Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Rabindranath Tagore: Thi nhân đi tìm vô hạn trong vòng tay của bà mẹ cát bụi - Phần 1
Thích Phước An
02/05/2011 07:38 (GMT+7)


Đúng là như vậy, dù đọc Tagore ta thấy ông vẫn thường đề cập đến Thượng đế hay đấng chí tôn tuyệt đối, nhưng thật ra đó cũng là một cách gọi khác mà Tagore muốn ám chỉ đến tình yêu mà thôi: "Không có tình yêu thì không có Thượng đế, yêu là Thượng đế, khi tình yêu ở ngôi vị chí tôn. Tình yêu là thực thể tuyệt đối"(2).

Ngay cả Niết-bàn của Phật giáo, Tagore cũng cho đó là thông điệp tình yêu mà Đức Phật muốn gởi đến cho thế giới chừng như thiếu vắng tình yêu này: "Khi ta học được rằng trạng thái Niết bàn do Đức Phật đạt đến bằng tình yêu, ta biết chắc rằng Niết bàn ấy là một đỉnh tối thượng của tình yêu. Vì tình yêu chính là mục đích của Niết bàn. Bất cứ cái gì khác cũng đều nêu lên trong tâm trí ta hai chữ ‘Tại sao?’ và ta đều tra hỏi lý do. Nhưng khi tôi nói ‘Tôi yêu’ thì không có ‘Tại sao’. Tình yêu của tôi tự nó là lời đáp rốt ráo"(3).

Và táo bạo hơn ngay cả vấn đề diệt dục của Phật giáo xưa nay vẫn là vấn đề gây ngộ nhận nhiều nhất, vì nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ có những người ích kỷ, những người mà trái tim đã hoàn toàn nguội lạnh với cuộc đời thì mới đi vào con đường khắc kỷ ấy để tự nuôi ảo tưởng của mình về một đời sống tốt đẹp hơn ở ngày mai. Nhưng Tagore với tư cách là một người mang cả mấy ngàn năm truyền thống tư tưởng của Ấn Độ đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng: "Chính vì tình yêu là cái mà Đức Phật gọi là diệt - diệt lòng vị ngã. Đó là tác dụng thực sự của tình yêu, không đưa đến tối tăm, mà đưa đến giác ngộ: Đó là Bồ đề, là sự thức tỉnh thực sự; đó là sự bộc lộ ở ta một niềm vui sướng vô biên nhờ ánh sáng của tình yêu".

Và Tagore cũng không quên lưu ý chúng ta rằng sự diệt dục chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh khi chính ta đã hoàn toàn hòa nhập được vào tình yêu: "Đức Phật giảng dạy sự khắc kỷ và đời sống đạo đức, nghĩa là Ngài hoàn toàn chấp nhận định luật. Nhưng sự chấp nhận định luật ấy tự nó chẳng phải là cái đích bằng cách thực hiện nó trọn vẹn, ta chỉ thủ đắc những phương tiện để tự vượt qua nó".

Thông thường hễ nói đến tình yêu thì người ta hay nghĩ ngay đến tình yêu lứa đôi, nghĩa là tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà.

Thi nhân cũng là con người, tất nhiên cũng không thể khác được. Nhưng có lẽ chỉ khác ở chỗ thi nhân là kẻ đa tình hơn người bình thường chúng ta. Ngoài cái đẹp của người đàn bà ra họ còn yêu nhiều cái đẹp khác nữa, như chính Tagore đã công nhận:

She’s one half woman

One half Dream(4).

Như vậy là người đàn bà chỉ có thể là cái cớ để thi nhân trút hết tâm sự của mình về tất cả những khát khao, hoài vọng cũng như mơ ước của chính mình mà thôi.

Bài thơ sau đây có thể chứng minh được cho điều đó:

Nói cho em nghe đi, anh, tất cả cái đó có đúng không, có thật không?

Khi mắt em sáng ngời lên thì những đám mây đen dông tố ùn ùn trong lòng anh.

Môi em dịu dàng như đóa hoa đầu tiên của một ái tình chớm nở, thật vậy không anh?

Hồi ký mấy tháng năm trước kia vẫn chưa mờ trong lòng em ư?

Mặt đất, dưới gót chân em, vang lên như một thụ cầm, thật vậy không anh?

Có thật vậy không, bóng đêm khi thấy em, thì sương rớt xuống như lệ, còn ánh sáng ban mai tưng bừng bao phủ thân em?

Có thật là lòng anh đã tìm em từ thuở khai thiên lập địa, trong khắp vũ trụ?

Rồi tới khi gặp em, nghe giọng nói, ngắm cặp mắt, làn môi, mớ tóc xõa của em, lòng anh đã dịu xuống?

Và còn điều này nữa, có thật là cái bí mật vô biên ở trên vầng trán nhỏ của em không?

Tất cả những cái đó có thật không anh, nói cho em nghe đi!(5).

Vậy là sau cái đẹp của người đàn bà chúng ta còn thấy thấp thoáng đất trời "Từ thuở khai thiên lập địa", nhất là "cái bí mật vô biên ở trên vầng trán nhỏ của em" là những cái mà bất cứ một thanh niên tài hoa nào lại không mơ ước một lần đưa tay với bắt?

Will Durant khi trích bài thơ này trong Lịch sử văn minh Ấn Độ có nhận xét rằng: "Có thi sĩ nào vừa hoài nghi, lại vừa âu yếm làm nổi bật được cái vô lý nhưng rất thơ mộng của ái tình lãng mạn như ông"(6).

Đúng là Tagore đã rất hoài nghi, vì không hoài nghi sao được, khi chính thân mạng của mỗi người trong chúng ta cũng mong manh chẳng khác gì nắng quái chiều hôm. Còn tình yêu? Chẳng phải người ta vẫn thường ví tình yêu cũng giống như đóa hoa Phù dung sớm nở tối tàn đó hay sao? Nhưng thi nhân của chúng ta đã không bi quan, bằng tất cả sức mạnh của tình yêu thi nhân đã can đảm vượt qua nỗi sợ hãi của cái chết, và đã xem cái chết cũng thơ mộng chẳng khác gì sự sống:

"Tôi sẽ đặt trước thần chết chiếc bình tràn đầy của tôi với những trái nho dịu ngọt mà tôi đã hái trong những ngày mùa thu và những đêm hè, những bó lúa ngày mùa và những hạt thóc lượm lặt trong cuộc sống đa mang, tôi sẽ đặt trước cửa nhà khi thần chết đến gõ cửa".

Và có sao đâu, khi ta đi rồi thì mọi sự trên đời này vẫn không có gì thay đổi, nghĩa là Những ngôi sao vẫn thức dậy ban đêm, bình minh trở mình như cũ, và thời gian vẫn đầy giống như những cơn sóng biển mang theo lạc thú và buồn phiền. Sở dĩ thi nhân không sợ cái chết, vì theo thi nhân cái chết không thể nào bôi đen được sự lạc quan về sự sống, vì "Sự thật là cái chết chẳng phải là chân lý rốt ráo. Ta thấy nó hình như đen tối cũng như ta thấy bầu trời hình như xanh lơ, nhưng nó cũng chẳng bôi đen gì đời sống cũng như da trời chẳng bôi đen được cánh chim".

Nhưng nếu cái chết không thể bôi đen được đời sống, thế thì cái gì đã làm cho đời sống con người trên mặt đất này trở thành đen tối, nghĩa là lúc nào cũng xao xuyến, cũng hoang mang và sợ hãi trước cái chết?

Tagore đã không tiếc lời đổ lỗi cho nền văn minh Tây phương:

"Xưa kia, ở Hy Lạp văn minh phát huy trong khuôn khổ đô thị. Thật vậy, các thành trì đã bảo vệ cho nguồn gốc của mọi nền văn minh hiện đại. Sự bảo vệ vật chất này đã để lại trong tinh thần con người một dấu vết sâu đậm. Nó đã du nhập vào các quan niệm của ta bởi nguyên tắc "chia để trị" làm nảy nở trong ta cái thói hễ chinh phục được nơi nào thì lập tức xây thành bao quanh và phân ranh nơi này với nơi kia. Ta biệt lập xứ này với xứ khác, ta phân nhỏ các kiến thức của ta thành những ngăn kín mít, ta phân biệt giữa con người với thiên nhiên. Do đó, ở ta phát sinh những ngờ vực trầm trọng đối với những gì ngoài các hàng rào mà ta đã dựng lên, các phần tử bên ngoài phải chiến đấu cam go để được ta thâu nhận".

Trong khi đó, Ấn Độ, một trong những nơi phát minh ra nền văn minh Đông phương thì hoàn toàn ngược lại:

"Người Aryen đầu tiên đột nhập Ấn Độ, xứ sở của chúng tôi còn toàn là rừng rú, và bọn người mới đến chả mấy chốc đã biết khai thác. Rừng núi đã bảo vệ họ khỏi cái nắng như thiêu đốt, khỏi các dông tố hàng ngày tàn phá các xứ nhiệt đới, các rừng đã cung cấp thực phẩm cho trâu bò, củi để tế thần linh, vật liệu để xây cất nhà cửa. Các bộ lạc Aryen dưới sự dìu dắt của các tộc trưởng đã an cư lạc nghiệp tại các miền có rừng núi bảo vệ họ được an toàn, có thực phẩm, có nước uống dồi dào".

Một nền văn minh đã phát xuất từ thành thị có nghĩa là nền văn minh đó đương nhiên phải nhìn thiên nhiên bằng cặp mắt lạnh lùng vô cảm vì "Trong đời sống đô thị, con người dĩ nhiên chỉ tập trung tâm trí mình vào nếp sống của chính mình, vào công việc của chính mình, và do đó có một sự chia rẽ giả tạo giữa chính mình với thiên nhiên vũ trụ ấp ủ nó trong lòng".

Vì sự chia rẽ giả tạo này theo Tagore nhất định phải đưa đến một hậu quả vô cùng tai hại:

"Một khi bằng những hàng rào vật chất và tinh thần chúng ta lại quyết liệt tự phân cách mình với nếp sống vô tận của thiên nhiên, một khi chúng ta trở thành tầm thường, chứ không phải là ‘Con người trong vũ trụ’ nữa, cũng là khi chúng ta tự tạo ra những vấn đề rối rắm cho chúng ta".

Còn một nền văn minh phát xuất từ núi rừng như dân tộc Ấn Độ thì có một cái nhìn hoàn toàn khác: "Con người và thế giới được bao gồm trong một chân lý vĩ đại duy nhất, Ấn Độ nhiệt liệt chủ trương sự hòa đồng giữa cá nhân và vũ trụ. Ấn Độ cảm thấy rằng chúng ta không thể có sự giao cảm nào với thế giới chung quanh ta nếu như nó hoàn toàn xa lạ với chúng ta".

Nhưng điều mà một dân tộc như dân tộc Ấn Độ đã sống hay nói đúng hơn là đã từng chứng nghiệm cái chân lý rằng "con người và vũ trụ được bao gồm trong một chân lý vĩ đại duy nhất" thì có thể giúp ích gì cho thế giới hôm nay, một thế giới mà ta có thể xem như đã ‘Tây phương hóa từ rất lâu rồi’? Một Tây phương mà Tagore cho rằng "lúc nào cũng tự phụ rằng mình đã chế ngự được thiên nhiên" và cứ "làm như chúng ta đang sống trong một thế giới thù địch" và bởi vậy họ phải dồn hết tất cả nỗ lực để "giành giựt cho được tất cả những gì mà họ cần đến từ một trật tự của những sự vật kỳ dị và ương ngạnh".

Tagore đã trả lời câu hỏi quan trọng ấy như thế này:

"Mục tiêu của tư tưởng Ấn Độ chẳng phải là quyền uy; Ấn Độ không quan tâm phát huy triệt để các tiềm lực của mình, không tổ chức dân tộc mình thủ hay công, để cộng tác hầu thâu đoạt của cải và thống trị về chính trị hay quân sự. Lý tưởng mà Ấn Độ có thể thực hiện đã đưa những người ưu tú của mình tự biệt lập trong một nếp sống trầm tư. Và các kho tàng mà Ấn Độ đã chinh phục được nhân loại bằng cách đi sâu vào các bí mật của chân lý chân chính thì Ấn Độ đã phải trả một cái giá rất đắt trong địa hạt của những thành công mà thế giới hiện nay đã thừa nhận. Tuy nhiên, đó cũng là một thực hiện cao cả, một biểu thị cao cả của nguyện vọng con người không chấp nhận hữu hạn, và mục đích chính không gì khác hơn là thể hiện cái ‘vô hạn’".

Đúng là gần như toàn bộ sự nghiệp văn chương, triết lý và thi ca của Tagore đều nỗ lực đi tìm kiếm cái vô hạn này.

Đối với Tagore vô hạn là vấn đề sống chết, nếu không tìm được vô hạn ngay ở kiếp này thì con người sẽ phải chết đi trong tức tưởi, trong đau khổ. Bởi vậy nên ông lặp lại cái kinh nghiệm của dân tộc ông:

"Ở Ấn Độ, vô hạn chẳng phải là một nội dung vô nghĩa. Các Rishis của chúng tôi từng khẳng định hẳn hoi rằng "biết được nó trong kiếp này là thật, không biết được nó trong kiếp này là chết đi trong đau khổ". Vậy thì làm sao để biết nó? "Bằng cách nhận thức được nó ở mỗi vật và ở mọi vật", không những trong thiên nhiên, mà cả trong gia đình, trong xã hội và cả trong quốc gia, càng ý thức được tâm thức của vũ trụ ở mọi cái thì càng hay cho ta, càng không nhận được tâm thức ấy, thì toàn thể chúng ta sẽ tiến đến diệt vong".

Tagore đã viết điều này không phải chỉ căn cứ trên phương diện lịch sử mà ông còn căn cứ ngay cả trên thực tế của xã hội Ấn Độ mà Tagore đang sống, dù xã hội đó cũng giống như bất cứ xã hội các quốc gia nào khác đang thay đổi một cách nhanh chóng:

"Chúng tôi cũng từng có những con người đạo đức, những bậc anh hùng và những nhà thông thái, chúng tôi cũng có những chính khách tài ba, những minh quân và những đại đế", nghĩa là Ấn Độ cũng tôn kính những gì mà tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều tôn kính. Nhưng Ấn Độ khác ở chỗ người dân Ấn Độ có cái mà các quốc gia trên thế giới cận đại cũng như đương đại đều hoàn toàn không có. Đó là các Rishis, chính các Rishis này mới được toàn thể dân tộc Ấn Độ tôn kính hơn cả các nhà thông thái, các nhà khoa học và các bậc anh hùng. Nhưng Rishis là gì mà lại được dân tộc Ấn Độ tôn kính như vậy?

Theo Tagore thì Rishis là "Những người đã đạt được linh hồn tối thượng trong kiến thức, đã thấm nhuần minh triết, những người đã thấy linh hồn tối thượng kia hoàn toàn phù hợp với nội tâm của mình. Khi đã thực hiện linh hồn tối thượng trong tâm mình, họ cởi bỏ được mọi vị kỷ, vậy khi đã ý thức được linh hồn tối thượng trong mọi hoạt động của nhân sinh thì họ đạt đến bình thản, đã tìm được thanh tịnh bất diệt, nên đã hòa mình với vạn vật, đã thâm nhập vào đời sống của vũ trụ".

Trong tinh thần ấy, chúng ta có quyền nghĩ rằng những tên tuổi vĩ đại của Ấn Độ cận đại cũng như hiện đại như Ramakrishnan, Aurobindo, Krishnamurti và đặc biệt nhất là Mahatma Gandhi đều là những Rishis đã đem cái "vô hạn xuống trong thiên hình vạn trạng của cái hữu hạn"; đúng như lời phát biểu của Tagore: "Cái vô hạn vì sự biểu hiện của mình đã hạ xuống trong thiên hình vạn trạng của cái hữu hạn; và cái hữu hạn vì sự tự thực hiện của mình phải vượt lên cái duy nhất của vô hạn, có như thế thì bấy giờ vòng chân lý mới hoàn toàn đầy đủ"(7).

Tagore đã diễn đạt lại tư tưởng ấy bằng tinh thần của thi ca:

Hạt sương rơi than khóc với thái dương:

"Tôi mơ mộng Ngài, nhưng để hầu hạ Ngài không bao giờ tôi dám hy vọng. Tôi quá nhỏ bé để kéo Ngài về với tôi. Hỡi Chúa tối cao, và suốt đời tôi đầm đìa giọt lệ".

Vầng thái dương đáp lại:

"Ta chiếu soi khung trời vô hạn, nhưng ta cũng hạ cố đến những giọt sương nhỏ mọn. Ta sẽ chỉ là một tia sáng tràn ngập lấy mi và cuộc đời nhỏ bé của mi sẽ là một bầu trời tươi sáng"(8).

Và để "hạ cố đến những giọt sương nhỏ mọn" Tagore đã quyết bám lấy cuộc đời, mà cuộc đời không phải lúc nào cũng chỉ "có những ánh mắt ranh mãnh, tinh ma" mà còn có cả "những nụ cười dịu hiền, chất phác nữa":

Ở đây, có những người có nụ cười dịu hiền, chất phát, có những ánh mắt ranh mãnh, tinh ma, có những người nước mắt tuôn trào trong ánh sáng ban ngày và có những người nhỏ lệ âm thầm trong bóng tối âm u. Họ thảy đều cần đến tôi, bởi thế tôi làm gì có thời giờ ấp ủ cuộc đời bên kia thế giới. Tôi cũng thuộc thời đại với mọi người. Có sao đâu, nếu tóc tôi đã ngả màu?"(9).

Bài thơ ấy có thể coi như cái nhìn tổng quát của Tagore về cuộc đời, khiến ta phải liên tưởng đến trầm tư của Đức Phật, khi Ngài dùng thiên nhãn để quan sát căn cơ của chúng sinh trước khi Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên Sahampati bước xuống cuộc đời để trao truyền giáo pháp vĩ đại:

"Ngài nhận thấy rằng chúng sanh kẻ ít người nhiều có cát bụi trong mắt, người thông minh sáng suốt, kẻ mù tịt tối tăm. Bẩm tính người này tốt, người kia xấu, có chúng sanh dễ dạy cũng có chúng sanh khó dạy và một số ít khác nhận định được mối hiểm họa tội khổ của kiếp sống trong tương lai"(10).

Theo chân Đức Phật cũng như các Rishis đi trước, Tagore cũng xuống núi để trao truyền cái vô hạn giữa cuộc đời hữu hạn này.

Tagore vốn là một người theo đạo Bà La Môn nhưng vì không chịu đựng nổi cái bất công giai cấp mà các tu sĩ Bà La Môn đã tự đặt ra để hưởng đặc quyền đặc lợi trên sự đau khổ, rên siết mà các tín hữu của ông phải cắn răn chịu đựng.

Ông chỉ trích họ qua một bài thơ mà có thể gây ra nhiều ngộ nhận nhất là những người cố chấp vì họ nghĩ rằng Tagore đã báng bổ niềm tin về sự cầu nguyện của họ. Nhưng theo tôi bài thơ ấy lại rất cảm động:

Hãy từ bỏ những tràng hạt

Và những lời tụng niệm, hát ca!

Người thờ ai

Trong cái xó tối đen,hẻo lánh này

Của ngôi đền đóng kín?

Hãy mở mắt nhìn xem

Có Thượng đế nào trước mắt người đâu

Thượng đế ở nơi

Người nông dân đang cày mãnh đất khô cằn

Và nơi phu đường đang đập đá

Thượng đế ở cùng với họ

Trong nắng trong mưa

Và quần áo của người

Cũng phủ đầy bụi bặm

Hãy cởi chiếc áo linh thiêng

Và như Thượng đế, hãy đi vào đất bụi

Thoát tục ư?

Biết tìm sự thoát tục ở đâu?

Thượng đế của chúng ta

Đã vui vẻ mang vào mình

Những sợi dây của sáng tạo

Người đã buộc chặt với chúng ta

Mãi mãi không rời

Hãy ra khỏi những phút giây trầm mặc

Và hãy dẹp bỏ hết thảy hương hoa!

Dầu áo quần có bị rách bươm và hoen ố

Thì có gì đáng tiếc?

Hãy tìm đến gặp người

Và đứng bên người trong lao động gian lao

Mồ hôi ướt trán(11).

Ta nên hiểu bài thơ trên như thế nào? Có phải đó cũng là Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật theo tinh thần của Phật giáo, nhất là Phật giáo Đại thừa?

Tagore đã sanh ra và lớn lên ở những năm cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX (1861-1941). Như vậy là Tagore đã phải sống lênh đênh giữa hai thế kỷ với nhiều biến động giữa những giá trị truyền thống tâm linh của quê hương ông cùng với những giá trị tư tưởng Tây phương đã theo gót giày xâm lược của người Anh vừa mới du nhập vào đất nước ông. Tagore với tư cách là một người cha già của dân tộc Ấn Độ (ông là bạn thân với Mahatma Gandhi, người đã khai sáng ra nước Ấn Độ hiện thời) đã có lời khuyên những người trẻ tuổi đang đứng ngơ ngác giữa ngã ba đường rằng, hãy tự mình vạch lấy con đường đi của chính mình với tất cả lòng kiêu hãnh:

Nơi ấy trí bất khuất, đầu ngẩng cao

Nơi ấy, hiểu biết tự do phóng dật

Nơi ấy, thế giới không bị thành trì

Cổ hủ hẹp hòi phân chia thành mảnh nhỏ

Nơi ấy tiếng nói phát ra từ sự thật thẳm sâu;

Nơi ấy, nỗ lực không ngừng vươn tìm tuyệt đối

Nơi ấy, suối lý trí trong veo

Lượn khúc không lạc lối vào bãi cát

Ủ dột, hoang vu của tập quán khô cằn, cứng nhắc;

Nơi ấy cha dẫn tâm trí con vào hành động

Và suy tư mở rộng luôn

Trong vòm trời tự do ấy

Xin cho quê hương con bừng tỉnh

Cha ơi!(12).

Tagore vốn rất hãnh diện về truyền thống tâm linh của Tổ quốc mình, vậy mà trong bài thơ này ta thấy ông đã bị bắt buộc lặp đi lặp lại đến những hai lần về những "thành trì cổ hủ hẹp hòi", về những "tập quán khô cằn, cứng nhắc" thì ta có thể hiểu được là những thế lực bảo thủ đã ngăn chặn sự vươn dậy của thế hệ trẻ nơi Tổ quốc ông lúc ấy như thế nào. Và ta tin chắc rằng Ấn Độ không phải là trường hợp ngoại lệ mà dường như đó cũng là số phận chung của tất cả những quốc gia chậm tiến? Với những quốc gia có lịch sử văn minh lâu đời như Ấn Độ hoặc Trung Quốc chẳng hạn thì đã tạo ra rất nhiều nhà Nho hương nguyện. Những nhà Nho hương nguyện này luôn luôn trích dẫn lời các bậc Thánh hiền một cách thành thạo. Ví dụ nếu là nhà Nho Trung Quốc thì họ luôn luôn nhắc đến Tứ thư, Ngũ kinh, trích dẫn lời của Khổng Tử, Lão Tử hay Mạnh Tử. Còn nếu là đạo sĩ Ấn Độ thì họ cũng sẽ rất thành thạo trích dẫn các Thánh thư như Vệ Đà, Upanishad hoặc Bhagavad Gita. Nhưng sau những lời của các bậc Thánh hiền ấy thì tâm hồn của họ trống rỗng, họ chẳng thấy cái đẹp ấy đâu cả. Đối với hạng người này, Tagore cho rằng cái đẹp đối với họ "chỉ còn là đồ trang sức của bọn thương nhân trong cái nghiệp ngôn từ". Tagore ví sách vở chẳng khác gì ngọn đèn cháy leo lét trong căn nhà tối tăm. Ông kêu gọi những người nô lệ sách vở hãy tắt ngọn nến leo lét đó đi để căn nhà được tràn ngập ánh trăng:

Đêm tối thật cô đơn với tôi, và tôi đọc một cuốn sách cho đến khi tim tôi khô cứng.

Và dường như với tôi, cái đẹp chỉ còn là đồ trang sức của bọn thương nhân trong cái nghiệp ngôn từ.

Mệt mỏi, tôi khép sách và thổi tắt nến. Trong phút chốc căn phòng tràn ngập ánh trăng.

Tagore cứ băn khoăn nhắc đi nhắc lại rằng, làm sao một quyển sách trước ngọn nến lại có thể tả hết tất cả vẻ đẹp của bầu trời cao rộng?

Hỡi tinh thần của cái đẹp,

Làm sao người với vẻ rực rỡ làm rạng ngời bầu trời lại chịu khuất mình sau ngọn nến nhỏ nhoi?(13).

Đọc bài thơ trên khiến tôi cứ liên tưởng đến Lục tổ Huệ Năng và Thần Tú. Tôi nhớ có một tác phẩm nào đó đã ví bài kệ của Thần Tú như ngọn đèn trong căn nhà còn bài kệ của Lục tổ Huệ Năng như ánh trăng ngoài trời.

Nói như vậy để ta hiểu rằng ngọn nến cũng rất cần thiết khi ta đang ngồi trong căn nhà tối tăm, nhưng nó sẽ không còn cần thiết nữa khi ánh trăng đã tràn ngập vào căn nhà tối tăm mà ta đang ngồi.

Và như thế chắc chắn Tagore không hề chỉ trích kinh điển hay sách vở mà ông chỉ chỉ trích những kẻ nô lệ vào kinh điển hay sách vở mà thôi. Nói cho cùng thì sách vở chỉ là phương tiện chỉ cho ta thấy bầu trời tràn ngập ánh trăng chứ chính nó không phải là ánh trăng. (Còn tiếp phần II)

Thích Phước An 

(1) Phạm Khải dịch, Nxb Lao động, Hà Nội 2005. Tr. 75. (2) Sđd. Tr.74. (3) Tất cả đều được trích từ Thực nghiệm tâm linh (SADHANA), Như Hạnh dịch, Nxb Văn học, Hà Nội 2007. (4) Sđd. Tr.76. (5) Nguyễn Hiến Lê dịch. (6) Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Đại học Sư phạm TP.HCM 1989, tr. 336. (7) Lịch sử triết học Phương đông tập 3, Nguyễn Đăng Thục, Nxb TP HCM, tr. 7. (8) Sđd. Tr.8. (9) Đỗ Khánh Hoan dịch. (10) Đức Phật và Phật pháp của Narada, Nxb TP.HCM 1998. (11) Đào Xuân Quý dịch. (12) Đỗ Khánh Hoan dịch. (13) Vũ Hoàng Linh dịch.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang