“Con Về Còn Trọn Niềm Tin” là tập tạp văn của Thượng tọa Thích Giác Tâm, gồm 51 bài tạp văn và 8 bài thơ, Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành - 2012. 51 bài tạp văn được Thầy chia sẻ trong tập tản văn này, là 51 tâm sự, ước vọng mà thầy muốn gởi gắm, nhắc nhở đến tất cả chúng ta. Trong đó, tình cảm cao quý, tri ân đặc biệt, dành cho những vị cao tăng, mà thầy có ân đức được thân cận, tu học trên con đường giải thoát đã chọn, rất đáng trân trọng.
Tôi thật có duyên may được người bạn đạo gởi tặng trong giai đoạn đang lâm vào cảnh ngộ đau buồn. Tuy thời gian được đọc tập sách này trễ sáu năm, nhưng thời gian trong tác phẩm của Thầy không là điều quan trọng, mà chính tấm chân tình trao gởi của Thầy đã cho tôi niềm vui sống, còn sáng mãi cho đến hôm nay.
Trên con đường tu học dài lâu gian khó của Thầy, đã được kề cận, gần gũi với nhiều vị cao tăng, nhận được nhiều ân triêm của những bậc cao tăng thạc đức đi trước, đó là một diễm phúc lớn trên hành trình đi về miền an lạc vĩnh hằng, cho đời này và đời sau của một người xuất gia - “Con Về Còn Trọn Niềm Tin” của Thượng tọa Thích Giác Tâm - là một chuyến trở về đầy ắp niềm tin và tình yêu thương cho mọi người.
Thầy đã tâm sự về người thầy của mình: “Một đời tu học của Thầy không hề biết riêng tư. Sống trong lòng giáo hội phục vụ chưa từng mệt mỏi, chùa chiền cũng của giáo hội. Trụ trì là làm dâu trăm họ, mà nhất là chùa hội nữa, sự xung đột, va chạm rất dễ xảy ra. Thầy không muốn đem mẹ về ở gần, bởi vì bà cụ rất khó tính sợ phiền bổn đạo, vả lại điệu chúng đông đảo, e chúng ở không được, vì hầu hết các bà mẹ của quý Thầy, đều ỷ lại mình là mẹ Thầy trụ trì nên phần đông đều cay nghiệt với chúng điệu, chúng không thể nào ở nổi”. (Đóa Hồng Ngày Ấy - trang 168).
Thế nên, Thầy đã gởi mẹ ở một ngôi chùa làng, cùng với vị sư ông 70 tuổi (Sư Ông là bạn của thầy từ ngày xưa). Chùa không có điệu chúng, chỉ có Dì Hai trên 60 tuổi giúp việc. Ba người nương tựa vào nhau, Thầy cung cấp thực phẩm thuốc men, mỗi năm thầy về thăm năm ba bận ở lại vài hôm rồi ra đi.
Một hôm, thầy kể một câu chuyện về vị Sư Tổ, các đệ tử mới hiểu ra, vì sao thầy không đem mẹ về ở chung. Sư Tổ xuất gia năm 16 tuổi, ở nhà chỉ còn mẹ và anh trai. Một năm sau, quê nhà binh biến, anh trai Tổ mất, mẹ thì không biết lưu lạc phương trời nào.
Ba mươi năm sau, Tổ trở thành một cao tăng rường cột trong đạo pháp, hóa đạo khắp nơi, đến đâu Tổ cũng dò la tin tức mẹ. Khi tuổi cao sức yếu, Tổ được mời về trụ trì một ngôi Tổ đình ở Bình Định. Một hôm, có bà lão gần 70 tuổi rách rưới, đến chùa xin Tổ cho ở nhờ làm công quả. Gạn hỏi, thì ra là mẹ của Người. Tổ rất vui mừng khi được gặp mẹ bất ngờ, nhưng an nhiên, tảng lờ như không hề hay biết gì về thân thế của bà lão nọ.
Từ đó bà ở bên cạnh Tổ, giúp đỡ chúng tăng, sáng chiều quét lá, nhặt rau, nhóm bếp. Tổ luôn âm thầm theo dõi mọi sinh hoạt của bà, khi đau yếu trở trời tìm cách nhờ vả khéo léo để các điệu giúp đỡ, săn sóc bà. Thỉnh thoảng, muốn giúp bà ít tiền để tiện dùng khi cần, nhưng không đưa trực tiếp cho bà, mà đem tiền bỏ cây me, cây bồ đề, cây sứ. Khi quét dọn, bà lượm đem đưa cho Tổ; nhưng Tổ nói: “Tiền ai đánh rơi không biết, bà lượm được cứ mua trầu ăn đi, nếu biết ai đánh rơi tôi sẽ trả cho họ, bà đừng bận tâm”. Tổ nghĩ, theo tâm lý chung, tiền nhặt được vẫn “thích” hơn là nhận của người khác cho, dễ làm ta tủi thân, hoặc mang ân huệ.
