Thực sự
bất khả phân, câu thơ đã thoát ra ngoài sự so đo tính toán nhị nguyên
thường tình.
Một
ngày đầu thu giữa cao nguyên lạnh gió, lòng tôi chợt ấm lại khi vô tình
đọc được bài thơ “Hoa Thược Dược” của thi sĩ Quách Thoại, một tác giả
có tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ Sài Gòn trước năm 1975, nhưng tiếc
rằng mệnh bạc, qua đời khi sự nghiệp văn chương đang được nhiều người
mến mộ. Nay kẻ hậu sinh tôi đây mạo muội chép lại bài thơ ấy để chia sẻ
cùng bạn đọc và để tỏ lòng tri ân thi sĩ họ Quách đã để lại cho đời một
áng thơ tuyệt đẹp:
“Em đứng bên hàng dậu
Mỉm cười nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu”
Nhiều người cho
rằng ngũ ngôn là thể thơ dễ làm nhưng khó mà hay được. “Hoa Thược Dược”
phải chăng đã bác bỏ điều đó. Với ngôn từ nhẹ nhàng, giàu tính nhạc và
biểu cảm, bài thơ đi vào lòng người một cách tự nhiên cho dù mới tiếp
xúc lần đầu.
Một sớm mai
thức dậy, bước ra ngoài sân, thi sĩ chợt thấy đóa hoa thược dược nở bên
hàng dậu, lòng tác giả se thắt lại trước vẻ đẹp tinh khôi của hoa: “Lặng
nhìn em kinh ngạc”. Em đã về thực rồi đấy ư? Hoa cũng là em mà em cũng
là hoa, tuy hai mà một. Hoa đang hàm tiếu hay em đang hàm tiếu: “mỉm
cười nụ nhiệm mầu”. Thực sự bất khả phân, câu thơ đã thoát ra ngoài sự
so đo tính toán nhị nguyên thường tình.
Hoa đang hát
hay em đang hát “vừa thoáng nghe em hát. Lời ca em thiên thâu”. Ngay
giây phút thiêng liêng này đây, cả đất trời như đang lắng đọng lại để
cùng em, cùng hoa trẩy khúc nhạc thanh bình không có hồi kết.
Ngài Quan Thế
Âm có hạnh lắng nghe, nếu chúng ta lắng nghe trong chánh niệm tôi nghĩ
rằng mỗi chúng ta ai cũng nghe được hoa hát như thi nhân đã từng nghe.
Kết thúc bài
thơ là một hình ảnh rất đẹp, rất Đông phương: “Ta sụp lạy cúi đầu”. Ngày
xưa Cao Bá Quát lạy hoa mai, ngày nay thi sĩ Quách Thoại lạy hoa Thược
Dược, âu đó cũng là lẽ thường tình. Con người khiêm hạ trước cái đẹp thì
tâm mình cũng đẹp như hoa.
Cao Nguyên Lâm Đồng, 15/09/2012
Như Đán - Ngô Văn Tuyết