Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hà Nội trong trái tim tôi
29/09/2010 13:24 (GMT+7)


"Dù có đi bốn phương trời - Lòng vẫn nhớ về Hà Nội...", câu hát đó cứ ngân vang trong tôi - một người con của Hà Nội đã hơn 30 năm xa quê nay mới có dịp trở về.

Sáng nay, một sớm thu Hà Nội với nắng vàng dịu nhẹ, tôi cùng các chị em gái đã thăm lại những thắng cảnh của thủ đô - những nơi đã ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp thời ấu thơ và tuổi trẻ sôi nổi.

Đây Tây Hồ, làng tôi đó, quê nội tôi đó. Ngày xưa, mỗi khi Tết đến chúng tôi lại ríu rít về thăm quê để được chụp ảnh trong làng quất, vườn đào Nhật Tân của các bác tôi. Mùa hè với sen nở hồng thắm, sen trắng tinh khiết lấp ló trong đám lá xanh mướt còn đọng sương đêm. Những chiều chủ nhật được bơi pê - rít - xoa (bơi thuyền trên hồ) cùng anh trai, thuyền lướt trên mặt hồ mênh mông ngan ngát hương sen.

Tác giả bên các chị em gái ngày trở về Hà Nội. Ảnh: tác giả cung cấp

Lúc này, trước mắt tôi là nhiều ngôi nhà cao tầng ven hồ, là nhà hàng sang trọng, là san sát ô tô con. Trong tôi, một chút bỡ ngỡ về Hà Nội hiện đại, xen lẫn nỗi xao xuyến về một Hà Nội xưa, một làng quê Tây Hồ với đường Cổ Ngư, đê Yên phụ dẫn về làng tôi.

Đây Hồ Gươm soi bong Tháp Rùa thiêng với làn nước xanh gợn sóng mà ngày trở lại tôi thật vinh dự được cùng nhiều người dân thủ đô chiêm ngưỡng Cụ Rùa nhô lên mặt nước. Một sự kiện hiếm có với lòng mong đợi của nhiều người Hà Nội, và nhất là du khách.

Năm chị em chúng tôi trong tà áo dài thướt tha, gió thu nhẹ bay tà áo, chúng tôi đã dừng lại chụp ảnh trên cầu Thê Húc, trước đền Ngọc Sơn, dưới chân Tháp Bút, dưới tán cây lộc vừng 9 gốc, xa xa là Tháp Rùa cổ kính. Tất cả đều là những nơi chúng tôi đã từng chụp ảnh kỷ niệm thời còn là nữ sinh Trưng Vương những năm 1950 - 1960.

Tác giả bên Hồ Gươm với những hoài niệm xưa cũ. Ảnh: tác giả cung cấp



Hồ Gươm ngày nay đông vui hơn, nườm nượp ô tô, xe máy, những bước chân người lại qua, khách du lịch châu Âu, châu Á. Lạ quá! Khi chúng tôi dừng lại chụp ảnh, nhiều máy ảnh, máy quay của khách nước ngoài cũng hướng về phía chúng tôi để chụp "ké". Thì ra, họ cho biết: "Phụ nữ Việt Nam thật duyên dáng, áo dài của chị thật đẹp!". Chúng tôi nhìn nhau và chợt nhận ra: quanh Hồ Gươm hôm nay không có tà áo dài nào trừ mấy "chị em già" chúng tôi. Đây mới chỉ có dăm tà áo mà khách nước ngoài đã ngưỡng mộ như vậy; thầm nghĩ nếu như có nhiều tốp chị em mặc áo dài dạo phố vào những ngày cuối tuần, lễ tết sẽ đẹp biết bao, sẽ để lại biết bao ấn tượng khó phai cho khách du lịch nước ngoài về một Hà Nội thanh lịch mà hiện đại.

Tôi yêu Hà Nội xưa. Tôi cũng tự hào với Hà Nội của tôi đang thay đổi từng ngày, từng bước hiện đại hóa. Một Hà Nội đang thu hút sự chú ý và cảm tình đặc biệt của nhiều nước trên thế giới.

Tôi ngước nhìn lên tượng đài vua Lê Thái Tổ với lòng thành kính, biết ơn của một người con đất Việt, một người đã được sinh ra, lớn lên, học tập và làm việc ở Hà Nội nhiều năm, nay đã ở tuổi thất thập mà vẫn sống xa quê cha - Hà Nội yêu dấu. Ở nơi tôi đang sống cùng gia đình (Nha Trang - Thành phố Biển du lịch xinh đẹp và hiền hòa), mỗi khi nghe bài hát về Hà Nội, xem hình ảnh Hà Nội trên tivi tôi đều rưng rưng xúc động, trào dâng một nỗi nhớ quê hương da diết.

Thời tiết Hà Nội đang độ giữa thu, hương cốm vẫn nồng nàn thơm quyện mùi lá sen ngan ngát. Những quả hồng mòng vẫn đỏ thắm, ngọt lịm và dẻo thơm. Chuối trứng quốc vàng ươm thơm ngọt. Và kem cốm Tràng Tiền đưa tôi trở về một thời nữ sinh Trưng Vương tươi trẻ, nghịch ngợm thơ ngây và cũng nhiều mơ mộng.

Dừng chân trước Phủ Chủ Tịch, tôi bồi hồi nhớ lại năm xưa, nữ sinh trường tôi được vào thăm Bác Hồ, được Bác hỏi han chuyện học hành và cho quà. Ngày đó, gói quà Bác cho tôi đã để dành, đem về chia cho các bạn từng chiếc kẹo... Ngước nhìn lên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kính cẩn trước vong linh Bác - nhớ về những ngày lễ tang Bác, chúng tôi đã khóc như mưa trong dòng người đến tiễn biệt Bác tại quảng trường Ba Đình lịch sử.

Tìm về những nét xưa của Hà Nội, chung tôi đã đến nhiều chốn cũ. Đây vườn hoa Con Cóc, thời học sinh sau giờ tan trường chúng tôi lại tụ tập đùa vui, nghịch nước. Đây Ô Quan Chưởng, những ngày theo mẹ đi mua con giống, đèn ông sao ở Hàng Mã mỗi dịp đón Trung Thu. Đây chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, đền quán thánh, nơi vào ngày rằm, mồng một tôi được theo bà ngoại đi lễ.

Ngày lịch sử 10 - 10 - 1954 thủ đô Hà Nội được giải phóng. Khi đó tôi là một nữ sinh tuổi 15 náo nức mang cờ hoa đi đón các anh bộ đội từ chiến khu trở về Thủ đô. Đường phố rợp trời cờ đỏ sao vàng. Tiếng hoan hô, hò reo, ca hát như muốn vỡ trong lồng ngực, vang động khắp các ngả đường mừng đón các anh bộ đội về tiếp quản thủ đô.

Đây cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử còn ghi lại hình ảnh những người lính Pháp cuối cùng phải lặng lẽ rút khỏi Hà Nội và cầu Long Biên hiên ngang đón chào bước chân các anh bộ đội cụ Hồ hùng dũng tiến vào Hà Nội thân yêu - một Hà Nội của ngày đầu giải phóng với niềm hân hoan vô hạn.

Đây Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân... ngày nay ngồn ngộn hàng hóa, đông đúc người qua lại, bán mua nhộn nhịp khác thường. Vậy mà trong tôi vẫn hiện hữu đâu đây tiếng leng keng của xe điện từ Bờ Hồ đưa tôi cùng bao người buôn thúng gánh gồng lên Đồng Xuân thời xa nhớ đó.

Mỗi cảnh quan, mỗi đường phố của Hà Nội hôm nay với tôi vừa lạ, vừa quen. Niềm tự hào và lòng hoài niệm cứ đan xen trong tôi. Nhưng tất cả, và mãi mãi Hà Nội vẫn luôn trong trái tim tôi!

"Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình..."

Người con xa quê về thăm lại Hà Nội

Tác giả: Nguyễn Vũ Nga
http://tuanvietnam.net

Các tin đã đăng:
Về đầu trang