Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đọc Kinh với thầy Thiện Châu
10/10/2010 21:11 (GMT+7)

Đọc Kinh Với Thầy Thiện Châu là điếu văn của Cao Huy Thuần đọc trong tang lễ. Chuyển Luân xin phổ biến nguyên văn như một lời tâm thành hạnh ngộ của người ở lại và lời bái biệt với người ra đi.

Trên ba mươi năm đọc kinh với thầy Thiện Châu, bây giờ đây, ở giờ phút này, tôi vẫn chỉ muốn đọc với thầy một bài kinh. Đọc với thầy chứ không phải đọc cho thầy. Thầy vẫn còn ở đâu đấy, và thầy đang đọc kinh với tôi. Tôi đọc kinh với thầy từ khi thầy trò vừa đặt chân lên xứ lạ, làm bạn đồng hành. Chúng tôi đi trên ba mươi năm, thấy chẳng đến đâu cả, nhưng càng đi càng thấy như gặp cảnh cũ, người xưa. Đất là đất lạ, nhưng càng đi càng quen, vì trên đất đó bỗng nảy ra chùa chiền. Trong tiếng chim chóc mà hôm qua còn lạ, hôm nay nghe như đã ‘thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái’. Tưởng chừng đi thêm vài bước nữa sẽ gặp ông Chu Mạnh Trinh đang mài mực viết thơ trong động Hương Sơn. Khi chúng tôi đặt chân đến đây, đất này là núi. Bây giờ trên núi đã mọc tháp, trong núi đã có động, và trong đá lạnh đã róc rách nước suối cam lồ. Khi thầy khởi hành, đất này chưa quen Phật. Khi thầy từ giã, Phật đã trải tọa cụ trong nhà. Thầy đến, mà như thầy không đi. Khi đi, tưởng đã bước chân ra khỏi chùa. Khi đến, bỗng chân bước lại vào chùa cũ. Tôi đang muốn đọc lại bài kinh đó với thầy. Phật là người không đi không đến, bất khứ bất lai.

*

*     *

Vào khoảng 1966-67, Hòa Thượng Minh Châu lần đầu tiên ghé Pháp. Ba bốn thầy trò nói chuyện buổi sáng quanh chén trà. Từ khói trà bỗng nảy ra sáng kiến thành lập Đại Học Vạn Hạnh với phân khoa Khoa Học Xã Hội lần đầu tiên tạo dựng trên miền Nam cũ. Vạn Hạnh nảy mầm từ đây, trên đất lạ. Ba mươi năm sau, rễ Vạn Hạnh lan dài đến Trúc Lâm. Năm đó, nghe tin Hòa Thượng Minh Châu đến Pháp, một Phật tử trước đây ở Ấn Độ, nhân viên sứ quán của chính quyền miền Nam cũ, quen Hòa Thượng trong thời gian người còn tu học tại đó, ân cần mời Hòa Thượng về nhà thọ trai. Tôi hoan hỷ tháp tùng hưởng lộc. Thế nhưng thầy trò gặp chuyện bất ngờ. Trước khi cơm nước, vị thí chủ khả kính đưa hai thầy trò qua một phòng riêng, nơi đó, một bàn thờ Phật trang nghiêm đã được bài trí. Thí chủ cung thỉnh Hòa Thượng về nhà để tụng kinh, làm lễ an vị Phật. Hương đèn không thiếu, chỉ thiếu kinh.

Ai cũng biết, Hòa Thượng Minh Châu rất giản dị trong nghi lễ. Nghi lễ của Hòa Thượng là thiền. Nhưng Hòa Thượng không giao động; người bảo tôi qùy xuống, và hai thầy trò quỳ xuống trước bàn Phật, đọc bài kinh vỡ lòng mà ai cũng thuộc từ thuở Gia Đình Phật Tử:

Tham giận kiêu căng

Si mê lầm lạc

Ngày nay thờ Phật

Biết sự lỗi lầm

Trong đời đọc kinh của tôi, đó là một trong những lần tôi gần Phật nhất. Đó là một trong những lần tôi thấy trang nghiêm toát ra từ mỗi chữ, thấy mỗi chữ không phải đi ra từ miệng mà từ trong sâu thẳm của ý thức, rồi từ trong sâu thẳm đó bay vào sâu thẳm của khói hương. Hai thầy trò, một bài kinh, không chuông mõ, rồi yên lặng. Rất lâu. Trong yên lặng, tôi nghe bước đi của tôi, bước đi khởi từ tham, bước đi khởi từ giận, bước đi khởi từ kiêu căng, bước đi khởi từ si mê, cứ đi mỗi bước là mỗi bước xa tôi, xa dần, ‘bước chân xa vắng dặm mòn lẻ loi’. Rồi tôi nghe bước chân của tôi trở về, mỗi bước mỗi gần, bước chân trở về trên chữ ‘biết’, biết sự lỗi lầm, bước chân sạch, bước chân thơm, sau khi rửa bụi đường xa. Trong yên lặng, dường như tôi thấy tôi đến, không phải đến nơi nào khác, cách chỗ mình đi năm dặm mười dặm, mà đến chỗ vừa đi, chỗ hết tham khi vừa khởi ý hết tham. Bất khứ bất lai, Phật là người không đi không đến.

*

*     *

Thầy trò chúng tôi đã tu như vậy. Và chắc chắn thầy Thiện Châu không phải đang nằm đó. Bao nhiêu lần thầy nói thầy sẽ đến nơi chỗ thầy đi: thầy đến nơi bếp lửa Tây Thiên, làm lại chú tiểu, buổi sáng mùa đông ngồi đun lửa, châm trà hầu Hòa Thượng. Trên ba mươi năm, thầy nhai sách, nhai mãi cho ra cái tiến sĩ. Bây giờ, thầy đang khoanh tay nhìn Hòa Thượng Tây Thiên nhai trầu. Thầy quen nói đùa: chữ nghĩa không giá cái bã trầu của Hòa Thượng Tây Thiên. Thầy nhìn Hòa Thượng nhai trầu, không nói gì hết. Rồi thầy bảo tôi đọc tiếp bài kinh:

Tham giận kiêu căng

Si mê lầm lạc

Ngày nay thờ Phật

Biết sự lỗi lầm

Thành tâm sám hối

Thề tránh điều dữ

Nguyện làm việc lành

Tránh điều dữ nơi thân. Tránh điều dữ nơi miệng. Tránh điều dữ nơi ý. Tu với thầy Thiện Châu dễ quá, chữ nào cũng hiểu. Nhưng tu với thầy khó lắm. Tránh dữ, mấy ai tránh nổi! Huống hồ đã tránh dữ, còn phải làm lành! Trên ba mươi năm đi với thầy, nhất là trong những năm đầu, khi thầy còn một mình một bóng, tôi không khỏi có ý nghĩ đang cùng đi với thầy qua Tây Trúc. Thầy ngây thơ, tinh khiết, trước ma vẫn nghĩ là người. Trò kiêu ngạo với kính chiếu yêu, soi người thấy ma, quên bẵng ma với người chẳng phải là hai. Bao nhiêu lần, trò quẫy gót, từ giã thầy. Nhưng thầy có câu chú kim cô đau đầu lắm:

Thề tránh điều dữ

Nguyện làm việc lành

Là tôi lại quay về với thầy! Gần đây, thầy hay nhắc lại lúc hai thầy trò vừa khởi hành, lúc đó, tinh thần phơi phới, đi, mà cứ tưởng như đi lên trời! Cứ thế, thầy trò đi. Nhưng thầy đâu có đến Tây Trúc! Thầy đến Tây Thiên! Còn trò, ngơ ngơ ngáo ngáo, chẳng thấy mình đến đâu, chỉ thấy đang múc gáo nước rửa bụi ngã mạn dưới chân. Bất khứ bất lai, Phật là người không đi không đến.

*

*     *

Trên ba mươi năm hành đạo nước ngoài, thầy Thiện Châu để lại hai hình ảnh nơi lòng người Việt xứ này: hình ảnh một ông thầy tu dấn thân trong chiến tranh, hình ảnh một ông thầy tu hiền lành, bình dị. Hình ảnh trước là biến, hình ảnh sau là thường. Củng như vận nước: bây giờ là thường, lúc đó là biến. Nhưng biến hay thường, đối với thầy Thiện Châu, chỉ là hai mặt của cùng một suy luận đơn giản. Một, Phật Giáo không phải là đạo của chiến tranh, cho nên giữa chiến tranh và hòa bình, Phật Giáo dứt khoát lựa chọn hòa bình. Hai, Phật Giáo sống chết với Việt Nam, chứ chưa bao giờ nhờ cậy ngoại bang, bởi vậy Phật Giáo chống sự lệ thuộc ngoại bang. Chiến tranh càng kéo dài, sự lệ thuộc ngoại bang càng nặng, độc lập càng bị đe dọa. Mà độc lập của đất nước là hơi thở của Phật Giáo.

Đơn giản có thế thôi. Nói lên những điều đó là bổn phận của ông thầy tu. Dù biến dù thường, ông thầy tu không thể có ngôn ngữ nào khác. Phật Giáo quá dính chặt với Việt Nam, cho nên Việt Nam đau thì Phật Giáo cũng đau, ông thầy tu cũng đau. Nếu ông nói lên cái đau của ông là bởi vì đó là cái đau chung của dân tộc. Ông thầy tu, tựu trung, vẫn là ông thầy tu, không có dấn thân, cũng không có không dấn thân.

Thầy Thiện Châu là như vậy. Cho nên dù có ai không đồng ý với thầy vẫn không thấy mảy may xa cách thầy khi gặp thầy. Bởi vì ai cũng thấy nơi thầy toát ra hình ảnh một ông thầy tu hiền lành, bình dị, hòa hiếu, nhẹ nhàng, một bậc chân tu. Thầy gần gũi với mọi người, không phân biệt khuynh hướng. Thầy gần gũi các cụ, các bác. Phải thấy các cụ các bác quý thầy như thế nào mới hiểu hơi ấm của đạo mà thầy truyền qua. Thầy gần gũi trí thức. Thầy gần gũi bình dân. Nhưng thầy gần gũi nhất là với các em bé. Hình như sự ngây thơ của thầy bắt gặp nơi sự trong trắng của trẻ em chân lý mà không lời lẽ nào nói được.

Hòa bình trở về, Thầy Thiện Châu sung sướng được làm ông Nguyễn Công Trứ tuy thiếu con bò vàng:

Nhà nước yên thì sĩ được thong dong

Bây giờ sĩ mới tìm ông Bàn Thạch

Ông Bàn Thạch của thầy là các bậc minh sư hiện tại của Việt Nam, tinh túy của một nền văn hóa mà nếu không khéo gìn giữ thì mất hết tổ tông. Ai gần thầy trong mấy năm gần đây đều thấy thầy trở về quét lá đa mỗi sáng sớm bên chân hai vị đại sư, Hòa Thượng Trí Quang, Hòa Thượng Thiện Siêu, hai vầng nhật nguyệt soi sáng một thế kỷ sắp tàn. Thầy tưởng thầy đi, kỳ thực thầy không đi đâu cả. Thầy đang ở Tây Thiên. Thầy đang ở Từ Đàm. Thầy đang ở Già Lam. Bất khứ bất lai, Phật là người không đi không đến.

*

*     *

Sáng thứ Hai vừa qua, Rằm tháng Tám, ngày trăng tròn nhất trong năm, môn đồ mang thức ăn vào hầu thầy như thường lệ, thầy đã lặng lẽ giã từ. Vu Lan vừa qua, thầy còn leo một mình lên đình Trúc Lâm. Không ai biết thầy mệt, tưởng thầy chỉ bị khí núi mùa đông làm yếu. Tám năm trước đây, thầy bị xuất huyết não. Thầy thuốc nói thêm: tim mạch của thầy có thể vỡ lúc nào không hay. Bao giờ thì nó vỡ? Trả lời: có thể năm năm, có thể một năm, có thể một tháng, có thể một ngày, có thể một giờ. Thầy bị cùng một lúc hai chứng đau quái ác: vừa não vừa tim. Ai chưa đau như thầy, xin đừng trách thầy có một thời gian tinh thần suy sụp. Hãy nhìn thầy tập đi, tập đứng, đi từng bước như đứa trẻ lên hai. Đứa trẻ chỉ tập đi trong vài tuần, vài ngày. Thầy tập đi trong tám năm. Và từng bước, từng bước, tinh thần của thầy hồi phục.

Trong triết lý đạo Phật, có mười hạnh kỳ quái gọi là mười hạnh không cầu. Kỳ quái, bởi vì ngược đời. Người đời cầu gì, ta cầu ngược lại. Một trong mười hạnh không cầu đó, là đừng cầu không có bệnh tật. Tại sao? Bởi vì không gặp bệnh tật thì không thấm đạo. Muốn hiểu mười hạnh vô cầu này như là một kinh nghiệm thực tế cũng được. Mà muốn hiểu trên bình diện luận lý, triết lý, cũng tốt. Không đau thì không thấm đạo. Cho nên không có ai thấm đạo như thầy, bởi vì không mấy ai biết mình sống với một mạch tim có thể vỡ trong một phút, trong một giây. Thầy như người đi qua sông trên một chiếc cầu xây bằng lá cỏ. Và thầy tập đi qua cầu như vậy trong tám năm.

Bệnh của thầy khiến tôi nghĩ đến một câu chuyện thiền  kinh dị. Chuyện như thế này. Một người bị cọp đuổi. Cọp rượt anh đến tận một triền núi. Anh nhảy bừa xuống triền núi để thoát thân, vớ được một cành nho. Ngước mắt nhìn lên, anh thấy con cọp đi lui, đi tới, tìm cách leo xuống. Cúi mặt nhìn xuống, anh thấy một con cọp khác đang nhe răng chờ anh rơi xuống đáy khe. Nhìn qua bên cạnh, hai con chuột đang gặm gần nhẵn cành nho mỏng manh anh đang bám. Ngay lúc đó, trước mắt anh hiện ra một trái dâu chín mọng, trái dâu đỏ ong mà ngày thường anh vẫn thèm ăn. Một tay anh bám cành nho, một tay anh hái trái dâu bỏ vào miệng. Ngon lành!

Câu chuyện chỉ có thế. Tôi kể cho con tôi nghe, con tôi bảo vô duyên. Tôi nói: người đó đã làm hết sức mình để thoát thân, chứ không phải buông xuôi cho số phận. Nhưng sự tình là như vậy, và trước sự tình đó, đâu có thể có thái độ nào khác hơn là hai thái độ sau đây: hoặc là bỏ phí cái giây phút cuối cùng của cuộc đời, hoặc là trọn vẹn thưởng thức nó. Mà cái giây phút nào chẳng có thể là giây phút cuối cùng? Có cái thời gian nào khác để chúng ta sống đâu, ngoài cái giây phút hiện tại này đây?

Mạng sống của thầy Thiện Châu không phải treo trên một cành nho, mà treo trên một mạch tim mỏng manh như sợi tơ. Và thầy đã làm gì? Thầy quét lá đa, rồi thầy đi lui, đi tới bưng từng viên đất để xây lại chùa Khoai, làm học viện cho rạng đông một thế kỷ mới.

Con tôi thắc mắc lắm, cứ muốn biết câu chuyện kết thúc như thế nào. Thì như thế nào nữa! Thầy Thiện Châu bị cọp ăn thịt! Hiển nhiên là như thế và không thể khác được. Nhưng có ai trong nhân loại vô cùng vô tận này chẳng có một con cọp đang chờ dưới khe? Vấn đề là trái dâu đang mọng đỏ trước mắt, trái dâu đẹp đẽ vô ngần, mầu nhiệm vô ngần của giây phút hiện tại. Một tay thầy Thiện Châu bám cành nho, một tay thầy bưng từng viên đất để xây chùa Khoai, thắp mặt trời cho ngày đang sáng. Thầy đi lui đi tới, đi qua đi về; thầy đi trên mũi kim của giây phút hiện tại. Nhưng đi trên mũi kim thì làm thế nào mà đi? Làm thế nào mà đến? Trên mũi kim, đi và đến có khác gì nhau?

Thưa thầy, thầy Thiện Châu kính mến của chúng tôi, bất khứ bất lai. Phật là người không đi không đến.]

Cao Huy Thuần

Các tin đã đăng:
Về đầu trang