Năm tháng cuối đời bà đau nặng, hôm bà trầm trọng nhất, Tổ hỏi: “Trước khi về cõi Phật bà có điều gì muốn trăn trối lại không?”. “Bà nhìn chăm chăm vào mặt Tổ, trong tiềm thức hư ảo xa xôi, bà thấy Tổ sao giống con bà ngày xưa quá! Đứa con của mùa loạn lạc, mấy mươi năm qua bà chưa một lần gặp mặt.”. (Đóa Hồng Ngày Ấy - trang 171).
Trước khi nhắm mắt, bà chỉ ao ước được nhìn thấy mặt và cầm tay con lần cuối. Tổ không cầm được nước mắt, gục vào lòng bà thổn thức: “Mẹ ơi! Con là con của mẹ đây”. Đôi môi bà hồng lên đôi chút, thoáng mỉm cười mãn nguyện, và ra đi trên tay Tổ.
Khi rõ câu chuyện, chúng tăng buồn, thương khóc, ân hận và tỏ ý trách Tổ sao không cho chúng biết sớm, để có nhiều người đối xử tệ với bà. Tổ nói: “Tôi không muốn nói ra sự thật vì sợ bà ỷ lại, còn các ông sẽ vì tôi mà chìu bà rồi gây ra những nội kết không hay, và có khi không chịu nổi tính khí bà, bỏ chùa ra đi nữa”. (Đóa Hồng Ngày Ấy - trang 172).
Với lời văn trong sáng, giản dị, mà ý tình chơn phác, sâu đậm; tác giả đã cho người đọc một bài học, một cảm xúc, dạt dào về tình mẹ, nghĩa con thiêng liêng, cao quý. Người đời thường có ý nghĩ “đi tu là người không có lòng hiếu thảo”, nhưng “đạo hiếu” đâu phải chỉ gói gọn trong chuyện cơm ăn áo mặc, mà nhu cầu tinh thần, đời sống tâm linh cho ngày nay và ngày sau, mới là điều tối quan trọng. Chữ “hiếu” ở người xuất gia rất cao đẹp, thâm sâu, nhưng sự thể hiện của họ không như nhiều người lầm tưởng. Người xuất gia với chí nguyện dành cả cuộc đời cho cứu cánh giải thoát, cho hoằng dương Chánh pháp, không riêng tư; không nghĩ đến bản thân, nhưng “tâm hiếu là Tâm Phật”, luôn được ghi khắc, do vậy thầy của thầy không đưa mẹ đến ở cùng, dù mẹ thầy đã tuổi già, sức yếu. Tổ không dám nhìn mẹ, chỉ âm thầm chăm sóc mẹ, cũng vì sợ bà ỷ lại rồi gây ra những nội kết không hay, ảnh hưởng đến việc chung; chữ “hiếu” ở đây thật đáng kính phục!.
“Nếu không có mùa đông giá tuyết, lá rụng tơi bời, cành cây trơ trụi xương xẩu, thì làm sao có được mùa xuân nắng ấm, hoa lá sởn sơ tơ nõn căng đầy nhựa sống. Bản chất của cuộc đời là trôi chảy, làm sao ta có thể buộc dòng sông không cho luân lưu được, hay cột treo vầng mây bạc kia lại, không cho nó phiêu du tan hợp giữa đất trời”. (Giọt Nước Cành Dương - trang 188).
Bản chất của vạn pháp, của cuộc đời là chuyển biến, trôi chảy không ngừng nghỉ; như dòng sông, muôn đời mãi xuôi dòng, lúc lững lờ, lúc cuồn cuộn. Chúng ta không thể bắt thời gian ngừng trôi, cuộc đời dừng lại, để chờ đợi ai. Chúng ta đang lang thang trên khắp nẻo đi về, vì tam độc “tham sân si” luôn lôi kéo, mê hoặc, rồi mê mãi chìm đắm, hưởng thụ nên càng ngày càng lún sâu trong vô minh, u tối. Do vậy những năm tháng ở cuộc đời này, nếu có một chút duyên lành biết Phật, gặp Đạo, thì nên tu rèn, tự mình chuyển hóa, để khỏi uổng phí một kiếp được thân làm người khó được.
Với lời dặn dò, như lời tâm sự nhẹ nhàng, tác giả đã ân cần nhắc nhở: “Chết có thật đáng sợ không là tùy thuộc ở nơi ta, ở nơi cách sống, làm việc, phụng sự và hy sinh cho tha nhân, cho cộng đồng của chúng ta. Sống đẹp thì chết đẹp, sống không đẹp thì chết không đẹp.” (Mùa Xuân Nói Chuyện Với Tay, Với Mắt, Với Tai - trang 300).
“Sống đẹp, thì chết đẹp. Sống không đẹp, thì chết không đẹp”. Sự thật là vậy. Đơn giản là vậy, mà đã có ai làm tốt được? Thế nên, chúng ta phải biết hy sinh bản thân mình, mở lòng yêu thương và giúp đỡ mọi người; buông bỏ mọi thứ không cần thiết, làm vướng bận, nặng nề; thì chắc chắn ta sẽ thấy được nguồn sáng mầu nhiệm an lạc ở cuối con đường chúng ta đang đi tới.
Ta phải tự mình vén màn đêm u tối kia, thì ánh sáng sẽ chiếu rọi không thể nhờ ai khác. Ánh sáng vốn vĩnh hằng, có mặt khắp nơi nơi, ta phải mở lòng ra thì mới đón nhận được. “Thì ra ánh sáng có bao giờ mất đâu, vẫn muôn đời bất tử kia mà! Ta không thấy ánh sáng, bởi vì ta không mở “cửa lòng” ra đón nhận, không tạo điều kiện nhân duyên cho ánh sáng trở về, thế thôi”. (Nguồn Sáng Vĩnh Hằng - trang 95).
“Ánh sáng chân lý khó tìm được mà dễ đánh mất, nếu chúng ta không biết trân quý giữ gìn”. Đời người chỉ lâu dài trong hơi thở, sinh tử là việc lớn, đừng để vướng bận vào những việc nhỏ nhen, ích kỷ, mà tự mình đánh mất cuộc đời mình, sẽ không có một ai có thể cứu vớt. Thầy đã tâm tình: “Tôi không có bon chen, nên tôi không có chức quyền gì trong xã hội, trong đạo giáo. Chỉ là một ông thầy tu bình thường, yêu văn chương, nghệ thuật, yêu kiến trúc, thi ca. Và tôi đã làm theo sự dẫn dắt của con tim chánh niệm. Cả đời tôi, tôi đã hiến dâng cho đạo pháp, và rộng ra đạo với đời không hai”. (Tôi Biết Mình Đang Làm Gì - trang 251). Chúng ta cũng sẽ làm theo lời Thầy, hãy “làm theo sự dẫn dắt của con tim chánh niệm”, để có được một cuộc sống có ý nghĩa, trở về miền an lạc, như nhiên.
Trong bài “Nhớ Thầy - Hòa Thượng Thích Tịnh Tràng - Vạn Giã - Nha Trang”. Tác giả kể lại: “Ngày tôi vào đó Tăng chúng đã trên bốn mươi vị rồi, tấm lòng của Thượng tọa trụ trì độ lượng vô biên, ai đến xin ở đều chấp nhận hết, nhưng với điều kiện là phải tu học, không được lơ láo qua ngày đoạn tháng”. (Nhớ Thầy – Hòa Thượng Thích Tịnh Tràng - trang 228).
Hình ảnh vị thầy trụ trì ngôi chùa ở Vạn Giã ngày nào, luôn là hình ảnh đẹp, mẫu mực của một vị chân tu, mà Thầy đã tế nhị, nhắc nhở với chúng đệ tử. Một người luôn lo lắng đến sự học của chúng Tăng, hằng nghĩ đến tương lai đạo pháp, nên sở học của mình có bao nhiêu đều đem truyền lại hết. Khi biết đệ tử “học hết chữ nghĩa” của mình rồi, thì hoan hỷ gởi đến các viện Phật học cao cấp để học tiếp, bởi Phật pháp nhiêm mầu, vô biên.
Đến ngày cuối cùng của cuộc đời, Thầy đã biết trước, ân cần phó chúc mọi chuyện xong, rồi mỉm cười ra đi. Cuộc đời Thầy thể hiện trọn vẹn nếp sống “bần tăng”, hy sinh, bất thối chuyển: “Thầy đã nối tiếp một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, chỉ bằng sức mạnh niềm tin không gì lay chuyển nổi và tình thương vô biên đối với con người - vạn hữu”. (Nhớ Thầy - Hòa Thượng Thích Tịnh Tràng - trang 232).
Với tư chất như thiên tính “yêu văn chương, nghệ thuật” hiếm có nơi một vị tu sĩ, tác giả đã dùng văn và thơ, làm phương tiện chuyển tải Phật pháp, giáo hóa chúng đệ tử, trong nhiều chục năm nay. Trong tập tản văn này, có chia sẻ tám bài thơ, - là những lời tâm sự đầy tâm huyết, nhắn nhủ chúng ta trên bước đường tìm về với tự tánh, chân như.
“Ta đánh mất,
bởi vì ta lơ đễnh
Mắt xa xôi say mộng ảo nơi nào?
Hoa cỏ ấy,
xiết bao lòng trìu mến
Lắng lòng nghe hoa cỏ sẽ thì thào”.
(Nguyện Ước - trang 264).
Say đắm chạy theo những mộng ảo của đời sống, lơ đễnh không quan tâm; đến nỗi những thứ đơn giản, gần gũi chung quanh mình, như hoa, như cỏ, cũng không hề nghe được, nhìn thấy, dù cỏ hoa bao giờ cũng trìu mến, thì thào, réo gọi. Thiên nhiên và đời sống luôn muốn tâm tình, san sẻ với ta điều gì tha thiết; nếu biết lắng lòng, an tịnh.
“Ta đánh mất,
Bởi trầm tư thái quá!
Lối đi về quên bẵng cả trăng sao.
Mộng mị triền miên,
úa vàng hoa lá
Sông Thương đây!
Tơ tưởng núi non nào?”.
(Nguyện Ước - trang 264 - 265).
Tâm không trong sáng, an nhiên, sẽ đánh mất nhiều thứ - đó là bài học “vỡ lòng” khi vào con đường Đạo. Tác giả đã nhạy cảm, vi tế “khuyến dạy” bằng những vần thơ êm nhẹ, để tất cả mở lòng đón nhận lại những gì đã đánh mất, quên hết những buồn đau; nối lại đôi bờ bằng những nhịp cầu yêu thương từ con tim rộng mở.
“Lời bộc bạch lòng ta em đã tỏ
Nối tay nhau hàn gắn những nhịp cầu.
Giòng sông xưa
Đôi bờ hoa nở đỏ
Tặng cho nhau quên hết tháng năm sầu”.
(Nguyện ước - trang 265).
Hoài niệm về chùa xưa, cảnh cũ, hồi chuông quê nhà, bóng cây đa, hoa Ưu Đàm nở ngát hương. - “Quê Nhà” ở đây, chính là “Quê Xưa”, nơi từ đó ta ra đi, nhưng mãi trôi lăn theo dòng sinh tử, nên ta không nhớ nẽo quay trở về mái nhà thân yêu cũ.
“Ngày vui bất chợt con buồn
Thầy ơi con nhớ hồi chuông quê nhà
Nhớ chùa cổ, nhớ cây đa
Nhớ Đàm Hoa nở Hồ Trà ngát hương”.
(Hoài Niệm - trang 262).
Tác giả ước mơ được như là loài chim, có đôi cánh nhiệm mầu bay trở về nguồn xưa, để được an vui trong hạnh phúc vĩnh hằng. Rồi xin được làm hạt mưa, tưới khắp cùng trên cõi nhân gian khô cằn này cho thấm mát ân phước; xin được là ánh trăng, để soi sáng những đêm rằm uyên nguyên, tung tăng quây quần thuở nào. Những “ước mơ” đó đều đã được nẩy mầm trong cõi tâm rộng mở yêu thương:
“Cho con như là loài chim
Nhớ nhung vỗ cánh về tìm nguồn xưa.
Cho con làm hạt nước mưa,
Tưới trên quê mẹ sớm trưa khô cằn.
Cho con được là ánh trăng
Đêm rằm về lại tung tăng quây quần.
.... Đường con đi đường từ bi
Trọn đời con nhớ khắc ghi bên lòng.
Mai này nguyện ước tròn xong,
Con xin trở lại Cửa Không hầu Thầy”.
(Hoài Niệm - trang 262- 263).
“Con Về Còn Trọn Niềm Tin” đã hàm chứa nhiều tình cảm cao quý, hòa hợp giữa “đạo” và “đời” một cách tinh tế; cho thấy tác giả là một người giàu kinh nghiệm sống, am tường lẽ Đạo tình Đời. Người đọc có thể nhận biết, Đạo và Đời là một. Sự gắn bó giữa Đạo và Đời đã đem lại cho tất cả mối thân thiện, gần gũi trong lộ trình tu học. Với văn phong trong sáng, tình cảm chân thành, tác giả đã truyền đến cho người đọc một niềm tin kiên cố, để từ đó có thể tự mình chuyển hóa, trở nên một người sống có ích cho mình, cho người.
TIỂU NGUYỆT