Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời?
25/09/2010 19:30 (GMT+7)


thất, tôi mghiễm nhiên là đứa cháu út được ngoại nuông chiều nhất.
Tự nhiên nước mắt tôi cũng lưng tròng. Mẹ tôi tảo tần buôn bán nên hằng ngày chỉ có ngoại chăm sóc tôi. Tôi không hề biết ông ngoại bao giờ. Ông đã mất khi tôi chưa chào đời. Mẹ, các dì và nhất là ngoại ít khi kể chuyện ông ngoại cho tôi nghe. Ngày giỗ ông ngoại hằng năm có lẽ là ngày buồn nhất của bà ngoại. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ngoại quì trước bàn thờ thật lâu, không lẩm bẩm một lời, chỉ thấy nước mắt  rưng rưng. Mẹ cho biết tôi có mấy ông cậu (anh em ruột thịt của bà ngoại) sinh sống bên Huế. Mẹ thường gọi họ là ông trợ, ông giáo. Tuy những từ ngữ nghe lạ hoắc, tôi vẫn hình dung mấy ông cậu tôi có lẽ thuộc vào tầng lớp đáng kính nể của xã hội. Nhưng ngoại tôi vẫn trung thành nơi mảnh đất quê này. Tôi có một người cậu, người con trai duy nhất của ngoại tôi. Cậu tôi còn trẻ chưa có gia đình thì đã bị bắt đi biệt tích. Hẳn ngoại tôi buồn lắm. Quê ngoại tôi đã trở thành nơi chôn chặt ngoại, chờ đợi con về. Ngoại tôi ít khi để lộ nỗi buồn trước mặt con cháu, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng thấy ngoại một mình trầm ngâm tư lự.

Tôi lưu luyến ngoại tôi thật nhiều, nhưng lưu luyến mảnh đất tuổi thơ cũng không ít. Biết bao giờ mới có thể thấy lại con đường xóm thân yêu thẳng tắp từ hồ rau (rột) phía trước đến bến sông phía sau. Tôi đã lang thang trên ‘con đường tình’ đó biết bao nhiêu lần. Có hàng tre che nắng. Có dòng sông tắm mát. Có bức thành láng lẩy ru giấc ngủ trưa. Có khóm trúc rì rào. Có vườn sắn vuờn cà vườn ngô. Có bầy trâu ra đồng buổi sáng. Có lúa thơm vàng mùa gặt.Tôi mất hết những thứ đó vì phải qua Huế.  Gặp thời thế thế thời phải thế. Tôi không có đường chọn lựa. Tôi có hai người cô đều lấy chồng bên Huế. Bà nội tôi (tôi có hai bà nội, một bà đã quá cố) theo châm ngôn ‘phu tử tòng tử’ nên phải sang Huế. Bà nội tôi thương cháu nên chúng tôi cũng phải sang Huế. Các cô tôi nói qua Huế mới có dịp học hành tiến thân. Các cô tôi nói đúng. Nếu không có lẽ bây giờ tôi đã không có cơ hội viết hầu bạn đọc. Và  nếu không có lẽ khi lớn lên, tôi cũng sẽ bị bắt biệt tích như cậu tôi. Rồi mẹ tôi sẽ lặp lại con đường ngoại tôi đã đi qua: chờ đợi con về.
‘Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy’. Cuối cùng chúng tôi cũng phải chia tay. Mẹ tôi an ủi: ‘Các cháu sẽ về thăm mệ thường xuyên’. Thật ra mẹ tôi phải lăn lộn với cuộc sống mới đâu có thể về thăm ngoại trong một thời gian ngắn được. Tôi nhớ đến khi tôi bắt đầu vào trung học (trường Quốc Học Huế) chúng tôi mới có thể thỉnh thoảng về thăm ngoại. Đến khi tôi có thể vững vàng đạp xe, tôi mới được phép về ngoại một mình. Và tôi thích về lắm, khoảng mỗi tháng một lần. Mỗi lần như thế ngoại tôi mừng khôn tả. Ngoại biểu mấy dì làm gà cho tôi ăn. Ngoại hỏi đủ thứ chuyện. Mẹ tôi như thế nào. Anh chị tôi như thế nào. Hỏi đủ thứ. Mỗi lần về tôi không bao giờ quên thả bộ dọc con đường làng thân yêu. Bên này là nhà cậu Thẻo với vườn ớt rộng thênh thang. Đi một khoảng nữa là nhà dì Thầy. Rồi dọc thẳng xuống bờ sông, dòng sông thon nhỏ yên bình, nơi tôi từng ngâm mát không biết bao nhiêu mùa hè oi ả trước đây. Đi ngược lại phía trước, hồ rau muống vẫn còn đó. Mấy khóm trúc vẫn rì rào như tỏ lời chào tái ngộ. Bức tường láng mướt vẫn như đang chờ ru tôi giấc ngủ trưa mùa hạ. Ngoại tôi vẫn muốn ôm tôi vào lòng như biết bao nhiêu lần trước đây. Nhưng tôi đã cao lớn, cao hơn cả ngoại. Ngoại ngần ngại, vui buồn lẫn lộn. Ngoại vui vì tôi đã khôn lớn, nhưng ngoại cũng thoáng buồn có lẽ đang liên tưởng đến cậu tôi, người cậu xấu số đã bị bắt biệt tích từ lâu. Ngoại vẫn đợi chờ.
Chúng tôi rời ngoại hướng về quốc lộ. Ngang qua làng nội, mẹ tôi vào cúng mộ ba, ghé nhà bác tôi khấn vái ông bà tổ tiên, xong là ra quốc lộ tiến về Huế. Con đường thật dài, càng như dài hơn dưới cơn mưa bụi mùa xuân. Cả hai phía đều mịt mùng như hai thái cực huyền bí. Đường không bóng người. Chỉ thỉnh thoảng vài chiếc xe khổng lồ vụt qua thật nhanh, với sức ép như muốn xô tôi ngã xuống. Mấy hạt mưa bụi nho nhỏ có dịp hôn lên mặt tôi. Dần dần tôi quen đi, và mấy giọt mưa trở thành những người bạn thân thiết. Chúng nó tinh quái đùa bỡn như những hạt điện tử thả mây mù quanh hạt nhân. Chúng nó chợt ẩn chợt hiện khi đây khi đó một cách ma quái như hạt điện tử nhảy nhót giữa những mức năng lượng khác nhau. Không riêng gì những hạt mưa bụi, dường như tất cả vạn vật quanh tôi đang đón xuân. Cỏ dại bên lề đường đang trổ những đóa hoa đủ màu. Câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan không thể không nhắc đến:
 
‘Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa....’
 
Không những cỏ cây đang chen lấn sỏi đá để đâm chồi nẩy lộc, mà dường như sỏi đá cũng đang chen lấn chiêm ngưỡng những đóa hoa mùa xuân. Tôi mạo phạm đổi một chữ trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan để có thể nói lên điều tôi muốn nói: Cỏ cây chen đá, đá chen hoa. Cỏ cây lẫn sỏi đá như đang hòa hợp trong điệu múa nghê thường của vạn vật. Trịnh Công Sơn có thể ‘hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời’, nhưng làm sao anh biết được ‘tuổi đá buồn’? Mỗi hạt điện tử, mỗi nguyên tử của sỏi đá vẫn tung tăng hòa nhịp với vạn vật muôn thuở. Chúng đã có thể tự tổ chức thành sỏi đá, cũng có thể trở thành những hình thù kỳ lạ hơn kể cả sự sống. Cần phải chờ đến khi những tế bào hình thành mới được xem như có sự sống chăng? Phải chăng có một ranh giới rõ rệt giữa hữu tri và vô tri? Hay đó chỉ là một ranh giới qui ước do chúng ta tự đặt ra để phân biệt, để kỳ thị?
Những hạt điện tử di chuyển như những đám mây mù ma quái nhưng không phải không hòa nhịp với thiên nhiên như nhiều người tưởng. Này nhé, mỗi nguyên tử có thể có nhiều ngăn (shells) điện tử khác nhau. Ngăn trong cùng chứa tối đa hai điện tử, ngăn tiếp theo tối đa tám điện tử, v.v. Mỗi nguyên tử đều có khuynh hướng đạt đến con đường trung dung (The Middle Way) hài hòa khiêm tốn ở mức năng lượng thấp nhất, bằng cách chứa đầy số điện tử cho mỗi ngăn tương ứng. Như vậy helium chẳng hạn, chỉ có một ngăn chứa đầy đủ hai điện tử cần thiết và do đó có thể tự nó được ở vào trạng thái thanh tịnh nhất. Khí neon cũng thế, ngăn trong đầy đủ hai điện tử và ngăn ngoài đầy đủ tám điện tử, nên cũng có thể rơi vào trạng thái ‘niết bàn’. Đối với nhiều loại nguyên tử khác, nghiệp chướng còn nhiều, bởi vì ngăn ngoài không thể chứa đầy số điện tử mong muốn. May mắn tạo hóa vốn là cửa thiền rộng mở, những loại nguyên tử này luôn luôn có khuynh hướng tầm đạo để được giác ngộ. Con đường đó là hòa hợp với những loại nguyên tử thích hợp khác để ngăn bên ngoài của cả hai loại có đủ số điện tử tối đa mong muốn. Chẳng hạn hydrogen chỉ có một điện tử, do đó cần thêm một điện tử nữa để có thể đạt được trạng thái ổn định. Nguyên tử carbon lại có sáu điện tử, ngăn trong hai và ngăn ngoài bốn. Vì muốn đạt được tám điện tử cho đủ số tối đa của ngăn ngoài, một nguyên tử carbon hợp với bốn nguyên tử hydrogen sẽ toại nguyện cho cả hai loại nguyên tử. Sự kết hợp mỗi nguyên tử carbon với bốn nguyên tử hydrogen là một phân tử methane. Biết bao nhiêu kết hợp hài hòa tương tự như thế trong vũ trụ. Nhờ vậy mà vạn vật trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn.
Vạn vật không chỉ phong phú hóa bằng những phương pháp tự kết hợp hài hòa ấy thôi, hơn nữa còn biết tự sáng tạo. Chỉ cần đun nóng, những phân tử nước trong nồi ban đầu trở thành rối loạn nhưng sau đó sẽ hình thành những hình lục giác đều đặn. Thông thường ánh sáng là hỗn hợp những sóng ánh sáng không đồng bộ với những tần số khác nhau. Tuy nhiên dưới những điều kiện đặc biệt thuận lợi, những tia sáng đó có thể trở nên đồng bộ thành tia laser. Những điều kiện đặc biệt thuận lợi đó chính là những sáng tạo tự nhiên của vạn vật. Tất nhiên từ khi loài người hình thành và văn minh phát triển, con người đã biết học tạo hóa để tạo ra những điều kiện đặc biệt thuận lợi nói trên, và do đó có thể đem tia laser vào ứng dụng khoa học và đời sống hằng ngày. Nhưng đừng quên rằng chính con người cũng chỉ là sản phẩm của vạn vật.
Tại sao địa cầu là một hành tinh thuận lợi cho sự sống phát triển? Khi mới hình thành khoảng bốn tỷ rưởi năm trước đây, địa cầu là một trái banh lửa, đủ lớn để có thể có một bầu khí quyển bọc quanh, và có đầy đủ những hóa chất cần thiết cho sự sống. Khoảng cách giữa địa cầu và mặt trời vừa đủ xa để quá trình đông đặc có thể xảy ra, đồng thời cũng vừa đủ gần để sưởi ấm làm cho các loại khí không trở nên vĩnh viễn đông đặc. Khoảng nửa tỷ năm sau đó khi địa cầu vừa đủ nguội, bầu khí quyển chứa đầy hơi nước, đông lại và biến thành những trận mưa như thác đổ suốt hàng nghìn năm sau đó. Nước tràn vào những vũng sâu trở thành sông ngòi và biển  cả. Trong suốt thời gian dài khi trái đất nguội dần, carbon - hóa chất then chốt của sự sống - bắt đầu phối hợp với hydrogen, oxygen, nitrogen, sulfur và phosphorus - là những hóa chất cần thiết khác của sự sống - tạo thành nhiều hợp chất khác nhau. Từ đó, nhờ bản chất tự tổ chức và sáng tạo, những kết hợp tinh vi phức tạp hơn dần dần hình thành cho đến khi những tế bào vi trùng xuất hiện khoảng ba tỷ rưởi năm trước đây.
Sự nhanh chóng đột biến và sự phối hợp DNA giữa cộng đồng những vi trùng là hai nguyên tắc tiến hóa chính yếu của thế giới vi trùng. Vi trùng có khuynh hướng cọng sinh, phối hợp lẫn nhau và thông thường vi trùng và những loại vi sinh khác có thể cùng sinh sống lâu dài bên trong những tế bào lớn hơn. Nhờ vậy sự sống dần dần phát triển thành những dạng mới mẻ hơn. (Trong mỗi chúng ta có hàng triệu vi sinh sinh sống, đôi bên, chúng ta và những vi sinh đó, đều có lợi). Như vậy tiến hóa của sự sống không phải là cạnh tranh để sinh tồn như trước đây vẫn quan niệm. Trái lại, tiến hóa của sự sống là một quá trình hợp tác cọng sinh, không những chỉ giữa những phần tử của một giống (species) nào đó, mà là giữa các giống khác nhau của sự sống. Margulis và Sagan, hai nhà sinh vật học nổi tiếng, cho rằng ‘Sự sống hình thành trên địa cầu không phải bằng chiến đấu, trái lại bằng tương trợ hợp tác’. Suốt mấy tỷ năm tiến hóa, trải qua biết bao nhiêu khủng hoảng thăng trầm cho đến sự xuất hiện của loài người hôm nay.
Nhìn lại cả quá trình 15 tỷ năm dài đằng đẵng từ cái dao động nguyên lượng ban đầu đến sự sống hôm nay, khó có thể tìm ra một ranh giới rõ rệt giữa hữu tri và vô tri. Ranh giới có chăng chỉ là chủ quan dựa trên một số tiêu chuẩn nào đó. Không có những phản ứng hóa học hài hòa, không có bản chất tự tổ chức, không có tính sáng tạo, có lẽ sẽ không có những tế bào mà chúng ta vẫn xem như là ranh giới của sự sống. Đi xa hơn tí nữa: không có những hạt tiềm nguyên tử ban đầu, sự sống (theo nghĩa thông thường chúng ta vẫn chấp nhận) sẽ không tồn tại. Hay xa hơn nữa: không có hư vô - cái hư vô nguyên lượng chứa đầy sức sống - cũng sẽ không có sự sống hôm nay. Sự sống bắt nguồn từ hư vô nên hư vô cũng chính là sự sống vậy. Sự sống do đó không có ranh giới. Ranh giới chỉ là một ảo ảnh do chúng ta dựng nên.
Trở lại với sỏi đá xanh rêu đã xuất hiện trước chúng ta hàng tỷ năm. Chúng ta thường nói ‘trơ trơ như đá’. Phải chăng đúng như vậy? Hay chúng là những thế giới gồm những hạt tí hon vẫn không ngừng những điệu múa nghê thường? Chúng ta hãy viếng thế giới những hạt vật chất tí hon đó. Muốn chúng hiện hình như những sóng, chúng sẽ là sóng. Muốn chúng như những hạt, chúng sẽ là hạt. Dường như chúng chiêu đãi chúng ta còn tốt hơn chúng ta chiêu đãi lẫn nhau. Chúng ẩn hiện một cách tinh quái như cố ý trêu chọc chúng ta. Hãy quan sát một nguyên tử bao vây bởi những lớp mây điện tử. Mỗi điện tử chỉ cần nhận được một quang tử sẽ tức khắc nhảy lên tầng năng lượng cao hơn, nhưng nếu mất đi một quang tử sẽ tức khắc nhảy xuống mức năng lượng thấp hơn. Từ ngữ ‘tức khắc nhảy lên’ hay ‘tức khắc nhảy xuống’ thực ra chưa mô tả đúng sự di chuyển của những hạt điện tử từ tầng năng lượng này    đến tầng năng lượng khác. Chúng tinh quái ‘tàng hình’ từ tầng này sang tầng khác không để lại dấu chân đi. Những hạt tiềm nguyên tử khác cũng lí lắc không kém. Hãy viếng thăm những quang tử (ánh sáng):
Một chùm quang tử xuyên qua hai khe hở sẽ thấy có giao thoa ánh sáng trên bức màn đặt sau hai khe hở đó. Chuyện đó được xem như thông thường bởi vì chúng muốn khoe mình bằng những sóng lả lướt lãng mạn. Tinh quái hơn là thế này: nếu chúng ta chỉ bắn đến hai khe hở từng quang tử một, bức màn bên kia vẫn nhận được sóng giao thoa. Dường như mỗi quang tử đã xuyên qua cả hai khe hở cùng một lúc! Tuy nhiên nếu chúng ta đặt máy thăm dò để biết mỗi quang tử đã xuyên qua khe hở nào, chúng sẽ thẹn thùng không bay bướm nữa. Giao thoa sau bức màn biến mất. Chúng hiện hình như những hạt, và mỗi quang tử chỉ xuyên qua một khe hở thôi.
Những ngạc nhiên chưa chấm dứt tại đó. Bây giờ, thay vì đặt máy thăm dò trước các khe hở, chúng ta đặt máy thăm dò lộ trình của mỗi quang tử sau những khe hở, giữa khoảng từ những khe hở đến tấm màn phía sau. Nếu máy không hoạt động, giao thoa xuất hiện trên màn như trước đây. Nhưng nếu cho máy hoạt động, giao thoa ánh sáng cũng biến mất như trước đây, nhưng sự biến mất giao thoa lần này cho chúng ta một ngạc nhiên thần bí hơn: Mỗi quang tử đều xuyên qua khe hở trước khi đến máy thăm dò. Như vậy đúng ra dù máy thăm dò này có hoạt động hay không cũng không ảnh hưởng đến kết quả nhận được trên màn ảnh mới phải. Đằng này tắt máy thì có giao thoa, nhưng máy mở thì giao thoa lại biến mất. Điều này chứng tỏ các quang tử đã ‘biết trước’ hành động chúng ta sắp làm (tắt máy hoặc mở máy) nên đã thay đổi ‘thái độ’ một cách thích ứng. Các quang tử biết trước chúng ta đang chờ đón chúng nên đã thẹn thùng đổi ý định sẽ không nhảy múa cho chúng ta xem. Đây là những quang tử trong phòng thí nghiệm đã thực hiện tại các đại học Maryland và Munich giữa thập niên 1980. Chúng chỉ biết trước hành động của chúng ta khoảng mấy phần tỷ giây đồng hồ. Với khoảnh khắc vô cùng nhỏ bé ấy cũng đã đủ cho chúng thay đổi thái độ.
Đối với ánh sáng nhởn nhơ trong vũ trụ, đã di chuyển hằng bao nhiêu tỷ năm nay thì sao? Wheeler, nhà vật lý học Mỹ, cho rằng có thể thực hiện những thí nghiệm tương tự với kích thước vũ trụ. Ánh sáng từ một quasar (vật sáng chói với năng lượng phát ra có thể tương đương với cả trăm thiên hà hợp lại, ở cách xa địa cầu hằng tỷ năm ánh sáng) có thể đến chúng ta theo hai đường khác nhau (vì có vật chắn, ví dụ một thiên hà nào đó, giữa địa cầu và quasar đó). Hai tia sáng này, sau khi đã di chuyển hằng tỷ năm, có thể giao thoa (nếu chúng ta không đặt máy thăm dò) hay không (nếu chúng ta đặt máy thăm dò) tùy chúng ta sắp đặt thí nghiệm trên địa cầu . Kết quả vẫn như trong phòng thí nghiệm, nhưng khác xa về khoảng thời gian: Các quang tử đã biết trước chúng ta sẽ làm thí nghiệm không phải mấy phần tỷ giây đồng hồ, trái lại đã biết trước từ hàng tỷ năm qua! Có thể nói hành động của chúng ta đang di chuyển ngược dòng thời gian trở về quá khứ hàng tỷ năm trước để báo cho các tia sáng kia - khi đó mới bắt đầu rời khỏi quasar - biết.
Tôi có thể hình dung những quang tử đang tung tăng điệu múa nghê thường. Chúng tinh quái, nhưng chúng đang cho tôi những ấm áp vơi đầy. Chúng có một cõi lòng rộng mở. Nếu xa vắng hẳn lòng sẽ muôn vàn tê tái:
Ta biết em một chiều nhạt nắng
Em tung tăng cánh bướm vườn xuân
Khoe sắc hương điệu múa nghê thường
Em ẩn hiện như loài ma quái.
Nhưng vắng em lòng ta tê tái
Biết phương nào định hướng em đi
Rồi em khuyên: tìm kiếm làm chi
Bởi vì em là chiều nắng nhạt.
Em cho ta nỗi niềm hoan lạc
Em đưa ta đến tận rừng xanh
Có chim muông ríu rít trên cành
Có muôn hoa tưng bừng đua nở.
Ta yêu em cõi lòng rộng mở
Ta có em chợt đó chợt đây
Em cho ta ấm áp vơi đầy
Bởi vì em là chiều nắng nhạt.
Quang tử cũng vậy, những hạt vật chất tí hon khác cũng vậy, thật ra không phải chỉ biết nhảy múa. Chúng biết nhìn về tương lai với một ‘đầu óc’ có tổ chức và sáng tạo. Chúng biết quây quần bên nhau một cách hài hòa. Chúng là sỏi đá, là vạn vật, là chúng ta. Chúng chen lấn nhau như đang muốn tô điểm cái gì đó, điều gì đó. Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Và đá cũng chen hoa. Ngoại tôi biết đợi chờ với nỗi niềm hy vọng dù mong manh. Ngoại tôi cũng như mỗi chúng ta vẫn có buồn vui lẫn lộn. Làm sao biết sỏi đá không có những nỗi niềm tương tự?
 
Tâm Đàn
Sydney tháng ba, 2001.
Nguon: http://chuyenluan.net/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang