Việc Liên Xô và khối Xã hội Chủ nghĩa từ
cuối thập niên 1980 của thế kỷ XX là những biến động quan trọng đã làm thay đổi
cục diện thế giới triệt để. Những thành tựu ngoạn mục của các ngành khoa học
hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, đem các dân tộc trên thế giới gần
gũi và thông cảm nhau hơn bao giờ hết.
Cách biệt địa lý không còn nữa nên cũng là
động cơ thúc đẩy cho các công ty đa quốc đầu tư ào ạt trên bình diện toàn cầu
và làm gia tăng cơ hội mậu dịch và xuất khẩu cho các nước chậm tiến. Đây là một
điều kiện tiên quyết cho các nước hội nhập vào sinh hoạt chung của thế giới.
Các hình thức viện trợ quốc tế gia tăng cũng tạo thêm phương tiện hữu hiệu làm
cho tiến trình thay đổi này được nhanh hơn.
Trước một bối cảnh toàn cầu hóa đầy năng
động và lạc quan ai cũng tin là phát triển kinh tế, tôn trọng nhân quyền, phát
huy dân chủ, bảo đảm bình đẳng về an sinh phúc lợi, nâng cao văn hóa, trao dồi
đạo đức cho mọi người là một khả năng hiện thực và thế giới đang tiến dần về
một nền văn minh đại đồng và hòa bình vĩnh cửu.
Nhưng thực tế đã xảy diễn trái ngược. Xung
đột địa phương và bạo lực giữa các sắc tộc lan rộng, khủng bố nhân danh tôn
giáo đe dọa an ninh toàn cầu đến mức độ đáng ngại, kinh tế tại các quốc gia
công nghiệp suy thoái nghiêm trọng, giá trị của mô hình kinh tế thị trường bị
nghi ngờ và không ai còn tin các giải pháp kinh tế xã hội hiện nay sẽ mang phép
lạ làm biến đổi được tình hình ngày càng nguy kịch.
Triển vọng hội nhập vào kinh tế thế giới
của các nước chậm tiến cũng trở nên mơ hồ vì cơ hộigiao thương và đầu tư ngoại
quốc lại sụt giảm. Tác hại hơn, giá trị dân chủ không được phát huy, nhân quyền
bị vi phạm có hệ thống, mọi tự do dân chủ cơ bản đều bị bóp nghẹt, bình đẳng và
an sinh xã hội cho người nghèo không đạt được, vì các chế độ độc tài chỉ giúp
cho tham nhũng bất công và nghèo đói gia tăng.
Dù những thành tựu trong mọi lãnh vực đã
và đang đóng góp sự phát triển chung một cách đáng kể nhưng vẫn còn quá xa sự
mong đợi. Thế giới hiện nay có chung vấn đề mới là biến đổi khí hậu, môi sinh
thay đổi, tài nguyện cạn kiệt, dân số gia tăng, giáo dục xuống cấp. Bi quan
nhất có lẽ là quan hệ con người trong một thế giới bất ổn không được coi trọng
và hoằng dương đạo đức, một điều kiện chủ yếu để phát triên nhân cách và tâm
linh cá nhân để đóng góp cho một thế giới hòa bình trở nên khó khăn hơn.
Trong viễn cảnh đó, những người ưu tư và
đặc biệt là các Phật tử luôn muốn tìm hiểu quan điểm của Phật giáo trước các
vấn đề nóng bỏng hiện nay của thế giới như thế nào. Ngoài việc hướng dẫn cho
Phật tử thực hành học Phật tu nhân trong đời sống hằng ngày để tìm về bến giác,
thì giáo lý Phật giáo có những luận giải và đóng góp trong các vấn đề như chiến
tranh, hòa bình, kinh tế, nhân quyền, dân chủ, tự do, khoa học, môi sinh, tiêu
thụ và dân số. Đây là chủ đề chính của tuyển tập này nhằm giới thiệu các công
trình nghiên cứu của các học giả nổi danh từ Anh, Đức và Pháp ngữ được TS. Đỗ
Kim Thêm dịch sang Việt ngữ để phục vụ cho người Việt nắm bắt được vấn đề và
đóng góp vào việc thảo luận chung hiện nay. Bố cục và đại ý của các chuyên đề
trong tuyển tập này gồm 6 phần, mỗi phần là một chương.
Chủ đề của chương 1 là Chiến
tranh và hoà bình theo quan điểm của Phật giáo. Nguyên bản Anh ngữ
của bản dịch là War and Peace, chương VI trong tác phẩm An
Introduction to Buddhist Ethics của GS. Peter Harvey do nhà xuất bản
Cambridge University Press ấn hành năm 2000, từ trang 239-285.
Peter Harvey đã
luận giải về nguyên nhân của tranh chấp trong một thế giới đầy bạo lực và lập
trường bất bạo động là giải pháp đạo đức cho các xung đột. Giáo lý Phật giáo đề
ra những cơ sở đạo lý cho việc suy tưởng này và hướng dẫn thực hành về phương
thức bất bạo động. Giảm sân hận và tăng nhẫn nhục, thực tập kiên trì và hỷ xả
sẽ giúp cho xoa dịu tình huống.
Ngoài những luận
giải theo kinh điển ông đã trình bày về những đóng góp của Phật giáo cho hòa
bình trong thế giới hiện đại, mà những hoạt động hỗ trợ thuộc tông phái Nhật
Liên tại Nhật, Sarvòdaya Sramadàna tại Sri Lanka, tác động hòa giải của Hòa
thượng Mahà Ghosànanda trong việc khôi phục Campuchia là những kinh nghiệm thực
tế.
Tác giả kết luận
rằng ở thế kỷ XX vẫn còn nhiều cuộc đấu tranh của Phật tử chống lại bạo lực,
nhưng truyền thống Phật giáo là một nguồn gốc quan trọng để có thể tìm một giải
pháp cho xung đột. Trong khi tự do tôn giáo vẫn còn bị tiếp tục đe doạ, thì
cũng có những nhà lãnh đạo tôn giáo dùng bất bạo động làm phương thức để chống
chính quyền độc tài.
Những người đấu
tranh cho hòa bình theo quan điểm của Phật giáo hiện nay là Dalai Lama, Aung
San Suu Kyi, Ariyaratne, Ghosànanda, Dalai Lama và Aung San Suu Kyi đã nhận
giải Nobel về hòa bình trong khi Ariyaratne, Ghosànanda đều được đề cử để nhận
giải. Với phương cách trích dẫn các loại kinh điển cực kỳ công phu và thư mục
nghiên cứu nghiêm túc, GS. Peter Harvey đã minh chứng rằng quan điểm của Phật
giáo có khả năng giải quyết chiến tranh và đem lại hòa bình cho nhân loại.
Trong chương 2, “Đạo
đức kinh tế theo quan điểm của Phật giáo” Peter Harvey trích dẫn kinh
điển Đại thừa để chứng minh rằng Phật giáo đã có đề cập đến các vấn đề kinh tế.
Giá trị cổ truyền của Phật giáo là đối nghịch với những giá trị trong một xã
hội nặng về chiếm hữu và tiêu thụ vì phúc lợi vật chất không là cứu cánh tự
tại, mà chỉ là một phương tiện mang lại hạnh phúc cho con người và hỗ trợ cho
sinh hoạt nhằm phát triển đạo đức và tâm linh.
Nguyên bản Anh ngữ
của bản dịch là Economic ethics, chương V trong tác phẩm An
Introduction to Buddhist Ethics: Foundations, Values and Issues của
GS. Peter Harvey do nhà xuất bản Cambridge University Press ấn hành năm 2000,
từ trang 187-238.
Đức Phật đã dạy
cho cư sĩ rằng mưu sinh liêm chính là giá trị tâm linh sẽ giúp thành công trên
thế gian, đặc biệt là khi cư sĩ biết sử dụng phù hợp thu nhập và bố thí. Thái
độ đạo đức của Phật tử đối với tài sản sẽ có những ảnh hưởng tốt đẹp đến việc
phát triển kinh tế xã hội.
Đối với giới lãnh
đạo, đức Phật nói rằng nghèo đói có mặt thì bất ổn xã hội tăng lên, trách nhiệm
của vua quan là quan tâm đến người nghèo và đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau
cho nền kinh tế. Phật giáo kêu gọi lòng hào phóng, buông bỏ và từ bi của giới
lãnh đạo và Phật tử. Khi tất cả mọi người nỗ lực để làm việc cho một xã hội đạt
nhiều công bình hơn, thì kêu gọi công bình tự tại hay công bình trong việc phân
phối về kinh tế là không cần thiết. Tu viện là một định chế chủ yếu trong mạng
lưới chính về thương mại và bố thí và hoạt động của tu viện đã có những hiệu
ứng về kinh tế. Thái độ kinh tế của sư tăng cũng có vai trò quan trọng để phát
triển tăng đoàn và xã hội.
Đạo đức kinh tế
của Phật giáo không tương phản với việc phát triển chủ nghĩa tư bản và đã hỗ
trợ cho chủ nghĩa tư bản sơ khai tại Ấn thời cổ, tại Trung Quốc và Nhật Bản
thời trung cổ. Có nhiều phê phán rằng Phật giáo giúp cho tín đồ tu tập hướng về
một thế giới khác, làm giảm đi những động lực phấn đấu cho giá trị của thế giới
này, vì thế Phật giáo không có một vai trò tích cực trong việc thay đổi xã hội.
Đây là một luận điểm sai lầm vì không coi trọng mối quan hệ giữa Phật giáo và
xã hội. Tác dụng của Phật giáo đối với nhà nước được chứng minh qua việc cổ vũ
về đạo đức, công tác từ thiện. Phật giáo đã đóng góp rất lớn trong việc canh
tân và phát triển Nhật là một thí dụ điển hình.
Kinh tế học theo
quan điểm Phật giáo hoàn toàn khác biệt với kinh tế học của chủ nghĩa tư bản và
Chủ nghĩa Xã hội. Phát triển kinh tế phải được đặt trong một bối cảnh rộng rãi
hơn về nhu cầu phát triển nhân cách toàn diện và hạnh phúc an lạc mà lối sống
của Phật tử sẽ đem lại ý nghĩa cao đẹp cho một nền kinh tế. Phật giáo thấy cốt
tủy của văn minh không chỉ nhằm gia tăng những ham muốn nhưng mà còn làm thanh
cao nhân cách của con người. Tìm cách triển khai khái niệm này bằng cách đề
xuất một loại chủ nghĩa xã hội mang màu sắc “chính Pháp” (Dhammic Socialism)
là một phương cách trung dung để tránh được sai lầm đã có của các chủ nghĩa
trong bối cảnh hiện đại.
Mô hình phát triển
của phong trào Sarvòdaya Sramadàna tại Sri Lanka là một thí dụ vì đã tái khám
phá đạo đức xã hội của Phật giáo. Những giáo huấn Phật giáo nhằm hướng tới một
tinh thần dấn thân cho xã hội, tạo một phương cách hội nhập hòa hợp theo một
đường lối trung dung và thay đổi nhằm đem lợi ích cho cá nhân, xã hội và môi
trường, hòa nhập cải thiện vật chất vào tâm linh, với sự chuyển hóa của cá nhân
và với sự tương trợ trong xã hội. Sự đóng góp của Phật giáo trong việc phát
triển kinh tế hiện đại của Nhật được minh chứng qua sự thành công của phong
trào Sòka Gakkai, phong trào xây dựng giá trị xã hội, một hình thức của Phật
giáo theo Nhật Liên Tông.
GS. Peter Harvey
minh chứng rằng khi xem Phật giáo không quan tâm đến các vấn đề kinh tế, thì
đây là một sai lầm, vì đức Phật có hoằng hóa cho các cư sĩ, tăng đoàn và giới
lãnh đạo về các lĩnh vực kinh tế. Hình thức tiêu thụ của chủ nghĩa tư bản và
giáo huấn của Phật giáo, khi gặp nhau, có nhiều phù hợp hơn, nếu chủ nghĩa tư bản
đóng góp cho việc phúc lợi chung hơn là tìm tư lợi. Trong phương cách làm việc
của Phật tử có thể đóng góp nhiều trong sự phát triển chung, mà giá trị của nó
được đặt ra trong môi trường xây dựng nhân cách, hơn là chỉ đơn thuần là tạo
thêm thu nhập.
Trong chương 3,
vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo theo quan điểm Phật giáo được
đề cập. Nguyên bản Đức ngữ của bản dịch là “Menschenrechte und religiöse
Freiheit aus der Sicht des Buddhismus” được đăng trong Hans Küng &
Karl-Josef Kuschel (Hrsg.): “Weltfrieden durch Religionsfrieden, Antworten aus
den Weltreligionen”, Piper, München, Zürich 1993, trang 109-139. Tham luận này
được GS. Masao Abe trình bày tại cuộc hội thảo quốc tế: Các tôn giáo
trên thế giới và vấn đề nhân quyền, do UNESCO tổ chức vào ngày 8-10 tháng 2
năm 1989 tại Paris.
