Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
THÁI LAN- MỘT THOÁNG NHÌN
Trương Lệ Hằng
02/03/2012 20:19 (GMT+7)

          Thủ tục nhập cảnh nhanh chóng. Khách đứng đúng vào ô vuông có chữ Stand here và hai cái dấu chân, ngẩng mặt để chiếc camera nhỏ nhận diện, nhân viên hải quan chả buồn ngóc đầu nhìn mình rồi cúi xuống so với passport (vì họ đã nhìn mình trong máy), chả thèm hỏi một hai câu nắn gân như lúc làm thủ tục xuất cảnh ở Tân Sơn Nhất (vì có hỏi chưa chắc mình biết tiếng Thái hay tiếng Anh đủ để trả lời). Qua cửa nhập cảnh, chúng tôi đi trong một đường hình ống lộ thiên dài hun hút như chui vào bụng một con khủng long. Tôi ngửa cổ nhìn vòm mái bát ngát của nó mà nhớ đến cảnh tượng các căn cứ khoa học viễn tưởng hoàng tráng sản phẩm Hollywood hay cái máy gia tốc hạt trong tác phẩm Dan Brown, lại nhớ ông Macxim Gorki và hiểu vì sao ông luôn ngưỡng mộ sự kì diệu của bàn tay và khối óc con người. Những băng chuyền nối tiếp khiến tôi e dè nhưng nhờ  chúng  mà tốc độ đi  bộ tăng gấp rưỡi, từ chối công nghệ nhỡ bị lạc đoàn giữa cái chốn đông đúc này thì khốn. Tôi cũng nhân đây gửi lời tri ân tới con người thông minh nào đó đã thiết kế ra loại vali có bánh xe và càng kéo, bởi nếu xách cái túi chứa đồ dùng cho cả tuần mà đi cho đến chỗ ô tô đứng đợi thì tôi chỉ có nước gục lên súng mũ bỏ quên đời! Dọc theo cái mà tôi tạm gọi là “con đường hình ống” được trang trí bằng những cây cảnh lạ lùng, những bồn hoa lan chen sắc cả ngàn bông, đẹp đến mức ngỡ là đồ giả, nhưng biết trước Thái Lan là vương quốc của hoa lan thì không cần chạy đến sờ tận tay để xác nhận nữa (hôm sau thăm làng văn hóa Nong Nooch càng khâm phục kĩ thuật chăm cây của người Thái khi cả một vùng khô nóng, đất đai cằn cỗi hơn cả cái xứ Kon Chro nhà mình mà có đến hàng triệu cái cây lớn bé nhỏ to đủ loại tươi xanh, tất cả đều được trồng trong chậu! Vườn lan ở đây còn có những bức tường dát bằng cây, tôi ngờ rằng cái vườn tranh ở tầng bốn Tre Xanh Plaza quê hương là bản coppy từ chỗ này). Người Thái có vẻ yêu cây. Bất cứ chỗ nào: trước nhà, trên ban công, dọc dường đi lối lại đều có những chậu cây. Trừ Hoàng cung có nhiều cây lớn được cắt tỉa theo lối bon sai còn đa phần cây trồng được để tự nhiên thoải mái. Tôi vốn không thích lắm những cái cây xén tỉa khuôn khổ gò bó nên nhìn cây mà bỗng như thấy đồng điệu, cảm tình với người. Một số loại cây, hoa mới xuất hiện ở Việt Nam, ở đây thấy đầy, mà có vẻ đẹp hơn to hơn, lại đoán rằng chắc từ đây mà chúng sang mình. Người Thái thích hoa sứ, hoa dâm bụt và hoa lan. Váy áo, đồ trang sức phụ nữ có rất nhiều hình ảnh những loại hoa này cùng với  voi và các nét kỉ hà (khi cái đầu chậm như máy tính đời 2000 của tôi nhận ra điều này thì tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mua những món đồ đẹp có những nét rất đặc trưng Thái Lan như thế). Hoa súng không thấy trên váy áo nhưng thấy khắp nơi, từ chùa đến nhà ở, từ các chậu be bé đến các bồn nước, ao hồ, đủ màu trắng hồng vàng tím. Hoa dâng cúng Phật thường màu trắng và có hương thơm: sen trắng, hồng trắng, nhài… thêm sắc vàng của hoa vạn thọ xâu thành chuỗi hoặc cắm bình. Trước cửa chùa Phật Ngọc giữa Hoàng cung có âu đồng lớn đựng nước cắm nhiều cành sen trắng, người đi lễ chùa tự cầm cành sen vẩy nước lên đầu cầu may. Ở chùa Phật Vàng thì  người đi lễ quỳ trước vị sư để được ông đọc mấy câu kinh (bằng tiếng Thái và cả mấy từ tiếng Việt sức khỏe, bình an, may mắn) và ban phép rảy nước thiêng cũng bằng một cành sen trắng. Yêu cây yêu hoa và giáo lí đạo Phật phải chăng là nền tảng để người Thái có một tính cách ôn hậu, hiền hòa? Họ hiền hòa đến độ mấy ngày đi trên đường, tôi nghĩ một cách hài hước rằng ô tô ở Thái Lan tiết kiệm được khoản tiền lắp còi. Tuyệt không nghe một tiếng còi. Kẹt xe hàng giờ, họ giở báo ra xem, không phàn nàn chửi rủa, không chen chúc cau có, không sốt ruột nhấn còi inh ỏi như một cách xả nỗi bực dọc của mình. Buổi sáng tôi hay ra đứng trước cửa khách sạn quan sát, những người có vẻ là công chức đi bộ trên hè, họ không nhởn nhơ hay tất bật như ta, cũng không sải vội như Tây, nhanh nhẹn mà điềm tĩnh, thanh thiếu niên gần như ai cũng đeo headphone, tôi lẩn mẩn nghĩ họ nghe nhạc hay nghe đọc kinh đấy. Chẳng rõ học sinh Thái nghỉ hè vào tháng mấy mà vẫn có học sinh quần xanh áo trắng, đeo cặp đi học. Đến Hoàng cung Vimarnmek, vào Safari World xem Delphin Show hay Elephan Show cũng gặp học sinh mặc đồng phục đi thành từng đoàn chắc là theo trường. Học sinh nữ lớn bé nhất nhất cắt tóc ngang vai, học sinh nam nhất nhất húi cua gọn gàng. Tôi để ý các cô giáo đi cùng đa phần  lớn tuổi, ăn mặc bình thường, mặt mũi cũng không trang điểm đẹp như các cô giáo bên ta.  Bên bức tường có mái che kín đặc các hình vẽ miêu tả các thần thoại, Phật thoại dài cả trăm mét quanh chùa Phật Ngọc, tôi còn thấy một nhà sư áo cà sa vàng đi cùng thầy giáo và một nhóm học sinh nam. Giống người Lào hay người Khme, đàn ông Thái từ bé đến khi trưởng thành bắt buộc phải có một thời gian cạo đầu đi tu - ba năm hay một hai năm, thời đại gấp gáp này thì ba tháng hay một hai tháng - nên việc vị tăng trẻ vui vẻ giữa đoàn học sinh nam như minh chứng về mối quan hệ mật thiết giữa đạo và đời trong cuộc sống người Thái. Người ta bảo rằng khi một cô gái Thái đưa người yêu về ra mắt bố mẹ thì điều ông bà nhạc tương lai quan tâm đầu tiên không phải anh là con ai, anh làm nghề gì, thu nhập một tháng bao nhiêu mà là việc anh đã đi tu chưa. Ở  đường phố hay các điểm du lịch trên đất Thái không thấy bóng dáng người ăn xin, bởi những người có hoàn cảnh khó khăn đều đến chùa để tìm nơi nương tựa. Và bởi một đất nước coi Phật giáo là quốc giáo như Thái Lan thì người dân cúng dường chư Phật, chư Tăng  như một việc đương nhiên nên cửa chùa luôn rộng mở và đủ điều kiện để cưu mang mọi cảnh đời cơ nhỡ. Những đứa trẻ được nuôi nấng, được đi học đến nơi đến chốn. Một số sẽ được các vị sư truyền dạy bài bản các phương pháp chăm sóc sức khỏe để sau này ra làm nghề  massage, tạo nên thương hiệu massage Thái nổi tiếng. Nhà chùa là nơi khơi dậy và nuôi dưỡng Phật tính nơi mỗi con người. Niềm tin tôn giáo (theo tôi là bất cứ tôn giáo chính thống nào) khiến con người có điểm tựa tâm linh, có ý thức về lẽ được mất, có giới hạn răn đe để tự điều chỉnh hành vi. Một ví dụ đơn giản: người bạn tôi có thời gian dài sống ở Thái Lan nói rằng ở Thái hiếm có chuyện trộm cắp. Anh có một chiếc xe máy đi khắp nước Thái nhưng không bao giờ tốn tiền giữ xe, chỉ cần dựng xe đúng chỗ để không làm phiền hà cản trở đến ai.

***

Ở Thái Lan, đường sá khá tốt, thường có từ sáu đến tám làn xe, chạy với tốc độ chóng mặt theo luật bên trái, ô tô tay lái nghịch. Xe máy rất ít, chủ yếu là vài loại xe số của Honda và Yamaha, tôi không trông thấy xe tay ga đắt tiền như ở mình, cũng không thấy những con xe Tàu đáng ghét. Người đi xe máy đội mũ bảo hiểm kín hàm, phóng trên đường với dáng của những tay đua bởi họ phải đi tốc độ lớn.Xe cộ đông đúc nên qua đường bằng cầu vượt. Những chiếc cầu vượt rất đẹp, sạch và rộng, thường có mái che. Tôi đã nhẩn nha trên một chiếc cầu vượt như thế để ngắm dòng xe cộ tuôn như lũ bên dưới, chụp ảnh, hóng gió và nhìn người lao công cẩn thận lau chùi từng thanh vịn inox sáng choang như bà nội trợ kĩ tính lau chùi căn nhà mình. Những con đường nhỏ (cỡ bốn làn xe) không có cầu vượt, muốn sang đường thì tìm đến đúng nơi có vạch ngang dành cho người đi bộ, giơ tay ra hiệu là xe cộ lập tức dừng ngay cho mình đi qua. Đó là những “cầu vượt ngang”, còn “cầu vượt dọc” (những “thuật ngữ” tôi tự chế), có thể coi là những con đường trên cao thì đã lên đến tầng thứ bốn. Từ trên đấy nhìn xuống, mấy tòa nhà năm sáu tầng tun hút đâu ở phía dưới, ngồi xe mà như ngồi máy bay vừa bốc khỏi đường băng đang lấy độ cao. Bangkok nhiều nhà cao tầng nên tiết kiệm được đất nền, đường sá lại chồng lên mấy tầng nên dân số nhiều hơn, diện tích bé hơn Sài Gòn mà ít có cảm giác chật chội, hỗn độn. Tuy vậy, dọc hai bên đường vẫn thấy những đám chi chít bùng nhùng dây nhợ đủ kiểu, thấy Thái Lan đúng như lời khuyên của một người bạn khi tôi phân vân chọn điểm đến cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình: dù sao cũng còn nhiều nét giống Việt Nam.

Theo lời cô hướng đẫn viên đi theo đoàn thì năm 2010 vừa rồi, Thái Lan đón 15 triệu khách du lịch, Việt Nam - điểm đến thiên niên kỉ - đón 5 triệu lượt khách (mà còn phải tính đến chuyện họ đến một lần và có còn muốn quay lại hay không). Lúc ở cái sân bay Suvarnabhumi khổng lồ, sang trọng và sạch bóng, tôi nhớ đến cuộc biểu tình của phe áo đỏ năm ngoái khiến rất nhiều du khách bị kẹt lại. Ái chà, nếu lúc đó không gấp gáp việc gì, trong túi cũng không đến nỗi sạch không kình ngạc thì ắt đấy cũng là một trải nghiệm thú vị, cơ hội được giao lưu với bao nhiêu người thuộc bao nhiêu quốc tịch. Tôi đã gặp trên đất Thái những Tây trắng và Tây đen, những da nâu xari vòng trên bắp tay và chấm đỏ trên trán Ấn Độ, những đôi mắt một mí da vàng đặc trưng của chủng mônggôlôít và những dấu hiệu mà tôi chưa kịp cắt nghĩa nhưng giúp đoán định Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc hay Trung Quốc,  những khăn trùm kín tóc váy trùm kín gót chân của phụ nữ đạo Hồi mang gương mặt cả Á lẫn Âu. Du khách Ấn Độ đi thành đoàn đông, phụ nữ đeo vàng đầy người, khá điềm đạm nhưng đàn ông có vẻ là những người sôi nổi nhất. Ở  vườn thú Safari World lúc chờ xem xiếc cá heo, họ đứng cả lên, vỗ tay, nhảy nhót theo những bài hát phát từ loa phóng thanh như đang xem chương trình biểu diễn của một ngôi sao ca nhạc. Ở  bãi biển Pattaya, họ chơi kéo co, hò la vang dậy. Cũng là dân châu Á nhưng ngoài ghen tị về cái tầm vóc bề thế, tôi còn ước thêm rằng du khách Việt Nam mình cũng có cái vẻ phóng khoáng tự tin của họ. Hướng dẫn viên cho tôi biết thêm: Khách nước ngoài đi du lịch thường chơi những gì họ thích, ăn những gì họ muốn, khám phá đến tận cùng nơi họ đến - enjoy cuộc sống, người Việt mình thì ăn chơi chừng mực và luôn băn khoăn với việc sắm gì về  dùng, mua gì làm quà cho đủ mọi thể loại họ hàng bè bạn thân sơ. Thì cứ nghĩ là Tây nó ích kỉ cá nhân, sống cho nó, Việt mình vị tha, sống cho người, thế mà vẫn không nén được tiếng thở dài.

***

Cảm xúc đầy ăm ắp, bao nhiêu điều muốn viết và muốn nói sau một chuyến đi sáu ngày và năm đêm. Khi Bangkok chỉ còn là một biển sao lấp lánh như cổ tích dưới cánh phi cơ, tôi chợt thoáng chút chua cay như món lẩu Thái rằng tại sao tôi lại phải là người Việt? Nhưng khi Sài Gòn hiện ra cũng như một biển sao dưới cánh phi cơ thì tôi không còn lăn tăn gì nữa. Mai tôi về với phố núi nhỏ bé thân yêu.

Tháng 8 năm 2011

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang