Có
phải vì cái tên Đỗ Hồng Ngọc đã quá nổi tiếng với tư cách một tiến sĩ y
khoa đã phần nào che mờ tác giả như một nhà thơ? Hay là vì chính những
tác phẩm bàn về y học, thiền học của ông, với chất thơ bàng bạc trong
đó, cũng mang đủ những phẩm chất thi ca, cho nên người đọc không còn
phân biệt ở ông đâu là nhà thơ, đâu là thiền giả và đâu là bác sĩ của
tuổi thơ.
Tiếng Việt mình có những từ đồng âm thật là tuyệt
diệu: thơ, tuổi thơ, trẻ thơ, ngây thơ, tình thơ, ngày thơ…, những từ
khác nghĩa mà thật gần nghĩa, cộng hưởng vào nhau. Đọc Đỗ Hồng Ngọc từ
gần 40 năm trước, tôi nhận ra rằng, tất cả những "thơ" đó đều hiện diện
trong thơ văn của ông. Thì đây, hãy đọc lại một khổ thơ ông viết về Mũi
Né năm 1970:
Mũi Né ơi người xưa đã xa
Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ
Năm nay người có về ăn Tết
Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ…
Chút ấu thơ lúc nào cũng làm ta ngậm ngùi, đó là một
nét thuộc về phong cách Đỗ Hồng Ngọc. Hồn thơ này nhạy cảm với những gì
đã qua, những gì đã xa, biết là mất mà không tin là mất, vẫn có thể níu
kéo được, vẫn có thể gìn giữ được, bằng kỷ niệm, bằng tình yêu và bằng
chính thơ ca:
Mùa xuân mừng tuổi thơm tho áo
Nắng cũng vàng phai ngày cũng xa.
Lòng em biết có ngàn xưa cũ
Hay cũng mòn phai theo bóng trăng.
Hoa vàng đã rụng đầy sân vắng
Tình cũng ngùi phai theo tháng năm.
Đỗ Hồng Ngọc chọn thơ ca và chọn nhi khoa là phải
lắm. Ông chăm sóc thơ như chăm sóc tuổi thơ và chăm sóc tuổi thơ như
chăm sóc mầm thơ. Ông không xem thơ như mục đích tự thân, cũng không xem
thơ như một công cụ, mà để thơ tựa vào cuộc đời, tựa vào tình người.
Câu thơ của ông chan hòa, giản dị, như tự bật ra từ trái tim, và khi
thấy lòng mình đã lên tiếng vừa đủ, thì thơ ông nhẹ nhàng rút lui hay ẩn
mình trong khói sóng.
Cung cách "ẩn mình" đó là cách hiện diện của thơ Đỗ
Hồng Ngọc ngay từ trước 1975, khi ông chọn bút hiệu ghép từ họ cha và họ
mẹ (Đỗ Nghê) và chọn hình thức phổ biến hạn chế bằng ronéotypé. Trong
hồi ký Những chuyến ra đi, nhà văn Lữ Phương nhắc đến kỷ niệm về
những câu thơ mà cho đến nay ông vẫn không hề biết tác giả là ai: "Một
ông thầy dạy Pháp văn tên Nguyễn Khánh Long ở kế bên nhà tôi, trước khi
bắt đầu giờ học đã đọc cho học sinh chép bài thơ đem từ Sài Gòn về,
không biết ai là tác giả, ca ngợi Quách Thị Trang bị bắn chết trong một
cuộc biểu tình chống Ngô Đình Diệm trước chợ Bến Thành, trong đó những
câu tôi còn nhớ được:
Có cần gì một con đường mang tên em
Một công trường hay một hoa viên
Vì tên em đã lồng khung tuổi trẻ
Vì tên em không còn là một tên riêng…"
Đây chính là bài Em còn sống mãi, Đỗ Nghê viết năm 1964, lần đầu in báo Tình thương, sau được Kiên Giang Hà Huy Hà đăng lại trên Báo Điện tín.
Riêng người viết bài này, thì lần đầu tiên đọc và
thuộc thơ Đỗ Nghê là qua trung gian của báo chí và âm nhạc. Đó là những
câu thơ biểu hiện hơi thở và mùi vị Phan Thiết mà Thu Thủy trích dẫn
trong một bài giới thiệu trên Nhật báo Chính luận (1974):
Chân run rẩy cát bờ
Thương Chánh
Gió ở đâu về thơm bước khuya…
Trong bài giới thiệu đó, Thu Thủy tán đồng nhận xét
của Lữ Kiều, một bạn văn và đồng môn của Đỗ Hồng Ngọc, rằng hai tố chất
chủ đạo của người và thơ Đỗ Nghê là nghiêm túc và đôn hậu. Đó còn là bài
Lời ru do Miên Đức Thắng phổ thơ Đỗ Nghê, một bài hát "thật chua xót và cũng thật dữ dội", như Thế Uyên nhận xét. Chính Lời ru là một trong ba ca khúc phản chiến đã khiến chính quyền Sài Gòn đưa Miên Đức Thắng ra tòa với bản án năm năm khổ sai:
Rất nhiều đêm rất nhiều đêm
Tôi vỗ về tôi thủ thỉ
Ngủ đi con ngủ đi con
Ngày mai rồi khôn lớn
Cầm súng với cầm gươm.
Ngủ đi con ngủ đi con
Ngày mai rồi khôn lớn
Giết bạn bè anh em
Ngủ cho ngon ngủ cho ngon
Ngày mai rồi khôn lớn
Bán nước mà làm quan.
Cùng với hai bài thơ Em còn sống mãi và Lời ru nói trên, Thư cho bé sơ sinh tạo
ra một "thế chân vạc" cho vị trí của thơ Đỗ Nghê, khiêm tốn mà riêng
biệt, trong thơ đô thị miền Nam thời chiến. Rõ ràng là Đỗ Nghê có mặt
trong dòng thơ tranh đấu lúc đó như một chọn lựa: chính ông đã từng
thuyết trình về đề tài này ở Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1964, như Nguyễn
Ngu Í tường thuật lại trên Tạp chí Bách khoa. Nhưng với bài Thư cho bé sơ sinh, ngòi
bút Đỗ Nghê không chỉ tranh đấu cho hòa bình như một lẽ phải đương
nhiên, mà còn suy ngẫm về thân phận con người trong một thời buổi nhiễu
nhương và phả hơi ấm tình yêu con người trong một ngôn ngữ hiện đại.
Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em.
…
Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu…
Thật kỳ lạ, ở tuổi 25, Đỗ Hồng Ngọc đã tự đặt cho
mình một cột mốc thơ ca mà chính ông không dễ gì vượt qua. Ni sư Giải
Nghiêm có lý khi cho rằng nhiều bài thơ và bài viết của Đỗ Hồng Ngọc về
sau này dường như là một sự nối dài Thư cho bé sơ sinh.
Thư cho bé sơ sinh còn đặc trưng cho thơ Đỗ
Hồng Ngọc ở điểm này: tác giả khai thác nhiều khía cạnh tương phản của
đời sống: tiếng khóc và nụ cười, màu sáng và màu tối, thực chất và nhãn
hiệu, cái bé bỏng nhỏ nhoi và cuộc đời rộng lớn; nhưng không đẩy nó vào
thế đối lập mà đưa những tương phản đó thành những hợp thể. Phải chăng
đây cũng là dấu ấn của lý tưởng hoà hợp trong thơ ông sau này, khi ông
viết những bài thơ mang hơi thở thế sự hay mang tâm thức thiền học.
Giữa hoàng hôn xưa và Vòng quanh là
một giai đoạn mới của thơ Đỗ Hồng Ngọc. Quả là một nghịch lý, khi hồn
thơ mở ra những không gian mới, nó lại vẫn không thôi chịu sức hút của
kỷ niệm.
Có thể nói Đỗ Hồng Ngọc là người nhặt thơ của chính mình đánh rơi trên những ngả đường. Đọc Giữa hoàng hôn xưa, ta
tưởng chừng như nhà thơ để lại trái tim mình nơi những góc phố, những
bến thuyền của thị xã Phan Thiết mà tuổi trẻ ông đã đi qua. Đến tập Vòng quanh, Đỗ
Hồng Ngọc nhặt tiếp một lẵng thơ từ những chân trời xa: dưới một vầng
trăng Boston, vào một mùa tuyết Montréal hay trong màu nắng toả sáng
vườn Luxembourg - nơi từng in dấu chân bao văn nhân thi sĩ. Thì ra
chuyến đi nào cũng là một cuộc hành hương trên cõi đời này. Một lúc nào
đó, dường như Đỗ Hồng Ngọc ngộ ra rằng đâu có phải mình đang đi mà chính
là thời gian bước đi trong mình, bước đi qua những sợi tóc không còn
xanh, bước đi qua kỷ niệm, bước đi qua nhớ thương.
Và như vậy thời gian không còn gợi lên niềm sợ hãi.
Ngày tháng cứ trôi đi, đó là quyền lực của tạo hóa. Còn con người cũng
biết cách biến tình yêu và niềm tin của mình thành "quyền lực". Tin rằng
một cái gì đã hiện hữu thì không thể nào là hư vô. Đó là niềm tin của
nhà thơ khi cầu nguyện cho hình ảnh thân yêu đã chia lìa bước ra từ một
phim trường hay hiện về trên màn hình vi tính.
Thật ra, ý hướng thiền học và cảm xúc tâm linh đã ươm
mầm trong thơ Đỗ Hồng Ngọc từ rất sớm. Nhưng phải qua những trải nghiệm
nào đó về cuộc đời, người ta mới có thể nghĩ sâu về Tâm kinh như tác giả Nghĩ từ trái tim. Cũng như phải đạt đến một sự hòa hợp nào đó giữa "ngã" và "tha", người ta mới viết được những câu thơ như Đỗ Hồng Ngọc:
Hội An còn ngái ngủ
Mái chùa ôm vầng trăng
Giật mình nghe tiếng chổi
Gà gáy vàng trong sương.
Tan biến giữa mênh mông, ta còn biết nhận ra mình ở đâu? Chỉ là ở cái giật mình. Và hễ còn giật mình là còn có thơ.