm tin và lạc quan:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Ôi! Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết rồi! Nhìn kìa: Đêm qua sân trước một cành mai!

Nỗi buồn xuân tàn hoa rụng và nỗi mừng vui, kinh ngạc khi tìm thấy một cành mai còn đâu đó! Vậy thì cứ nhìn đời cũng như thế, đau khổ, tuyệt vọng làm chi, có thể hạnh phúc đang chờ ở một góc nào đó, rồi sẽ bắt gặp thôi!

Đau khổ trong cuộc sống cũng thường đi kèm với sự bất mãn, phẫn nộ mà nhà Phật gọi là sân. Khi tức giận, không bằng lòng, nổi nóng, là khi đó có sân và có cả hận. Nhưng khi nhớ lời Phật dạy ở nơi kinh Pháp cú:

Hận thù diệt hận thù
Đời này không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật thiên thu.


Thì bỗng nhiên lúc đó, lửa sân hận tự nhiên được dập tắt, không còn la hét, mắng chửi, thóa mạ hay đánh đập, hành hung gì nữa cả!

Cũng vậy, ngăn chặn được tâm nóng giận, hành động sai trái nhờ nghe đi nghe lại, lặp đi lặp lại trong đầu:

Chớ làm các điều ác
Hãy làm các hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đấy chính lời Phật dạy.


Bình thường, ai làm điều xấu ác với mình, thì mình đau khổ, khó lòng nguôi ngoai, nhưng cứ tâm niệm và đọc tụng lời Phật dạy thì tự nhiên đau khổ cũng tự hóa giải:

Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Ai ôm ấp niệm ấy
Hận thù không thể nguôi.
Nó mắng tôi, đánh tôi
Nó hại tôi, cướp tôi
Không ôm ấp niệm ấy
Hận thù sẽ tự nguôi.

Nhờ khổ đau, nhờ gặp bất trắc trong đường đời, tự dưng những năm tháng rong ruổi chốn bụi trần lại đưa tôi về gần với con đường đã được khai ngộ vào cái tuổi mười hai “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Phật ở đây nên được hiểu là con người tỉnh thức, thấy được sự thật của mọi hiện tượng ở đời đều theo một định luật vô thường, thay đổi biến hoại triền miên, có nhân có quả, có nhân có duyên, có sanh có diệt, nếu bám vào những gì mà bản thân mình không thể làm chủ thì chỉ hoài công vô ích và chỉ gây thêm khổ đau. Sống buông xả mọi tham muốn, đứng trước vô thường vẫn thản nhiên, có sanh thì có tử, có trẻ đẹp thì có già nua, bệnh tật, đứng trước nghiệp quả phải hứng chịu, chẳng qua do chính mình đã tạo nhân, thì bình tĩnh chấp nhận không đổ thừa, không than van, và sáng suốt không tạo thêm nhân xấu làm duyên cho quả xấu nữa.

Phật không phải là đấng tạo hóa hay toàn năng gì cả. Phật chính là người đã làm chủ được những gì xem như không thể làm chủ được. Sự sống sẽ vụt khỏi vòng tay nắm giữ, níu kéo của con người. Hạnh phúc hay khổ đau cũng như tiền tài hay danh vọng, không thể tồn tại vĩnh cửu mãi trên đời. Phật là người thấy rõ điều này nên chấm dứt tham muốn. Dừng lại, không đeo đuổi, chạy theo bất cứ thứ gì ngoài sự kiểm soát tâm mình. Thanh tịnh hóa tâm mình, làm chủ tâm mình, vượt ra ngoài sự kiềm tỏa của ảo ảnh, của cái Tôi bất diệt, gây ra vô lượng trở ngại, khổ đau. Phật là người tự mình cởi bỏ, giải thoát khỏi cái Tôi nhỏ bé này. Chỉ là giản dị như thế.

Nhưng con đường đi đến thành Phật không giản dị mà cam go!

Từ những vần thơ thuở niên thiếu cho đến những bài thi kệ của Phật, con đường thật dài, quanh co và khúc khuỷu!

Paris, mồng 8 tháng Sáu, 2017
Lê Khắc Thanh Hoài

http://giacngo.vn/nguyetsan/vanhoa/2017/10/26/56E698/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang