Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Vầng trăng chân thường trong thơ ca
Đăng Lan
01/03/2012 15:10 (GMT+7)


Trương Trào - thi nhân người đời Đường, đã nói: “Vật cảm lòng người thì trên trời không có gì bằng trăng”. Vì vậy, trăng lâu nay vẫn là nguồn cảm hứng vô bờ của các nhà thơ. Và chúng ta đã tha hồ ngắm những vầng trăng lung linh chiếu trên những dòng thơ bất tận. Nhưng, tôi muốn nói cho bạn biết, có vầng trăng mà chúng ta muốn ngắm nhìn phải cần đôi mắt trong tâm, đó là: Vầng trăng chân thường trong thơ ca.

Có rất nhiều thơ trăng, nhưng thực ra chỉ là một (nhất bổn tám vạn thù). Nó hoàn toàn tự tại và siêu thoát nên vượt lên trên sự giống và khác nhau. Đó là những dòng chảy rất dễ đồng cảm. Ngắn, nhưng đủ để gói cả một trời man mác của nhiên giới, của vũ trụ trong thi ca.

Trăng – chữ nghĩa đong đầy, hình thức bình dị nhưng ý, tưởng và niệm đầy trong thơ. Mỗi bài thơ là dòng suy nghĩ, phản ánh thế giới tâm hồn của các tác giả, làm nên sự phong phú, đa chiều, nhiều tầng ý nghĩa và gây cho chúng ta cảm xúc kỳ diệu của sự giải thoát…

Thân như sương đầu cỏ,

Tụ mười cõi trăng sao.

Nhập dòng thơ thâm diệu,

Mộng thức dưới hoa đào.

(Phạm Thiên Thư)

Cõi trăng sao - nơi đó là thiên nhiên. Thiên nhiên là nơi trở về để thanh lọc, tu tâm dưỡng tánh - nơi vô hạn những trang sách mở ra: Ở núi học chí cao, ở nước học tâm thuận, ở mai học cốt cách, ở tuyết học tinh thần… mơ hồ, lãng đãng. Cái phong vị lãng đãng, mơ hồ tràn ngập trong cõi thơ Trăng. Không phải cõi tĩnh lặng mơ hồ, mà vì mơ hồ vốn là bản chất của thơ, là lãng đãng thế giới ba ngàn, là đã đưa cảm hứng chúng ta đến mức thượng thừa:

Vầng trăng đêm nay

Chiếu trùm pháp giới

Sắc vàng Như Lai. (Đông Tùng)

Ôi, vầng trăng nối suốt xưa - sau “Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt. Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân”(*)… mà, trên hành trình tiến hóa, con người đã đi như “Bãi cát dài, bãi cát dài-Đi một bước, như lùi một bước” (Sa hành đoản ca - Cao Bá Quát)… Nơi đó, có ánh sáng của vầng trăng chân thường được biểu tượng như giáo pháp luôn thắp sáng những vùng tối tăm của tâm thức, người ta chợt Ngộ trở về khi nghe tiếng gọi của vầng trăng:

Đi trong gió trong mưa

Trong tâm tối lọc lừa

Sao mãi nghe tiếng gọi

Của một vầng trăng xưa. (Trụ Vũ)

Đó là chứng đắc tâm linh vượt lên tất cả mọi chứng đắc tâm linh.

Và đó cũng là lúc, khi ta nghe được chính ta - khoảng trống được mở ra, trong khoảng trống ấy người ta đã nghe ra bao nhiêu điều mầu nhiệm trong cuộc sống. Chỉ có giác tính trực tiếp từ hiện tại, một cái gì hoàn toàn vượt ngoài mọi bám víu, chấp thủ. Giác tính ấy đơn giản, sơ nguyên và căn để. Giác tính ấy tràn đầy trong sự huyền nhiệm của niềm bi mẫn bao la, ở trong từng khoảnh khắc, trước hết, chỉ diễn ra trong ý thức tự nhiên, lặng thầm và hoan ca trong giai điệu tương sinh, tương thành:

Buồn vui quên hết chuyện thường

Vầng trăng nhập diệu muôn phương tròn đầy. (Đinh Hồi Tưởng)

Đó phải chăng là lời chú giải cho Pháp Bảo Đàn Kinh?

Thiền - với cái nhìn hồn nhiên, bao dung của tâm đã thấu suốt bản chất của vạn vật trong vũ trụ tương giao. Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp -  nên, những vầng thơ trăng chiếu vằng vặc trên những trang sách, dù các nhà thơ có đề cập đến vô biên vô lượng vấn đề bằng muôn ngàn thể cách, thì vẫn không nói gì ngoài cái Lẽ Một Như Nhiên:

Một vầng trăng giữa trời

Cho cõi đời lai láng

Một vầng trăng giữa lòng

Cho cõi mình trăng sáng.

(Thiên Anh)

Cõi mình - Đương sanh như thị tâm, chỉ khi nào thấu hiểu điều đó, chúng ta mới nhìn ra được dòng ẩn lưu chảy ngầm dưới những vần thơ tài hoa, mới thu nhiếp mọi vấn đề về một mối theo lẽ “nhất dĩ quán chi” để trở về với thế giới bình yên nội tại chưa từng sinh và chưa từng diệt.

Từ đó, dòng ẩn lưu kia vẫn trôi chảy lặng thầm trong thế giới vô minh, và có thể nối những bến bờ xa xôi, nhưng thường khó nhận ra bởi phần tinh hoa lắm phen bị che lấp dưới những ngôn ngữ đời thường. Ẩn tàng trong mở phơi, hiển lộ trong khuất lấp. Đó là thể điệu của tinh hoa phát tiết và cũng là chỗ u mật nhất “A-nậu-đa-la-tam–miệu-tam –bồ -đề”, mà nhà thơ đã diễn đạt một cách bóng bẩy:

Hỡi vầng trăng rạng ngời tâm thức

Cám ơn em vẫn thường chiếu diệu kỳ.

(Tâm Nhiên)

Đó chính là trạng thái tâm linh “thường, lạc, ngã, tịnh”, mà chỉ có những con người đạt ngộ mới có thể đem đến cho cõi thế nhiều sắc màu kỳ diệu của cung bậc vô thanh trong thơ, vọng vào dòng chảy của dòng sông tâm thức. Để từ đó, thơ trăng đã đưa chúng ta giải thoát đến với con đường của Bát chánh đạo:

Tám con đường chụm lại

Ngón trỏ hồng búp măng

Nương gương rằm vĩnh tại

Tám con đường sáng trăng.

(Trụ Vũ)

Trên bước đường đó, giữa cảm thức bóng tối và ánh sáng, giữa cái phàm và cái thiêng này, hư không bỗng vang rền lời Kinh Hoa Nghiêm:

Có cõi nào chiếu sáng

Có cõi mây chiếu sáng

Có cõi tự chiếu sáng

Hoặc hoa sen chiếu sáng

Và, khi vạn pháp được vi diệu hóa và biến thành diệu dụng, trời chánh định sẽ mở rộng, trăng tứ trí (Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí và Thành sở tác trí) sáng ngời, thế giới quan sẽ hiển lộ - Không có chỗ nào mà ánh sáng không chiếu tới, nhưng trong trái tim người ngắm thì ánh sáng  hằng chiếu. Tâm của người ngắm mới là điều quan trọng, là lấy tâm truyền tâm, là “tâm như hư không vô sở chướng ngại”… cho nên, dù một mảy bụi trần rơi vào mắt cũng đủ làm khuất cả vầng trăng; Một chút mê lầm của cái tôi dù nhỏ đến đâu cũng đủ che mờ cả bầu trời linh năng muôn thưở…

…Miên man trong cõi thơ trăng, như lọt vào trong cái rỗng không của “vô vi chi đạo”, tôi chợt thấy cả vườn thơ trăng như biến thành khu Tử Trúc Lâm huyền ảo trong câu chuyện Tây Du. Những con chữ tưởng chừng vô thanh kia bỗng biến thành những cơn sóng rì rào ở bến bờ Nam Hải, và những dòng êm êm kia chợt man mác khói sương… Nó khởi đi từ tâm thức chưa từng đối lập phân ly. Trong đó: sinh tử hòa nhập với Niết-bàn, giác ngộ ẩn tàng trong vô minh, bóng tối chan hòa cùng ánh sáng. Là khi ta đạt được cảm hứng để sống tốt, hoặc để đọc lại Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Duy Ma dưới cái nhìn thăm thẳm khác, bốc tia huyền nhiệm từ thâm u Balamat:

Trăng sáng vượt ngàn trùng

Trăng sáng vượt lao lung

Trăng sáng vượt sinh diệt

Ơi trăng sáng vô cùng.

(Trụ Vũ)

Và, ngay trong ánh sáng huyền nhiệm ấy đã soi đường, nhiếp dẫn cho:

Đêm ấy ta vào đời

Giữa một trời minh nguyệt

Đêm ấy ta mỉm cười.

…phảng phất nụ cười vô vi của Di Lặc Tôn Phật “Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân”. Cảm được cái “nhất tiếu không” như một công án của Ngài, thơ trăng đã đắc ngộ:

Thế mới biết nụ cười

Vốn từ trăng lai láng.

Điều này khó ai có thể làm được, ngoài… nhà thơ! Đó là tất cả! Và cũng là tất cả, khi thơ trăng đạt tới cõi thượng thừa của thơ - như người học thiền đạt chứng chỗ không tịch của đạo. Để từ đó, ta mới có thể nghe ra tiếng réo gọi tuyệt đối từ trong nội tâm sâu thẳm của lòng mình:

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn. (Tuệ Sỹ)

Bừng ngộ giữa nhân gian, an trú trong vầng trăng chân thường, ta cơ hồ thoát tục, sống nhập thế mà như xuất thế, không còn thấy lao lướt trong cuộc tồn sinh; Là đã đạt được Nhàn-Tĩnh-Dật, là từ bỏ được cái tôi, là quên mình, tìm được tất cả khi đã buông lìa mọi thứ, đi vào tận cùng của đại dương tâm thức để đạt được chân trời diệu vời của chân như - Hạt lệ quán tự tại. Nhả mười phương sợi rằm. Nguyệt nhất, nguyệt nhiếp.

Mười phương quốc độ đều như hư không. Mười phương thi ca cũng như hư không.

Và, khi trăng thơ nở nụ cười vô ngôn, cũng là lúc chúng ta nói lời tạm biệt. Tạm biệt các nhà thơ, tạm biệt chư quý vị, để sau đó chúng ta mới có thể trùng lai trong Giác Ngộ…

Chìm tan trăng lặn muôn sau

Hồi sinh bất chợt hoa màu trùng lai.¡

(Bùi Giáng)

 

Ghi chú: (*)

“Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân”

Tạm dịch:

Người nay nào thấy trăng xưa chiếu

Trăng này từng chiếu cõi người xưa.

(Thơ Lý Bạch, Đăng Lan dịch)

http://www.daophatngaynay.com/vn/Tap-chi-Dao-Phat-Ngay-Nay/Bai-viet-chon-loc/10335-Vang-trang-chan-thuong-trong-tho-ca.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang