Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
CÔNG ÁN THIỀN “TIẾNG VỖ MỘT BÀN TAY” TRONG HAI CA KHÚC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
05/10/2017 10:16 (GMT+7)

CÔNG ÁN THIỀN “TIẾNG VỖ MỘT BÀN TAY”
TRONG HAI CA KHÚC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
Minh Tuệ Đỗ Minh

 

Mục đích cuối cùng của thiền là nhận ra bản chất chói sáng của tâm thức thuần khiết đã có sẵn trong mỗi người chúng ta. Công án là một trong nhiều phương cách thiện xảo để kinh nghiệm được cứu cánhđó.

Trong di sản ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Tôi là ai”, một công án được sử dụng phổ biến trong nhiều truyền thốngtâm linh, đã được nhắc đến nhiều. Ở đây, xin nói về “Tiếng vỗ một bàn tay”, một công án nổi tiếng khác, qua hai bài hát Tình Xót Xa Vừa và Tôi Đang Lắng Nghe.

Trước khi đi vào hai ca khúc này, xin tóm tắt  câu chuyện về công án “Tiếng vỗ một bàn tay”: Thầy Mokurai trao cho trò Toyo công án này để đi vào thiền. Suốt một năm đều đặn, liên tục tìm trong những âm thanh như tiếng đàn, tiếng hát, tiếng nước, tiếng gió, tiếng chim…., cuối cùng Toyo hiểu được đó chính là được “âm thanh không tiếng” (soundless sound), một nói cách khác  của sự yên lặng (stillness, silence). Toyo đã ngộ được “tiếng vỗ một bàn tay”, sự tĩnh mặc vô hình của cội nguồn vĩnh hằng, vô tướng.

Nếu nói “yên lặng là ngôn ngữ của Thượng đế (chân lý), mọi thứ khác chỉ là sự diễn dịch tồi” (silence is the language God speaks, everything else is just a bad translation) thì Toyo đã nghe được thứ tiếng siêu việt này: ngôn ngữ vô ngôn. Và bước vào thế giới riêng của Trịnh, khi đọc được những câu như “có những ngày tôi đã bỏ mình vào một cõi tĩnh lặng vô ngôn ....”, ta sẽ phần nào cảm nhận một dòng chảy sâu im lặng của “âm thanh một bàn tay” trong con người này.

Xin bắt đầu với Tình Xót Xa Vừa.

Xin vỗ tay cho đều khi đêm đổ xuống đời ta
Xin vỗ tay cho đều khi tình trôi đã trôi xa
Nụ cười đã cuốn ta đi, một ngày lại thấy ta về
Xin đứng yên trong chiều, trên môi thở khói quạnh hiu
Xin đứng yên trong chiều, phơi tình cho nắng khô mau
Về đây thân xác hư hao, đêm đêm nằm nghe lá
Than van chút niềm đau ngọt ngàọ
Lt

Nếu “vỗ tay” được hiểu là hai bàn tay chạm vào nhau phát thành tiếng như “mẹ vỗ tay reo mừng xác con, người vỗ tay hoan hô hòa bình” trong một bài khác cũng của Trịnh thì hai câu mở bài “xin vỗ tay cho đều khi đêm đổ xuống đời ta…” nghe “kỳ kỳ”! Có lẽ vì vậy mà ca khúc này không được nhiều người hát vì ngay từ đầu đã khó hiểu. Nhưng nếu cảm nhận được đây là tác giả đang cố gắng quan sát tâm mình trong im lặng thì sẽ không bị lấn cấn vì thấy hương vị thiền trầm sâu trong đó.

Ngày xưa Toyo đã đều đặn nghe một bàn tay vỗ, hôm nay mình cũng “tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác” theo gương. Nụ cười, niềm vui bên ngoài làm sao sánh được với sự an lạc bên trong. Có một căn nhà yên lặng để về sau những chuyến đi ồn ào thì hãy cố gắng về đều hơn, thường hơn vì tuổi đã gầy, thân đã xế. Phù du đến và cũng đã xa trôi, buông tất cả để trở về với bình an của yên lặng.

“Xin đứng yên trong chiều” làm rõ hơn ý “xin vỗ tay cho đều”: thân hãy ngồi yên, tâm hãy dừng lại. Hãy hiện hữu trong im lặng cùng với gốc rễ vô âm của đất trời. Tâm trí suy nghĩ dày như khói đặc, đứng yênđể thấy “trên môi thở khói quạnh hiu”. Cảm nhận sự mờ dần, nhạt dần của khói bốc lên càng lúc càng thưa giữa bầu trời tâm thức. Dưới ánh sáng của quan sát yên lặng, tình ướt thế nào thì cũng phải khô vì luôn luôn có nắng.

Trong yên lặng “đêm đêm nằm nghe lá”? Sao không nghe gió mà là nghe lá? Lá rơi ngoài vườn kia hay suy nghĩ đang bay trong tâm tưởng này? Nằm nghe lá là nằm nghe sự đổi thay của đất trời “bốn mùa thay lá”? Suy tư đến phận người cũng như chiếc lá, chóng héo úa, tàn phai? Hay lắng nghe “tình như lá bỗng vàng bỗng xanh”? Hay dù “thân xác hư hao” nhưng  lúc nào cũng mong tâm hồn vẫn mãi xanh như lá, đừng để bị mòn già như xác thân kia? Cũng có thể là “nắm lá trong tay” từ những lời kinh Phật đang được nhớ lại chăng?

“Niềm đau” thì cứ “than van” nhưng nếu có sự “ngọt ngào” của yên lặng để nương náu thì vết thương nào chẳng mau lành, chóng khỏi.

Một ngày trên vai bão tố nguôi ngoai
Nhìn đời quanh đây hết những mê say
Lòng chùng đam mê sớm tối qua đi ơ hờ
Từng ngày chôn chân nhớ phố lang thang
Đời tình nuôi quên những sáng mênh mông
Trả lại hôm nay bốn phía thinh không ngỡ ngàng

Khi biết dừng lại, ngồi lại để nghiệm về lẽ vô thường của đời sống là lúc trong cuộc đời có những “dấu lặng”. Đó là thời gian cho “bão tố nguôi ngoai” trong an tĩnh sáng suốt, thấy lòng mình lắng lại để “nhìn đời quanh đây hết những mê say”. Lui về để thoát ra vòng xoáy của “đường trần đâu có gì” của thế gianvô vị.

“Lòng chùng đam mê”? Trịnh đã “chùng” không biết bao nhiêu lần trong đời mình: “ngựa buông vó chùng chân người đi đã bao lần”. Một người hiểu được gốc rễ của sự sống là sự yên lặng vĩnh hằng thì đam mê nào cũng khó có thể căng được. Khi “tỉnh thức căng lên” thì “đam mê chùng xuống”. Với con mắt tỉnh thức thì mọi thứ thuộc thời gian sớm tối đều không còn hấp dẫn nữa, chỉ có sự yên lặng vượt thời gian của tâm mình là không bị chi phối bởi sớm tối, sáng chiều.

Cũng giống như bàn tay thích “mời mọc”, bàn chân thường “ngựa quen đường cũ” “nhớ phố lang thang”, thích lang thang xuống phố. Bây giờ là lúc phải “chôn chân”, cắm rễ vào lặng yên, không cho chân chạy theo thói quen “hai bàn tay vỗ”.

“Đời tình nuôi quên những sáng mênh mông”? Chăm sóc, nuôi dưỡng cái này thì quên lãng cái kia, vấn vương tình đời thì phụ rẫy “những sáng mênh mông”. “Những sáng mênh mông”? Hai chữ “mênh mông” ở đây thật hay, “sáng” cũng thế. Có thể là thời gian đầu ngày, cũng có thể là ánh sáng, ánh sáng giữa mênh mông, ánh sáng của đạo hư vô mà Trịnh đã một đời khát khao mong thấy được “bản lai diện mục” của chính mình. Nhưng nếu hát “ánh sáng mênh mông” thì rõ ràng nhưng lại mất hay, cứ để nó chìm dưới những cái có thể “sờ mó” được thì mới là thơ, là họa.

Và “hôm nay” trở về để được “trả lại” tấm gương trong suốt đã từng bị mịt mờ, phủ lấp bởi khói bụi thời gian. Tấm gương như thinh không, hư không không âm thanh, vốn tĩnh lặng, an bình “bốn phía”. Hãy vỗ vào sự trống rỗng vô thanh ấy. Đó là “quê hương” lúc nào cũng “dang rộng cánh tay chờ mong” nhưng kẻ ra đi đã bao lần không đoái hoài gì đến. Lâu lâu mới như hôm nay, về nhà thăm lại bỗng thấy “ngỡ ngàng”, không ngờ lại đẹp, lại mới như vậy. Cả một chân trời kỳ diệu mở ra trước đôi mắt như trẻ thơ của một người tầm đạo.

Xin vỗ tay cho đều trong tim giọt máu vừa khô
Xin vỗ tay cho đều, môi người thôi những âm ba
Một lời tình cuối vu vơ, một ngày tình xót xa vừa

Tình đời “vu vơ” luôn mang đến “xót xa” như thế là vừa đủ.

 “Giọt máu vừa khô” là dấu hiệu của vết thương lành. “Môi thôi những âm ba” là tâm thức tĩnh lặng như mặt hồ không xôn xao vì sóng. Đó là kết quả của bàn tay khi vỗ đều vào yên lặng của hư không.

(“Âm ba” là một từ chuyên môn vật lý, với nghĩa sóng âm, do dao động trong không khí tạo thành. Hình ảnh này giống như sóng biển được Trịnh dùng nhiều để nói về những dao động của suy tưởng. Có những lúc giữa những bộn bề của trí não, những câu như “nhiều đêm thấy ta là thác đổ” hay “biển sóng, biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người” đã được hát lên. Ở đây, “âm ba” nếu hiểu như một sự kết hợp giữa một từ Hán Việt và một từ thuần Việt cũng vui vui: “âm” là âm u, “ba” là sóng, thành “sóng âm u” trong “sóng âm u dội vào đời buốt giá”.)

Xin đứng yên trong chiều lao xao từng bóng hoàng hôn
Xin đứng yên trong chiều treo tình trên chiếc đinh không      
Gập ghềnh nhiều kiếp lưu vong
Ta lăn đời đã quá đôi tay vẫn c̣òn ôm mịt mùng.

Gặp “lao xao” ở đây, chợt nhớ đến câu “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn người đến chốn lao xao”. Hoàng hôn mà vẫn còn lao xao, chưa vắng vẻ được. Tuổi già bóng xế rồi mà sao vẫn không yên. Bởi vậy mới “xin đứng yên trong chiều”, mong sao một chút thanh bình rơi trên tà dương bóng đổ.

Nhưng câu tiếp theo “treo tình trên chiếc đinh không” có lẽ là một trong những câu khó nhưng hay nhất trong bài, vì ý lạ. Treo áo thì phải cần đinh, không đinh là rớt. “Đinh không” ở đây là “không đinh”, ý nói tới sự buông bỏ, không dính mắc với tình. Có lần Trịnh viết trong Đóa Hoa Vô Thường “Tình do tâm mà có”, tình vốn không thật, đến và đi theo luật vô thường như “một chút mây phù du, đã thoáng qua đời ta”. Vậy khi bóng của “tình động” có mặt, tái hiện lại trong “tâm tĩnh”, dẫu có đẹp thế nào cũng phải quên, để “rớt” xuống, không nên dính vào “đinh” trở lại, cho tâm có cơ hội trở về với cội nguồn trong sáng, trống rỗng của nó.

Trước khi kết Tình Xót Xa Vừa, thêm một lần nữa, triết lý luân hồi của Phật giáo lại được nhắc đến với câu “Gập ghềnh nhiều kiếp lưu vong”. Vòng tử sinh trong đó mọi chúng sinh lăn trôi vô tận, “đã quá” nhiều, “đã quá” khổ, không biết bao giờ mới thật sự về lại được mái nhà xưa để thấy được trọn vẹn“sáng mênh mông”, thay vì mãi lênh đênh “ôm mịt mùng” bóng tối.

Như vậy ý nghĩa công án “tiếng vỗ một bàn tay” là sự yên lặng mà khi xưa Toyo đã ngộ, bây giờ chúng ta không cần phải tìm nữa, chỉ việc lắng nghe thôi.

Tiếng vô âm bên ngoài là cội nguồn của vũ trụ, là cái nền vô tướng, vô hình để từ đó vạn vật phát sinh. Tiếng vô âm bên trong là điều mà những ai đi tìm chân lý đều khát khao thể nhập.

Và Trịnh một lần nữa hát về “tiếng vỗ một bàn tay” hay âm thanh của tịch lặng này trong bài Tôi Đang Lắng Nghe. Ở đây, “im lặng” như nền trắng của một bức tranh thủy mặc, trên phần nền “tĩnh” đó, là phần “động” của những nét vẽ biến ảo vô thường. “Bàn tay”, một cách nói khác của im lặng, xuất hiệnchỉ một lần và phía trên là “nụ tàn héo hoa khô” và “nỗi đau sau cơn bão”   Chỉ xin giới thiệu mà không cần phải nói gì thêm.

Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe
Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe
Im lặng của đời tôi đã lắng nghe
Tôi đã lắng nghe trái tim lạc loài
Bao đêm đã qua im lặng của người
tôi đã lắng nghe im lặng của tôi
Im lặng giòng sông tôi đã lắng nghe
Im lặng ngọn đồi tôi đã lắng nghe
Im lặng thở dài tôi đã lắng nghe
Tôi đã lắng nghe im lặng thở dài
Sau cơn bão qua im lặng mặt người
Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay
Tôi đang lắng nghe im lặng cuộc tình
Sau một cuộc tình tôi đang lắng nghe
Khi hoa héo khô im lặng nụ tàn
Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe
Tôi đang lắng nghe im lặng đời mình

Sự tĩnh mặc bao giờ cũng có đó, bất kể đêm ngày, bất luận nơi đâu. Hãy hướng mắt “vỗ” vào hư khôngtĩnh lặng thay vì vật này vật nọ, hãy hướng tai “vỗ” vào tĩnh lặng hư không thay vì tiếng nọ tiếng kia, hãy hướng ý “xúc” vào không gian vô biên của tâm thức không màu thay vì suy nghĩ chập chùng sắc trắng sắc đen để cảm nhận sự kỳ diệu tiếng vô âm của một bàn tay vỗ.

Đồng Nai, Việt Nam

06/09/2017

minhtuedominh@gmail.com

https://thuvienhoasen.org/p98a28536/cong-an-thien-tieng-vo-mot-ban-tay-trong-hai-ca-khuc-cua-trinh-cong-son

Các tin đã đăng:
Về đầu trang