Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hình ảnh đức Phật trong thơ Haiku
13/06/2012 14:38 (GMT+7)




Cố hương ta!

Ôi con ốc nhỏ

Dung nhan Phật Đà

Issa

(furusato ya

Hotoke no kao no

Katatsumuri).

Gương mặt con ốc nhỏ dường như chứa đựng tất cả những gì là dịu dàng và từ ái, đến nỗi Issa gọi đó là “dung nhan Phật Đà” (hotoke no kao: Phật chi nhan). Đó là con ốc nhỏ của cố hương yêu dấu, của tuổi thơ đã mất. Chính ở nơi những chúng sinh nhỏ bé, im lặng, vô ngôn, nét từ bi mới rạng ngời, mầu nhiệm.

Con ốc đã đành, cả cọng cỏ hay chiếc lá cũng có thể là Phật như lời thiền xưa vọng về: “Nhất diệp nhất Thích Ca”.

 

Phật Thích Ca trong lá, Di Lặc trong cỏ và Quan Âm trong một giọt sương. Đó là vũ trụ của Issa, Basho, của những tâm hồn mang Niết bàn trong mình mà rong ruổi giữa cõi Ta bà.

Trong một làn sương mà ta yêu, ta sẽ nhìn thấy Phật. Như Basho:

Cố đô Nara

Mùi hương hoa Cúc

Chân dung Phật Đà.

Basho

(kiku no ka ya

Nara ni wa furuki

Hotoke – tachi)

Cố đô Nara xông hương Phật Đà. Với Basho, dường như Phật thuyết pháp bằng mùi hương hoa cúc. Kinh Phật từng chỉ ra, ở một Phật quốc kia, ta có thể nói chuyện bằng một làn hương.

Hình ảnh Phật, ở một nhà thơ khác, lại được liên kết với biển xanh:

Tháng Sáu biển xa

Nhìn về chùa cổ

Những pho Phật Đà.

Shiki

(Rokugatsu no

Umi miyuru nari

Tera no zò)

Một bên là biển, là hải triều âm và một bên là những pho tượng Phật trầm mặc. Shiki nhìn biển và nhìn Phật. Ông nghĩ gì? Ta không biết. Nhưng biển thì mênh mông sâu thẳm có thể tượng trưng cho màu nhiệm của tình yêu. Phật không chỉ có mặt trong chùa nhưng có trong biển xanh, có trong tháng sáu, có trong bầu trời mùa Đông…

Vầng trăng mùa Đông

Ngôi chùa không cổng

Trời cao vô cùng

Buson

(Kanget su ya

Mon naki tera no

Ten takashi)

 

Vì ngôi chùa không cổng nên có thể nhìn thấy từ đấy vầng trăng mùa Đông dường như sáng hơn và bầu trời dường như cao hơn. Ta dường như bước qua vô môn quan và một mình bước đi trong cõi càn khôn (càn khôn độc bộ). Và bầu trời lúc ấy hiện ra trước mắt ta như dung nhan Phật Đà.

Và ta thấy mùa Đông cũng đầy ân phúc như mùa Xuân. Phúc thay ta được sinh cũng như phúc thay ta được chết, như lời của hiền nhân thơ tóc trắng Whitman:

Lucky to be born

Lucky to be die…

(hạnh phúc được sinh ra

Hạnh phúc được chết đi…)

Và hạnh phúc được làm con ốc nhỏ của Issa trong một sớm mai hồng:

ửng hồng rạng đông

ôi con ốc nhỏ

vui lòng em không?

Issa

(Asayake ga

Yorokobashii ka

Katatsumuri).

Trời ửng hồng và trời sắp mưa. Con ốc nhỏ đầy niềm vui. Làm sao Issa biết niềm vui của ốc? Huệ Tử hỏi Trang Tử: Ông không phải là cá, làm sao biết được niềm vui của cá?

Issa không phải là con ốc.

Một cách giản dị, Trang Tử nhìn mà biết – nhìn vào cái như tính của cá. Issa nhìn mà biết, nhìn vào cái như tính của ốc.

Cái nhìn của Issa dịu dàng, trìu mến đi theo con ốc nhỏ:

Ánh trăng sáng dần

Một con ốc nhỏ

Nửa mình khỏa thân.

Issa

(Yuzuki ya

Ohada nuide

Katatsumuri).

Con ốc trần mình để tắm ánh trăng dịu, ánh trăng Niết bàn. Issa cùng tắm ánh trăng ấy. Hay Issa chính là con ốc ấy, là một với con ốc ấy trong ánh sáng chân như.

Không phải chỉ trong ánh trăng êm dịu, mà cả trong mưa lạnh lùng:


Con ốc nhỏ ơi

Em về đâu thế

Mưa còn đang rơi!

Issa

(Kono ame no

Furu no ni dotchi e

Deiro kana).


Về đâu con ốc nhỏ? Về đâu những sinh linh lẻ loi trong gió mưa đời? Trái tim Issa cúi xuống đời, cúi xuống những kiếp phận của con sâu cái kiến.

Cái nhìn của Issa là cái nhìn của trái tim. Cùng cảnh ấy, nhà thơ họa sĩ Buson bộc lộ một cái nhìn khác:

Một giọt mưa rơi

Và con ốc nhỏ

Thu mình lại thôi

Buson

(Tenteki ni

Unarete komoru

Katatsumuri)

Cái đẹp sống động, bất ngờ là điều mà đôi mắt tinh tường của Buson muốn nhiếp thu. Buson tôn vinh cái đẹp, Issa rung động cái tình.

Mạch ngầm của cái tình ấy luôn luôn trôi dưới những vần haiku của Issa về mọi sinh linh nhưng đặc biệt là con ốc nhỏ:

Về bên tôi

Ôi con ốc nhỏ

Bao giờ đến nơi?

Issa

(Ashimoto e

Itsu kitarishi yo

Katatsumuri).

Issa quan sát con ốc nhỏ đang bò về phía chân mình. Nó ung dung đến độ huyền bí.

Và Issa không bao giờ thôi ngạc nhiên về sự huyền bí của những con ốc, những giọt sương… những huyền bí làm nên tự tính của mỗi sự vật.

Chậm rì, chậm rì

Ôi con ốc nhỏ

Trèo núi Fuji.

Issa

(Katatsumuri

Sorosoro nobore

Fuji no yama).

Hiển nhiên là Issa không chê con ốc chậm. Con ốc không chậm và giọt sương không mong manh. Đối với con ốc, núi Fuji không lớn cũng không nhỏ. Con ốc đang bò đi trong quốc độ của nó. Nó bò ung dung, tự tại theo đúng thế tính của nó. Con ốc không cần lẩn nhanh như một con rắn hay bay lên như một cánh chim. Nó là nó.

Và một hôm Issa ngạc nhiên nhìn thấy con ốc nằm trên cánh cửa sài. Cánh cửa vốn không có khóa và không cần thiết phải khóa, vì nó chỉ là kí hiệu của một cuộc sống đơn sơ, thanh bần:


Trên cánh cửa sài

Nằm con ốc nhỏ

Định cài then ư?

Issa

(Shiba no to ya

Jo no kawari ni

Katatsumuri)

Cổng nhà phú quý có then có khóa. Cửa sài của Issa có con ốc nhỏ, có cuộc sống tự nhiên nhi nhiên, cuộc sống của thơ ca. Đó là cửa không cửa, đó là tự do. Con ốc vừa là người gác cổng, vừa là khách quý của Issa.


Con ốc nhỏ của Issa dường như lúc nào cũng bình tâm, không biết đến vô thường, loạn lạc:

Rìu cắm ngập cành

Nằm con ốc nhỏ

Sao mà bình tâm.

(Ono hairu

Ki ni ochitsuite

Katatsumuri)

Có thể nói rằng con ốc nhỏ “vô tâm”.

Không có gì đáng sợ trong trái tim của ốc. Trái tim đó nhỏ như chân không và lớn như chân không.

Trong đồng thoại “Alice” của Lewis Carol, ta ngẫu nhiên bắt gặp một con ốc sên và một vần thơ trong tựa haiku:

Then turn not pale

But come, beloved snail

And join the dance.

 

Tái mặt làm chi

Ốc sên yêu quý

Cùng khiêu vũ đi!

  Trong thế giới đồng thoại, trong thơ ca, ốc sên có thể nhảy múa, ca hát. Con ốc sên của Carol cũng như của Issa có đầy đủ tính chất kì diệu của sáng tạo.

  Cũng thế, con ốc nhỏ của Buson:


Con ốc nhỏ ơi

Sừng dài, sừng ngắn

Dường như không vui?

  (Katatsumuri

Nani omou tsuno no

Naga mi jika).

Những nhà thơ Issa, Buson, Carol… dùng quyền lực của thơ ca để sáng tạo nên những con ốc như người. Nhưng con người giữa vũ trụ, thực ra mà nói, trông có khác nào những con ốc nhỏ đâu? Ta cũng có “sừng dài, sừng ngắn” trong đời sống, cũng loay hoay như con ốc nhỏ trên một chiếc lá mong manh…

  Cũng sinh sôi như ốc sên, nhiều hơn ốc sên.

  Sau trận mưa đêm

Cây mã lan ấy

Thêm nhiều ốc sên.

Shoha

(yobe no ame

Baran ni fuenu

Katatsumuri).


Nhưng cũng giống như con ốc nhỏ của Issa, con ốc có Phật tính và có dung nhan của Phật Đà, dù tự biết hay không?

  Anh đào rơi hoa

Em bé nhìn, miệng há

Dung nhan Phật Đà.

Kubutsu

(kuchi aite

Rakka nangmuru

Ko wa hotoke).

  Anh đào là cái đẹp của hoa. Em bé là cái đẹp của người. Tâm hồn càng trong sáng, cái đẹp càng rạng ngời và trong sâu thẳm ấy, một chân dung hiện ra, huy hoàng bất tuyệt: PHẬT.

 
*Nhật Chiêu

http://nghethuatphatgiao.com/index.php/van-hoc/van/1029-hinh-nh-c-pht-trong-th-haiku

Các tin đã đăng:
Về đầu trang