Masao Abe cho rằng có sự khác biệt của
Phật giáo và các tôn giáo phương Tây, vì Phật giáo không đặt vấn đề sự hiện hữu
của một Thượng đế cá nhân, mặc khải, tiên tri hay cứu rỗi qua niềm tin. Phật
giáo không từ bỏ, lên án hoặc kết tội là tà giáo, mà thực ra phê phán trong
tinh thần xây dựng, dưới nhiều nhãn quan khác nhau và cùng nhau hướng về một
tín ngưỡng chung. Phật giáo hướng dẫn tìm hiểu về quy luật duyên khởi, tự kiến
bản ngã, suy niệm và thoát bỏ mọi hệ lụy. Phật giáo không chủ trương cực đoan
phủ nhận những tín ngưỡng khác với tín ngưỡng của mình.
Lập luận bảo vệ nhân quyền của Phật giáo
cũng hoàn toàn khác biệt vì trong kinh điển Phật giáo không có ý niệm nhân
quyền tương tự theo ý nghĩa của phương Tây. Phật giáo không cho rằng bản thể
con người chỉ giới hạn trong quan điểm về nhân chủng, mà đặt con người trong
một tuơng quan rộng rãi hơn với tạo vật và vũ trụ. Theo Phật giáo, con người là
một thành phần hữu tri giác trong một tổng thể của muôn loài vừa hữu tri giác
và vô tri giác, vì con người và tạo vật trong vũ trụ đều đặt mình trong quy
luật sinh diệt hữu hạn. Do đó nhân quyền trong Phật giáo được hiểu trong chiều
hướng vũ trụ, phổ quát và vượt qua ý niệm về nhân chủng này. Phật giáo không
loại bỏ những quyền của các sinh vật khác như cây cỏ và thú vật.
Ðể hiểu quan điểm của Phật giáo về vấn đề
nhân quyền đúng đắn hơn, điều cần thiết nhất là phải đặt lại vấn đề bản ngã,
bởi vì vấn đề nhân quyền và tự do của con người không thể nào lãnh hội được nếu
không có sư hiểu biết tường tận về bản ngã. Trong tất cả những điều răn của
Phật giáo đều hàm chứa một điều: không nên hủy diệt cuộc sống, lời khuyên này
không những áp dụng cho con người mà còn cho cả muôn loài có tri giác. Thiên
nhiên không những lệ thuộc vào con người, mà ngược lại con người cũng lệ thuộc
vào thiên nhiên. Sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo tại phương Tây đã
gây ra một hậu quả quan trọng trong các vấn đề tự do tôn giáo.
GS. Masao Abe kết luận là Phật giáo có thể
đóng góp trong vấn đề nhân quyền và khoan dung tôn giáo với ba giải pháp: Buông
bỏ mọi ràng buộc vào hệ thống tín điều và giáo điều. Không có một tôn giáo nào
tồn tại mà không có hệ thống tín điều, nhưng thái độ đối với hệ thống tín điều
là quan trọng. Khi mà tín điều chỉ được coi là chủ yếu và chỉ nhằm ràng buộc
mọi tín đồ, thì hệ thống tín điều này chỉ là một giáo điều.
Sự nhấn mạnh đến giáo điều thường đưa tới
sự phân hóa trong tôn giáo và đưa tới sự phản kháng của các tôn giáo khác. Ðiều
này tạo ra những xung đột tôn giáo ngay cả đến thánh chiến. Các tôn giáo này
thường nhấn mạnh quá mức mọi niềm tin duy nhất vào chân lý mặc khải cũng còn
được biết đến về sự cố chấp của mình, điều này bắt nguồn từ hình thức tín
ngưỡng cứng nhắc mà ra. Khi nào chúng ta từ bỏ mọi ràng buộc với các gíáo điều
và trở về với chân lý tôn giáo như là cội nguồn của đạo lý, chừng đó chúng ta
mới tránh được mọi phân hóa và thánh chiến và chúng ta không những khoan dung
trong chính tôn giáo mình mà còn khoan dung với các tôn giáo khác.
Chủ đề của chương 4 là phát
triển khoa học theo quan điểm Phật giáo. “Vô Tận trong lòng bàn tay
-Từ thuyết Ðại bùng nổ đến Giác ngộ” là một tiểu luận Việt ngữ của TS. Đỗ
Kim Thêm đã đăng lần đầu tiên trên Tập San Viên Giác Tây Ðức Số 126 Xuân Nhâm
Ngọ 2002. TS. Thêm viết để giới thiệu tác phẩm Pháp ngữ “L’infini dans
la paume de la main - Du Big Bang à l’Éveil” của Matthieu Ricard và Trịnh
Xuân Thuận, Nhà xuất bản: Fayard/Nil, Paris 2000 nhằm giúp cho bạn đọc người
Việt theo dõi một cuốn sách đang bán chạy nhất tại thị trưòng Pháp ngữ mà lúc
đó các bản dịch Anh và Việt ngữ chưa ra đời. Về sau bài này được trang mạng Thư
viện Hoa Sen, Vietsciences và nhiều trang mạng khác phổ biến.
Tác phẩm “L’infini dans la paume de la
main - Du Big Bang à l’Éveil” là một công trình đầu tiên quy mô và nghiêm
túc nhằm đối chiếu những thành tựu khoa học hiện đại với những luận điểm liên
hệ theo Phật giáo.
Nội dung được hai tác giả đề ra để thảo
luận về mối quan hệ giữa Phật giáo là sự dị biệt về hai trào hướng của hai lãnh
vực, vấn đề sự khai nguyên vũ trụ, nguyên lý tổ chức cho vũ trụ, giải thích sự
hiện hữu của các phần từ sơ đẳng, tính cách vô thường trong thế giới hiện
tượng, vấn đề định mệnh, thời gian, thuyết nhân quả, quan hệ giữa tinh thần và
vật chất, quy luật khoa học và quy luật Phật giáo, tầm quan trọng của lý trí
trong khoa học và suy niệm trong Phật giáo, thẩm mỹ trong khoa học và Phật học,
khoa học hành động theo Phật giáo.
Với một kiến thức uyên bác về vấn đề
chuyên môn và khả năng giải thích trong sáng, hai tác giả luận giải về tương
đồng và dị biệt giữa tôn giáo và khoa học. Khởi đầu từ luận đề của Galilée học
giới cho là hai thế giới này không thể nào gặp nhau được. Einstein khi đối
chiếu Phật giáo với các tôn giáo khác đã cho rằng Phật giáo có thể đáp ứng được
những nhu cầu đòi hỏi của khoa học. Einstein muốn nói tới tính cách thuần lý và
thực tiễn của Phật giáo, khi ông so sánh thấy các tôn giáo khác chỉ dựa trên
kinh điển và giáo điều.
Hai tác giả kết luận rằng Phật giáo là một
tôn giáo có thể đối thoại với khoa học. Phật giáo và khoa học không những không
đối kháng mà còn bổ khuyết cho nhau trong việc tìm hiểu khoa học hiện đại và
đời sống tinh thần của từng cá nhân cũng như trong nỗ lực về sự chế ngự thiên
nhiên và kềm chế bản ngã để tìm đường thoát khổ.
Trong chương 5, những vấn đề
dân số, tiêu thụ và mội trường theo quan điểm Phật giáo được đề
cập chi tiết. Nguyên bản Anh ngữ của bài này là “Buddhist
Resources of Issues of Population, Consumption and the Environment” được
đăng trong Mary Evelyn Tucker and Dunncan Ryuken Williams (eds.): Buddhism and
ecology: the interconnection of dharma and deeds, Harvard University, Center
for the Study of World Religions, Cambridge Mass: Harvard Uni Press, 1997 pp.
291- 311.
Giáo lý Phật giáo
không hề trực tiếp đưa ra những giải pháp cho các vấn đề của thời đại như dân
số, tiêu thụ hay môi trường. Tuy nhiên khi giải thích những giá trị nội tại của
giáo lý Phật giáo qua kinh điển, thì ta sẽ tìm ra những đường lối thích hợp để
giải quyết các vấn đề này. Giải thích giá trị của Trung đạo sẽ tìm ra một giải
pháp cho các vấn đề, mà thái độ tiết chế là một đề nghị và Phật tử nên noi
theo. Chúng ta không thể mở rộng môi trường và gia tăng tài nguyên tùy thích,
mà chỉ có thể giảm bớt dân số và tiết chế tiêu thụ
Phật giáo không
khuyến khích sinh sản, không bắt buộc Phật tử phải có con như một bổn phận tôn
giáo. Sinh con hay không là do quyết định của riêng mình. Quyết định này đến từ
ý thức về cuộc sống của con người trong thế gian và trách nhiệm trong tình liên
đới, chứ không phải do tai nạn hay bổn phận.
Phật giáo đề cao
rất mực điều may mắn khi được sinh ra làm kiếp con người, không phải vì có nhân
quyền hay được đứng trên tạo vật khác. Theo ý nghĩa tiết chế thì sống một đời
xa xí là vô nghĩa, nhưng sống nghèo khó chẳng đưa đi đến đâu. Phật giáo không
lên án giàu sang mà cũng không hề ca ngợi nghèo đói. Một đời sống tiết chế là
điều kiện cần thiết và tiên quyết cho sự tu tập để đạt tới giác ngộ. Để việc tu
tập có kết quả, Phật tử cần có một cơ sở vật chất tối thiểu và bình an tâm
hồn.
Thay vì chỉ lo nối dõi tông đường, Phật tử
cần nỗ lực khởi động tâm Bồ-đề, một hơi ấm của lòng từ bi cho tất cả chúng sinh
và muôn loài, vượt qua ý nghĩa hạn hẹp cá nhân gia đình, tộc họ, điạ phương hay
đất nước. Tâm Bồ-đề là một chủng tử giác ngộ cần vun bồi và lưu truyền, nó cũng
quý giá như các di sản văn hóa khác của nhân loại.
Quan niệm rằng quan hệ tình dục mà không
sinh sản là bại hoại đạo đức, giá trị này cần được xét lại trong điều kiện
thặng dư dân số hiện nay. Vấn đề tình dục, sinh sản và đạo đức nên được thảo
luận công khai và tách biệt ra, thay vì kết hợp lại để lên án. Nhiệm vụ chủ yếu
của quan hệ tình dục là cảm thông và gắn bó trong xã hội con người. Kim Cang
Thừa mang tính Mật giáo, phương pháp tu học huyền bí, bao gồm tôn giáo thiên
nhiên của Ấn Độ và Phật giáo, đặc biệt có tôn thờ giới tính và hình tượng nam
nữ yêu nhau. Nam và nữ được so sánh như trí thức và từ bi. Quan hệ vợ chồng
được xem như một tình bạn đồng môn, cùng tu tập và giúp nhau trong cuộc đời với
sự đối xử trân trọng và bình đẳng nhau, mà tình dục là một biểu tượng thiêng
liêng, chứng minh cho sự gắn bó này.
Mối quan hệ văn hóa giữa Trung Hoa và Ấn
Độ được thảo luận trong chương 6. Nguyên bản Anh ngữ của bài này là “Passage to India”,
đăng trong The New York Review of Book, Volume 51, Nummer 19, December 2004.
Dù không luận giải
trực tiếp Phật giáo có thể đóng góp cho phát triển dân chủ tại nhiều nước trên
thế giới. Tinh thần vô úy trước bạo lực, nhiệt tình thảo luận công khai trước
những bất đồng, sẵn sàng chấp nhận phê bình để sửa sai là một trong những
truyền thống đặc sắc của Phật giáo mà thế giới có thể học hỏi và áp dụng vào
những cải cách chánh trị trong tương lai.
Vì các giá trị
Phật pháp có khả năng khai sáng mà tác phẩm mang lại cho người đọc và vì những
kiến thức Phật giáo mang tính cẩm nang mà các tác giả đã gửi gắm trong tác phẩm
này, tôi trân trọng kính giới thiệu đến quý độc giả trí thức gần xa. Hy vọng
rằng tác phẩm này góp phần soi sáng những vấn đề thời đại mà tất cả chúng ta
đang quan tâm và tìm giải pháp.
Giác Ngộ, ngày
28-09-2012
TT. Thích Nhật Từ
Tổng Biên tập
Tủ sách và Tạp chí
Đạo Phật Ngày Nay
Quý Phật tử có thể
mua sách tại phòng phát hành Đạo Phật Ngày Nay, 86 Nguyễn Chí Thanh, P. 3, Q.
10, TP. HCM. ĐT: 083894121.