Ở
Huế xưa kia, Ngô Đồng chỉ được trồng ở chốn vương giả. Sách Đại nam
nhất thống chí còn ghi lại: "Các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng được
đưa từ Quảng Đông đem về, trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Lại sai
biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc
điện". Cầm lá lên núi tìm cây ngô đồng về xuôi, khác nào mang cây ngô
đồng trong huyền sử, trong thi ca về trồng trên đất Thần Kinh.
Ngô đồng trong Đại nội
Theo
truyền thuyết, thuở xưa vua Phục Hy tình cờ trông thấy có năm sắc sao
rơi xuống cụm ngô đồng và chim phượng hoàng đến đó đậu. Nhà vua biết
phụng là chúa của các loài chim, do vậy cây ngô đồng này hấp thụ tinh
hoa của trời đất, là 1 gỗ linh có thể chế được đồ nhã khí được, liền cho
người hạ cây, cắt làm ba đoạn để phân tam tài (thiên-địa-nhân). Đoạn
ngọn, tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoạn
giữa tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Nhà vua cho ngâm đoạn
giữa thân cây giữa dòng nước, đúng bảy mươi hai ngày đêm, vớt lên phơi
trong mát cho thật khô, chọn ngày tốt, gọi người thợ khéo Lưu Tử Kỳ chế
làm nhạc khí, bắt chước nhạc Cung Dao Trì, đặt tên là Dao cầm. Đàn lên,
có thể làm hổ nghe nín kêu, vượn nghe nín hót…(theo truyện tích Bá Nha
&Tử Kỳ ).
Cũng do xuất phát từ một huyền thoại "vương giả"
như vậy nên cây ngô đồng xưa kia chỉ trồng những nơi quyền quý thiêng
liêng, đó là trong Hoàng thành và ở các lăng vua nhà Nguyễn. Thậm chí,
cây Ngô Đồng qúi đến nỗi vua Minh Mạng cho khắc hình lên Du đỉnh của Cửu
Đỉnh.
Cây Ngô đồng được khắc trên Du đỉnh của Cửu Đỉnh
Theo
nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm thì hiện nay 8 cây ngô đồng sau Điện Thái
Hoà, khu vực Tả, Hữu Vu không phải có từ thời Minh Mạng mà tuổi cây chỉ
vài ba mươi năm trở lại đây. Trong 8 cây ngô đồng ấy chỉ có 3 cây có
kích cỡ lớn và chiều cao từ 16-18m, đường kính tối thiểu là 0,7m. Ngoài
địa điểm vừa nêu, cây Ngô đồng ở Huế còn có thể thấy ở một vài công viên
(Thương Bạc, Phu Văn Lâu, Tứ Tượng), vài lăng tẩm (Minh mạng, Tự Đức)
nhưng tất cả chỉ là cây non trẻ, tuổi cây chỉ vài ba chục năm trở lại.
Do cây thuộc loại mọc nhanh, gỗ xốp, nên thường dễ ngã đổ mỗi khi gặp
lốc bão. Ở công viên Tứ Tượng, ngày xưa có một cây Ngô đồng rất lớn,
theo lời kể thì nhiều người dân đã nhìn thấy chim phượng hòang về đậu ở
đó. Năm 1985, trong cơn bão lớn, cây Ngô đồng ấy đã đổ. Hiện nay ở góc
công viên ấy vẫn còn một cây Ngô đồng khác, bây giờ nó đã cao lớn, ra
hoa đã nhiều năm.
Cây Ngô đồng đang ra hoa trong công viên Tứ Tượng (chụp ngày 15/5/2011)
và bên kia sông cạnh chân cầu Phú Xuân một cây Ngô đồng khác cũng đang trổ bông.
Hoa
ngô đồng như một tấm màn hoa, sắc hồng phấn chen lẫn tím phớt nhạt nhìn
giống đuôi chim phượng hoàng nhảy múa khoe sắc kiều diễm. Chiêm ngưỡng
hoa ngô đồng hay nhất chính là lúc nắng ấm. Cánh hoa uốn cong và chụm
lại như lồng đèn. Hoa nhỏ, thường mọc thành từng chùm. Phân biệt tuổi
đời của ngô đồng bằng cách quan sát số lượng lá trên cây. Ngô đồng còn
non lúc ra hoa có chen lẫn lá. Ngô đồng già thì không, cả cây trút hết
lá để dồn sức cho những “tấm áo hoa” đẹp đến mê hoặc.
Theo
nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm, cây ngô đồng Huế thuộc chi Firmiana, là một
thứ biến chủng (Variaty) của loài ngô đồng, có điểm nổi bật là hoa đực
tạo thành chùm hoa hơi khác, toàn bộ trục hoa tự và đài hoa đều được phủ
đầy lông màu tím. Do vậy khi hoa nở rộ, cả cây nhuộm một màu hồng tím
giống cây anh đào, trông rất đẹp. Ở những cây đã thành thục sinh học,
hoa nở rộ sau khi cây đã rụng lá toàn phần, do vậy toàn cây chỉ có hoa.
Khác hẳn cây ngô đồng vẫn mọc ở phía bắc Việt Nam và miền nam Trung
Quốc, có hoa vàng và trắng vàng.
Ngô
Đồng thực sự lộng lẫy và sang trọng vào thời kỳ đơm hoa . Lúc đó, Ngô
Đồng trút hết lá rồi phô kết những chùm hoa nho nhỏ, dày đặc trên cành,
từ màu tím nhạt rồi dần ửng hoa cà. Từ xa, đứng ngắm thấy cả một vòm hoa
làm sáng đẹp không gian. Cũng chính vì vậy nên nếu Ngô đồng trồng riêng
trên một con đường thì tuy sẽ rất đẹp lúc ra hoa nhưng sẽ không đủ bóng
để che mát cho người ở xứ sở nắng nóng này. Sẽ đẹp hơn nếu Ngô đồng
được trồng xen kẽ, tô điểm các chùa chiền, các cung điện trong thành
nội, những công viên trong thành phố.
Đến Huế, bạn hãy một lần ngắm xem hoa Ngô Đồng để tự mình chiêm ngưỡng nét vương giả của loài hoa quý phái này, sẽ thấy hương thời gian đọng lại.
Ngô
đồng là loài cây để lại nhiều vương vấn trong lòng thi nhân mặc khách.
Đỗ Phủ trong những ngày lang thang bên sông Hoàng Hà, quá say mê vẻ đẹp
của ngô đồng mà viết:
“Hương đạo trắc dư anh vũ lạp
Bích Ngô thê lão phượng hoàng chi”
Vua Thiệu Trị thì mê ngô đồng mà hóa thân làm thi sĩ và cho khắc lên bia mộ mình câu thơ về loài hoa cao quý này:
“Ly biên tam kính cúc
Dạ bán nhất thanh ngô”
Thì ra người đã khuất mà vẫn còn vang tiếng lá ngô đồng rơi ngoài hiên vắng.
Nhà thơ Bích Khê nhìn thấy sắc thu buồn xao xuyến qua câu thơ:
“Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông.”
Lá
ngô đồng có hình trái tim hay giọt lệ - những trái tim biết bay, những
giọt lệ xoay xoay trong buổi chiều đầy gió khiến ai bắt gặp đều không
khỏi thấy lòng bâng khuâng. Lá vàng mấy tháng liền rồi rụng hẳn vào cuối
mùa đông. Sang xuân cây mới nở hoa, từ xa nhìn lại là cả một vòm sáng
thanh tao giữa đất trời, như làn mây tím trùm lên thành phố. Những buổi
sáng ban mai khi sương còn ướt lá, hoa ngô đồng càng thêm huyền ảo, lung
linh.
Nguyễn Văn Liêm - Đại Dương
Hoa Ngô Đồng trong Đại Nội
Hoa Ngô Đồng nở rực rỡ bên nhà Hữu Vu
Thấp thoáng sau mái ngói, đầu hồi rồng
Những chùm hoa Ngô Đồng tô điểm thêm cung điện nhà vua
Nhìn Ngô Đồng qua một vạc đồng trước điện Cần Chánh
Khách du lịch đi trong những khung cảnh tuyệt đẹp với hoa Ngô Đồng tại Đại Nội
Cây Ngô Đồng bên trái điện Thái Hòa
Bên thành quách rêu phong
Cây Ngô Đồng trẻ ở công viên Thương Bạc
Một cây khác nở hoa ở công viên Tứ Tượng sát sông Hương
Thân Ngô Đồng thẳng tắp
Những chùm hoa màu
hồng pha tím nhạt
Hoa Ngô Đồng
( Bài do Nguyễn Đắc Song Phương chuyển )
__._,_.___