Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những khoảnh khắc đời người
Tác giả: Thảo Phương
16/11/2010 10:36 (GMT+7)


Giữa những bộn bề của cuộc sống thường nhật, người ta dễ bị cuốn vào nhịp sống hối hả, đua chen mà quên tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc đời mình. Có người chọn lối sống gấp gáp để chạy đua với vòng thời gian bất tận. Lại có những người từ tốn nhấm nháp từng mẩu cuộc đời bởi họ có niềm tin sâu sắc rằng mình sẽ sống đời đại thụ. Góp nhặt những mảnh cảm xúc vụn vặt thành một bản trường thiên bất tận, Márai Sándor đã tạo ra cả một thế giới riêng trong "Bốn mùa, trời và đất".

"Tôi còn muốn gì ở cuộc đời?...Tôi đâu muốn sống đến vô cùng. Tôi đã nếm trải tất cả, hương vị của cái chết và niềm vui. Giờ đây tôi muốn biết ý nghĩa của cuộc đời. Ý nghĩa cuộc đời là gì?". Đó là lời mở đầu cuốn sách, là sự gợi mở và cũng là cái cớ để độc giả sẽ đồng hành cùng Márai Sándor đến trang sách cuối cùng. Dù không hứa hẹn sẽ có câu trả lời song hành trình bí hiểm như chính cuộc sống ấy sẽ mang đến cho độc giả những khoảnh khắc mà không phải ai cũng có cơ may nếm trải.

Thâu tóm thời gian bằng cách hưởng trọn bốn mùa trong năm, Márai Sándor làm ra một cuốn lịch cảm xúc. Cách nhà văn liệt kê lần lượt mười hai tháng trong năm gợi cho người đọc nhớ đến cuốn tản văn "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng. Cũng lấy mốc thời gian mười hai tháng, nhưng với Vũ Bằng, mỗi thời khắc trôi qua làm tăng lên gấp bội nỗi nhớ mảnh đất Bắc Việt của người con xa xứ còn Márai Sándor, mỗi khoảnh khắc đều là những suy nghĩ, trải nhiệm hiện tại ngay cả khi câu chuyện bắt đầu bằng dòng hồi tưởng.

Márai Sándor cũng không phải là một tác giả biết chiều lòng bạn đọc bởi ông thường gieo ra những nghi hoặc và không bao giờ có câu trả lời. Những câu hỏi ở vị trí mở đầu "Sao bạn cứ hấp tấp thế? Sao bạn vội vàng thế? Sao bạn viết tham lam, bằng cả tay và chân thế?" và kết thúc "Giấc mơ này là gì? Sao ta cảm thấy đau đớn đến thế khi không còn nó nữa? Sao ta phải đi tìm nó? Phải chăng đó là tuổi trẻ? Tôi chẳng biết." đã tạo thành một vòng hoài nghi khép kín. Người đọc sẽ phải tự đi tìm câu trả lời về ý nghĩa và giá trị của sự tồn tại bản thân mình giữa cuộc đời.

Trân trọng từng khoảnh khắc, Márai Sándor nâng niu những cảm nhận của mình như những di vật bé nhỏ mà một ngày nào đó sẽ biến mất. Không đầu hàng trước sức mạnh của thời gian cũng không đóng gói thời gian trong trật tự vĩnh hằng bất biến, nhà văn thả cho dòng thời gian hoà trộn giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Không cốt truyện, không nhân vật nhưng những cảm nhận của Márai Sándor khiến người đọc ngỡ ngàng vì đôi chi chúng ta đã bỏ qua quá nhiều điều tuyệt diệu mà cuộc sống mang lại. Thậm chí, chỉ việc được tồn tại giữa cuộc đời này thôi cũng đã là một món quà vô giá.

Để hoàn thiện thế giới của mình, Márai Sándor đã chiếm hữu toàn bộ không gian bằng cách ghi dấu ấn của mình trong khuôn khổ vô cùng của trời và đất. Nếu như ở phần trên, cảm xúc của nhà văn có sự biến động, thay đổi theo bước chuyển mình của thời gian thì khi đặt mình giữa không gian trời và đất, nhà văn lại gắn cảm xúc của mình với nhiều khoảng không gian khác nhau. Đó có thể là những không gian không xác định như "rừng", "nhà cho thuê", ... cũng có khi là những địa danh rõ ràng như thành phố Viên (Áo), thành phố Bakony (Hunggary),...

Có lẽ sẽ là chưa đầy đủ nếu không nói thêm rằng "Bốn mùa , trời và đất" còn là một cuốn từ điển với những định nghĩa rất mới mẻ. Rải rác trong cuốn sách, Márai Sándor đã lí giải khá nhiều về những giấc mơ - vạch nối mong manh giữa ảo và thực, đời và mộng. Giấc mơ mà Márai Sándor hướng đến không phải những giấc mơ như những cơn mộng mị lúc đêm khuya khi con người ẩn mình trong giấc ngủ bởi khi đó, theo ông "một kẻ buôn lậu cũng có những giấc mơ". Chính những giấc mơ ban ngày, những ảo ảnh khi đầu óc tỉnh táo là cách mà con người vượt ra khỏi thực tại và cất mình lên. Những giấc mơ ấy là một phần khát vọng mà nhà văn nuối tiếc khôn cùng khi đánh mất.

Dưới dạng những chia sẻ cảm xúc cá nhân, "Bốn mùa, trời và đất" sẽ là cuốn sách khó ai có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối nhưng chắc chắn, đây sẽ là cuốn sách mà độc giả cảm thấy thú vị khi đọc ngẫu nhiên một trang sách bất kì. Cuốn sách mang thông điệp giản dị của tác giả "Tôi nhắn từ hư vô: Cuộc đời, dù tang tóc, nhiễu nhương và hữu hạn, vẫn có ý nghĩa. Ý nghĩa duy nhất của cuộc đời là lý trí của con người. Tôi đã đọc đựoc chừng ấy giữa hai cực vô cùng, trong cuộc đời. Tôi đã đọc được và xin gửi lại."

Nguon: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-14-nhung-khoanh-khac-doi-nguoi

Các tin đã đăng:
Về đầu trang