Sách là một tác phẩm vừa mang tính chất giáo khoa, cung cấp
cho người cư sĩ nội dung và những nguyên tắc cơ bản về giới dành cho
người cư sĩ. Đây là những điểm cốt lõi mà người cư phải nắm để thọ và
hành trì những giới dành riêng cho mình.
Sách là một tác phẩm mang tính chất nghiên cứu, mở rộng, cung cấp cho
người đọc những lời bình luận, phân tích sâu sắc về ý nghĩa của sự thọ
giới, sự cần thiết và tác động của các giới Bồ tát Du già dành cho người
cư sĩ.
Sách là một tư liệu giá trị, với những chú thích khá chi tiết về đầy đủ
về Phạn Văn, những dẫn chứng công phu xuất xứ tài liệu. Đặc biệt, sách
có phần phụ lục văn bản Phạn Văn và Hán Văn cung cấp cho người đọc
nghiên cứu những thông tin tham khảo, đối chiếu cần thiết.
Tuy nhiên, một phần nội dung sách vẫn mang tính phổ cập, thích hợp với
mọi trình độ, diễn đạt với phong cách sáng rõ, gần gũi, quen thuộc ở
thầy Tuệ Sỹ. Có thể lấy ví dụ ngay ở phần mở đầu, khi việc nghiên cứu đi
từ việc tìm hiểu hạnh nguyện, sự tu tập và kết quả của những vị Bồ tát
tại gia thời Đức Phật.
Đó là các tấm gương cụ thể để người cư sĩ hướng theo, vừa là mục đích để người cư sĩ đạt đến như thế.
Từ Kinh điển, sách đi vào phân tích chi tiết hành trạng các vị Bồ tát
tại gia thời Đức Phật, Úc già Trưởng giả, Thú trưởng giả, Thiện sinh,
Duy Ma Cật, Thắng man phu nhân, Thiếu niên Thiện tài. Sách giới thiệu
cho người tu tập “Những nhân cách lý tưởng”, như tên gọi của một chương
của quyển sách.
Trong quá trình tìm hiểu những tấm gương tu tập hình mẫu, tác giả cũng đã đưa ra những lời bình luận sắc sảo, đa diện:
“Người tại gia hoàn thiện năm giới, đó là hoàn thiện đạo đức cá
nhân. Nhưng không phải vì vậy mà có thể nói “Hạnh phúc thay, ta sống
không trộm cắp giữa những người trộm cắp!” Thái độ độc thiện kỳ
thân có khi được tán dường mà cũng nhiều khi bị chỉ trích. Vì nó ích
kỷ. Đạo đức vị kỷ, không phải là phẩm chất đạo đức chân thật.
Người tại gia còn phải có những quan hệ thân tộc và xã hội y trên đạo lý
lợi hành và đồng sự. Vậy thì, trên cơ sở đạo lý bốn nhiếp sự, nhân cách
lý tưởng là việc sống hoàn thiện đạo đức cho chính mình, đồng thời cho
người khác”.
Vì vậy, ngoài những giá trị như một quyển sách giáo khoa, một công trình
nghiên cứu, một bộ sưu tập tư liệu như đã nói ở trên, quyển sách, còn
có thể coi, có giá trị là một cẩm nang về kỹ năng sống cho người Phật tử
tại gia, mang tính tích cực, nhập thế.
Sách đưa ra một cái khung về giới, một cái nền về tư tưởng của giới, để
trong đó và trên đó, người Phật tử tại gia thiết kế đời sống xã hội và
đời sống tu tập của mình.
Đối với người chưa thể thọ Bồ tát giới với sự bảo đảm thực hiện nghiệm
cẩn những giới cấm quan trọng đó, quyển sách có thể là những gợi ý,
những định hướng sống, để người cư sĩ đặt quỹ đạo sống của mình nhắm vào
một nhân cách lý tưởng, để ngày một tiến gần với những phẩm chất của
người tu giới trọn vẹn.
Còn đối với người đã phát nguyện giữ giới, thì người cư sĩ Bồ tát giới
sẽ hiểu rõ hơn về cơ chế và mục đích các giới cấm mình đang hành trì.
Điều đó, tạo một cơ sở vững chắc và trí tuệ cho sự hoàn thiện nhân cách.
Lĩnh hội nội dung mà quyển sách chuyển tải, người cư sĩ thọ giới tinh
tấn hơn trong ý thức trí tuệ, sáng suốt hơn trong hành động tu tập.
Sách dày 380 trang trong đó có nội dung tiếng Việt 284 trang, còn lại là các phụ lục văn bản.
Sách ấn tống, đóng bìa cứng với bìa bao giấy trình bày trang nhã, tương xứng với giá trị nội dung quyển sách.
Sách do Nhà xuất bản Phương Đông xuất
bản, ấn hành vào tháng 5/2010. Bạn đọc có thể tìm sách tại Thư Quán
Hương Tích, 308/12 Nguyễn Thượng Hiền, Quận Phú Nhuận, TPHCM, ĐT: (08)
35500339, theo thông tin in trên bìa sách. |
Nguon: http://www.phattuvietnam.net/8/39/12561.html