Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Kinh Ngọc - Qua suối mây hồng, thi hóa kinh Kim cang của thi sĩ Phạm Thiên Thư.
Qua Suối Mây Hồng (Thơ ) Thi Hóa Tư Tưởng VAJRACCHEDIKA PRAJNÀ PARAMITA SÙTRA
Phạm Thiên Thư
16/10/2012 14:09 (GMT+7)




 

LỜI GIỚI THIỆU

Thầy Tuệ Không Phạm Thiên Thư một sinh viên tốt nghiệp Phật Khoa Vạn Hạnh đã có sáng kiến và can đảm thi hóa Kinh Kim Cương để cúng dường chánh pháp.

Tôi nói sáng kiến vì rất ít có Phật tử nếu không phải là chưa có, đã dùng thể thơ mà diễn đạt nghĩa chân không diệu hữu của Đại Thừa.

Tôi nói can đảm vì chỉ có tuổi trẻ mới can đảm làm những chuyện phi thường và thật là phi thường khi cả gan thi hóa bản kinh "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Thật sự, xưa kia Đức Phật cũng đã dùng thể kệ (gàthà hay sloka) để thuyết pháp độ sanh. Thể kệ tức là thể thơ ngày nay vậy.

Gọi là để tán thán công đức thi hóa của thầy Tuệ Không, tôi ghi sau đây bài kệ bằng chữ Sanskrit. bản kệ này được dịch ra chữ Hán như sau:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như-Lai

Ye màm rùpena càdràksurye
Màm ghosena cànvaguh
Mithyàprahàna prasrtà
Na mà draksyatite janà


Thích Minh Châu
Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh


 

TỰA

Đứng trước cảnh tàn sát, lắng nghe tiếng rên siết, tự cảm thấy mình bất lực, mà tụng niệm kinh Kim Cương thì lại thấy tâm hồn dịu lại.

Mầu nhiệm thay Kim-Cương!

Lạ lùng thay Kim-Cương!

Ước gì lòng tôi biến thành Kim-Cương để xóa tan biên giới Ta với phi Ta, để liễu ngộ sinh tử, để hết trụ vào Ta, cho cái tâm giải thoát.

Phải chăng đấy là cái Tâm "Ưng vô sở trụ mà sinh" nó đã dẫn dắt Huệ Năng về Tào Khê, nó đã làm cho Thái-Tông khoát nhiên tự ngộ vai trò lãnh đạo nhân dân "dĩ thiên hạ tâm vi tâm - dĩ thiên hạ dục vi dục". Vào sinh ra tử suốt cả một đời ngõ hầu thực hiện cái nghĩa vô tâm:

"Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý

Bạch vân xuất tụ bản vô tâm"

Không có ý mà làm, với cái tâm không tâm ! Thật khó lắm thay ! Cao siêu thay !

Ở vào thời mạt pháp, chính là thời khắp mặt đất mong cầu thánh chúa ra đời, Di-Lạc giáng thế. Cho nên để dọn đường cho hành động vô tâm tưởng như chỉ còn tâm lý nghệ thuật họa may làm cho con người tin tưởng vào Đạo Vô Cầu ở thế giới. Vì chỉ có cảm xúc mỹ nghệ mới gợi đuợc ở lòng người ý vị Trang Chu mộng làm hồ điệp, để nhìn thế giới với đôi mắt kim cương:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán

Vậy thầy Phạm Thiên Thư đã cảm ứng mà thi hóa kinh Kim Cương Bát Nhã.

Nên lắm thay!

Gia Định nay tựa mồng một, tháng tư, năm Canh Tuất
NGUYỄN-ĐĂNG-THỤC
Nguyên Khoa Trưởng Đại Học Văn-Khoa Saigon

 


Nguyện cúng dường kinh tạng thơ hoa
Trải tam thế mộng một tòa sắc hương
Kiếp sau làm chim trong sương
Về bay hóa độ mười phương trời vàng

Phạm Thiên Thư
 

NGỢI KINH

thân như sương đầu cỏ
tụ mười cõi trăng sao
nhập dòng thơ thâm diệu
mộng thức dưới hoa đào

DÂNG KINH

cánh lan ngọc cong cong
mười viền trăng thu khuyết
hoa khép tay trầm hương
qui-y tôn kính Phật

MỞ KINH

giấy cỏ hoa mây trắng
chép đôi dòng kinh thơ
suối nào vi diệu tụng
trang nghiêm cõi Phật thừa


I

Mây hào quang về hội
hoa suối cũng yên nghe
pháp hội nhân do

con chim thu cõi tịnh
cũng về hội ta bà
trùng trùng mây mây biếc
hoa trải cúng dường hoa

trong khu vườn mai trắng
sương đọng mấy từng hoa
sao tụ nước xá-vệ
hương ngát mười cõi xa

trên trụ đá mây đỏ
trải chiếu cõi lưu ly
Phật kết kim cương tọa
chim tụng pháp diệu kỳ

hai ngàn năm trăm vị
tỳ-kheo rực pháp-y
dưới thềm đá mây nổi
dưới thềm hoa uy nghi

II

Giữa rừng hoa tịch mặc
Thoảng tiếng suối thần rơi
Thiện hiện khải thinh

giữa đại chúng tịch mịch
hiền giả tu-bồ-đề
đứng dậy chắp tay ngọc
hoa trắng trải hoàng-y

vô ngàn, vô ngàn năm
mây hương một lần tỏa
vô ngàn, vô ngàn năm
cõi ngọc nở sao lạ

đức vô thượng như-lai
chúng sanh cầu đạo cả
chí an trụ nơi đâu
pháp trừ tâm huyễn vọng ?

III

hoa vàng khe đá cũ
trang nghiêm cõi đại thừa
đại thừa chính tông

thiện nam như ngọc trên đài sen
như hoa mai đông một sớm nở
lắng nhuần sương tụ mười cõi sao

chúng sinh cầu đạo cả
như trăng hiện hư không
hào quang vô lượng biển
mười cõi sáng mênh mông

nguyện độ hết chúng sanh
loài sinh từ trứng ngọc
loài sinh từ thai hoa
loài sinh hồ suối nước
loài hóa sinh cõi trời
loài có sắc không sắc
lãng đãng bụi vàng rơi
loài có tưởng, không tưởng
tan hợp thoáng mây trôi

chúng sinh như sương tụ
chúng sinh như mây tan
mười cõi bóng mây nổi
nhập vô-dư niết-bàn
vô lượng, vô biên độ
mà không một chúng sanh
đồng cùng như tánh trí
từ biển lặng vô minh

bồ tát thiên chấp ta
của ta, rồi khác ta
chấp chặt thọ gỉa tướng
chúng sanh tướng hằng sa
chưa thành bồ tát đạo

IV

dặm mây hồng muôn cõi
nào vì ngấn lệ hoa
diệu hành vô trụ

thực hành pháp bố thí
chẳng chấp thức căn trần
vô ngã vô sở trụ
vô ngại cõi phù vân

như mười phương sao biếc
mười phương cõi hư không
bố thí vô tướng trụ
công đức chẳng suy lường

bồ tát trụ tâm ta
như trăng tụ sương ngọc
như tĩnh lự mặt trời
mạch sống mười cõi nước

V

Phiến hoa mai trắng nở
cửa động khép xuân thu
như lý thực kiến

dùng tâm thân huyễn vọng
nhìn vạn pháp mây trôi
thấy chăng như lai tướng ?
chỉ thấy nước trăng xuôi

thân tướng không chân thực
gỉa dối bóng mây đưa
vượt qua vô chướng ngại
phương tiện như lai thừa

VI

ba cõi ngọc lưu ly
nở mặt rời không tiện
chính tín hy hữu

tu bồ đề tác bạch:
đứng vô thượng pháp vương
chúng sinh có tin thực
cửa trí huệ chân thường

người tu trì phước huệ
nguyện phát thanh tịnh tâm
tin pháp ngọc chân thực
muôn xưa thiện kiếp trồng
vô lượng kho châu ngọc
nghiệp đức tụ trăm sông

không chấp vạn hữu tướng
ngã, pháp, sạch tâm không
chính pháp như bè ngọc
dùng qua ngọn suối hồng
chân đến bờ vi diệu
bè cũng thả xuôi sông

VII

mây hồng kết giải suối
nào cần thuyền trăng đưa
vô đắc vô thuyết

nầy hiền gỉa bồ đề
diễn bầy ý chân thực
tôi được chính pháp chăng ?
và trao quyền pháp ý ?

không pháp nào vô thượng
phương tiện, phương tiện thôi!
ngài chưa thuyết một pháp
vì tánh chẳng y lời

đạt ý, như thực ý
lìa lời, như thực lời
đạt trí, như thực trí
ý, lời ngọn sóng khơi

vô lượng hiển thánh tăng
pháp vô vi tu hành
từ chân tâm vắng lặng
sái biệt độ quần sanh

VIII

tặng trùng hoa giọt ngọc
nào bằng thơ đại bi
y pháp xuất sinh

người đem biển châu ngọc
vô lượng núi lưu ly
rộng cho muôn cõi nước
khắp cỏ hoa phù đề
công đức vô biên lượng!
chưa bằng tụng một dòng
kim cương biển trí tuệ

hoặc diễn vi diệu thơ
cúng dường nhất thiết tướng
vì vô lượng Như-Lai
từ phẩm kinh ngọc này
chứng vô thượng chính giác
phật pháp, không phật pháp
mới tạm gọi phật thừa
thế gian tức phật pháp
nhuần làn giải thoát mưa
cỏ cây trổ hoa ngát

IX

cõi đất hồng mã não
nở muôn chúng hoa thơm
nhất tướng vô tướng

thánh quả tu-đà-hoàn
gọi nhập dòng giải thoát
chẳng gọi tu-đà-hoàn
vì thực không quả đạt
như đầm sâu bùn tanh
ngại vì hoa trổ ngát

thánh quả tư-đà-hàm
còn một lần sinh tử
chẳng gọi tư-đà-hàm
vì chẳng nơi lai khứ
như ao bợn bùn nhơ
khóm sen xanh thường trụ

thánh quả a-na-hàm
chẳng trong vòng dục-giới
không gọi a-na-hàm
vì chẳng nơi ngăn ngại
muôn cõi một cơn mây
mưa từ vô lượng trải
thánh quả a-la-hán
bậc an trụ niết bàn
chẳng là a-la-hán
vì ngã, pháp mây tan
như mặt trời thanh tịnh
muôn cõi giáp tâm đan

nay con tu tịch tịnh
vắng lặng như hư không
nên chẳng gọi tịch tịnh
vì động tĩnh ngoài vòng

X

một bông hồng tịnh mặc
trang nghiêm cõi bụt vàng
trang nghiêm phật độ

xưa hội Phật Nhiên Đăng
tôi đắc pháp nào chăng ?
ngài đắc vô sở đắc
vượt ngã, pháp tâm băng

vô lượng bồ-tát-hạnh
cõi Phật làm trang nghiêm
hạnh nguyện không sở nguyện
trang nghiêm thực trang nghiêm !

bồ tát khởi sinh tâm
thanh tịnh như hư không
vô nguyện, vô sở trụ
viên mãn một tâm đồng
như mưa khắp phương cõi
riêng gì chốn tây đông

XI

cao cao từng mây biếc
sao kết dòng thơ hoa
vô vi thắng phúc

người phát tâm bố thí
ngọc, sao đầy hư không
vàng, cuộn long giang cát
chưa bằng tụng kinh này
hoặc kết dòng thơ ngọc
vào mật ý như lai
tạo vô lượng nghiệp đức
vô lượng trợ thần oai
vàng ngọc thêm chấp chặt
tham si lệ đổ hoài
thấm dòng thơ giải thoát
cứu độ khắp trần ai

XII

trăng không lìa đáy suối
sen trắng ngát đầm xanh
tôn trọng chính giáo

người diễn nói kinh này
dù một câu đạo vị
khắp cõi quỷ, trời, người
cúng dường như tháp Phật

tôn kinh này nơi đâu
đó hào quang chư Phật
trì tụng trang ngọc kinh
tựu thành pháp bậc nhất

XIII

y trụ trang diệu kinh
lắng tan ba nghiệp vọng
như pháp thụ trì

hiền giả tu-bồ-đề
dưới thềm mây đá biếc
tôn kinh này tên gì ?
phụng trì sao như thực ?

này hiền gỉa bồ đề
tên kinh gọi kim cương
bát-nhã ba-la-mật
thụ trì như danh trên

Phật thuyết ba-la-mật
chẳng phải ba-la-mật
mới thật ba-la-mật
lìa tướng như thực tâm,
phương tiện lời biện biệt

chính pháp như bè ngọc
phương tiện vượt sông mê
bừng tự tánh bồ-đề,
bè sông như thực trí

vô cùng bụi nhỏ vàng
khắp đại-thiên thế-giới
ông nghĩ bụi nhiều chăng ?
vô lượng bụi vàng này
cũng không nhiều, không nhỏ
tạm gọi bụi vàng thôi
Như-Lai gọi thế giới
thế giới thực không nơi
tạm gọi là thế giới

như gợn mây đáy nước
lìa bóng để nhìn trời
mây mười phương tan tụ
bóng nào có một nơi
lìa kinh một chữ nhỏ
tức xa như thực lời
nệ chấp một câu nhỏ
chân tướng mãi xa vời
chấp sóng chẳng thấy nước
vọng tâm mãi nổi trôi
lìa sóng để thấy nước
sóng, nước một trùng khơi
vào, ra không ngăn ngại
chân , vọng chẳng riêng nơi

ba mươi hai tướng quý
có thấy được Như-Lai
bóng hoa in đáy suối
nào biết thực hoa mai
chẳng nệ tướng mây nổi
sá gì nghĩa Như-Lai

người mang vô thủy kiếp
như đáy cát sông trong
phát đại nguyện bố thí
như người chuyển kinh này
in tụng dòng thơ nhỏ
hoặc diễn giải thoát thơ
chúng sinh vô lượng độ
phúc đức ngút mây mờ

XIV

cánh cửa ngọc vi diệu
mở tụng mười cõi sao
ly tướng tịch duyệt

mười phương trời châu ngọc
thắp sáng từng lời kinh
xuôi về biển trí tuệ
hiền gỉa tu bồ đề

đức vô thượng Như-Lai
mở cửa ngọc vi diệu!
con từ vô thủy nay
mới nghe kinh mầu nhiệm
ý tuyệt vời mây bay!

có người nghe mật nghĩa
vào biển thanh tịnh tâm
khởi tướng vàng chân thực
tựu thành đức hy hữu
thật tướng, tức không tướng
mới là thâm mật thân
thật tánh, tức không tánh
thân, ý nắm phù vân

nay con được thụ trì
nương từ âm thần lực
thâm hiểu ngọc vàng kinh
để vào Như-Lai-Ý

vô lượng kiếp kiếp sau
người tụng đôi lời ngọc
phát tâm vô lượng từ
tựu thành nhất thiết đức

lìa gỉa ngã huyễn vọng
chẳng nệ tướng tụ tan
chúng sinh nguyện độ hết
địa ngục chuyển niết bàn

sau nghiệp chúng sâu dầy
có người tụng kinh ngọc
sợ hãi chẳng sinh lòng
vì tịnh không ngã, pháp
hy hữu, hy hữu thay!

đệ nhất ba-la-mật
chẳng phải ba-la-mật
mới thật ba-la-mật
nhập thể tánh tròn đầy
xa lìa ngôn tự thuyết

nhẫn nhục ba-la-mật
mê, ngộ chẳng xa lìa
ngã, pháp thể không lặng
cầu gì bên bờ kia

tiền thân tôi một kiếp
từng bị Ca-Lợi vương
hành hạ cắt thân thể
tâm chẳng sinh giận buồn
vì ngã, pháp không lặng

lại nhớ thủa quá khứ
tôi là vị tiên tu
nhập đại hạnh nhẫn nhục
ngã, pháp tướng xa lìa

người cầu đạo bồ đề
phát tâm vô lượng độ
lìa gỉa tướng mây hồng
bố thí vô sở trụ

chư tướng, không thực tướng
chúng sinh, không chúng sinh
lời chân như bình đẳng
không dối trá mảy may

khởi hạnh nguyện bố thí
chưa lìa tướng huyễn mê
như người trong ngục đất
quờ quạng có thấy gì !

khởi hạnh nguyện bố thí
chẳng vì sự, tướng mê
như người mở mắt sáng
dưới mặt trời lưu ly
thấu rõ pháp chân, vọng

mai sau có người nào
thụ trì phẩm kinh ngọc
vào biển trí Như-Lai
tựu thành vô lượng đức

XV

giọt sương đọng đài sen
ảnh chiếu ba cõi bụi
trì kinh công đức

có người đem thân mệnh
như phù sa hồng hà
bố thí muôn ức kiếp
có người trộm nghe kinh
khởi lòng tin thanh tịnh
đức vô lượng vô biên
hơn đại nguyện bố thí
trải thân ngọc tam thiên
vàng ngọc đắp ngục tối
dòng kinh mở não phiền

vì người khởi đại tâm
phát nguyện tối thượng thừa
tôi mở pháp vi diệu
ai đọc tụng thọ trì
diễn giải chân thực ý
vào biển huệ lưu ly
tựu thành vô lượng đức
là chuyển đạo Như-Lai
cứu người trong lửa vực

người chấp trược ngã kiến
chúng sinh, thọ gỉa kiến
như tù ngục trong thân
đối với kinh ngọc này
không thụ trì tụng đọc
chẳng thấy pháp NhưLai
chìm sâu dòng suối độc !

nơi nào mở kinh này
ngâm tụng dòng thơ nhỏ
khắp cõi quỉ trời người
cúng dường vô lượng độ
như kim thân Như-Lai
như tháp thờ xá lợi
thường tại giữa mây bay

XVI

vô cùng trăng sao vỡ
vô cùng bọt nước tan
năng tịnh nghiệp chướng

người trì tụng kinh này
bị người khác khinh chê
vì nghiệp trước sâu dầy
nay nghiệp tội tiêu tan
khởi phát thanh tịnh tâm
chứng vô lượng đạo quả
như sen ướp, trầm xông

trải qua vô lượng kiếp
tôi theo Phật Nhiên Đăng
cúng dường vô lượng Phật
công đức chẳng so bằng
người tụng phẩm kinh ngọc
nghĩa thâm diệu suy tầm
ngã, pháp thể không tịch
thực chứng đạo viên dung

XVII

rửa tay tam giới mộng
sông cuộn bụi vàng rơi
cứu kinh vô ngã

Hiền gỉa tu-bồ-đề
trải tọa cụ lưu ly
chắp tay lan bạch ngọc
tán thán pháp diệu kỳ!

đức vô thượng Thế-Tôn
truyền tâm đạo Bồ-Đề
pháp nào ý an trụ ?
pháp nào đẹp huyễn mê ?

người thiện nam, thiện nữ
khởi tâm đại Bồ-Đề
hết thảy chúng sinh độ
chúng sinh diệt độ rồi
như không một chúng sanh
mê, ngộ vô sai biệt
đồng tánh trí tựu thành

tu-bồ-đề hiền gỉa
ý ông nghĩ thế nào ?
tôi theo Phật Nhiên Đăng
chứng đạo vàng vô thượng ?

như mật ý Như lai
xưa Nhiên Đăng Phật hội
chẳng một pháp ngoài tâm
không chính đẳng, chính giác

nếu một pháp ngoài tâm
tôi vào vô thượng giác
cổ Phật Nhiên Đăng nào
thụ ký sao thành Phật:
hiệu Thích Ca Mâu Ni

bồ tát chấp ngã tướng
huyễn tướng khởi trùng trùng
như mắt quáng hoa không
chưa thành bồ tát đạo !

thực ra không pháp nào
khởi tâm cầu vô thượng
thực ra không pháp nào
gọi chính đẳng chính giác

xưa nay đạo không lặng
mê, ngộ chẳng ngoài vòng
một tâm giáp mười cõi
biển lặng bóng trăng trong

Như-Lai là diệu nghĩa
như như vạn pháp thường
xưa nay không một pháp
như bóng chớp hoa sương

không một pháp bồ tát
không ta cũng không người
không trang nghiêm cõi phật
mật nguyện hoa vàng tươi !

làm trang nghiêm cõi Phật
tức trang nghiêm cõi người
ngã, pháp bóng mây nổi
vào ra dòng nước xuôi

XVIII

một thể nước thanh tịnh
mây sương suôí biển đông
nhất thể đồng quán

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có nhục nhãn chăng ?
quả ngài có nhục nhãn

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có thiên nhãn chăng ?
quả ngài được thiên nhãn

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có tụê nhãn chăng ?
quả ngài có tụê nhãn

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có pháp nhãn chăng ?
quả ngài chứng pháp nhãn

hiền giả tu-bồ-đề
diễn bày ý chân thực !
tôi có Phật nhãn chăng ?
quả ngài có Phật nhãn

vô lượng số sông hồng
vô lượng cát phù giang
như vô lượng cõi Phật
vô lượng tâm chúng sinh
tôi đều như thực quán
tướng đồng dị mang mang
hoá sinh vô lượng kiếp
không ngoài tâm viên đồng
thể không sanh, trụ, diệt

XIX

mặt trời trí huệ sáng
mười cõi một tâm không
pháp giới thông hóa

bố thí vô lượng ngọc
bằng tất cả tam thiên
phúc đức nhiều vô lượng
từ một đại nhân duyên

nếu như phúc thật có
chẳng thể lượng ít nhiều
vì vốn không thật có
phương tiện nói bao nhiêu

nghiệp duyên như sóng nổi
phúc đức như bọt trôi
khi gío yên biển lặng
tìm đâu bọt giữa khơi

XX

lìa sương un bọt nổi
tâm hiện một dòng trong
ly sắc ly tưởng

nhờ kim thân đầy đủ
có thấy tướng Như-Lai
không qua thân mây nổi
mà thấy đức Như Lai

gọi sắc thân đầy đủ
nào phải sắc thân thường
mới gọt thân đầy đủ
huệ đức tạng Kim Cương

qua vạn tướng tốt đẹp
có thấy được Như-Lai ?
không qua tướng mây gấm
mà thấy dấu Như-Lai

đầy đủ tướng tốt đẹp
không phải tướng tròn đầy
mới tạm gọi đủ tướng
như bóng suối chim bay

như hoa nổi hư không
như mây chìm đáy nước
lìa sắc tướng, tâm không
chẳng tìm đâu một bước

XXI

không lời vàng thức ngộ
tâm thể có mê đâu
phi thuyết sở thuyết

người chấp Như-Lai pháp
là không hiểu nghĩa mầu
nghe pháp không chấp pháp
cầu pháp không người cầu
tôi hằng phương tiện thuyết
mê ngộ có xa đâu

vô lượng kiếp kiếp sau
người khởi tâm thanh tịnh
biết cầu đạo nơi đâu ?

tìm mộng trong giấc mộng
người mê, chẳng thấy mê
xưa nay không ngã, pháp
tìm đâu lối bồ đề

XXII

mở mắt dứt mộng lớn
mê ngộ chẳng đôi bờ
vô pháp khả đắc

đức vô thượng Như-Lai
tâm không chỗ sở đắc
đạo cả chẳng trong ngoài
nào có được mảy may

không một pháp vô thượng
chẳng cho cũng chẳng cầu
không hư, cũng không thực
mới gọi pháp nhiệm mầu

XXIII

tâm mười cõi hư không
nẻo vào đâu lối ngõ
tịnh tâm hành thiện

pháp như như bình đẳng,
không thấp cũng không cao
vô ngã, vô thọ gỉa
vô nhân, vô chúng sanh
do tu vạn pháp lành,
nẻo vào vô thượng đạo

pháp lành, không pháp lành,
dùng pháp, không nệ pháp.
lợi lạc khắp chúng sinh
niết bàn vô thượng đạt.

XXIV

tiếng chuông vàng thức chúng
cõi mộng thoảng tơ sương
phúc trí vô tỷ

có người dùng báu ngọc,
góp triệu dãy trường sơn.
rộng cho đến côn trùng,
phúc đức vô lượng bể.
không bằng một dòng kệ,
trì tụng hoặc diễn bầy,
ca ngâm kinh ngọc này,
khiến bừng tam giới mộng.
nghiệp đức nước nghìn sông,
cứu độ nhất thiết khổ,
cúng dường Phật mười phương.

XXV

mưa ngọc trải mười cõi
vô lượng chúng hoa thơm
hóa vô sở hóa

các ông chớ bảo rằng
Như Lai độ chúng sinh
vì ngã, pháp không tịch
nhân duyên tự độ mình
mình là đảo ngọc sáng
giữa biển vọng vô minh
mình, mắt xích phiền não
độ người tức độ mình

Như Lai tạm nói ngã
chỉ phương tiện giải bày
kẻ mê chấp thật có
như lặng suối tìm mây



XXVI

vàng vàng hoa mướp nở
mang mang hạt bụi rơi
pháp thân phi tướng

ba mươi hai tướng ngọc,
chẳng quán được Như-Lai.
dùng sắc không thấy Phật,
pháp thân nào trong ngoài.

dùng thân vàng thấy Phật,
dùng khánh ngọc cầu ta,
người đó lạc tà đạo,
đũa ngọc gắp sao tà.

XXVII

ngọn suối sương un trắng
rì rào bọt nước xô
vô đoạn vô diệt

xa lìa thân huệ ngọc,
nên chứng đạo bồ đề.
từ ý đó cầu đạo,
vạn pháp diệt tan đi.

vì phát tâm vô thượng
không chấp pháp đoạn trừ
xá chi mây tan hợp,
chân thực tướng như như.

XXVIII

vào ra cơn mây nổi
áo rũ bụi vàng rơi
bất thụ bất tham

bồ tát dùng thơ ngọc,
như cát nổi cửu long,
vô lượng kiếp bố thí.
có vị chứng pháp không,
được tạo thành pháp nhẫn.
công đức kể vô cùng,
hơn núi vàng biển ngọc.

vạn pháp không thật ngã,
hòa hợp đốm mây xanh.
chẳng tham chấp phước đức,
không hưởng phước quả sinh.
tâm ngọc không đắm nhiễm,
tròn tịnh nhật quang minh.

XXIX

chân khỏa ngọn suối trong
tan mấy từng sao biếc
vô nghi vô tĩnh

có người chấp Như-Lai,
là như lui, như tới.
là như nằm, như ngồi,
thật không hiểu nghĩa nói,

Như-Lai không đâu lại,
không do nơi nào đi.
Như-Lai như thực trí,
vì khởi ngộ tan mê.
ngã, pháp thể không tịch,
không đi cũng không về.

XXX

một ngọn suối cát trắng
thả mười cõi mây bay
nhất hợp ly tướng

nếu có người thiện nam,
đem đại thiên thế giới,
nghiền nát như bụi vàng.
ông nghĩ bụi nhiều chăng ?

tu-bồ-đề tác bạch:
vô cùng hạt bụi vàng
vì nếu bụi có thực,
Như-Lai không nghĩ bàn.
thực tướng lìa ngôn thuyết,
ẩn dụ ý mang mang.

những hạt bụi nhỏ đó,
tức không phải bụi vàng,
mới thật là bụi nhỏ.
Thực tướng khó suy bàn,
chẳng chấp phương tiện thuyết,

ba nghìn cõi đại thiên.
không ba nghìn thế giới,
mới gọi đại tam thiên.
vị thể không biện biệt.

nếu cõi kia có thực,
hình tướng hợp như mây,
một hình tướng hợp lại,
tức không phải tướng này.
mới gọi tướng hợp lại,
nhân duyên giấc mộng vầy,
như ánh chớp trời ngọc,
như thoảng nắm sương bay.

hình tướng mây tan hợp,
lời không thể nghĩ suy.
lòng tham chấp sự tướng,
nghe thêm chẳng ích gì.
như dưới cầu nước chảy,
vừa đó đã qua đi.

tôi thuyết, phương tiện thuyết,
người nghe, không chấp nghe,
bỏ quên lời bặt ý,
tự hiện tâm bồ dề.
mười phương nào ngăn ngại.

XXXI

máu huyết cất nhật nguyệt
một cõi ánh lưu ly
trí kiến bất sinh

nếu có người cho rằng:
Phật nói ngã, nhân kiến,
chúng sanh, thọ, gỉa kiến,
có hiểu ý tôi chăng ?

người nào đó hiểu nghĩa,
phương tiện thuyết Như-Lai.
lời nói không trọn ý,
người nghe chẳng vẹn lời.
vì tập kiến chấp chặt,
càng xa nghĩa diệu vời.
người phát tâm bồ đề,
tin, thấy, biết như thực.
chấp trược chẳng sinh lòng,
thực chứng minh huệ đức.

viên ngọc dấu trong tay,
nghe lời, tin lời thế
chẳng khởi tâm giữ lời,
cốt lìa xem ngọc thể.
niềm tin thoảng bóng mây.

XXXII

một cành hoa mai nở
trang nghiêm đồi thông hồng
vô hóa phi chân

có người dùng mưa ngọc,
rộng cho khắp tam thiên.
phúc đức vô lượng bể,
chưa bằng viết dòng kệ.
trì tụng hoặc diễn bầy
ca ngâm kinh ngọc này,
khiến tỉnh tam giới mộng.
nghiệp đức nước trùng dương,
cứu độ nhất thiết khổ.
đền ơn Phật mười phương.

người nhập kinh diệu này,
xa lìa huyễn ngã pháp,
vô ngại bóng mây bay,
cúng dường nhất thiết vật.
tự tại giữa vần xoay,
thể như như bất động,

trùng trùng pháp hữu vi,
như huyễn mộng bọt nước,
như bóng chớp sương mai,
thường quán tưởng như thị,

Phật nói kinh này rồi,
hoa cúng dường phơi phới.
chim tụng vi diệu âm,
mây về mười cõi giới.
trưởng lão tu-bồ-đề
tỳ khưu, tỳ khưu ni,
ưu bà tắc bà di,
khắp cõi quỉ trời người,
hoa hỷ bừng pháp hội.

KHÉP KINH

chẳng nương bè trúc ngọc,
vượt qua suối mây hồng,
con chim vô lượng kiếp,
về tha trái nhãn không.

ĐỘNG HOA VÀNG

chim từ
bỏ động hoa thưa
người từ tóc biếc
đôi bờ hạ đông
lên non
kiếm hạt tơ hồng
đập ra chợt thấy
đôi dòng hạc bay
 

http://www.quangduc.com/tho/206suoimayhong.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang