Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: “Thị hiếu trọc phú đang phát triển”
29/06/2011 21:23 (GMT+7)

Sách dày 664 trang với 959 ảnh và 505 hình vẽ minh họa, được xem là một công trình tổng thể lần đầu tiên viết về văn minh vật chất người Việt.Chính vì những điều đặc biệt thú vị từ cuốn sách này mà nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: “Hình như trong các nghệ sĩ thuộc các ngành văn học và nghệ thuật ở ta, chính các họa sĩ, dù họ thường rất hiện đại, đi đầu trong hiện đại, lại cũng thường Việt hơn cả. Họ gần với Đất và với Việt hơn chúng ta. Và theo tôi, Phan Cẩm Thượng là một trong những người đứng ở hàng đầu trong số đó”...

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng

* Thưa ông, cuốn sách bắt đầu từ một ngày của người Việt (một ngày của ông vua, ông đồ Nho, anh nông dân, anh thợ thủ công, anh lái buôn (sĩ nông công thương), anh công chức hiện tại…). Vì sao ông nảy sinh cách khảo sát người Việt trên “lát cắt” một ngày?

- Nên hiểu một ngày ở đây là tượng trưng cho thói quen sinh hoạt của con người. Đi ngủ, thức dậy, ăn uống, đi làm... ai cũng vậy. Khảo sát một ngày tức là khảo sát đời sống của một lớp người.

Sinh hoạt ngày thường của con người thường không được để ý trong các nghiên cứu. Khi nghiên cứu đời sống vật chất, thông qua các đồ dùng và công cụ lao động, một vấn đề nảy sinh là người ta đã sử dụng nó như thế nào. Do đó tôi bắt đầu cuốn sách từ một ngày của những con người cụ thể, một ông vua, ông quan, anh nông dân, lái buôn, thợ thủ công... xem họ ăn ở, làm việc, sử dụng vật chất như thế nào.

* Trong quá trình khảo sát đó ông nhận thấy “một ngày của người Việt”, chẳng hạn đối với một nông dân, hiện nay có điểm gì khác biệt, đáng nói so với ngày xưa?

- Đây là vấn đề mấu chốt. Từ khoảng những năm 1970, cơ cấu sản xuất nông nghiệp bắt đầu thay đổi trông thấy. Nhiều đồ nghề nhà nông được thay thế bằng các dụng cụ mới và cơ giới hóa. Cái này phát triển mạnh hơn khi kinh tế thị trường bắt đầu và nhanh chóng mọi công cụ cổ truyền bị vứt bỏ, nhiều làng không còn một con trâu nào. Tôi viết cuốn sách này cũng nhằm giới thiệu lại cho lớp trẻ một đời sống cổ từng tồn tại hàng ngàn năm cho đến cuối thế kỷ 20.

* Trong sách ông viết người ta đang mải mê chạy theo việc kiếm tiền, tiêu tiền và vật chất ta sử dụng không còn có ý nghĩa văn minh nữa. “Vì sao đến nông nỗi này?”, ông tự hỏi. Vậy ông đã tìm được câu trả lời chưa khi hoàn tất quyển sách?

- Trong thời nông nghiệp phong kiến, người nông dân sống gần như toàn tự cung tự cấp, mọi vật dụng, nông cụ về kích thước, hình dáng đều được đúc kết tới mức chuẩn mực để thuận tiện sử dụng vào lao động. Những đồ vật cao cấp hơn như đồ thờ, tranh tượng thờ thì do những thợ thủ công khéo tay làm và cũng được đúc kết lâu đời về mẫu mã.

Tất cả những cái đó rất ít ý nghĩa thương mại mà mang nhiều ý nghĩa thực tiễn và tinh thần sinh ra từ trực tiếp đời sống, thậm chí được nâng lên mức triết lý. Đồ vật được lưu giữ trong gia đình như là vật kỷ niệm, và trên thực tế chúng có một hình dáng thẩm mỹ nhất định. Đó chính là đồ vật của một xã hội chuộng văn hóa, tìm đến những chuẩn mực sống.

Ví dụ bàn ghế xưa luôn ngay ngắn cứng nhắc, khiến người ngồi phải nghiêm trang, đúng mực; quần áo xưa luôn chú ý che kín cơ thể sao cho nói lên đức hạnh của con người. Cái nồi đất nung tuy không đẹp nhưng có hình dáng, thể tích rất phù hợp với việc gánh nước, đựng nước, ủ rá..., thể tích của nó tương đương với bụng bà bầu - đó chính là thể tích một người có thể bê, gánh.

Xã hội công nghiệp, đồ vật được sản xuất hàng loạt, mất đi tính chất chế tác thủ công, đương nhiên giá trị kỷ niệm lưu giữ không còn. Dùng hỏng vứt đi mua cái khác. Và phần lớn đồ dùng ngày nay chúng ta nhập từ nước ngoài, tiện lợi, giá rẻ, nhưng không có đặc tính dân tộc nào. Quá trình này là chung nhất cho cả thế giới khi bước vào thời đại công nghiệp. Các thiết kế đẹp chỉ được lưu giữ vài mẫu mã, tiêu bản.

Ý nghĩa của đồ dùng ngày nay để trở thành một thứ văn minh vật chất khác hẳn với thời đại tiền công nghiệp. Điều này phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta - người tiêu dùng - có một thái độ văn hóa thế nào đối với nhà cửa và đồ đạc của gia đình mình. Ở nước ta hiện nay thị hiếu trọc phú đang phát triển, đồ ta dùng xa xỉ, tốn kém và ít ý nghĩa văn minh nhất đối với túi tiền chân chính của chúng ta.

* Vậy với nền văn minh vật chất nông thôn đang thụ hưởng hiện nay, ông nói gì về văn minh tinh thần của chúng ta?

- Đồ vật do con người làm ra và sử dụng đương nhiên nói lên ý nghĩa tinh thần của chúng và chủ nhân chúng. Người nông dân đan cái rá, cái rổ, đẽo cái cày... không chỉ để sử dụng mà còn để biểu cảm tài khéo của mình vào đó. Những đồ vật đó được truyền thừa về hình dáng, được tiêu chuẩn hóa từ tổ tiên, và khi làm ra chúng, người nông dân lặp lại hành vi, coi như giao tiếp với tổ tiên.

Ngày nay, người ta dùng con dao Thái, mua cái rổ sắt, cái rá nhựa, cày bằng máy, gặt đập cũng bằng máy... đương nhiên năng suất và đỡ vất vả hơn, nhưng đồng thời họ tiếp xúc ít hơn với đất đai, cây cỏ và đồ vật, họ không còn hiểu đất đai, cây cỏ, động vật, đồ vật như người xưa nữa. Đồ vật công nghiệp thì rất ít ý nghĩa tinh thần, ngay đắt như một cái tivi, máy tính dùng hỏng cũng phải vứt đi, chứ không có đoạn rổ rá cạp lại như trước.

Có thể nói nông nghiệp bây giờ dần trở thành một phần của công nghiệp (tất nhiên), nông dân nhiều nước được gọi là công nhân nông nghiệp. Trong quá trình này đời sống tinh thần của người nông dân nghèo nàn hẳn đi, nhất là ở nước ta, khi người nông dân không biết chắc mảnh đất mình đang cày bao giờ bị bán cho một doanh nghiệp.

* Nhà văn Nguyên Ngọc có viết đây là cuốn sách nói lên “ngôn ngữ của đồ vật”, nhưng chắc không chỉ như thế?

- Mỗi đồ vật đều nói lên nền sản xuất ra chúng, con người sử dụng chúng, nhất là các dụng cụ nông nghiệp được hoàn thiện trong hàng ngàn năm, như cái cày chẳng hạn. Tôi tìm thấy hàng trăm loại cày khác nhau trong tiến trình phát triển theo đất đai và cách thức canh tác, theo chế tác của từng dân tộc, cái đó tự nó đã hình thành một cách đọc đồ vật, nên nhà văn Nguyên Ngọc gọi là ngôn ngữ của đồ vật. Cái cày thời Đông Sơn hoàn toàn khác với cái cày thời Lý, và cái cày thế kỷ 19 cũng khác, điều đó cho thấy sự thay đổi rất nhiều về thổ nhưỡng, cư dân, thủy lợi.

* Như thường lệ, những trang viết của ông mô tả đời sống văn hóa với cái nhìn cá nhân nghệ sĩ, nhiều khi gây “khó chịu” cho nhiều người. Chẳng hạn có người bảo ông ở chùa nhưng lại hay “xách mé” nhà chùa, ông nghĩ sao?

- Tôi không coi mình là nhất, nhưng thấy điều gì không phải thì nói ngay, không kiêng nể gì cả. Tôi nghĩ ai hiểu thì sẽ thông cảm thôi, chứ không có tâm địa gì. Ví dụ nhà sư tân trang chùa làm mất vốn cổ thì phải góp ý chứ.

Trần Nhã Thụy thực hiện (Nguồn TTCT)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang