Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
THƯƠNG ĐÊM TRĂNG RẰM
Hữu Huệ (theo VHPG)
25/03/2011 20:44 (GMT+7)


 Má xoa đầu tôi cười, rồi dắt tay tôi đi chùa. Sau khi sám hối xong, thầy Sự dẫn phật tử ra đồng cắt lúa (vì họ chỉ rảnh vào ban đêm). Trăng sáng vằng vặc. Chúng tôi như đạp lên trăng mà đi.
Chưa bao giờ tôi đứng trước bức tranh nên thơ như thế. Một mảnh trăng vàng tỏa ánh sáng xuống cánh đồng cũng vàng ươm những bông lúa với hàng chục người đang vui vẻ lao động. Gió mát rượi thổi qua mặt tôi từng cơn mang theo mùi lúa thơm lừng. Tôi tiếc mình không phải là họa sĩ tài hoa để có thể vẽ lại bức tranh quê tuyệt vời ấy.
Trong khi má tôi cùng mọi người cắt lúa thì tôi chơi với các chú tiểu, phụ họ trong ban trà đầu phục vụ nhân công, nên rất được quý sư cô cưng yêu. Hai má tôi gần như xệ xuống và ê ẩm vì “bị” mấy sư cô nựng. Từ đó tôi thích tới chùa luôn.
Trước đây, tôi theo má tôi như hình với bóng, nhưng từ khi biết chùa, thay vì đeo dưới chân má thì tôi lại thường lên chùa chơi. Cứ thế tôi trở thành thành viên của chùa từ lúc nào không hay cho tới khi tôi xuất gia mấy năm sau đó. Thú thật tôi không thấy có gì là bước ngoặt trong sự xuất gia của tôi cả, như người ta vẫn thường nói. Có lẽ do tôi đã quá quen với nếp sống ở chùa chăng? Tôi nói điều này để muồn nói lên rằng chính sự giản dị, tình thương yêu thật thà của quý sư cô đã tạo ra chất men hạnh phúc, sự bình yên cho những ai tiếp xúc với nhà chùa vậy.
Khi xuất gia rồi, tôi vẫn tiếp tục học chương trình phổ thông, lúc đó là lớp 8 (cho tới hết lớp 12 thì chuyển sang chùa Tăng), nên đối với công tác trong chùa, tôi cũng như các chú tiểu khác chỉ làm cho có lệ như lau bàn, tưới cây…chỉ khi tết là hơi cực một chút, vì chúng tôi phải xay đậu nành làm đậu hũ bán, xay bột làm bánh tráng. Chùa Sắc Tứ Linh Thứu có tục lệ tráng bánh chia chúng mỗi tết. Bọn tiểu chúng tôi được phân công phụ thầy Sự đem bánh ra sân phơi nắng. Sân chùa rất rộng, thường được dùng để phơi lúa. Tôi thích đứng nhìn hàng trăm vỉ bánh, hàng hàng lóp lớp thật vô cùng ngoạn mục. Nhưng chúng tôi vẫn thích nhất vẫn là những cái bánh ướt của thầy Sự cho. Hễ cái bánh nào bị rách là thầy cho chúng tôi liền. Ôi những cái bánh nóng hổi, vừa ngọt lại vừa béo mới tuyệt làm sao! Tôi nhớ lúc đó tôi hỏi thầy rằng: “Sao lâu quá bánh không bị rách thưa thầy?” – “sắp có rồi đó”, thầy nhìn tôi cười bằng ánh mắt. Quả thật, cái bánh sau đó bị rách thiệt, dù nó được đổ bột rất dầy.
Những điều thân thương, gần gũi nhất, hương vị ngọt ngào nhất mà tôi được hưởng trong suốt quảng đời làm điệu ở chùa Sắc Tứ Linh Thứu chính là… ông nội, thầy của chúng tôi… mỗi tối tụng kinh xuống, nếu không có việc làm khác là bọn tiểu chúng tôi vây quanh ông nội đang nằm ghế bố như thường lệ. Chúng tôi “nịnh” nội bằng cách đứa bóp chân, đứa bóp tay để được nội kể chuyện đời xưa cho mà nghe. Có thể nói nội là một kho tàng vô tận về… đủ thứ chuyện trên đời. Đến nỗi mà tôi nghĩ rằng dù có kể suốt đời vẫn không hết. Từ những bài giáo lý cho tới sự tích ngôi chùa…
Mà lạ lắm, những bài giảng trên lớp tôi không nhớ được bao nhiêu nhưng những bài giảng trên… ghế bố của nội tôi lại nhớ đến từng câu từng chữ vậy đó. Và nó ấn tượng đến nỗi tôi đã nhiều lần mon men theo con mương bao quanh chùa để tìm kiếm dấu vết của con rồng trong câu chuyện nội kể . Hay gặp miếng bể sành nào có hình thù kỳ lạ tôi cũng lượm lên xem có phải là di tích các tượng Phật của mấy chú mục đồng hồi xưa…
Nhóm tiểu chúng tôi lúc đó có sáu đứa, hai nam bốn nữ. Giờ thì đã hoàn tục ba đứa: một nam hai nữ, đều thật. Cứ mỗi lần giỗ thầy là tôi lại trở về mái chùa xưa. Không phân biệt đạo đời, vây quanh nội như ngày xưa (nhưng khác xưa ở chỗ là nội không kể chuyện, cũng không còn có thể nhận ra chúng tôi được nữa vì niên cao, cùng nhau ôn lại chuyện xưa.
Tôi đặt tựa bài viết này là thương đêm trăng rằm để kỷ niệm lần đầu tiên tôi đi chùa, mà cũng là gợi nhớ quãng đời đẹp như ánh trăng rằm ở một ngôi chùa quê mà không phài ai cũng may mắn có được. Chùa ơi, nội ơi, “Người” mãi mãi là khung trời bất diệt trong trái tim chúng con!

Hữu Huệ (theo VHPG)


Các tin đã đăng:
Về đầu trang