Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Nguyễn Xuân Khánh “đội gạo lên chùa”
21/06/2011 05:08 (GMT+7)


Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (giữa) tại cuộc tọa đàm - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tròn một thập kỷ trong độ tuổi "thất thập cổ lai hi", nhà văn nho nhã này liên tiếp cho xuất xưởng ba bộ sách: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và giờ là Ðội gạo lên chùa (NXB Phụ Nữ)mới hay sức sáng tạo của ông không hề chịu ảnh hưởng của thời gian.

Mượn tứ của câu ca dao đa nghĩa và nổi tiếng vào hàng bậc nhất trong văn học dân gian VN Ba cô đội gạo lên chùa/một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư..., Nguyễn Xuân Khánh đã dẫn dắt người đọc vào cuộc phiêu lưu kỳ lạ, vượt quãng thời gian thăm thẳm của hai cuộc bể dâu: kháng chiến chống Pháp và cải cách ruộng đất. Qua câu chuyện kể của chú tiểu An và Nguyệt - người chị gái đẹp nết đẹp người, người đọc được chạm vào những số phận của người dân làng Sọ và cuộc sống vừa lạ lùng, bí hiểm, vừa thanh khiết, thân thuộc trong ngôi chùa làng Sọ.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải - người cũng đau đáu với những cuốn tiểu thuyết lịch sử - nêu những điều tâm đắc của mình về cuốn tiểu thuyết của người đồng nghiệp tài hoa: "Anh luôn đụng đến những vấn đề bản chất của văn hóa Việt, đó là Mẫu thượng ngàn - hiện tượng văn hóa thuần Việt; và giờ đây là đạo Phật - hiện tượng văn hóa du nhập nhưng đã được Việt hóa. Ðội gạo lên chùa cũng là lời cảnh báo về những giá trị cốt yếu, sâu thẳm, đẹp đẽ của văn hóa Việt đang bị phá hủy, đang dần biến mất".

Nhà nghiên cứu trẻ Phạm Xuân Thạch, từ một góc độ khác, đánh giá: "Nguyễn Xuân Khánh là một trường hợp độc đáo khi mọi sự thể nghiệm, đột phá về hình thức đã trở nên bão hòa thì ông lại trở về với dạng sơ khai của tiểu thuyết: tiểu thuyết truyền thống".

Nhìn nhận "đứa con" của mình, Nguyễn Xuân Khánh chỉ nói rất giản dị: "Tôi "đội gạo lên chùa" bằng tất cả vốn sống của cuộc đời mình, bằng tất cả sự trải nghiệm 79 năm của mình. Có những chi tiết đời giúp tôi nhặt được: năm 1977 tôi bị nghi ung thư, nằm viện, có sư ông nằm cùng phòng. Sư lại có chú tiểu theo chăm sóc, chú tiểu nguyên là bộ đội, đi lính về thì vào chùa. Tôi rỉ rả tâm sự với sư cụ và chú tiểu, và tiểu thuyết là sự thu nhặt, gắn kết, đúc rút, tỉa gọt... từ tất cả".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói về tác giả và tác phẩm: "Nhà văn phải cảm ơn nhà xuất bản vì đã in, cảm ơn bạn đọc vì đã mua và đã đọc. Lý do: sách quá dày, quá nặng và không phải loại dễ đọc. Nhưng đọc rồi người đọc sẽ cảm ơn nhà văn vì những gì ông đã viết".

THU HÀ


Nguon: http://www.baomoi.com/Home/SachBaoVanTho/tuoitre.vn/Nguyen-Xuan-Khanh-doi-gao-len-chua/6483812.epi

Các tin đã đăng:
Về đầu trang